Thực hành thiền Đức Phật Dược Sư

Giới thiệu

Bản văn thực hành thiền về tụng đọc câu chú của Đức Phật Dược Sư được gọi là giọt Cam lộ (Ambrosia). Đây là một bản thực hành rút gọn, giống như một giọt nước trong đại dương. Một thời khóa kết thúc sau 10 phút. Những bản thực hành khác dài hơn, nhưng bản này rất tốt cho những người bận rộn mà muốn thực hành Pháp Phật Dược Sư trên một nền tảng đều đặn và được khuyên nên thực hành hàng ngày, tốt nhất vào buổi sáng. Tâm trí bạn sáng láng và vừa nghỉ ngơi, thực hành lúc sáng sẽ hữu ích hơn.

Thực hành thiền này đề cập đến tịnh hóa và chữa lành, và được lấy từ những bài giảng gốc của Đức Phật Dược Sư. Những vấn đề về thể xác và tinh thần của chúng ta liên quan đến tâm trí mà nguyên nhân sâu xa đến từ vô minh, và những cảm xúc phiền não khác nảy nở từ nền tảng đó. Những cảm xúc phiền não tạo tác ra nghiệp (nhân), và nghiệp là những gì đã tạo ra môi trường và cuộc sống của chúng ta. Vậy thật quan trọng khi rèn luyện tâm trí chúng ta để cải thiện tình hình.

Lấy ví dụ cơn đau đầu. Nếu chúng ta nhìn từ phía bề ngoài, chúng ta có thể kết luận rằng nguyên nhân bởi nắng mặt trời, bởi gió mạnh, hoặc chúng ta ăn phải cái gì. Rồi chúng ta tìm một giải pháp như đội mũ hay uống thuốc. Bình thường chúng ta cũng chẳng tìm hiểu sâu hơn thế. Nhưng trong những bài giảng Phật giáo, chúng ta tìm thấy sự giải thích sâu sắc hơn. Căn nguyên phải được hiểu là nghiệp của chúng ta. Nếu chúng ta không có nghiệp để trải nghiệm một cơn đau đầu, sẽ không xuất hiện một lượng ánh nắng, gió làm nhân gây ra cơn đau đầu. Một khi nghiệp đã được tạo tác, sớm hay muộn hơn cũng gặp thuận duyên và biểu lộ thành cơn đau đầu. Nắng, gió hay thức ăn chỉ là duyên để cho nghiệp đó được tạo quả chín muồi. Chính vậy, cách “chữa lành” có hiệu quả là chữa từ gốc rễ nhân của vấn đề. Tất nhiên, chúng ta không thể không quan tâm đến duyên, nhưng quan trọng hơn là ngăn những nhân này trước tiên.

Đức Phật Sakyamuni (Thích Ca Mâu Ni) đã giảng toàn bộ phần thân của mật điển y học, kể cả những bài giảng về chức năng của cơ thể, sự tương tác của bốn yếu tố, và 404 kiểu nền tảng của bệnh tật. Ba nguồn căn chính: vô minh, ham muốn và giận dữ sinh ra ba căn mất cân bằng: đờm dãi, mật và năng lượng gió. Tất cả mọi bệnh tật phát sinh từ ba yếu tố trên. Vô minh làm tăng sự đau ốm do đờm dãi, lười biếng là sự mờ tỏ tinh thần và đôi khi làm cơ thể yếu ớt. Ham muốn làm tăng bệnh liên quan đến năng lượng gió, có nghĩa là tâm trí của một ai đó luôn ở trạng thái bị kích động và dường như không ổn định lại được. Cáu giận làm tăng các đau ốm về mật như bệnh túi mật.

Đức Phật giải thích làm sao chẩn đoán được bệnh tật và loại thuốc nào áp dụng. Bởi vì cơ thể chúng ta hoạt động dựa trên nền tảng của năm yếu tố, những yếu tố bên trong có thể được cân bằng bởi sự chiết xuất bên ngoài từ cỏ cây, và hơn nữa, dùng chúng để chữa lành bệnh tật.

Có hai cách để chữa lành về thể xác và tinh thần, với sự chữa lành tinh thần là quan trọng hơn. Tất nhiên cơ thể và tâm trí là gần gũi, tương hỗ nhau. Chúng ta có thể nói cơ thể này, là kết quả của nghiệp trước đây do tâm trí tạo tác, hiện tại là một tạo tác của tâm trí. Khi tâm trí chúng ta yên bình và ngơi nghỉ, chúng ta cảm thấy bình yên và cơ thể khỏe mạnh. Khi tâm trí chúng ta bị xao động và mệt mỏi, chúng ta thấy cơ thể mệt mỏi và không nghỉ ngơi được. Đôi khi tâm trí hoạt động theo hướng khác và làm thể xác mệt mỏi, khi đó, chúng ta phải để tâm trí ngơi nghỉ thì mới khỏe lại được. Khi tâm trí được thiết lập trong trạng thái của trí tuệ, từ bi và tịnh hóa, độ dẻo dai của sức khỏe được cải thiện. Thực hành như vậy là để giúp chữa lành tâm trí, đặc biệt khi tâm ta bị chiếm giữ bởi những cảm xúc phiền não như vô minh, giận dữ, hoặc ham muốn. Khi được chữa lành, tâm trí chúng ta trở nên cân bằng và cơ thể khỏe mạnh một cách tự nhiên. Đây là điều cốt lõi của thực hành thiền này: tịnh hóa tinh thần và tinh thần đến lượt quay trở lại, tịnh hóa cơ thể.

