Câu Chuyện Của Sư Ông Kyunga và Sư Tổ Chetsang Rinpoche

Đạo sư Kyunga Sodpa Gyatso (1911-1980) xuất thân từ vùng Kham và được xem là một đạo sư chứng ngộ. Ngài là một nhân vật với cá tính mạnh mẽ, không hề biết khuất phục, và nghiêm khắc chẳng khác nào đại đạo sư Marpa. Trong cuộc đời này, ngài đã trải qua ba mươi lăm năm ẩn tu. Ngài Kyunga trở thành vị thiền sư trưởng, có trách nhiệm hướng dẫn thiền tập tại tổ đình Drikung Thil, và sau đó, đức Shiwe Lodro [vị Tổ đời trước, tức đời thứ 36, của dòng truyền thừa Drikung Kagyu] đã gửi ngài đi lên núi Lapchi để giữ trách vụ dorzin - Kim Cang thượng thủ (1).

Ở tại trên núi ấy, trong suốt bảy năm, ngài đã hướng dẫn những khóa nhập thất tại Dudul Phug tức Động Hàng Ma ("Động Thất Nơi Quỷ Ma Được Nhiếp Phục"), là một trong bốn hang động chính yếu tại Lapchi. Sau khi thực hiện xong một số các cuộc hành hương, ngài đã lánh đến một  linh địa có rất nhiều liên hệ với đức Liên Hoa Sanh, và đã tu tập tại đó trong suốt mười lăm năm ròng. Về sau, ngài bỏ trốn khỏi Tây Tạng trước khi xảy ra cuộc toàn quốc nổi dậy tại kinh đô Lhasa và ngài đã làm việc lao động cùng với những người dân tỵ nạn Tây Tạng, xây cất đường xá ở xứ Sikkim. Một vị đạo sư thuộc dòng Karma Kagyu tên là Lama Sansang tình cờ đi ngang qua toán nhân công làm đường ấy và đã nhận ra được vị đạo sư khi xưa của ông ta, và qua đó mà vị dorzin – Kim Cang thượng thủ đã lại phải tái xuất hiện từ nhóm người vô danh tiểu tốt kia. Đại sư Togden Rinoche đã nghe nói về ngài Kyunga Sodpa Rinpoche từ một vị thầy khác tên là Druk Tuktse Rinpoche (1915-1983), và sau đó, đã tấn phong ngài Kyunga thành vị thiền sư trưởng, chủ đạo hướng dẫn thiền tập tại một tu viện ở gần Sharchukhul. Tại đó, ngài Kyunga hướng dẫn khoá nhập thất ba năm đầu tiên với chín thiền sinh, trong những điều kiện sinh sống cực kỳ hoang sơ. Ngài Drubwang Kyunga rất khiêm cung và suốt cả cuộc đời, đã chẳng hề đòi hỏi bất kỳ điều gì cả. Khi còn ở tại Drikung, ngài đã lập gia đình, và khi đến Ladakh, ngài sống cùng gia đình trong một căn lều, ngay cả trong những ngày tháng lạnh lẽo của mùa đông. Thật ra, ngài không hề có một chút vật sở hữu cá nhân nào cả, không có tiền để dành cũng không có lương thực dự trữ. Chẳng bao giờ ngài sử dụng tiền của cúng dường cho bản thân mình. Khi các thí chủ đem thức ăn đến cúng dường cho ngài, ngài trao lại cho chúng đệ tử và không hề giữ lại bất kỳ món nào cho mình.
