Trung ấm Pháp tánh

Giờ đây khi Trung Ấm Pháp Tánh ló dạng trong con,

Con sẽ từ bỏ mọi niệm tưởng sợ hãi hay hoảng loạn,

Sẽ nhận biết rằng bất cứ điều gì xuất hiện cũng là phản chiếu của chính [tâm]  mình,

Và hiểu ra rằng đó là thị kiến của thân trung ấm;

Giờ đây khi con đã gặp thời khắc vô cùng quan trọng này,

Con sẽ không hoảng sợ khi đối diện các vị Bổn tôn an bình và phẫn nộ,

Các ngài chính là sự phản chiếu của chính [tâm]  con.

Dòng đầu tiên của câu kệ thứ năm “Giờ đây khi Trung Ấm pháp tánh đang ló dạng trong con” nói đến trạng thái mà chúng ta thấy mình đối diện với chân tâm. Chân tâm đó chính là nền tảng của cả luân hồi và niết bàn. Nó có bản chất của hư không, mọi thứ đều có thể khởi hiện từ chính hư không đó. Dòng tiếp theo trong câu kệ có nói “Con sẽ từ bỏ mọi niệm tưởng lo sợ hay hoảng loạn.” Khi con nhận ra rằng bản ngã không tồn tại thì khi đó con sẽ không sợ hãi khi các linh ảnh trong thân Trung Ấm xuất hiện, bởi vì con hiểu được rằng đó chỉ là sự phóng chiếu của chính tâm mình. Lo sợ chỉ đến khi có chấp ngã. Khi có bản ngã thì tự nhiên sẽ có lo sợ. Trong Ba Mươi Bảy Pháp Tu Của Bồ Tát có nói rằng “Tất cả mọi khổ đau đều đến từ mong muốn hạnh phúc cho riêng bản thân.” Thực ra, lo sợ và chấp ngã chính là một. Mặc dù có thể con không nhận ra những phóng chiếu tạo tác đó đến từ chính tâm mình nhưng con vẫn có thể nhớ được việc thực hành Bổn Tôn. Ví dụ khi đang sống, chúng ta nhìn thấy hình ảnh các Bổn Tôn an bình và phẫn nộ. Mặc dù có thể chưa nhận biết được rằng đó là tạo tác của chính tâm mình, nhưng ít nhất chúng ta cũng hiểu được đó là các đối tượng để quy y và vì thế chúng ta sẽ không sợ hãi. Sẽ là tốt nhất nếu chúng ta nhận ra được rằng đó là sự tạo tác của chính tâm mình. Nếu con nhận ra được điều đó thì dù hình ảnh các Bổn Tôn có xuất hiện, con cũng  không nghĩ rằng đó là thật hay không thật. Sẽ không có những niệm khởi về sự tồn tại độc lập của các linh ảnh và vì vậy không có bám chấp nhị nguyên. Hoặc là vào thời điểm đó con có thể thực hành pháp tu Bổn Tôn với lòng sùng kính. Con hãy lấy một bức tranh vị Bổn Tôn, nhìn vào bức tranh ấy và nhắm mắt lại, để cho hình ảnh xuất hiện trong tâm con. Hình ảnh có thể xuất hiện trong chốc lát rồi biến mất, nhưng hình ảnh xuất hiện trong tâm con đó chính là vị Bổn Tôn. Thỉnh thoảng một số đệ tử nói rằng hình ảnh của Bổn Tôn xuất hiện trong tâm họ nhưng rồi lại biến mất, vì vậy họ không tin đó thực sự chính là Bổn Tôn. Họ nghĩ rằng đó chỉ là hình ảnh tưởng tượng. Đó là do họ bám chấp vào thực tế hư ảo, bám chấp vào quan niệm nhị nguyên cho rằng có sự khác biệt giữa bản thân ta và các linh ảnh được phóng chiếu. [Thực ra]  bất kỳ hình ảnh nào xuất hiện trong tâm con cũng chính là tâm ấy, và tâm ấy sẵn có Phật tánh. Vì vậy những linh ảnh mà con quán tưởng cũng chính là Bổn Tôn. Những linh ảnh đó xuất hiện giống như cầu vồng và không tồn tại một cách chân thực. Việc thực hành và nhận ra được như vậy sẽ giúp con thành tựu được các phẩm tánh của Bổn Tôn. Tâm cũng giống như một tấm gương, bất kỳ thứ gì xuất hiện trước tấm gương đều được gương phản chiếu lại. Tương tự như vậy, bất kỳ hình ảnh nào con làm cho sinh khởi trong tâm cũng được phản chiếu lại trong tâm con. Nếu bây giờ con nhận ra được rằng tất cả các hiện tượng xuất hiện chính là phóng chiếu của tâm mình thì con sẽ có khả năng nhận ra điều đó trong giai đoạn thân trung ấm. Đây là mục đích của việc tu tập giai đoạn sinh khởi, nó giúp cho con có thể nhận ra Bổn Tôn trong giai đoạn thân trung ấm. Chính tâm ấy, Phật tánh – là Bổn Tôn. Nếu con có thể phát khởi được Bồ Đề Tâm thì sắc tưởng của tâm thanh tịnh ấy – là tâm trí huệ - sẽ hoá hiện dưới dạng Bổn Tôn. Thậm chí nếu con chưa thể hoàn toàn loại bỏ được sự bám chấp nhị nguyên thì con vẫn có thể trưởng dưỡng một tri kiến thanh tịnh đối với Bổn Tôn, trưởng dưỡng lòng thành kính và sùng mộ đối với Bổn Tôn. Nếu sau khi chết, con nhận ra được trạng thái bản nhiên của mình – đó là Pháp tánh hay Phật tánh của con, vượt thoát mọi cái nhìn nhị nguyên – thì con sẽ được giải thoát trong Trung Ấm Pháp Tánh.