Bình luận nghi quỹ

Quy y

Nương nơi Phật, Pháp và Tăng đoàn, con xin Quy y với lòng tôn kính qua ba cửa

Xin Quy y về cơ bản có nghĩa là chúng ta muốn giải thoát khỏi đau khổ và đạt tới giác ngộ, không có nghĩa rằng rơi vào sự kiểm soát của một ai khác. Chúng ta chỉ muốn được giải thoát khỏi cảnh nô lệ của khổ đau và lầm lạc. Phật là một mẫu hình của một ai đó đã hoàn toàn giải thoát khỏi đau khổ và nhân của nó bởi từ bi và trí tuệ tuyệt hảo. Pháp là những bài giảng của Đức Phật. Nhờ nghiên cứu và thực hành Pháp, một người có thể đạt được quả vị Phật. Tăng đoàn là cộng đồng gồm có những ai đã đạt được mức độ cao của nhận thức thông qua thực hành Pháp và đồng thời là bản mẫu cho chúng ta. Ba cửa là thân, khẩu và ý. Qua ba cửa này mà chúng ta tạo nghiệp tiêu cực hay tích cực, thiện hay bất thiện. Vậy ở đây, chúng ta thọ Quy y thể xác, tinh thần và lời nói để tịnh hóa tất cả những hành vi bất thiện của chúng ta.

Trưởng dưỡng Bồ đề tâm

Con trưởng dưỡng tâm trí để thiết lập những tất cả những chúng sinh đã từng là mẹ của con đang chịu khổ đau vào trạng thái giác ngộ tối thượng.

Chúng ta không thể tìm ra một cơ hội nào tốt hơn để kết thúc đau khổ, đó là có một đời sống con người và không cần thiết phải thành công ngay trong đời này, mà có thể cần vài đời. Nhưng nếu ta gieo hạt giống Phật quả bây giờ, chắc chắn sẽ chín muồi một thời điểm nào đó trong tương lai. Nhưng gieo không thì chưa đủ, mới chỉ là nguyện giác ngộ, chúng ta cần phải làm gì đó. Nếu không có bước quan trọng đầu tiên là trưởng dưỡng tâm giác ngộ, chúng ta không thể có bước tiến tiếp nào cả. Trưởng dưỡng tâm giác ngộ nhằm thiết lập mục đích của việc học, thực hành cũng như việc đạt giác ngộ và hoàn thiện Phật quả cho chúng ta cũng như tất cả những chúng sinh đang phải chịu đau khổ.

Chúng ta thực sự khốn khổ khi gặp những điều kiện không thuận lợi. Nhưng đau khổ là xuất phát điểm quan trọng cho việc học và thực hành Pháp. Qua tìm hiểu đau khổ và nhân của chúng, chúng ta có thể thức tỉnh trí tuệ bẩm sinh. Trong những bản văn khác như Nhập Bồ Tát hạnh của Shantideva, đề cập tới những phẩm chất lớn và những cơ hội mà khổ đau đem lại. Chẳng hạn như, chúng giúp chúng ta sự nhận thức về nỗi khổ đau mà những chúng sinh khác đang trải nghiệm, cho chúng ta cơ hội để phát khởi lòng từ bi. Hiểu được khổ đau bởi những hành vi bất thiện, chúng ta có cơ hội để phát triển thiện hạnh bởi tự kết nguyện hạn chế vi phạm những bất thiện hạnh. Chỉ những ai đã có trải nghiệm đau khổ mới phát triển được sự thấu hiểu sáng suốt này. Đau khổ còn cho ta cơ hội để giảm bớt sự kiêu căng và tự phụ. Khi đau khổ, chúng ta cảm giác mình ở vị trí rất thấp, bắt đầu thấy rằng có thể mình không hoàn hảo như mình vẫn tưởng. Điều này còn mang lại một sự hiểu biết đặc biệt giúp giải thoát chúng ta ra khỏi tình trạng Samsara. Muốn vậy, chúng ta phải tịnh hóa hoàn toàn tất cả những đau khổ và nhân của đau khổ, bắt đầu đặt bước đầu tiên xác định khổ đau thực sự là gì để đạt được Bồ đề tâm lý tưởng.

Có ba loại khổ đau khác nhau:

Khổ của khổ

Khổ của sự thay đổi

Khổ lan tỏa, còn được gọi là khổ do điều kiện.

Nỗi khổ đầu tiên chỉ dẫn nỗi khổ thể xác bởi ốm đau, già, hoặc chết cũng như khổ về tinh thần bởi stress, chán nản hay thất vọng, tất cả đều là hiển nhiên cho chúng ta. Nỗi khổ thứ hai chỉ đến những niềm vui thích tạm thời mà tồn tại chỉ trong chốc lát và sau đó đổi sang trạng thái khác. Ví dụ trời rất lạnh sáng nay và một vài hơi nóng đem lại cho chúng ta sự thoải mái. Bây giờ, nếu sức nóng là nhân thật sự của hạnh phúc, thì chúng ta càng dùng hơi nóng, chúng ta càng cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng tính bất biến này mang lại một nỗi khổ khác - chúng ta bị nóng quá và chúng ta phải sử dụng điều hòa! Khi chúng ta hiểu được nỗi khổ do sự thay đổi, sự bám chấp của chúng ta vào niềm vui thích tạm thời này sẽ rút bớt xuống. Nỗi khổ thứ ba là nỗi khổ mà chúng ta bị giới hạn để vượt qua, không ai trong số chúng ta được giải thoát khỏi nỗi khổ này. Cho dù chúng ta có những gì chúng ta muốn, đó không phải thật, hài lòng hoàn toàn. Samsara tràn ngập bởi những khổ đau, vậy chúng ta không thể thoát nổi trong một tình trạng triền miên khổ đau.

