Nhận biết Mẹ – Bài ca chứng nghiệm tri kiến

Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, India – Sau khi Zopa Rinpoche ở Kathmandu thực hiện nghi lễ cung nghinh Ngài trực tuyến vào sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thông báo rằng Rinpoche đã thỉnh cầu Ngài giảng về ‘Nhận biết Mẹ – Bài Ca Chứng Nghiệm Tri Kiến’ và Ngài đã hoan hỷ hứa khả thực hiện điều đó.

“Trước hết, tri kiến được đề cập ở đây là về lý Duyên Khởi. Tôi thường đề cập rằng trong khi tri kiến của chúng ta là về Duyên khởi, hành trạng của chúng ta là không được làm tổn hại người khác. Cả hai ý tưởng này đều có liên quan đến nền hòa bình trên thế giới. Về tính xác thực của lời dạy của Đức Phật, ngay sau khi thành Đạo, Đức Phật được cho là đã suy tư:

“Giáo Pháp tựa Cam lồ – ta đã khám phá ra
Thâm thúy, an lành, vô tự tính, sáng rỡ chẳng tạp pha –
Nếu ta truyền dạy, người đời không hiểu được,
Nên tại rừng này ta im lặng – chẳng nói ra”.

“Chúng ta có thể hiểu các từ ngữ, ‘thâm thuý và an bình’ đề cập đến lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên của Đức Phật, trong đó Ngài đã tiết lộ và giảng dạy về Tứ Thánh Đế. “Vô tự tính” có thể được xem như ám chỉ về tính Không và Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật mà Ngài đã giảng dạy trong lần Chuyển Pháp Luân thứ hai; “sáng rỡ, chẳng tạp pha” liên quan đến nội dung của lần Chuyển Pháp Luân thứ ba, đặc biệt là Phật Tính và Kinh Như Lai Tạng.

“Trong lần Chuyển pháp Luân đầu tiên của mình, Đức Phật đã đề cập đến Khổ Đế (sự đau khổ thật sự), Tập Đế (nguồn gốc thật sự của đau khổ), Diệt Đế (sự chấm dứt thật sự của đau khổ) và Đạo Đế (con đường chân chính để tu tập đoạn trừ đau khổ). Về bản chất thuộc tính của chúng, Ngài tuyên bố rằng sự đau khổ cần phải được nhận biết, nguồn gốc của đau khổ cần phải được đoạn trừ; sự chấm dứt đau khổ cần phải được thực hiện bằng cách tu tập qua con đường chân chánh. Nguồn gốc của đau khổ cần phải đoạn trừ đó là nghiệp và phiền não của tâm thức. Để khám phá ra rằng liệu có thể đạt được sự chấm dứt thực sự hay không, chúng ta cần phải khảo sát xem liệu đau khổ có thể được khắc phục hay không”.

Về mối liên hệ này, Ngài đã trích dẫn một bài Kệ ở cuối chương thứ sáu của ‘Nhập Trung Quán Luận’:

“Như thế, được chiếu soi bằng ánh dương của tuệ giác;
Bồ tát thấy rõ như quả amla trong lòng bàn tay mở toạc;
Rằng ba cõi vốn dĩ vô sinh kể từ khoảnh khắc đầu tiên;
Và thông qua năng lực Tục Đế – Vị ấy tiến về nơi đoạn diệt”.
 6.224

Sau đó, Ngài thêm một bài Kệ từ ‘Tứ Bách Cú’ của Ngài Thánh Thiên:

“Khi xúc giác khắp lan tràn cơ thể
Thì xáo trộn hiện hành, khiến não phiền
Khéo chế ngự vô minh này, bạn sẽ
Khắc phục não phiền, định tĩnh an nhiên”.

