Chúng tôi gọi Ngài là Kundun

Những người dân xứ Tây Tạng, giống như tôi, thương mến gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma là "Kundun", có nghĩa là Sự Hiện Diện. Tuy nhiên, mỗi học giả lại diễn dịch chữ "Kundun" theo ý riêng của họ. Tôi không phải là học giả, dù cho tôi có tưởng tượng nhiều đến đâu chăng nữa, nhưng đối với riêng tôi, "Kundun" có nghĩa là Niềm Hân Hoan...

Chúng tôi gọi Ngài là Kundun

Mỗi ngày, khi bạn thức giấc, hãy nghĩ rằng
Hôm nay tôi may mắn vì tôi còn thức dậy
Vì tôi còn sống
Vì tôi có một đời người quý báu
Thế nên, tôi sẽ không để lãng phí
Và tôi sẽ sử dụng tất cả năng lượng của tôi
Để phát triển bản thân
Và rộng mở trái tim mình đến những người khác.

~ Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tôi cầm lấy tấm hình chân dung của ngài lên, rồi tôi ngồi xuống, và tôi đã chuyện trò, rồi phàn nàn với tấm hình không sống động của Kundun về biết bao nhiêu câu chuyện. Lúc đó, tôi chỉ mới mười tuổi. Ở vào lứa tuổi dễ nhạy cảm, tôi cảm thấy trong tận cùng trái tim tôi, Kundun đã lắng nghe tôi nói.

Khi bạn bè và người thân, hỏi tôi về những ước mong của tôi, tôi thường đứng dậy và nói: "Tôi muốn trở thành người Thư Ký Của Kundun".

Những người dân xứ Tây Tạng, giống như tôi, thương mến gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma là "Kundun", có nghĩa là Sự Hiện Diện. Tuy nhiên, mỗi học giả lại diễn dịch chữ "Kundun" theo ý riêng của họ. Tôi không phải là học giả, dù cho tôi có tưởng tượng nhiều đến đâu chăng nữa, nhưng đối với riêng tôi, "Kundun" có nghĩa là Niềm Hân Hoan.

Hàng triệu người Tây Tạng tôn kính ngài là hiện thân của Đức Phật Từ Bi, là Bồ Tát Quán Thế Âm. Người Tây Tạng tổ chức lễ chào mừng sinh nhật Đức Đạt Lai Lạt Ma với nhiều màu sắc rực rỡ, giống y hệt như lễ chúc mừng năm mới.

Tôi thường chạy đuổi theo anh em của tôi, vui chơi trên những ngọn đồi nhỏ, nơi mà tất cả dân làng tụ họp lại chuẩn bị cho các lễ hội lớn. Chúng tôi thường mang theo một nắm gạo lớn, bột bắp ngô, hương nhang để cúng, trà đen và Katha (khăn san của người Tây Tạng, được tin tưởng như là có sự tốt lành) để cúng dường, và cầu nguyện cho Kundun được sống dài lâu.

Nhưng bất chấp tất cả điều này, Kundun mạnh mẽ nói rằng: "Tôi chỉ là một nhà sư đơn giản".

Giống như bao đứa trẻ khác, tôi đã đủ tò mò để quấy rối bố tôi, với vô số câu hỏi làm bố khó trả lời.

Một lần kia, bố tôi đang ngồi giữa những bức chân dung của nhiều vị Phật khác nhau, trong phòng cầu nguyện.

"Bố ơi, tại sao Kundun nói rằng ngài là một nhà sư Phật giáo đơn giản? Chúng ta đều biết rằng ngài là một vị Phật sống!"

Bố tôi đeo kính, đang chú tâm cầu nguyện, và quay sang tôi, rồi bố ngừng lại một phút.

Bố tôi trả lời một cách thận trọng, giọng nói của bố tựa như dòng sông chảy, khi thì nhịp nhàng, khi thì mạnh mẽ, lên xuống, như dòng nước phải khéo léo, lèo lái qua những tảng đá, bố nói: "Dola, dù là một người có nhiều từ bi và trí tuệ như Kundun, nhưng ngài luôn luôn khiêm tốn, và Kundun không muốn mọi người tin rằng ngài là Đức Phật tối cao. Thế nên, sự so sánh dừng lại ngay sau đó và ở đó.

Tôi nhún vai, cười vì chẳng hiểu gì cả, rồi tôi chạy đi chơi với bạn bè của tôi.

Bây giờ, thì tôi đã hiểu những gì bố tôi nói vào thời điểm đó.

Kundun chưa bao giờ thừa nhận mình là Đức Phật, hoặc là vị thiện thần như hằng triệu người đã gọi ngài.

Trong tất cả những cuộc phỏng vấn Kundun, ngài cười, tiếng cười của ngài có dấu ấn rất riêng biệt, ngay vào lúc một câu hỏi thường được đặt ra là: "Kundun, ngài có phải là vị thiện thần không?"

Trong khi tôi luôn xem ngài là một vị thiện thần, nhưng tôi chỉ hiểu ra Kundun đã và còn là trung tâm của cuộc sống chúng tôi, khá muộn.

Tôi lớn lên trong một khu định cư của chín làng gần Bangalore. Có bốn trường học Kendriya Vidyalaya, được điều khiển bởi Ban Quản lý Trung Ương Các Trường Học Tây Tạng với sự giúp đỡ của chính phủ Ấn Độ. Hầu như tất cả học sinh là người Tây Tạng. Điều này, làm tôi luôn luôn cảm thấy rằng, tôi đang ở Tây Tạng, học trong trường Tây Tạng, cùng chung với bạn bè Tây Tạng của tôi.