Hiểu được những chủ đề này sẽ giúp chúng ta thoát khỏi mọi nỗi khổ đau, không chỉ khổ của khổ. Khi chúng ta nghe về khổ đau, ta luôn không thoải mái và có một chút chán nản. Nhưng khi chúng ta tham gia vào những con đường tâm linh, khổ đau là một chủ đề quan trọng. Kể từ khi chúng ta muốn giải thoát khỏi những nỗi khổ, chúng ta cần nỗ lực để đạt được an bình, hạnh phúc và sử dụng phương tiện này giải thoát chúng ta khỏi tất cả mọi nỗi khổ đau. Trong ánh sáng đó, khổ đau là một chủ đề để học và tìm hiểu. Khổ đau giúp chúng ta trưởng dưỡng Bồ đề tâm và cho chúng ta một cơ hội lớn để thức tỉnh tâm trí. Sự phản chiếu từ đau khổ sẽ thôi thúc chúng ta tham gia vào con đường thức tỉnh và thậm chí hơn nữa.

Chúng ta có thể khấn nguyện: “Qua nỗi khổ này, cầu mong con tịnh hóa được tất cả những nghiệp tiêu cực, những bám chấp và nhân của khổ đau”. Khi chúng ta thực hành như vậy, khổ đau sẽ không còn là gánh nặng nữa, mà hơn nữa, còn trở thành một công cụ tuyệt vời hỗ trợ cho thực hành. Có thể có những niềm hỷ lạc qua những nỗi khổ vì đó là một cơ hội tuyệt vời để tịnh hóa nghiệp tiêu cực. Về thể xác, chúng ta có thể cảm thấy khốn khổ, nhưng về tinh thần, đó là một trải nghiệm đẹp đẽ và là sự tịnh hóa.

Điều này giúp chúng ta trưởng dưỡng một tâm trí bao la phổ quát và còn đem đến cho chúng ta lòng từ bi để giúp đỡ những chúng sinh khổ đau khác, những chúng sinh không có cơ hội để thực hành. Nhìn nhận theo cách này, chúng ta có thể hoan hỉ trong nỗi khổ đau riêng của chúng ta và biến chuyển khổ đau thành lòng bi mẫn và trí tuệ để giúp tất cả những chúng sinh khổ đau khác đã từng là mẹ của chúng ta.

Trong truyền thống Phật giáo, tất cả chúng sinh là mẹ chúng sinh. Vì chúng ta sinh ra trong Samsara từ vô lượng thời gian, mỗi lần chúng ta có một người mẹ. Bây giờ, tất cả chúng sinh đã là mẹ của chúng ta từ một thời gian nào đó và hầu như tất cả những người mẹ đều cho chúng ta sự yêu thương và từ bi, có trách nhiệm và đảm nhận nhiệm vụ to lớn là chăm sóc cho chúng ta. Những người mẹ chúng sinh này muốn có yên bình và hạnh phúc, nhưng họ bị đắm chìm trong những nỗi khổ đau, vậy chúng ta phải trưởng dưỡng tâm trí để giúp họ đạt được trạng thái giác ngộ. Ngay bây giờ, chúng ta có một món quà đặc biệt của sự hiểu biết và nhận thức, chúng ta có cơ hội để học và thực hành những bài giảng và phương tiện Giáo pháp trân quý. Vậy, chúng ta phải nắm lấy cơ hội và bắt đầu ngay tức khắc việc thực hành.

Trong trường hợp trên, những bà mẹ được sử dụng nhằm gợi lên một tình cảm gần gũi thân thuộc nhất - tất cả chúng sinh rất gần gũi thân thiết với chúng ta, chúng ta phụ thuộc lẫn vào nhau. Lặp lại lời nguyện này ba lần để chắc chắn rằng tình cảm nảy nở. Nếu bạn vẫn không có được tình cảm đó sau khi phát nguyện ba lần, hãy nhắc lại bảy lần, mười lần hay cả trăm lần.

Quán tưởng

Phía trước mặt và bên trên con là một sư tử nâng đài sen, trên đó là đĩa mặt trời, mặt trăng, và Đức Phật Dược Sư có màu xanh ngọc lưu ly ngự. Trong tay phải Người cầm một cành cây thuốc và trong tay trái là một bình bát đầy cam lộ. Người xuất hiện trong tướng Ứng hóa thân, phóng tỏa những ánh sáng của tất cả những tướng hảo chính và phụ.

Quán tưởng là một trong những thực hành hiệu quả và quan trọng nhất để chúng ta có thể phát triển tâm trí. Bông hoa sen, mọc lên từ nước rất tươi và sạch, biểu tượng cho tâm tinh khôi. Trên đài sen là đĩa mặt trời biểu trưng cho tâm tuệ minh. Ngay khi mặt trời mọc lên, bóng tối được xua tan. Cũng như vậy, khi chúng ta có sự nhận thức mang giá trị trực tiếp và sự sáng suốt then chốt, bóng tối của vô minh sẽ được xua tan.