Khi đang sống chúng ta cần luyện tập để nhận ra được rằng tất cả các phóng chiếu tạo tác đó chỉ là khởi hiện của chính tâm mình. Ngay cả các quan niệm và những hiện tượng xuất hiện trong cuộc đời này cũng là phóng chiếu của chính tâm ta. Cái mà chúng ta biết đến như là vũ trụ bên ngoài được hình thành từ cộng nghiệp của chúng sinh. Còn sáu cõi luân hồi được tạo ra bởi hành nghiệp và tập khí riêng biệt của chúng sinh. Tạm thời, chúng sinh giống như tảng băng trôi nổi trên mặt nước. Vì giống như các tảng băng đặc cứng nên đôi lúc họ va chạm vào nhau và xung đột với nhau. Nhưng một khi những tảng băng đó tan vào đại dương thì những con sóng sẽ không va chạm vào nhau. Những con sóng không bao giờ xung đột với nhau. Chừng nào chúng sinh còn giống như những khối đá đặc cứng thì họ còn xung đột va chạm với nhau. Những ai giác ngộ được bản tâm sẽ không xung đột với nhau vì họ an trụ trong một bản tánh giống như nước tuôn chảy tự do.

Chúng ta được dạy rằng “Hãy xác quyết rằng các hiện tướng chính là tâm. Hãy xác quyết rằng tâm là Không”. Chúng ta nên hiểu lời dạy đó như thế này: ví dụ trong phòng này rất đông người. Nền tảng tâm của tất cả chúng ta thì như nhau. Tâm của ta thì trống không và tâm họ cũng trống không. Nhưng ai cũng nghĩ theo kiểu “Tôi”, “Tôi”. “Tôi”. Những người nhận biết được bản tánh của tâm sẽ nghĩ “Nếu tất cả chúng ta cùng trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm thì chúng ta sẽ trở thành một.” Nếu ta chứng ngộ được chân tâm và tất cả các cảm xúc ô nhiễm được điều phục một cách tự nhiên thì ở bên ngoài ngôi nhà này có vẻ như đầy người, nhưng đối với những vị giác ngộ thì toàn thể ngôi nhà này tràn ngập chư Phật. Không còn sự phân cách nữa, tất cả đều như nhau. Nền tảng tâm của tất cả hữu tình chúng sinh là một, vì vậy Bồ Đề Tâm và chánh niệm của tất cả cũng như nhau. Khi mọi phiền não được giải thoát thì chúng ta không còn là một tảng băng nữa. Trong đại dương của sự hiện hữu, người đã giải thoát khỏi mọi sự phiền não sẽ tự tại đến và đi. Đại dương của hiện hữu đã trở thành một. Điều này được gọi là trật tự của Tăng Đoàn. Nếu chỉ toàn các Bồ Tát thì sẽ không có xung đột và cãi vã. Chúng sinh sẽ hoà đồng và trở thành một khi họ trở thành các vị Bồ Tát.