Ngài nhận xét rằng sự vô minh có thể được khắc phục bằng cách hiểu được Lý Duyên Khởi. Ngài Nguyệt Xứng đã ám chỉ thêm đến Bồ Tát:

“Dù tâm Ngài có thể an trú triền miên trong cảnh giới tịch diệt;
Ngài vẫn khởi Bi Tâm đối với chúng sinh không được chở che;
Tiến xa hơn nữa – nhờ vào tuệ giác – Ngài đã vượt trội hơn
Tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác và bậc trung trong chư Phật”.
 6.225

Ở phần mở đầu của ‘Nhập Trung Quán Luận’, Ngài Nguyệt Xứng đã tán thán lòng từ bi và Bồ Đề Tâm:

“Chư Vị Thanh Văn và Duyên Giác
Phát sinh từ Chư Phật Đại Hùng
Chư Phật sinh ra từ Bồ Tát
Và chư Bồ Tát sinh từ nhân
Của Bồ Đề Tâm kết hợp với
Tâm thức từ bi và trí tuệ
Liễu ngộ được nguyên lý Bất Phân”.
 1.1

“Như duy chỉ Tâm Từ được chấp nhận
Là hạt giống của Phật Quả viên dung,
Nhờ vào nước tưới tẩm và nuôi dưỡng,
Mà quả lành – nguồn tận hưởng dài lâu.
Thế nên tôi xin ngợi khen xưng tán
Tâm Từ Bi ngay khoảnh khắc ban đầu!”
 1.2

Ngài nói rõ rằng sự giác ngộ có được là nhờ vào sự kết hợp của lòng từ bi và trí tuệ. Bằng cách sử dụng cả hai yếu tố này mà tất cả những phiền não tinh thần – phiền não chướng và sở tri chướng – đều được đoạn trừ. Ngài Nguyệt Xứng đã đề cập đến điều này ở cuối chương thứ sáu của cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’:

“Như Chúa Tể loài Thiên Nga luôn bay trước đầu đàn
Với đôi cánh của Chân Đế và Tục Đế rộng dang.
Được thúc đẩy bởi sức mạnh của cơn gió đại hùng Giới Đức,
Vượt đến bờ bên kia, đạt được phẩm chất đại dương của Chiến thắng Huy hoàng”. 
6.226

Ngài đã trích dẫn ba bài Kệ chính (6.34, 6.35, 6.36), trong đó Ngài Nguyệt Xứng đã phác thảo bốn kiểu ngụy biện trong lập luận sẽ xảy ra nếu các pháp có sự tồn tại khách quan; nếu chúng có một cốt lõi thiết yếu trong và của chính nó. Ngụy biện cho rằng sự thiền định miên mật của một bậc Thánh về tính không sẽ là kẻ hủy diệt của các pháp hiện tượng; rằng sẽ là sai lầm nếu dạy rằng các pháp không có sự tồn tại tối hậu; rằng sự tồn tại thông thường của các pháp sẽ có thể đối chất được sự phân tích tối hậu về bản chất của các pháp; và không thể khẳng định được rằng các pháp là rỗng không ở trong và của chính nó.

Ngài xem ba bài Kệ này có năng lực rất lớn. Ngài lặp lại những bài Kệ này cho chính mình và thường xuyên suy ngẫm về ý nghĩa của chúng. Khi đề cập đến bản chất của “ngã”, một bài kệ khác mà Ngài dựa vào, có thể được tìm thấy trong ‘Trí tuệ Căn bản Trung Quán Luận’ của Ngài Long Thọ:

“Không phải là các uẩn
Cũng không khác các uẩn
Các uẩn không trong Ngài,
Ngài không trong các uẩn,
Đức Như Lai vốn dĩ
Không sở hữu các uẩn
Vậy Như Lai là ai?” 
22.1

Ngài nói rằng Ngài thường hay lặp lại điều này để áp dụng cho bản thân mình và suy ngẫm về nó cho phù hợp với trường hợp của mình:

“Tôi không là các uẩn
Cũng không khác các uẩn
Các uẩn không trong tôi,
Tôi không trong các uẩn,
Tôi thật sự vốn dĩ
Không sở hữu các uẩn
Như vậy tôi là ai?”

“Khi quý vị cố gắng xác định mình là ai theo cách này và không tìm thấy bất cứ điều gì là “tôi”, quý vị có thể kết luận rằng “tôi” chỉ là một sự gán danh. Tính Không chỉ là sự phủ định của một cái “tôi” tuyệt đối”.