Trên đĩa mặt trời là đĩa mặt trăng, phẳng và tròn đầy như trăng rằm, là biểu trưng của sự mát mẻ và trong sạch của lòng từ bi. Chúng ta thấy Đức Phật Dược Sư ngồi trên đĩa mặt trăng. Người có màu xanh, màu của chữa lành, màu xanh của Ngọc Lưu ly. Người cầm trong tay phải một cành cây thuốc, tượng trưng cho những hoạt hạnh từ bi mà đem lại lợi lạc và chữa lành cho chúng sinh. Từ bi có nghĩa là một tâm trí của tính dịu dàng và cởi mở chữa lành những khổ đau về ngạo mạn và tinh thần. Trong tay trái Người cầm một bình bát tràn đầy cam lồ, biểu trưng cho trí tuệ và sự biến chuyển.

Trong thân tướng Ứng hóa thân, Người không có những đồ trang sức. Người tỏa những ánh sáng chữa lành bệnh. Có tất cả những tướng hảo chính và phụ có nghĩa là Người có một thân thể tuyệt hảo.

Bao quanh Người là những đạo sư, Bổn tôn và bảy vị Thiện thệ, cùng với số lượng chư Phật và Bồ tát nhiều như số lượng vi trần trong nắng mặt trời.

Vây quanh Đức Phật Dược Sư là những vị đạo sư, đại diện cho những bậc thầy truyền giảng những bài giảng từ thời Đức Phật cho đến hiện tại. Bổn tôn là những vị thần thiền, đã đạt giác ngộ. Thiên thệ (Sugata) là từ trong tiếng Sanskrit, có nghĩa “một người đã đi qua tốt”, một người đã đạt Phật quả không quay lại, một cách tuyệt vời và đẹp đẽ. Quán tưởng Đức Phật Dược Sư ở trung tâm được bao quanh bởi số lượng hằng hà sa số chư Phật và Bồ tát như bạn có thể tưởng tượng, cho đến khi các vị lấp kín khoảng không gian. Các vị đều trong hình tướng không có thực chất, hoàn toàn rõ ràng và sáng rỡ. Cố gắng nhìn các vị như những thực thể sống với những phẩm tính mà họ sở hữu. Điều này được gọi là samaya sattva, hay những chúng sinh kết nguyện.

Các Ngài tỏa ra ánh sáng khắp các hướng từ ba điểm đặc biệt, mời những chúng sinh trí tuệ hòa tan vào những chúng sinh samaya. Các ngài là hiện thân của trí tuệ, từ bi, quyền năng và các hoạt hạnh nhằm xua tan sự đau ốm của tất cả mọi chúng sinh.

Ba điểm đặc biệt  trán, cổ và trái tim. Ánh sáng phát ra từ trán màu trắng, từ cổ màu đỏ và màu xanh từ tim. Những ánh sáng này mời hàng trăm, ngàn các chúng sinh trí tuệ, đặc biệt là Đức Phật Dược Sư, từ tất cả các phương, đến ngồi quanh Đức Phật Dược Sư chính giữa. Những vị này được gọi là jnana sattva, hay những chúng sinh trí tuệ.

Những chúng sinh trí tuệ này hòa tan vào chư Phật đà, là hiện thân của trí tuệ, từ bi, quyền năng, hoạt hạnh và đặc biệt là chữa lành bệnh, và mục đích xua tan sự đau ốm về thể xác và tinh thần. Chúng ta quán tưởng tất cả những chúng sinh giác ngộ ở trên cao phía trước mặt chúng ta. Nếu như chúng ta không quán được như vậy, chúng ta chỉ cần đơn giản tập trung vào Đức Phật Dược Sư như hiện thân của tất cả chư Phật của ba thời và mười phương.

Xin làm ơn hãy coi thực hành này là thực, chứ không phải hình dung ra. Chư Phật đạt được vô số lượng trí tuệ và từ bi, vậy trí tuệ và từ bi tràn ngập khắp tất cả chúng ta, chúng sinh không sót một ai. Bất cứ khi nào thực hành và thiền, chúng ta luôn nhận được sự gia trì đến từ chư Phật.

Cúng dường

OM SARWA TATHAGATA SAPARI WARA PRATITSA SWAHA

Trong tiếng Sanskrit, sarwa có nghĩa là tất cả. Tathagata có nghĩa là Phật. Sapari wara có nghĩa là đoàn tùy tùng hay những người vây quanh và nhắc đến tất cả chư Phật và Bồ tát quanh Đức Phật Dược Sư. Trước mặt những chúng sinh quán tưởng, chúng ta dâng tám phẩm vật cúng dường:

Argham là nước rót ra từ vỏ sò, cúng dường để rửa sạch mặt và miệng

Padyam là nước rót ra từ bát, dâng cúng dường để rửa chân

Pushpam là một món cúng dường cánh hoa cho đầu

Dhupam là hương dâng cúng dường cho mũi

Alokam là dâng cúng dường ánh sáng, như mặt trời và mặt trăng, một ngọn nến, hoặc một cây đèn cho mắt

Ghande là nước saffron thơm như món cúng dường cho thân thể

Naiwide là thực phẩm dâng cúng dường trên một cái đĩa cho miệng

Shapta là âm nhạc dâng cúng dường cho tai. Bạn có thể lắc chuông ở đây như cúng dường âm nhạc

Một người có thể quán tưởng những món cúng dường này tràn ngập không gian không cạn kiệt cho đến ngày tận diệt của Samsara.

Lời nguyện bảy nhánh:

Con tán thán và cúi lạy Đức Phật Dược Sư, người tỏa ra ánh sáng của ngọc Lưu ly. Đấng cao quý, lòng từ bi đã thấm đẫm tất cả chúng sinh, xua tan mọi khổ đau của những cõi thấp và những ốm bệnh của ba độc khi danh hiệu của Người chỉ thoáng qua tai.