Các linh ảnh trong thân trung ấm chính là phóng chiếu của chính tâm chúng ta. Và thực chất thì những quan niệm về cuộc đời này cũng là các phóng chiếu từ tâm. Tương tự như vậy những giấc mơ của chúng ta cũng là các phóng chiếu từ tâm. Các dấu ấn thiện hạnh hay bất thiện, các vị Bổn Tôn an bình và phẫn nộ - khởi nguồn từ Phật tánh của chúng ta - sẽ được phản chiếu thành các linh ảnh trong thân trung ấm. Thực chất thì bản chất của năm cảm xúc ô nhiễm chính là năm trí huệ. Vì thế thực ra chúng ta nhìn thấy các linh kiến của phiền não, hay các linh kiến của trí huệ của riêng ta. Bất cứ hiện tượng nào xuất hiện cũng đều là phóng chiếu từ chính tâm chúng ta. Chính vì thế việc thực hành Bổn Tôn trong lúc chúng ta đang sống là rất quan trọng, để giúp luyện tập khả năng nhận biết được rằng thực chất Bổn Tôn không phải là điều gì khác bên ngoài mà chính là sự phản chiếu của tâm. Chúng ta cần luyện tập để thuần thục sự nhận biết này và làm cho sự nhận biết đó trở nên ổn định trong tâm. Khi con thực hành Bổn Tôn, con quán tưởng vị Bổn Tôn đó. Khi đó thỉnh thoảng con có thể quán tưởng Bổn Tôn trở nên vô cùng to lớn và khoả lấp toàn bộ không gian, hoặc con có thể nhân một vị Bổn Tôn trở thành vô số các vị như thế, hoặc con có thể hình dung có cả các vị Bổn Tôn kích cỡ nhỏ và các vị Bổn Tôn kích cỡ lớn v.v. Tương tự như vậy những suy nghĩ cũng là nhất thời và chúng xuất hiện dưới nhiều hình tướng. Có vô số các kiểu suy nghĩ xuất hiện trong tâm. Thông qua việc quán tưởng Bổn Tôn thì các suy nghĩ trở thành sắc tướng thanh tịnh của Bổn Tôn, bởi khi con quán tưởng Bổn Tôn, những gì xuất hiện trong tâm con thực chất chính là sự phóng chiếu của chính tâm con. Thậm chí ngay cả khi có hàng trăm Bổn Tôn xuất hiện thì đó cũng là các phóng chiếu đa dạng từ chính tâm con. Tương tự như vậy, bởi vì vô số suy nghĩ xuất hiện trong tâm của chúng ta cho nên vô số Bổn Tôn cũng có thể xuất hiện như là những phản chiếu của tâm. Các Bổn Tôn khởi hiện lên từ Phật tánh, chính vì vậy con không nên gán đặt hay cho rằng các Bổn Tôn tồn tại tách biệt ở bên ngoài. Con nên nhận ra được rằng các Bổn Tôn thuần chỉ là sự phản chiếu của chính tâm mình, có như vậy thì con sẽ không sợ hãi. Nếu con không nhận ra được các Bổn Tôn là phản chiếu của tâm mình thì con sẽ nghĩ rằng các Ngài là tách biệt với con, điều đó làm cho con sợ hãi [khi nhìn thấy linh ảnh các Ngài trong thân trung ấm]. Thực ra con sợ hãi chính tâm của mình, sợ hãi sự phóng chiếu của chính bản thân con.