Tôi đã nằm trong cái kén nhỏ Tây Tạng của riêng tôi, cho đến ngày trường học bảo vệ tôi đến hồi kết thúc. Tôi chưa bao giờ thấy cần phải nhấn mạnh về nguồn gốc của tôi, cho đến ngày ấy.

Ngày ấy là năm đầu tiên tôi vào đại học, một cô bạn học Ấn Độ tò mò hỏi tôi: "Bạn là người của quốc gia nào? Chắc không phải là người Trung Hoa, chắc là người Nhật Bản... có đúng không?"

Tôi liền cắt đứt sự dự đoán tiếp tục của cô, rồi tôi tự hào nói rằng: "Tôi đến từ Tây Tạng".

Cô tiếp tục hỏi tôi: "Thế thì, Tây Tạng ở đâu?"

Đây là câu hỏi thường được đặt ra, câu hỏi mà tôi đã phải đối mặt kể từ thời thơ ấu, khi tôi đi du lịch đến những vùng khác.

Nhưng bây giờ tôi đã biết rằng làm một người Tây Tạng, là làm một cuộc cách mạng thầm lặng, là một trận chiến không ngừng nghỉ, để giải quyết và giải thích sự khó khăn về nguồn gốc của tôi.

Và, Kundun là người đã giải quyết dùm cho chúng tôi.

Kundun đoạt giải Nobel Hòa bình vào ngày 10 tháng 12 năm 1989, và một số giải thưởng danh dự khác theo sau đó.

Ngài nổi tiếng như là một nhân vật quốc tế, vận động cho hòa bình thế giới, sự nổi tiếng này đã có đà tăng trưởng trong giai đoạn hiện tại, nhiều hơn là trong quá khứ.

"Tôi là người đến từ Tây Tạng. Bạn có biết... Đức Đạt Lai Lạt Ma?"

Những người chưa quen biết, mà tôi gặp trên xe buýt, hoặc trên tàu hỏa, hoặc trong các thư viện, lúc bấy giờ trả lời tôi bằng cái gật đầu, cùng với sự hiểu biết thông thạo về ngài. Đôi khi, họ biết nhiều về Tây Tạng và những trở ngại chủ yếu của nước tôi. Một lần nữa, cũng lại nhờ Kundun.

Trong suốt cuộc đấu tranh của ngài để xoa dịu chính phủ Trung Quốc, và xoay họ nhìn về chính sách trung đạo của ngài, quan điểm của Kundun về một Nước Tây Tạng Tự Trị và một nền hòa bình cho thế giới đã chiếm được hàng triệu con tim của mọi người.

Điều nầy là sự thật, và đã bị lạm dụng, vì đã bị nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đến nỗi khi nghe, chẳng ai còn thấy hấp dẫn nữa. Nhưng nhiều năm sau đó, tôi đã thưởng thức trọn vẹn sự nổi tiếng của ngài.

Người ta tin là chính phủ Trung Quốc đang mong chờ ngài thở hơi cuối cùng, để những vấn đề liên hệ đến Tây Tạng cùng chết theo ngài. Nhưng, những định kiến cho rằng những vấn đề của dân Tây Tạng cũng chính là những vấn đề của Đức Đạt Lai Lạt Ma là một sự gượng ép bi thảm.

Là một người Tây Tạng, tôi học lịch sử của nước tôi ở trường học, và tôi được nghe kể trực tiếp, về những câu chuyện xảy ra do những người trốn thoát được, khi họ ra khỏi Tây Tạng rồi sống tha hương ở xứ người. Bố mẹ của tôi đã kể với tôi rằng bà của tôi là một trong số hàng nghìn người Tây Tạng thiệt mạng, vì khi họ chạy trốn, họ phải vượt qua những dãy núi lạnh giá để đến Ấn Độ. Vào lúc đó, mẹ tôi chưa đầy năm tuổi.

Kundun đã gặp Jawaharlal Nehru, người mà sau đó trở thành Thủ tướng của Ấn Độ, để đảm bảo sự an toàn và sự an ninh cho hàng chục ngàn người dân của mình.

Ưu tiên hàng đầu của ngài là cung cấp giáo dục cho trẻ em Tây Tạng khi họ tới Ấn Độ. Hiện nay có 85 trường Kendriya Vidyalaya Tây Tạng trên khắp nước Ấn Độ và Nepal. Kundun nói rằng chúng ta cần phải biết nhận thức về nguồn gốc của dân tộc chúng ta.

Chỉ cần nhìn thấy sự hiện diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma, là mắt tôi đẫm lệ. Có lẽ, đó chính là nguồn hào quang thiêng liêng, từ trên trời chiếu xuống, mà ánh sáng này chẳng lúc nào suy giảm, chung quanh người ngài. Cũng giống như nhiều người Tây Tạng khác, tôi có niềm tin tưởng bất diệt vào ngài.

Tuy nhiên, tôi đang chuẩn bị tinh thần, để làm cho mình thêm mạnh mẽ mỗi ngày, để có thể chịu đựng được tin tức bi thảm, mà tất cả mọi người dân Tây Tạng luôn hãi sợ. Bởi vì, Kundun của chúng tôi, đang già đi.

Ngài đã là người hướng dẫn tôi. Ngài đã giúp tôi nhận ra, rồi tiếp tục nhắc nhở tôi rằng, làm một người tốt lành, là chuyện đầu tiên và cũng là chuyện quan trọng nhất, trước khi làm bất cứ điều gì khác.

Tâm của ngài luôn sống mãi trong nơi cao quý nhất của quả tim tôi, nơi mà tôi thường vào cầu nguyện, và tôi sẽ luôn gọi ngài là "Kundun" với vô cùng thương yêu, cùng với sự trung thành hết mực.

Tsering Dolma

Việt dịch: Nguyễn Văn Tiến

Nguồn: Chúng Tôi Gọi Ngài Là Kundun

Comments are closed.