Tán thán diễn tả những phẩm tính của Đức Phật Dược Sư, và cúi lạy chỉ ra một sự tôn kính vô biên. Những ánh sáng không dứt ánh sáng của Ngọc Lưu ly tỏa ra chữa lành cho tất cả Samsara. Đức Phật Dược Sư gieo trồng một tâm trí giác ngộ như vậy trên con đường tới Phật quả! Người nguyện “cầu cho những ai nhìn hoặc nghe danh hiệu của con được chữa lành mọi bệnh tật của thể xác và tinh thần”. Chính vậy, Người đã đạt Phật quả bởi lòng từ bi hoàn hảo không gì khuất phục được. Nếu có bất cứ ai mà chết đi - kể cả con côn trùng hay con vật - chúng ta cần lặp lại minh chú của Người ít nhất ba lần và thổi vào tai của chúng sinh đó. Quyền năng của lòng từ bi và năng lượng chữa lành của Đức Phật Dược Sư sẽ giúp cho những chúng sinh đó không bị tái sinh vào những cõi thấp.

Con xin sám hối những tội danh mà con đã tích lũy từ vô thủy vô chung.

Một khi chúng ta đã tạo nghiệp, chúng ta không thể bỏ qua bởi nghiệp sẽ trổ quả sớm hay muộn thôi. Vậy chúng ta hãy tịnh hóa những nghiệp tiêu cực mà chúng ta đã tạo tác từ vô thủy tới nay - không phải vì lợi lạc của chính chúng ta mà vì lợi lạc của tất cả các chúng sinh. Tạo nghiệp tiêu cực không bao giờ là tốt cả, nhưng ít nhất biện Pháp đặc biệt này đem lại cho chúng ta một cơ hội để tịnh hóa.

Nhận thức được Samsara này như một nhân duyên nằm ngoài, nhưng thực chất là ở trong tâm trí chúng ta. Ngài Long Thọ nói: “Không có sự khác biệt giữa Samsara và Nirvana. Khi nhìn bản chất của Samsara, nó chính là Nirvana”. Nếu có gì đó bị che khuất, ta không nhìn được quá khứ của chướng ngại phía từ phía bên kia. Tương tự như vậy, vô minh, cáu giận, và ham muốn che phủ những khả năng để tâm trí ta nhận ra Samsara đúng như nó vẫn là. Sau khi hoàn toàn tịnh hóa những chướng ngại, tâm trí chúng ta đạt đến Nirvana. Khi ba độc này hay những cảm xúc phiền não hiện diện, chúng ta không tìm thấy hạnh phúc cho dù có đi đến đâu chăng nữa. Khi những cảm xúc phiền não này được tịnh hóa, chúng ta đạt được Phật quả tại bất cứ nơi nào ta đi.

Điều này có thể quan sát qua cách chúng ta cư xử với những người khác - chúng ta bộc lộ những trạng thái tinh thần khác nhau: khi tâm trí yên bình chúng ta rất thân thiện với mọi người. Khi tâm trí bị xáo trộn, ta sẽ chẳng còn thân thiện với mọi người cho dù họ không thay đổi chút nào.

Thiền là cần thiết để chữa lành tâm trí, là phương tiện để tịnh hóa nghiệp. Nếu chúng ta không thể thay đổi tâm trí thông qua thiền, vậy cái gì là sẽ là mấu chốt của thiền?

Khi chúng ta phát triển tâm trí, toàn bộ cảnh quan xung quanh thay đổi. Do vậy, chúng sinh ở Samsara hay Nirvana tùy thuộc hoàn toàn vào việc chúng ta học và thực hành ra sao.

Cuộc sống quý giá của con người có tiềm năng lớn. Nếu chúng ta nỗ lực, chẳng có gì mà không vượt qua nổi. Khi có có hội để đạt giác ngộ trong đời sống này, chúng ta đừng bỏ phí. Cơ hội đó không đến một cách hiển nhiên, mà phải đến từ sự kết hợp bởi những nhân và duyên đức hạnh, và không dễ để có được chúng cùng lúc. Một khi đã có, chúng ta cần hết sức cố gắng để sử dụng trong khả năng tốt nhất có thể.

Con hoan hỉ trong mọi thiện hạnh.

Hoan hỉ trong mọi thiện hạnh, hành động của chư Phật, Bồ tát và những chúng sinh đang làm những thiện hạnh vì lợi lạc của người khác. Đây là một phương tiện tốt để phát triển đạo đức và là phương pháp đối trị cho tính ghen tị. Có một câu chuyện thời Đức Phật ở Ấn Độ minh họa cho sự hoan hỉ:

Một lần, nhà vua rất sùng mộ Đức Phật, đã mời Đức Phật và nhiều nhà sư đến vương quốc của ông ta. Trong vòng bảy ngày, ông ta tổ chức một lễ hội lớn với những phẩm vật cúng dường tuyệt vời cho những nhà sư. Rất nhiều người ăn mày chờ ngoài lễ hội để nhận một chút thức ăn thừa. Một người ăn mày ở lại, hy vọng có được ít thức ăn thừa nhưng ông ta đồng thời phát khởi sự hoan hỉ. Người ăn mày nghĩ: “Nhà vua này đúng là một chúng sinh có phúc. Bởi vì đức hạnh và những kỳ tích trước đây, ông ta đã trở thành vị vua tốt và mộ đạo như vậy. Hơn nữa, bây giờ ông ta còn mời một vị Phật, một người bảo hộ của tất cả chúng sinh, đến để gia trì cho tất cả chúng ta bằng trí tuệ và lòng bi mẫn! Ông vua này mới phúc đức làm sao, mới có khả năng để cúng dường cho Đức Phật và các nhà sư, không chỉ một ngày và một bữa ăn mà còn tận bảy ngày”. Người ăn mày tràn ngập trong sự hoan hỉ như vậy một chốc lát.