Ngài đã đề cập đến tầm quan trọng trong việc phát triển sự hiểu biết về quan điểm Trung Quán, của việc lắng nghe một bậc Thầy có Đạo Hạnh và suy ngẫm lại những điều mà họ đã dạy. Ngài cũng đề cập đến các bản văn gốc của Ấn Độ liên quan đến Trung Quán: ‘Trí tuệ Căn bản Trung quán Luận’ của Ngài Long Thọ, ‘Nhập Trung Quán Luận’Tự Luận về ‘Nhập Trung Quán Luận’ và ‘Minh Cú Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng, cũng như ‘Tứ Bách Kệ Tụng’ của Ngài Thánh Thiên.

Ngài tiếp tục: “Trong cuốn “Xưng tán Duyên khởi”của Je Tsongkhapa đã nói:

“Trở thành bậc xuất gia trên con đường của Đức Phật
Không giải đãi trong việc nghiên cứu giáo lý của Ngài
Và bằng cách thực hành Du già với quyết tâm vĩ đại
Tu sĩ này đã phụng sự truyền tải chân lý cao vời ấy!”

Tôi cảm thấy tôi cũng giống như thế. Tôi thọ giới Sa Di trước Tượng Jowo ở Lhasa và sau đó được thọ giới Tỳ Kheo từ vị Thầy của tôi – Ngài Ling Rinpoche.

“Tôi đã nghiên cứu Bát Nhã Ba La Mật và các bản văn của Je Rinpoche về Trung Quán: ‘Đại Dương Lý Luận’– một luận giải sâu rộng về ‘Trí tuệ Căn bản’ của Ngài Long Thọ; ‘Minh giải Tư tưởng’ – một luận giải sâu rộng về ‘Nhập Trung Quán Luận’; Phần Tuệ giác Đặc biệt của ‘Đại Luận về các Giai trình của Đạo Giác Ngộ’; Phần Tuệ giác Đặc biệt của ‘Trung Luận về các Giai trình của Đạo Giác Ngộ’ và ‘Tinh Hoa của Diệu Thuyết’ – một luận thuyết phân biệt ý nghĩa tạm thời và ý nghĩa xác quyết của kinh điển.

“Vì vậy, tôi hy vọng mình có thể đạt được một số kinh nghiệm về Diệt Đế. Đối với quan điểm về Trung Quán, tôi đã nhận được những lời giải thích về nó mà tôi đã hiểu, suy ngẫm và làm quen ngay cả trong những giấc mơ. Có thể tôi chưa đạt được trải nghiệm hoàn toàn trong thiền định, nhưng tôi đã có được một số kinh nghiệm. Những bản văn ‘Nhận biết Mẹ’ như thế này, nhắc nhở chúng ta về quan điểm đó. Một tác phẩm khác mà tôi thấy hữu ích là ‘Tranh luận giữa trí tuệ và vô minh’ của Panchen Lobsang Chögyan.

“Tôi đã nhận được lời giải thích về bản văn này từ Vị Thầy của tôi – Ling Rinpoche và từ Geshe Tenpa Tenzin của Tu viện Drepung.”

Ngài đọc nhanh các bài Kệ và thêm số bình luận vào vài chỗ. Ngài lưu ý rằng “Mẹ” ở đây ám chỉ cho “tính Không”. Vì mọi thứ không tồn tại theo cách mà sự vô minh hiểu sai lệch về chúng, đây là cơ hội để chúng ta hiểu về thực tế. Tính Nhị Nguyên xảy ra do chúng ta bám vào quan niệm sai lầm về sự tồn tại thực sự. “Cha”, ở đây, chỉ cho đối tượng được tìm hiểu điều tra nghiên cứu.

Ngài lưu ý rằng, bài Kệ thứ tám bao gồm một biểu hiện của sự khiêm tốn; và trong bài Kệ thứ chín Manjushrigarbha đề cập đến Ngài Tsongkhapa. Kyörpön Rinpoche tuyên bố rằng, nếu quý vị nghiên cứu năm luận thuyết của Ngài Tsongkhapa về Trung Quán, quý vị sẽ không bị đau khổ áp đảo. Ngài nói rõ rằng chúng ta cần phải tìm thấy tánh Không nơi bên trong chính mình. Một số học giả bị vướng vào thuật ngữ dường như phủ định một sinh vật có sừng, trong khi vẫn để nguyên mục tiêu với sự xuất hiện bề ngoài hàng ngày một cách rắn chắc (như thật có).