Vào mùa thu năm 1978, khoá nhập thất 3 năm [tổ chức] lần thứ nhì đã bắt đầu tại tu viện Lamayuru dưới sự chỉ đạo của ngài Kyunga, và trong khóa nhập thất này thì có cả sự tham dự của Sư Tổ Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche. [Tổ Chetsang Rinpoche sinh năm 1946 nên khi ấy vào khoảng 32 tuổi]. Trước khi khoá nhập thất bắt đầu, đại sư Khenchen Konchog Gyaltshen đã ban cho Sư Tổ Chetsang những giáo huấn trong “Lá Thư Gửi Bạn của Long Thọ Bồ Tát” cùng những giáo huấn trong tập “Hạt Châu Giải Thoát” của đức Gampopa. Đây chính là tập sách mà đức Đạt Lai Lạt Ma đã ban tặng cho Sư Tổ Chetsang Rinpoche sau khi ngài trốn thoát khỏi Tây Tạng. Kế tiếp, ngài Kyunga cũng ban khẩu truyền và ban các giáo huấn trong hai tài liệu căn bản của truyền thống Drikung, đó là Gongchig (Động Lực Duy Nhất) và Tenying (Thegchen Tenpe Nyingpo) (2).  Gelek Rinpoche đã tháp tùng Sư Tổ Chetsang Rinpoche đến tận cái nơi mà ngài sẽ phải bắt đầu nhập thất ẩn tu. Khi nhìn thấy cái thất quá ư xác xơ, khiêm tốn mà Sư Tổ Chetsang Rinpoche sẽ phải lưu lại trong một số năm kế tiếp, ngài Gelek Rinpoche đã [động lòng] và muốn xin cho Tổ Chetsang Rinpoche được miễn thứ, khỏi phải trải qua toàn bộ cuộc nhập thất gắt gao đúng theo truyền thống. Gelek Rinpoche đã cố gắng điều đình với đạo sư Drubwang Kyunga, và đã thưa với đạo sư rằng, “Sư Tổ Chetsang là tái sanh của đức Shiwe Lodro, vị bổn sư gốc của ngài. Rinpoche không phải là một người phàm phu mà là một mahasiddha, một đại thành tựu giả đã quay trở lại hóa hiện trong cõi luân hồi. Rinpoche đã phải chịu đựng biết bao gian khổ trong một xứ sở Tây Tạng bị chiếm đóng! Xin ngài hãy cho phép Chetsang Rinpoche hạ bớt số lượng lễ lạy xuống, coi như là một sự cân nhắc đặc biệt, và xin hãy gấp rút ban truyền cho Chetsang Rinpoche toàn bộ những pháp môn hành trì của dòng truyền thừa!” Nhưng đạo sư Kyunga đã quyết liệt, một mực từ chối lời thỉnh cầu ấy. Chẳng những không dành cho Tổ Chetsang Rinpoche một ngoại lệ nào cả, mà ngược lại, đạo sư Khyunga đã lại trả lời rằng: “Ngài là hoá thân của Thánh Giả Shiwe Lodro, thế thì ngài bắt buộc phải thực hành nhiều hơn những người khác nữa, để chứng minh về những phẩm hạnh của ngài.” Sau khi quay trở về lại Dharamsala, Gelek Rinpoche đã rất nản lòng, và thưa lại với đức Đạt Lai Lạt Ma về cuộc đối thoại ấy. Đức Đạt Lai Lạt Ma tỏ ra cực kỳ hoan hỉ và đáp lại rằng: “Kyunga Rinpoche là một bậc guru (đạo sư) đích thực!” Đạo sư Kyunga đã nói với Sư Tổ Chetsang Rinpoche rằng Tổ cần mất bao lâu thời gian để lễ lạy cũng không quan trọng bằng việc ngài phải lễ rạp toàn thân [thay vì chỉ lạy trên hai đầu gối]. Đạo sư Kyunga giống như một ngọn núi không gì lay chuyển được, và ngược lại, Sư Tổ Chetsang Rinpoche cũng không hề muốn mình được ban cho bất kỳ đặc ân nào. [Ngang đây, tuy trong tập sách tiểu sử của ngài không nhắc đến, nhưng một huynh đệ đồng môn của Sư Tổ Chetsang Rinpoche, vị thiền sư trưởng - Lama Drupon Samten, đã có kể thêm một câu chuyện liên quan đến việc hành trì lễ lạy Ngondro của Sư Tổ Chetsang. Thầy Drupona