Chính vì vậy trong Trung Ấm Pháp Tánh có dạy rằng “Giờ đây khi con đã gặp thời khắc vô cùng quan trọng này, con sẽ không hoảng sợ khi đối diện các vị Bổn Tôn an bình và phẫn nộ, là những phóng chiếu của chính con.” Ý nghĩa của “thời khắc vô cùng quan trọng” là gì? Ví dụ nếu con đang dự kiến đi đến một nơi quan trọng nhưng trên đường lại mắc sai lầm như rẽ nhầm đường thì điều đó sẽ dẫn con đến một nơi sai lầm. Để đến được đích thì điều vô cùng quan trọng là không rẽ sai đường. Đó chính là ý nghĩa mà “thời khắc vô cùng quan trọng” muốn nói đến. Trong giai đoạn thân trung ấm, đầu tiên các vị Bổn Tôn an bình xuất hiện. Nếu con không nhận ra được các vị Bổn Tôn an bình – Ngũ Bộ Phật – thì sau đó các vị Bổn Tôn phẫn nộ sẽ xuất hiện. Đây chỉ thuần là những phóng chiếu của chính tâm con. Sẽ khó khăn hơn cho con trong việc nhận ra các Bổn Tôn phẫn nộ bởi vì nhìn thấy các Ngài làm khởi lên lo sợ trong tâm con. Nếu trong cuộc đời này con đã thuần thục với việc thực hành các Bổn Tôn phẫn nộ (ví dụ Vajrakilaya hay Yamantaka) thì sẽ tiếp tục có một cơ hội để được giải thoát thông qua việc nhận ra các Bổn Tôn phẫn nộ. Ví dụ khi con nhìn thấy hình ảnh của Bổn Tôn Yamantaka và con cảm thấy hạnh phúc, thì khi đó con sẽ được giải thoát. Nhưng nếu con sợ hãi vì nghĩ rằng Ngài trong thật đáng sợ thì con sẽ không được giải thoát. Nói chung trong giai đoạn thân trung ấm thì việc giải thoát thông qua các Bổn Tôn an bình sẽ dễ dàng hơn, việc giải thoát thông qua các Bổn Tôn phẫn nộ sẽ khó khăn hơn. Các Bổn Tôn phẫn nộ thực sự là hoá hiện của lòng đại bi mãnh liệt. Các Bổn Tôn phẫn nỗ có cùng một bản chất với các Bổn Tôn an bình. Ví dụ khi một ai đó bị ốm, đầu tiên con sẽ thử chữa cho họ thông qua một vài kiểu khác nhau, ví dụ như cho họ uống hay tiêm một số thuốc. Nhưng nếu uống thuốc hay tiêm thuốc vẫn không thể chữa được cho người đó thì đôi khi cần thiết phải dùng biện pháp phẫu thuật. Bổn Tôn phẫn nộ cũng tương tự như vậy - nếu không thể cứu giúp chúng sinh bằng biện pháp an bình thì khi đó Bổn Tôn phẫn nộ hoá hiện để giải thoát họ một cách mạnh mẽ. Ngoài ra chúng ta được dạy rằng các Bổn Tôn an bình an trụ tại tim và các Bổn Tôn phẫn nộ an trụ tại não.

Khi các Bổn Tôn phẫn nộ xuất hiện thì âm thanh và ánh sáng trở nên vô cùng mạnh mẽ và trấn áp. Các âm thanh nghe giống như là các hàng nghìn con rồng gầm vang cũng một thời điểm, thứ âm thanh khó lòng chịu nổi giống như có bom nguyên tử nổ. Ánh sáng thì sáng chói như ánh mặt trời mà mắt thường không thể chịu đựng được. Hơn nữa tất cả không gian xung quanh thì ầm ầm như có động đất. Những âm thanh trong giai đoạn trung ấm chính là các âm thanh tự nhiên của Pháp tánh. Ánh sáng trong giai đoạn trung ấm cũng là các ánh sáng tự nhiên của Pháp tánh. Thậm chí bây giờ đôi lúc chúng ta cũng có thể nghe âm thanh tự nhiên của Pháp tánh. Đôi lúc khi tâm tĩnh lặng, tai chúng ta cũng có thể nghe thấy như có âm thanh khi chơi chũm choẹ. Đó là âm thanh tự nhiên của Pháp tánh. Âm thanh này được gia tăng dữ dội ở trong giai đoạn trung ấm và trở nên vô cùng to vào lúc đó. Nếu chúng ta chưa có sự thuần thục trong thực hành thì vào lúc đó sẽ cảm thấy sợ hãi. Về thực chất tối hậu thì tất cả sắc tướng, âm thanh, niệm tưởng đều là sự tự hiển lộ của Pháp tánh.