Các học giả khác gợi ý rằng các pháp phải có một vài sự tồn tại, nếu không thì sẽ không thể nói về nhận thức hợp lệ (lượng) và đối tượng của nó. Tuy nhiên, điều rõ ràng là các pháp tồn tại, nhưng không phải theo cách mà chúng xuất hiện. Ngài đã trích dẫn nhận xét của Je Rinpoche trong ‘Ba Nguyên lý của Đạo lộ’ rằng:

“Vẻ bề ngoài bác bỏ tính thường hằng
Và tính Không loại trừ sự thường đoạn”.

Bài Kệ 13 đề cập đến các trường phái tư tưởng Phật giáo từ Tỳ Bà Sa Luận Bộ cho đến Trung Quán Y Tự Khởi, những người không thể trình bày chính xác về lý Duyên khởi. Những bài Kệ tiếp theo đề cập đến những cách mà các truyền thống Phật giáo Tây Tạng khác nhau đã đề cập đến sự hợp nhất của tính sáng tỏ và tỉnh giác với tính không, không chỉ theo cách giải thích của Kinh thừa, mà còn theo cách giải thích của tâm quang minh mà các Mật điển đã giải thích. Điều này thể hiện sau khi ba linh kiến được tan hoà và tâm thức được sử dụng để nhận ra tính không. Các thuật ngữ khác nhau mà các truyền thống khác nhau sử dụng đều đề cập đến tâm thức vi tế nhất của tâm quang minh.

Ngài đã đọc những bài Kệ còn lại của “Bài Ca” và nói rằng Ngài đã ban giáo lý mà Ngài đã nhận được từ Ling Rinpoche. Trong ghi chú của mình, Ngài có những câu thơ từ ‘Cuộc tranh luận giữa vô minh và trí tuệ’ của Panchen Lobsang Chögyan và Ngài tiếp tục đọc những bài Kệ từ đó:

“Khi bạn ý thức về cái ‘tôi’ bằng sự quan sát các uẩn,
Và bạn có thể chắc chắn thông qua nhận thức hợp lệ rằng ‘tôi’,
Không thực sự được thiết lập như nó vốn là,
Mặc dù đó là cách mà nó xuất hiện đối với bạn,
Khi đó bạn có thể diệt trừ [quan niệm sai lầm về sự tồn tại thực sự], mà nếu không thì bạn không thể nào đoạn trừ được.

Khi bạn quan sát các uẩn và nghĩ rằng “Tôi là…”,
Và bạn có một phủ định không khẳng định – sự phủ định đơn thuần;
Của một cái [‘tôi’] thực sự được thiết lập – như một đối tượng được nhận biết [của nhận thức về vô ngã],
Không mất đi năng lực của [nhận thức này] và duy trì nó một cách rõ ràng mãnh liệt,
Bạn thoát khỏi sự phấn khích tâm linh, và diệt trừ được sự tồn tại khách quan của cái ‘tôi’ này.

Khi bạn đã quan sát về các uẩn, và đã có kinh nghiệm rằng “Tôi không tồn tại!”
Bạn trở nên có kỹ năng trong việc duy trì nhận thức về quan điểm này.
Nó đối trị lại ý tưởng cho rằng có một cái ‘tôi’ [cố định].
Bạn có thể loại bỏ được [cảm giác sai lầm về] cái ‘tôi’.
Tuy nhiên, [người có thể làm được điều đó] hiếm hoi như những ngôi sao vào ban ngày.”

Tiếp theo, Ngài nói rằng vì gần đến Tết Losar Tây Tạng, Ngài đã quyết định nhân cơ hội này sẽ thực hiện một buổi lễ phát Bồ Đề Tâm. Ngài gửi lời Chúc mừng Năm Mới đến với người dân Tây Tạng cho dù là họ đang ở đâu, và đến với những người Ladakh và người Mông Cổ. Ngài khuyên các thính giả nên kiểm tra tâm thức của mình và xem xét lại những gì mà mình đã đạt được trong năm vừa qua có liên quan đến việc học tập (văn), suy tư (tư) và thiền định (tu). Ngài khuyên họ nên quyết tâm làm hết sức mình trong năm tới.