Samten đã nhập thất ba năm cùng với Sư Tổ dưới sự hướng dẫn của đạo sư Khyunga, và thầy Drupon Samten đã kể lại rằng, Sư Ông Khyunga là một vị đạo sư vô cùng mẫu mực và khe khắt. Ngài không ban cho Sư Tổ Chetsang bất kỳ một ngoại lệ nào và nhất là không cho phép SưTổ quỳ trên hai đầu gối cúi lạy nửa người mà bắt ngài phải lạy rạp toàn thân xuống đất. Ngài Khyunga đã nói với Sư Tổ Chetsang Rinpoche rằng: “Ngài chính là hiện thân của đức Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm, và như thế thì thật ra, ngài chẳng còn cần phải lễ lạy để tích lũy công đức làm lợi lạc cho bản thân làm chi nữa. Nhưng bởi vì lợi lạc của toàn thể chúng sinh và của những nguời khác nên khi lễ lạy thì xin ngài hãy lạy rạp toàn thân!”](Ghi chú của Tâm Bảo Đàn)
Trong vòng bốn mươi ngày, Sư Tổ Chetsang Rinpoche đã hoàn tất hết 100 ngàn cái lạy [của pháp tu sơ khởi Ngondro] và mỗi đêm, ngài chỉ ngủ khoảng năm tiếng đồng hồ. Đôi khi ngài phải dừng lại nửa chừng khi ngài gặp phải vấn đề khí huyết không lưu thông, hoặc khi ngài nôn mửa [vì mệt mỏi quá độ]. Đầu gối của ngài đầy vết trầy sướt, và một đôi khi, trán của ngài cũng rướm máu, nhưng Chetsang Rinpoche đã không cảm thấy hài lòng, và ngài tiếp tục lạy thêm 200 ngàn cái lạy nữa. Căn thất của Tổ Chetsang Rinpoche nằm trên tầng cao nhất của tu viện, hệt như là một căn phòng [thô sơ] của người Spartan [thời cổ Hy Lạp]; nền nhà làm bằng đất nén, với một chiếc giường hẹp và một chiếc bàn thấp bé kiểu truyền thống dùng để làm bàn ngồi đọc sách. [Trong hoàn cảnh như thế ấy,] ngay cả nếu chỉ được ban cho một tấm chăn mỏng thôi thì các hành giả cũng vô cùng biết ơn. Có một vị tăng sĩ tên Konchog Sempa được chỉ định làm thị giả cho Sư Tổ Chetsang Rinpoche, và cho đến ngày hôm nay, vị ấy vẫn tiếp tục là một thị giả của ngài. Vị ấy trồng khoai tây và đem bán khoai tây cho quân đội Ấn để có thể hộ thất cho Sư Tổ trong thời gian ngài ẩn tu. Thực đơn của Tổ Chetsang trong suốt thời gian đó phần lớn chỉ bao gồm toàn khoai tây và củ cải.

Mùa đông lạnh như cắt vào những khi có những trận bão tuyết khổng lồ; tu viện bị cắt đứt khỏi toàn bộ thế giới bên ngoài, và thầy Konchog Sempa đã phải lết đi trong băng tuyết suốt ba giờ đồng hồ để đem về được một ít củi từ những người dân ở tại làng Kaltse. Những pháp môn hành trì sơ khởi [bao gồm một trăm ngàn lần lễ lạy, quy y, phát bồ đề tâm, tịnh hoá Kim Cang Tát Đoả, cúng dường mạn đà la và bổn sư du già] dẫn đến một khả năng tự chế tương đối tốt, giúp hành giả làm chủ được những khía cạnh thuộc về thân và khẩu. Ở đây, cái khó khăn hơn nữa là sau khi tâm đã trụ được trong định thì tâm ấy lại sẽ phải được thiết lập trở lại trong một hệ thống mật điển, bao gồm các pháp môn dựa trên năng lượng khí vi tế cùng với những phương pháp thiền định vô cùng phức tạp. Trong truyền thống tu tập Drikung, điều này có thể đạt được nương dựa vào các pháp môn có tên gọi là Sáu Pháp Du Già của Tổ Naropa và Con Đường Tu Năm Nhánh của Mahamudra-Đại Thủ Ấn. Sáu Pháp Du Già của Tổ Naropa gồm có: pháp khơi dậy nội hoả (tummo), trải nghiệm