Sau mỗi bữa ăn, theo truyền thống, Đức Phật hồi hướng bất cứ thiện hạnh nào đã được tạo ra làm lợi lạc cho tất cả mọi chúng sinh. Trong khi hồi hướng, Đức Phật sẽ chọn người và chỉ ra người đó đã làm những gì. Nhân cơ hội này, Đức Phật hỏi nhà vua: “Ta nên hồi hướng thiện hạnh này cho tên của con hay tên của người đã tạo ra công hạnh lớn nhất?” Nhà vua nghĩ: “Sẽ chẳng có công hạnh của ai lớn hơn công hạnh của mình vì mình đã cúng dường cho toàn bộ lễ hội”. Và nghĩ rằng hồi hướng sẽ chỉ cho chính mình, nên nhà vua trả lời: “Dạ hồi hướng cho tên người đã tạo ra nhiều công hạnh nhất”.

Sau bữa ăn, Đức Phật chọn người ăn xin là người đã tạo ra công hạnh lớn nhất nhờ tùy hỷ với những thức ăn thừa. Trong những ngày tiếp đến, Đức Phật không hỏi cùng câu hỏi đó nữa, và nhà vua đợi sự hồi hướng cho chính bản thân. Vào ngày thứ sáu, nhà vua bắt đầu thất vọng và nghĩ: “Tôi đã làm tất cả mọi việc và bây giờ người ăn xin lại có được mọi công hạnh”.

Những quan đại thần vây quanh nhà vua lo lắng về tình trạng, và muốn giải tỏa nỗi phiền muộn này cho nhà vua. Một vị quan, rất thông minh, lập luận: “Chúng ta phải giữ người ăn xin tránh xa sự hoan hỷ. Ra lệnh cho những người hầu đuổi hết những người ăn mày xa ra vì họ đã có thức ăn hôm nay. Điều này sẽ làm những người ăn mày tức giận và họ sẽ không hoan hỷ nữa”. Đúng như vị quan này nghĩ, người ăn xin của câu chuyện trên vô cùng thất vọng và không hoan hỷ nữa, và Đức Phật cuối cùng hồi hướng cho nhà vua. Điều này cho thấy biết bao nhiêu công hạnh được tạo ra từ sự tùy hỷ. Người ăn xin không làm gì hết mà chỉ ở trong góc và tùy hỷ với những hoạt hạnh của nhà vua.

Con cầu khẩn các Ngài quay bánh xe chính Pháp của cả ba thừa, và ở đời cho đến khi tận diệt của Samsara.

Quay bánh xe chính Pháp có nghĩa là giảng Giáo pháp. Theo như Kinh thừa, chúng ta có ba thừa: Thanh Văn thừa, người theo cỗ xe gốc của Phật giáo (Shravaka yana), Độc Giác thừa (pratyekabuddha yana), và Bồ Tát thừa. Ba thừa này để đáp ứng cho nhu cầu cá nhân mỗi chúng sinh. Đôi khi ba thừa này được miêu tả nhầm lẫn như Tiểu thừa, Đại thừa, và Kim Cương thừa. Trên thực tế không phải là có ba thừa như vậy vì Kim Cương thừa là phần của hệ thống Đại thừa.

Không có con đường nào đưa đến giác ngộ ngoại trừ thông qua những bài giảng của Đức Phật. Chính vì vậy khi chúng ta tán thán Đức Phật, người có tiếng nói tối thượng, và khẩn cầu tới tất cả các chư Phật, đặc biệt là Đức Phật Dược Sư, để truyền giảng tùy theo lợi ích, khả năng của chúng sinh và trụ thế cho đến khi tận diệt của Samsara (tận diệt cảnh luân hồi).

Đấng cao quý, vị Thầy, Vua của các loại thuốc: người sở hữu vẻ huy hoàng của sự thiết lập tự sinh khởi hai lợi ích. Cầu mong tất cả chúng sinh đang bị hành hạ bởi đau ốm của ba độc, có được sự huy hoàng của hỷ lạc, hạnh phúc và thoát khỏi mọi tật bệnh.

Hai lợi ích ở đây là lợi ích của chính mình và người khác. Ba độc là vô minh, ham muốn và cáu giận. Chúng được gọi là độc vì, khi chúng còn tồn tại trong tâm trí ta, chúng làm uế tạp yên bình và hạnh phúc bằng cách chất độc bình thường này phá huỷ cuộc sống của chúng ta. Khi được tịnh hóa, sẽ chẳng còn bất cứ sự đau ốm về thể xác và tinh thần.

Khi một người đạt được Phật quả, người đó được giải thoát khỏi nỗi khổ đau và có từng phẩm tính mang lại lợi lạc cho chúng sinh khác mà không cần bất cứ nỗ lực nào. Việc học và thực hành những bài giảng này giúp chúng ta tự giải thoát mình khỏi ba độc. Những lời nguyện trên được gọi là lời nguyện bảy nhánh, gồm tán thán, cúng dường, tịnh hóa, tùy hỉ, khẩn cầu truyền giảng, khẩn cầu trụ thế và hồi hướng. Đây là một sự nhắc nhở đặc biệt về những gì chúng ta cần đạt được và ý nghĩa của việc thực hành.