Ngài nhận xét rằng Ngài có thể xem trực tuyến và trên truyền hình về những người Tây Tạng ở Tây Tạng vẫn hết lòng tôn kính Đức Quán Thế Âm như thế nào. Ngài cũng nhận thức được rằng niềm tin mà họ dành cho Ngài sẽ mang lại cho họ sự an lạc nội tâm. Một lần nữa, Ngài gửi đến họ lời cầu chúc Cát Tường Tashi Delek nhân dịp Năm Mới Losar.

Ngài nói: “Ngày nay, ngay cả các nhà khoa học cũng phát triển sự tôn trọng đối với những truyền thống mà chúng ta đã giữ gìn cho nó được sống còn. Quý vị đang sống ở Tây Tạng và chúng tôi đang sống lưu vong; chúng ta cần phải tiếp tục bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của mình. Trong các trường học của chúng ta trong điều kiện sống lưu vong, học sinh của chúng tôi cũng học hỏi về tâm thức và cách sử dụng lý luận. Các tu viện được tái lập của chúng tôi đã đào tạo hàng ngàn vị Tiến Sĩ Geshe. Một số trong quý vị có thể thấy rằng mình chịu sự cai trị của Trung Quốc, nhưng quý vị có thể suy tư rằng kiến thức mà chúng ta gìn giữ được là điều mà ta có thể chia sẻ với người dân Trung Quốc. Đây là điều tôi muốn nói với các quý vị về Năm Mới Losar”.

Sau đó, Ngài bắt đầu buổi lễ phát Bồ Đề Tâm, nhắc lại những điều mà Ngài Tịch Thiên đã đề cập về những phẩm chất phi thường của Bồ Đề Tâm:

“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui.” 
(8/131)

“Được cưỡi trên lưng con tuấn mã Bồ Đề Tâm
Điều đó xua tan mọi mệt mỏi chán phiền,
Ai biết đến Tâm này sẽ tiến từ hạnh phúc này đến niềm vui khác,
Làm sao có thể tuyệt vọng trong sự mỏi mệt triền miên?”
 30/7

Ngài kết thúc bằng cách nhắc lại rằng đây là món quà Năm Mới Losar của Ngài, đặc biệt là dành cho những người Tây Tạng đang ở Tây Tạng – những người mà tinh thần của họ vẫn không hề bị lay chuyển.

Khi trả lời các câu hỏi của khán giả trên khắp thế giới, Ngài đã làm rõ rằng, một trong những cam kết của Ngài là mang lại hòa bình cho thế giới và trong đó có sự khuyến khích hòa hợp giữa các tôn giáo. Một số người tin rằng tất cả con người đều là sự sáng tạo của Chúa – Đấng mà họ coi là tràn ngập tình yêu thương. Tuy nhiên, Ngài nói, thông điệp chính của tất cả các tôn giáo là giúp đỡ người khác. Ngay cả trong truyền thống Phật giáo cũng có những người đề xướng các quan điểm triết học khác nhau, nhưng thông điệp chính là đừng làm tổn hại, mà hãy giúp đỡ người khác ở bất cứ nơi nào bạn có thể.

Ngài khuyên rằng điều quan trọng đối với những người bị bệnh nặng hoặc sắp chết là được ở trong trạng thái yên bình chứ không phải là trạng thái tâm trí bị kích động. Vì vậy, những người chăm sóc cho họ hãy làm tốt để giữ cho họ được bình tĩnh. Nếu một người đau ốm mà có đức tin, thì tốt nhất là bạn nên nhắc nhở họ về đức tin ấy.

Ngài bày tỏ sự cảm thông đối với những người không thể có được kiểu tương tác xã hội như trước đây vì đại dịch Covid. Ngài gợi ý rằng những hạn chế của xã hội đã tạo cơ hội để ta có thể đọc sách và nghiên cứu, Ngài chỉ ra rằng những hành giả tâm linh có thể tiến hành sự hành pháp của mình trong sự tịch tịnh.