chính thân mình là thân huyễn ảo (gyulu), mộng du già (milam), chứng nghiệm trạng thái tịnh quang - ánh sáng trong suốt (ösel), trải nghiệm các giáo huấn thuộc thân trung ấm (bardo), và pháp chuyển di tâm thức (phowa). Đây là những pháp môn kết hợp tâm-thân phức tạp, để khơi dậy một sự chuyển hoá vi diệu trong tâm thức đi kèm với một tiến trình chuyển hoá của năng lượng vi tế. Riêng Mahamudra - Đại Thủ Ấn thì được xem như là một trong những giáo lý tối thượng của Kim Cang Thừa. Mục đích tối hậu là đạt được chứng nghiệm nội tâm về sự kết hợp toàn diện giữa tánh không rỗng rang (emptiness) và tánh thông suốt chiếu soi (clarity/luminuousity) [của bản tâm], bởi đấy chính là tinh tuý đích thực của tuệ giác nguyên sơ. Trong thiền định, tất cả mọi vọng tưởng đều được chuyển hoá để trở thành những phẩm tính rỗng rang, soi suốt, nhờ vào các phương pháp tu tập thiền chỉ (shamatha/calm-abiding), và sau đó, thì sẽ được chuyển sang những kinh nghiệm về một thực tại tối hậu, thoát khỏi mọi sự dụng công lao nhọc, dựa vào pháp môn thiền quán (vipassana/special insight). Kết quả đạt được sẽ là một sự giải thoát của tâm, siêu vượt tất cả những quy ước bình thường. Sơ Tổ Tilopa đã có nói trong những giáo huấn khẩu truyền về Mahamudra rằng, “Một cái tâm hoàn toàn thoát khỏi mọi điểm tựa [tâm vô sở trụ], đấy là Đại Thủ Ấn.” Qua đến năm thứ nhì của chương trình nhập thất của Sư Tổ Chetsang Rinpoche thì ngài Kyunga lìa đời. Đây là hậu quả muộn màng của những vết nội thương không được trị liệu mà ngài đã phải chịu đựng sau khi trải qua một tai nạn xe buýt một vài năm trước đó. Trước khi thị tịch, ngài sách tấn các đệ tử không được bỏ ngang việc nhập thất dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, và qua đến ngày hôm sau thì ngài gặp gỡ nói chuyện riêng với Tổ Chetsang. Bằng một giọng nói hết sức yếu ớt, đạo sư Khyunga đã lên tiếng nói với Sư Tổ Chetsang Rinpoche rằng, “Nếu ngài là hoá thân của đức Shiwe Lodro thì ta không bao giờ muốn xa lìa ngài. Ta đã khẩn nguyện về điều này. Ta đã chém ngang không gian bằng một thanh kiếm báu. Thanh kiếm ấy không tìm thấy bất kỳ một chướng ngại nào trong hư không, nó tự do tuyệt đối.” Và đạo sư Khyunga đã kết thúc buổi gặp riêng Sư Tổ Chetsang Rinpoche bằng những lời sau đây: “Trong quá khứ, ngài đã chẳng thể nào vượt thoát khỏi Tây Tạng, và ta đã lo lắng về ngài. Sau khi trốn thoát, ngài đã đi qua xứ Mỹ, và ta đã lo lắng về ngài. Giờ đây, ngài đang ở Ấn Độ, đang hoàn thiện việc học tập và công phu hành trì của mình, và ta không còn gì lo lắng về ngài nữa. Và như thế thì ta sẽ có thể lìa đời với một tâm thức yên bình. Vạn pháp đều vô thường. Ngài có trọng trách đối với dòng truyền thừa Drikung Kagyu. Đây là một trách vụ khó khăn: thật là điều tốt lành ngài đã nhận lãnh trọng trách ấy. Hãy quay trở về nhập thất đi.” Sau đó, Lama Sonam Jorphel đã thay thế đạo sư Khyunga trong tư cách vị thiền sư trưởng hướng dẫn nhập thất. Vào khoảng gần cuối chương trình nhập thất ba năm, Sư Tổ Chetsang Rinpoche đã có những giấc mơ cát tường. Trong một giấc