Đầu tiên con cần hiểu được bản chất tồn tại của vạn pháp. Trong Đại Nguyện Của Phổ Hiền Như Lai có nói rằng “Dù tam giới có bị huỷ diệt cũng không có gì sợ hãi. Không có bất kỳ bám chấp nào vào năm cảm thọ của giác quan.” Rất nhiều người sợ hãi về sự huỷ diệt của thế giới này. Rồi đến lúc thế giới sẽ phải huỷ diệt và các nhà khoa học cũng biết điều đó. Thế giới này đến một lúc nào đó sẽ kết thúc và tan hoại. Và người ta sợ hãi về thực tế này. Có các hành tinh trong vũ trụ và một số người lo sợ rằng hành tinh nào đó sẽ đâm vào trái đất và rồi thế giới sẽ bị huỷ diệt. Dù là gì đi nữa thì cuối cùng trái đất và thân thể của chúng cũng phải đi đến hồi kết thúc. Tuy nhiên tâm thức thì không chết. Những dấu ấn nghiệp và tập khí sẽ tiếp tục. Khi con nhận ra được chân tâm thì con sẽ hiểu được rằng tâm không thể chết. Nó bất sinh và bất diệt. Nó cũng giống như hư không vậy. Khi con nhận ra được điều đó thì sẽ không có sợ hãi ngay cả khi thế giới này hay chính thân thể con đi đến hồi kết thúc. Chỉ hiểu biết không thôi thì chưa đủ. Con cần phải đạt được sự vô uý thông qua kinh nghiệm trực chứng. Con phải thực sự trải nghiệm việc mình đã vượt qua được các tư tưởng và phiền não như thế nào.

Đức Milarepa đã đạt được những năng lực phi thường nhờ không bám chấp vào một thực tại hiện hữu trong có vẻ chắc thật. Ngài đã giác ngộ được rằng mọi hiện tượng xuất hiện đều là sự hiển lộ của tâm. Trong đời sống hàng ngày chúng ta làm việc với các hiện tượng, chẳng hạn như khi chúng ta chơi các môn thể thao khác nhau. Những việc các vận động viên có thể làm với thân vật lý của họ thì thật đáng kinh ngạc. Tuy nhiên chúng ta cần phải luyện tâm bằng cách nhận ra rằng mọi hiện tượng xuất hiện đều là hoá hiện của tâm, do tâm phóng chiếu ra. Noi theo gương đức Milarepa, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc hiểu biết mà cần phải thực sự trải nghiệm nhận biết đó thông qua thực hành không bám chấp vào bất cứ hiện tượng nào xuất hiện. Nếu con có khả năng loại trừ được mọi bám chấp vào bất kỳ suy nghĩ nào khởi lên trong tâm thì con sẽ chắc chắn đạt được giải thoát trong thân trung ấm. Mặc dù mọi người đều có Phật tánh nhưng chỉ có những ai đạt được chánh định bất động thì mới có thể được giải thoát khỏi khổ đau. Mặc dù con có Phật tánh, nhưng nếu không thiền định thì con sẽ không thoát khỏi đau khổ. Đây là thời cơ giữa giải thoát hay không giải thoát trong thân trung ấm, bám chấp hay không bám chấp vào các sắc tướng khởi hiện trông có vẻ chắc thực. Vào giai đoạn tu tập ban đầu có thể khó để hiểu rằng Phật chính là tâm của con. Khi Thầy còn trẻ, Thầy có những nghi ngờ về đều này vì Thầy nghĩ rằng Phật vô cùng trân quý và vô cùng phi thường. Thầy có lòng sùng mộ to lớn đối với đức Phật, vì vậy Thầy nghĩ rằng làm sao mà Phật lại chỉ đơn thuần là tâm của mình được? Khi Thầy nhìn vào tâm mình thì chỉ thấy trống không. Chẳng có gì cả. Làm sao có thể là như vậy? Để hiểu được điều này thì hãy xem xét ví dụ về đại dương mênh mông. Nếu con lấy một giọt nước từ đại dương mênh mông bằng ngón tay của mình thì giọt nước nhỏ bé đó cũng có cùng một bản chất nước hệt như toàn bộ đại dương. Khi tảng băng tan vào trong đại dương thì đại dương không biến mất. Đại dương không bao giờ biến mất đi. Khi con nhận ra được tâm của mình thì con sẽ trở thành toàn bộ đại dương. Con sẽ là một với toàn bộ đại dương. Thật sự rất lợi lạc khi đọc Đại Nguyện Của Phổ Hiền Như Lai vì trong đó giải thích về một nền tảng chung đó.