Khi được hỏi làm thế nào để điều hòa sự giác ngộ tức thời (đốn ngộ) với một cách tiếp cận dần dần (tiệm tiến), Ngài giải thích rằng, những người thực hành Đại Thủ Ấn và Đại Viên Mãn không tập trung vào các đối tượng bên ngoài nhiều như tập trung vào tính Không của tâm thức họ. Đại Viên Mãn đề cập đến ‘giác tính’ – sự tỉnh giác nguyên sơ và hành giả tìm cách duy trì sự tỉnh giác đó, không bị ảnh hưởng bởi những quan niệm sai lầm về sự tồn tại cố hữu. Bản chất quang minh của tâm thức, sự sáng suốt và tỉnh giác của tâm và tâm quang minh hiển hiện sau khi ba thị kiến tan hoà, tất cả đều liên quan với tính không của tâm thức.

‘Ngọn Đèn cho năm giai đoạn’ nói rằng sau khi các thành phần tan biến, tâm quang minh hiển lộ. Những tư tưởng rời rạc được rút lại. Tám mươi quan niệm và năng lượng của khí được rút về. Mọi quan niệm đều tan biến. Tiến trình này giống nhau trong tất cả các truyền thống: Gelug, Sakya, Nyingma và Kagyu.

Ngài nói với một người hỏi khác rằng, chúng ta có ý thức về “ngã” bởi vì ta nói về thân thể của tôi, lời nói của tôi; nhưng nếu chúng ta tự hỏi chính mình rằng những tính năng mà cái ‘tôi’ này thuộc về – thì ở đâu, và chúng ta sẽ hiểu rằng ‘tôi’ chỉ là một sự gán danh mà thôi. Nó không tồn tại như cách mà nó xuất hiện. Không phải là nó hoàn toàn không tồn tại gì cả, mà là nó không có sự tồn tại một cách cố hữu từ phía của chính nó.

Ngài thừa nhận sự phân cực có thể thấy ở nhiều nơi; và cho rằng đó là do thói quen ta nhìn người khác theo kiểu ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’. Trẻ em không có sự phân biệt như vậy. Chúng chỉ học cách nhận ra sự khác biệt giữa những người bạn đồng hành của mình khi chúng đến tuổi đến trường. Ngài nhấn mạnh rằng mọi người đều bình đẳng trong việc mong muốn hạnh phúc và xa lánh khổ đau. Ngài chỉ ra rằng, vì nền kinh tế toàn cầu không có ranh giới; và kể từ khi cuộc khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, chúng ta cần phải tính đến toàn bộ nhân loại. Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tinh thần của Liên minh Châu Âu, những thành viên đã quyết định làm việc vì lợi ích của cả liên minh và bỏ qua những thù hận trong quá khứ.

Ngài làm rõ rằng, sự hiểu biết về sự vô thường vi tế, sự nhận biết rằng mọi thứ thay đổi trong từng sát na, sẽ giúp ta đối trị với ý thức mà chúng ta có thể có về một bản ngã vĩnh hằng, Ngài tuyên bố rằng đó không phải là cơ sở đủ để ta có thể nhận ra tính không.

Zopa Rinpoche – phát biểu bằng tiếng Tây Tạng – thay mặt cho Tổ chức Bảo tồn Truyền thống Đại thừa FPMT – bày tỏ lòng tri ân đối với Ngài về sự giảng dạy của Ngài hôm nay và trong nhiều năm qua. Rinpoche đã thực hiện một nghi lễ hồi hướng và cúng dường một mạn đà la.

Ngài đã đáp lại rằng “Zopa Rinpoche và tôi đã biết nhau từ lâu. Chúng tôi là những người bạn đáng tin cậy của nhau. Rinpoche và thầy của Rinpoche là Lama Thubten Yeshe đã thành lập nhiều trung tâm trên khắp thế giới để giúp đỡ những người khác. Rinpoche đã làm hết sức mình, xin cảm ơn Rinpoche. Xin hãy kiên định và tiếp tục nỗ lực. Những gì mà Rinpoche đã đạt được không thể bị bỏ lơ là. Xin cảm ơn quý vị và cầu chúc cát tường Tashi Delek”.

Đức Dalai Lama 14

Trích: Từ buổi giảng Pháp trực tuyến của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về “Nhận biết Mẹ – Bài Ca Chứng Nghiệm Tri Kiến” từ Dinh thự của Ngài ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 8 tháng 2, 2021.

Nguồn: Nhận biết Mẹ - Bài Ca Chứng Nghiệm Tri Kiến

Comments are closed.