mơ, ngài thấy mình đi hành hương cùng hai vị tăng sĩ để chiêm bái xá lợi Phật. Họ đến trước một khu nghĩa địa và một toà nhà lớn với một cái mái như mái chùa. Khi họ bước chân vào bên trong thì cảnh tượng thay đổi, và bất chợt, họ thấy mình đang đứng trước một căn nhà với một văn phòng làm việc. Họ không biết ngọc xá lợi đang được đặt tại đâu và họ hỏi thăm những người trong văn phòng làm sao có thể tìm được xá lợi Phật. Một người đàn ông lấy ra một quyển sổ liệt kê hàng hoá, lật lật tìm tìm trong quyển sổ dầy cộm ấy mà chẳng tìm thấy ra được gì. Cuối cùng, ông ta đứng lên đi tìm người khác để hỏi. Sư Tổ Chetsang Rinpoche bấy giờ nhận biết ra được rằng họ đang ở trong một nghĩa trang Hồi giáo. Có một người khác giơ tay ra chỉ vào một khoảng tối và nói rằng xá lợi nằm ở đấy. Chetsang Rinpoche thất vọng vô cùng bởi vì cái khoảng tối ấy chính là một cái chuồng bò. Ngài bảo hai vị tăng đi theo ngài hãy đến đào xới đống phân bò. Họ tìm thấy có một con chó cái Tây Tạng khổng lồ đang nằm bên hông chuồng bò, và Sư Tổ Chetsang có cái cảm nhận kỳ lạ rằng con chó ấy có thể là Mahakala hay là một vị hộ pháp nào đó. Ngài đã lên tiếng phàn nàn với những người Hồi giáo rằng thật không thể nào có thể cất giữ xá lợi Phật ở một nơi tồi tàn như thế, bởi vì ở trên toàn thể thế giới, có biết bao nhiêu người muốn chiêm bái ngọc xá lợi, và ngọc xá lợi cần được cất giữ ở một nơi tôn kính, trang nghiêm. Sau đó, ngài bước lên đứng trên một cái bục gỗ, quan sát hai vị tăng trong khi họ đào xới, và người đàn ông, khi nãy đã bỏ đi để hỏi thăm về nơi đích xác lưu trữ ngọc xá lợi, ông ta quay trở lại và giận dữ la lên với ngài rằng, “Ông đã biết xá lợi nằm ở đâu, tại sao ông lại còn hỏi tôi.” Sư Tổ Chetsang Rinpoche nhìn người đàn ông ấy với sự ngờ vực, và ông ta đã đáp lại rằng, “Xá lợi nằm ngay đằng sau lưng ông, ngay chỗ ông đang đứng đấy. Xoay người lại đi.” Đằng sau Sư Tổ là một tấm phên gỗ, trên đó có một khung cửa sổ kiểu Tây Tạng có giăng một tấm màn. Sư Tổ Chetsang Rinpoche có thể nhìn xuyên qua một khe hở nhỏ khít nhưng ngài chẳng thể nhận ra cái gì [phiá sau]. Ngài bèn vén toan cánh màn cửa sổ ra và ngay lập tức, một đám mây bụi phủ chụp lấy ngài, và một vật gì đó rớt trúng ngay trên đầu ngài. Ngài bắt lấy vật ấy và nhìn thấy ra đó chính là xá lợi Phật. Ngài nhìn thấy một mạn đà la màu đỏ, hình tròn, đẹp tuyệt vời, và vào ngay giây khắc đó, toàn thân ngài tràn ngập một suối nguồn hỉ lạc vô biên, cơ hồ như thân ngài đang được rót tràn, đầy ắp ngọc xá lợi. Khi cảm nhận ra được rằng mình đang được ban cho năng lực gia trì quá ư vi diệu, những giọt nước mắt đã thi nhau rơi trên đôi má của ngài. Sau đó ngài đã tỉnh dậy và vẫn còn cảm nhận được toàn thân như có kim châm; đấy chính là những phản ứng của thân vật lý đối trước năng lực gia trì. Khi ấy là vào buổi sớm mai, và không khí trong lành cũng đang thấm đẫm những bài ca sinh động của đàn chim trời. Sư Tổ Chetsang Rinpoche cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc và có ý nguyện muốn kể lại cho thầy Khenpo Togdrol nghe về giấc mơ ấy