Tụng đọc chú

Con khẩn cầu như Nguyện của tám vị Thiện thệ và đoàn tùy tùng bằng cách tụng đọc chú. Từ thân thể các Ngài vô số tia sáng của trí tuệ và từ bi xuất hiện, lan tỏa vào con và tất cả chúng sinh đặc biệt những ai đang là sự chú ý của con. Ánh sáng tịnh hóa những che chướng về nghiệp, cảm xúc phiền não, đau ốm, bị ma quỷ ám, có hành động ma quỷ, và phá vỡ samaya. Trong một khoảnh khắc, tất cả đạt được sự nhận thức khác nhau của chư Phật và Bồ tát.

Phần này miêu tả thiền để thực hiện trong khi chúng ta tụng đọc chú. Khi tụng chú Đức Phật Dược Sư, chúng ta khẩn cầu tới thệ nguyện liên tục của tám vị Thiện thệ và đoàn tùy tùng. Bằng cách quán tưởng và tụng đọc chú, chúng ta mời các Ngài đến để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Chúng ta khẩn cầu các Ngài bằng cách nói như sau:

“Đây là thời điểm để làm lợi lạc cho chúng sinh, con khẩn thiết mong các Ngài giúp đỡ con và tất cả chúng sinh”.

Tám vị Thiện Thệ là Đức Phật Dược Sư và bảy vị Thiện Thệ được nói ở trên vây quanh.

Xét trên phương diện lịch sử, các vị hiện diện cho Đức Phật Dược Sư đã được nhiều người thấy và nghiên cứu. Chúng sinh là vô cùng tận, trí tuệ và lòng từ bi của chư Phật cũng như vậy. Chính vì thế, chư Phật hóa hiện trong những tướng dạng khác nhau nhằm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Trong thực hành đặc biệt này, những sự hóa hiện giúp chữa lành bệnh cho chúng sinh. Khi thiền, chúng ta tụng chú và các vị Thiện Thệ tham gia hoạt động để chữa lành bệnh một cách hiệu quả. Bằng vô số lượng ánh sáng, các vị nhìn hướng về chúng sinh bằng trí tuệ và lòng từ bi.

Ánh sáng ở đây không phải ánh sáng văn học mà để nhấn mạnh như một năng lượng chữa lành bệnh. Nó chỉ được dùng như một kỹ xảo để giúp chúng ta tập trung vào thực hành này. Từ bi và trí tuệ, được nhìn như ánh sáng tỏa ra từ thân các Ngài, lan tỏa vào chúng sinh khắp mọi nơi không sót một ai, kể cả bản thân bạn. Những che chướng của nghiệp - cảm xúc phiền não, đau ốm thể xác, đau ốm tinh thần, quỷ ám, hành vi ma quỷ, và phá vỡ mật nguyện - được hoàn toàn tịnh hóa khi ánh sáng chạm vào mỗi chúng sinh. Mỗi một chúng sinh đạt được ngay thiền định và sự nhận thức của chư Phật và chư Bồ tát. Nếu bạn có một người đặc biệt cần để chữa lành, hãy tập trung vào họ trước, sau đó vào tất cả những chúng sinh. Nhắc lại câu chú trong khi vẫn giữ quán tưởng này.

Chú dài:

TADYATHA/GHUME GHUME/AI MINI MIHI/MATI MATI/SAPTA TATHAGATA/SAMADHYA/DHISH THATE/A TE MATE PALE/PAPAM SHODHANI/SARWA PAPAM NASHAYA/MAMA BUDDHA/BUDDHOT TAME/UME KUME/BUDDHA KSHETRA/PARI SHODHANI/DHAMENI DHAME/MERU MERU/MERU SHIKHARE /SARWA AHKALA/MRITYU NAWA RENI/BUDDHE SU BUDDHE BUDDHA DHISH THITE NARA KSHAN TUME/SARWA DEWA/SAME ASAME/SAMANVA HARAN TUME/SARWA BUDDHA BODHISATWA/SHAME SHAME/PRASHAMAN TUME/SARWA ITYUPA/DRAWA BHYA DHAYA/PURANI PURANI/PURA YAME/SARWA AHSHAYA/BEDURYA PRATI BHASE/SARWA PAPAM KSHAYAM KARI SWAHA

Câu chú được viết bằng tiếng Sanskrit. Bạn có thể tụng chú dài này bao nhiêu lần trong khả năng có thể, nhưng ít nhất ba lần, bạn sẽ nhận được lợi lạc lớn. Trong tiếng Sanskrit, man có nghĩa là tâm trí và tra có nghĩa là bảo vệ. Vậy hợp lại, mantra có nghĩa là sự bảo vệ tâm trí. Qua thực hành này, chúng ta có thể bảo vệ tâm trí khỏi khổ đau do nhân vô minh và các xúc tình tiêu cực, có thể đón nhận được sự yên bình, sáng suốt của tâm trí

Chú ngắn

TADYATHA/OM BHEKHAZE BHEKHAZE/MAHA BHEKHAZA/BEKHAZE RAZA/SAMUNGATE SWAHA

Bạn có thể lặp lại câu chú này hàng trăm lần với tâm bồ đề. Thực hành và không mong cầu báo đáp, nhưng bằng lòng sùng mộ không phân biệt. Sẽ rất tốt khi bạn tụng chú nhiều nhất trong khả năng có thể nhưng cần phải có thời gian. Nếu bạn tập trung, bạn có thể làm được. Câu minh chú càng được lặp lại bằng sự tập trung hoàn toàn và lòng sùng mộ, thì càng nhiều năng lượng chữa lành bệnh được phát ra.