Vì vậy, là hành giả thực hành Pháp, chúng ta nên thuần thục trong việc nhận biết được rằng các hiện tượng xuất hiện đều có bản chất của Bổn Tôn. Trong một pháp tu của truyền thống Đại Viên Mãn (Dzogchen), hành giả nhìn chăm chú vào mặt trời, tập trung vào một điểm ngay sát phía dưới mặt trời. Và cuối cùng hành giả sẽ có thể nhìn thấy khối cầu ánh sáng – ánh sáng cầu vồng ngũ sắc - gồm cón bốn ánh sáng ở bốn hướng chính và một ánh sáng thứ năm ở trung tâm. Các chủng tự gốc và các Bổn Tôn có thể xuất hiện từ bên trong khối cầu ánh sáng đó. Sau này những loại hình tướng như thế cũng có thể tự nhiên hoá hiện trong giai đoạn thân trung ấm. Thực chất đây chính là dấu hiệu chứng tỏ tâm của Bổn Tôn kết nối với tâm của chúng ta với Phật tánh của chúng ta, bởi vì những linh ảnh là sự toả rọi tự nhiên của Bổn Tôn. Tâm của các vị Bổn Tôn phản chiếu như ánh sáng rất quang minh và chói lọi, chói lọi đến nỗi chúng ta không chịu nổi khi nhìn thấy. Cùng vào lúc đó, trong giai đoạn trung ấm cũng có ánh sáng mờ hơn xuất hiện và đó cũng là phản chiếu của tâm. Ánh sáng này không chói loà mà rất nhẹ nhàng và mờ nhạt. Hai ánh sáng này xuất hiện cùng một lúc và mỗi ánh sáng lại bao gồm năm màu. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy chúng ta được kết nối với tâm của Bổn Tôn. Và hai ánh sáng ngũ sắc đó đều là phản chiếu của chính tâm chúng ta. Nhưng do nghiệp lực mà ánh sáng chói lọi - sự phản chiếu của năm trí huệ - làm chúng ta sợ hãi và chúng ta thậm chí còn không dám nhìn vào ánh sáng đó. Ánh sáng đó mạnh mẽ một cách áp đảo và đáng sợ. Vì thế dẫn đến việc chúng ta lại tránh ánh sáng chói lọi và hướng tới ánh sáng nhẹ nhàng hơn. Cũng giống như là uống thuốc đắng, chúng ta không muốn uống thuốc đắng nhưng cần phải uống vì nó chữa được bệnh. Tương tự như thế, với tri kiến thanh tịnh chúng ta sẽ biết được rằng ánh sáng chói lọi chính là lương dược, nhưng với tri kiến bất tịnh chúng ta lại thấy ánh sáng đó thật kinh khủng. Do bởi nghiệp lực lôi kéo, chúng ta thường tự nhiên muốn hướng tới ánh sáng nhẹ và mờ nhạt hơn. Tuy nhiên nếu đi theo ánh sáng đó thì chúng ta sẽ tái sinh trong sáu cõi luân hồi. Vì vậy nhận ra được rằng mình nên đi theo ánh sáng nào là điều vô cùng quan trọng.

Đức Garchen Triptrul Rinpoche

Phiên dịch Tạng – Anh: Ina Dhargye

Việt dịch: Trần Lan Anh

Hiệu đính: Thanh Liên

Comments are closed.