ngay lập tức. Nhưng những cảm xúc tột độ mà ngài đang trải qua đã tràn ngập lấn át ngài; ngài đã không thể cử động được mà cũng chẳng hề muốn cử động [không muốn đi tìm Khenpo Togdrol]. Ngài tiếp tục trôi vào giấc ngủ, và liền ngay sau đó, một giấc mơ khác lại lập tức hiện ra. Ngài thấy mình băng qua những cánh đồng rộng lớn trên dốc cao, rồi đi dần xuống một thung lũng cùng với một đoàn người đông đảo. Trên đường đi, ngài đã gặp một ông lão đang ngồi trên một thân cây rỗng ruột héo khô. Khi ngài đến gần ông lão ấy thì ngài lại nhận thấy ra đó chính là vị sư già tám mươi tuổi tên Lama Konchog ở tại tu viện Lamayuru. Vị sư già chào hỏi ngài rồi trao cho ngài một đồng tiền vàng. “Cái này là của ngài,” vị sư ấy nói. Đồng tiền ấy không phải là đồng tiền tròn mà lại có nhiều góc cạnh. Tổ Chetsang Rinpoche từ chối không nhận, nhưng vị sư già nhất quyết ép ngài bởi vì ông ta còn có một đồng tiền khác. Vị sư già giở tấm áo chuba lên, để lộ ra một đồng tiền vàng thứ nhì. Sư Tổ Chetsang Rinpoche nhận lấy đồng tiền từ vị sư già và nói rằng, “Tôi sẽ giữ đồng tiền này, và nếu [khi nào] ông cần nó thì hãy cứ hỏi lại tôi.” Khi ngài bỏ đồng tiền ấy vào túi aó thì ngài nhận thấy ngài đang mặc một chiếc áo sơ-mi và mặc quần thay vì khoác y áo của một nhà tu. Rồi Sư Tổ Chetsang tiếp tục đi sâu xuống phía dưới và đi đến trước một toà nhà rất lớn. [Bị chắn đường] nên ngài phải đi quanh toà nhà [để qua đến bên kia]. Khi vừa vòng qua khỏi toà nhà ấy thì ngài lại thấy ngài đắp y tu sĩ trở lại. Ngài có xách một chiếc cặp và ngài nghĩ rằng ta phải nên cất chiếc cặp này đi bởi vì chiếc cặp này không thích hợp với một tu sĩ. Trong khi ngài chậm rãi bước đi thì có một đứa bé trai hiện ra tiến về phiá ngài. Có vẻ như là chú bé ấy nhận biết ra ngài cho dù ngài không biết chú ta là ai, hình như đấy có thể là một đứa bé từ kinh thành Lhasa đến. Ngài không có ý muốn gặp đứa bé trai ấy và quẹo qua một góc đường rồi tìm thấy mình đang đứng giữa một hội chợ khổng lồ, náo nhiệt, đầy người qua lại nói cười rổn rảng. Ngay đó cũng có một quán ăn và có một vài vị tu sĩ từ tu viện Phyang đang ngồi ở đó. Ngài cảm thấy không thoải mái ở nơi ấy nên rảo bước đi về hướng khác, đến trước một cửa hàng bán hoa quả thật tươi tốt ngon lành. Trong khi đang mua hoa quả thì ngài tỉnh dậy khỏi giấc mơ. Cho dù khi ấy, Sư Tổ có thể hiểu về ý nghĩa tổng quát của giấc mơ nhưng không thể [giải] được tất cả những chi tiết trong ấy. Những lời giải thích của thầy Khenpo Togdrol không thực sự làm ngài hài lòng. Về sau, ngài đem câu chuyện hai giấc mơ ấy kể lại cho Garchen Rinpoche nghe. Garchen Rinpoche là một đại đạo sư chứng ngộ của những hành giả Drikungpa, và ngài đã cho Sư Tổ biết rằng thật ra đây là những điều rất dễ hiểu. Thrinle Lhundrup (pháp hiệu của SưTổ Chetsang Rinpoche) đã chứng ngộ được bản tâm; nhưng điều mà ngài còn thiếu sót [vào thời điểm ấy] là đã không đủ tin tưởng vào những chứng nghiệm nội tâm của chính mình. Và đồng tiền vàng, đó chính là dấu hiệu chứng đắc cao tột, là quả vị thành tựu – siddhi (3 ) – phi thường.