Hóa tán

Tập hợp của mandalat tan thành ánh sáng và hòa vào hình tướng ở trung tâm. Từ ba điểm đặc biệt của thân thể, lời nói và ý của Đức Phật Dược Sư, trắng, đỏ và xanh dương, ánh sáng nhận thức siêu việt phóng tỏa và tan vào ba điểm đặc biệt của con, tịnh hóa ba che chướng. Đức Phật Dược Sư tan thành ánh sáng và hòa tan vào con qua đỉnh đầu. Con trở thành bất khả phân với hiện thân lớn lao của tất cả trí tuệ và từ bi khải hoàn. Con nghỉ trong trạng thái Đại Thủ ấn (Mahamudra) - tất cả - tính không lan tỏa khắp.

Bảy vị Thiện Thệ, các đạo sư của dòng truyền thừa, Bổn tôn, chư Phật và Bồ tát mà bạn đã quán tưởng tan thành ánh sáng. Ánh sáng này tan vào hình tướng ở trung tâm, Đức Phật Dược Sư.

Từ trán Đức Phật Dược Sư phóng tỏa ánh sáng trắng, bản chất của cơ thể trí tuệ của tất cả chư Phật. Ánh sáng này hòa tan vào trán bạn tịnh hóa tất cả những che chướng thể xác và những nghiệp tiêu cực, và chữa lành cơ thể bạn.

Từ cổ Đức Phật Dược Sư, ánh sáng đỏ phóng tỏa, bản chất của trí tuệ lời nói, trí tuệ của tất cả chư Phật đà. Ánh sáng hòa tan vào nơi cổ bạn và tịnh hóa những che chướng của lời nói và nghiệp tiêu cực và chữa lành lời nói của bạn.

Từ tim Đức Phật Dược Sư, ánh sáng xanh dương phóng tỏa, bản chất tự nhiên của tâm trí, trí tuệ không bị uế tạp của tất cả chư Phật. Ánh sáng tan thẳng trực tiếp vào tim bạn và tịnh hóa tất cả những che chướng tinh thần, những cảm xúc phiền não, những nghiệp tiêu cực và chữa lành tâm trí bạn.

Tiếp đến Đức Phật Dược Sư tan thành ánh sáng và hòa tan vào bạn qua trán, lan tỏa khắp cơ thể bạn và tịnh hóa những che chướng tổng quát và vi tế. Bạn trở thành Đức Phật Dược Sư, tướng và tính không bất khả phân, và thiền rằng bạn nhận được tất cả sự gia trì và năng lực chữa lành bệnh của Người. Theo cách này, bạn sẽ có cảm giác hoàn toàn được tịnh hóa và chữa lành.

Nếu bạn muốn thiền lâu hơn, hòa tan vào tính không và thiền. Trong trạng thái này, bạn trở nên bất khả phân với từ bi và toàn tri của Đấng Chiến Thắng. Nghỉ ngơi trong dấu ấn lớn của tính không, nơi tâm trí có thể thả lỏng, giải thoát khỏi mọi cảnh nô lệ, tất cả sự phân biệt nhị nguyên được hoàn toàn tịnh hóa. An trụ trong trạng thái không phân biệt, nơi không có gì để hoạch định, không có gì để chấp nhận hay từ chối. Đây là trạng thái yên bình nhất. Ở trong trạng thái đó lâu như bạn muốn mà không có bất cứ nỗ lực hay căng thẳng nào. Đầu tiên rất khó để thiền trong trạng thái này bởi vì những ý nghĩ nảy nở liên tục. Nhưng nếu bạn tiếp tục thiền, cuối cùng bạn sẽ trở thành Đức Phật Dược Sư, không phải là một thân thể chính yếu mà là một thân thể trí tuệ không chính yếu.

Hồi hướng

Nương nơi thiện hạnh này, cầu mong con mau chóng chứng đắc Đức Phật Dược Sư. Cầu mong con có thể thiết lập tất cả mọi chúng sinh không sót một ai trong trạng thái này. Nhờ công đức cúng dường, tán thán, tụng chú và thiền, cầu mong con và tất cả chúng sinh có một đời sống dài lâu, hạnh phúc thoát khỏi mọi tật bệnh. Vào thời điểm chết, mong con có thể chứng được dung nhan của chư Phật của cõi Tịnh độ Lưu Ly hay những cõi Tịnh độ khác. Trong tương lai, cầu mong con và tất cả chúng sinh được sinh ra từ giữa lòng sen trong cõi Phật và hoàn thiện hai bồ tư lương, đạt được trạng thái giác ngộ tối thượng.

Từ trạng thái Đại Thủ ấn (Mahamudra), xuất hiện lại trong hình tướng Đức Phật Dược Sư và lặp lại lời hồi hướng. Khi bạn đọc tụng lời hồi hướng, mong mỏi khao khát cho tất cả chúng sinh được giải thoát khỏi những bệnh tật tinh thần và thể xác và đạt được giác ngộ tối thượng mà không có bất cứ bám chấp nào cả. Hai bồ tư lương là tích lũy công đức và tích lũy trí tuệ. Chúng ta hồi hướng thiện hạnh này để tái sinh trong cõi Tịnh độ của Đức Phật Dược Sư. Những lời nguyện khác cũng có thể được dùng đọc tụng.

Khenchen Konchog Gyaltshen Rinpoche

Trích: Chuỗi tràng ngọc trai

Comments are closed.