Chú thích:
(1) Dorzin là từ viết tắt của Dorje Dzinpa (Kim Cang thượng thủ), là một pháp hiệu tôn quý dành cho vị đạo sư chứng ngộ có thể hướng dẫn các hành giả tại những địa điểm ẩn tu đặc biệt. Theo truyền thống Drikung Kagyu, có các vị dorzin tại núi Kalaish, Tsari và Lapchi, trong khi vị thiền sư trưởng tại tổ đình Drikung Thil thì mang pháp hiệu tripön (Đạo Sư thủ ngôi pháp toà). Vị tripön luôn luôn tự lựa chọn người kế thừa. Các vị tripön tại tổ đình Drikung Thil trong những năm vừa qua gồm có đạo sư du già vĩ đại Pachung Rinpoche (1901-1988), được kế thừa bởi Gelong Tenzin Nyima (1924-2006). Hiện tại là Gelong Tashi Rabten, một trong những đệ tử chứng đắc tối thắng của ngài Gelong Tenzin Nyima.
(2) Tài liệu mang tên Thegchen Tenpe Nyingpo do Ngoje Repa (còn được gọi là Shedang Dorje) trước tác. Ngài là một đệ tử của Sơ Tổ Jigten Sumgon. Tài liệu này trình bày toàn bộ con đường tu tuần tự của Đại Thừa, bao gồm cả những luận giải cổ xưa nhất về Con Đường Tu Năm Nhánh của Đại Thủ Ấn.
(3) Siddhi là khả năng chứng đắc phi thường (xuất thế gian) và siêu thường (thuộc phạm vi thế gian tầm thường) trong quá trình tu tập tâm linh. Trong Kim Cang Thừa có công nhận tám siddhi thông thường và một siddhi tối thượng. Tám thành tựu thông thường là: (1) thanh kiếm bất bại (lưỡi kiếm không ai địch lại), (2) nhãn thông giúp cho ta thấy được chư thiên, (3) kinh không - khả năng lướt đi cực kỳ nhanh, (4) tàng hình hoặc khả năng trở thành vô hình, (5) nghệ thuật chiết được tinh chất, nghĩa là khả năng thực hành cải lão hoàn đồng (làm trẻ lại), (6) trở thành một vị “du hành không gian” nghĩa là đạt được khả năng bay xa, (7) khả năng tạo một số pháp dược đặc biệt, và (8) năng lực nhận biết được các tàng kinh được cất dấu dưới lòng đất. Ngoài các siddhi thông thường trên thì còn có quả vị chứng đắc tối thắng hay tối thượng – là trạng thái toàn giác, hoàn toàn giác ngộ.
__________________________
Trích đoạn Chương 15 (trang 210-213 và trang 215-217) và Chú thích (trang 299-300) từ tập sách tiểu sử của đức Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche, mang tên “Đến Từ Giữa Lòng Tây Tạng: Tiểu Sử Của Vị Thủ Ngôi Dòng Truyền Thừa Drikung Kagyu”(From the Heart of Tibet) (Boston, Massachusetts: Shambhala Publications, 2010) do tác giả Elmar R.Gruber biên soạn.
Với lòng hoan hỉ và lời nguyện cát tường, Tâm Bảo Đàn chuyển Việt ngữ để gửi tặng các thầy Konchog Dorje Dudul, Konchog Tendar, Konchog Yeshe, Konchog Gyatlshen, Konchog Tenzin, Konchog Rangdrol, chú tiểu tí hon Doje-Konchog Sherab và mẹ của chú, Konchog Sonam Wangmo, hiện đang cùng tu học tại đại học Kagyu College và thư viện Songtsen Library, Dehra Dun, Ấn Độ.
California ngày 18/9/2011

Nguồn : http://www.drikungvn.org/index.php?option=com_content&view=article&id=386%3Acau-chuyn-ca-s-ong-kyunga-va-s-t-chetsang-rinpoche&catid=90%3Atiu-s-ao-s&Itemid=558&lang=vi

Comments are closed.