Sơ lược tiểu sử Traga Rinpoche

Đại Sư Traga Rinpoche ra đời vào ngày 15 tháng 8 âm lịch Tây Tạng (năm 1954 Tây lịch). Thân phụ của Ngài là một đại hành giả cũng như các tổ phụ của Ngài từng là các hành giả danh tiếng trong giòng phái Cổ Mật.

Khi được 4 tuổi, Lhotul Khakhyab Dorje thứ 9 chứng nhận Ngài là hóa thân của chính sư phụ của mình, tức là hóa thân của Togden Tsondrue Tharchin, và đã xuống tóc cho Ngài. Tâm từ bi của Ngài đã hiển lộ ngay từ thuở nhỏ. Năm 13 tuổi, Ngài bắt đầu học Tạng văn, và năm 18 tuổi, y học Tây Tạng được cộng thêm vào chương trình học của Ngài. Năm 24 tuổi, Ngài du hành đến thủ đô Lhasa để chiêm ngưỡng tượng đức Phật Thích Ca. Và bắt đầu từ đó, Ngài đã may mắn được được thụ huấn với nhiều vị danh sư đương thời. Ngài nhập thất liên tục 7 năm để tu luyện bộ pháp Đại Viên Mãn (Dzogchen) dưới sự hướng dẫn của Ngài Khenpo Munse- một vị Thầy rất quan trọng.

Năm 36 tuổi, Ngài tìm đến tu học với Khenchen Jigme Phuntsog và được truyền một bộ pháp cao thâm trước khi sư phụ qua đời. Sau đó Ngài nhập thất liên tục trong nhiều năm, đồng thời hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử tụng niệm chú A Di Đà và Quán Âm. Cuối năm 1993, Ngài qua Ấn Độ được Sư Tổ của giòng Drikung Kagyu là H.H. Chetsang Rinpoche truyền dạy bộ pháp Phỉ Lạc Luân Xa (Chakrasamvara), Ngũ Cấp Đại Ấn (Five-fold Path of Mahamudra) cùng nhiều bộ pháp cao đẳng khác. Sau đó Ngài trở về Tây Tạng để hướng dẫn thiền sinh nhập thất theo lệnh của Sư Tổ.

Năm 1996, Ngài được mời qua Đài Loan thuyết giảng. Tại đây, ngoài những buổi giảng pháp và hành thiền, Ngài thể hiện sự khiêm cung của mình qua việc tham gia quét dọn, chấp tác trong thiền viện như mọi người. Năm 1998, kiến thức quảng bác và sự chứng nghiệm cao thâm của Ngài đã khiến Lamchen Gyalpo Rinpoche tấn phong cho chức 'Đạo Sư Cao Quý' (Lhopon). Garchen Rinpoche đã từng nói: 'Giữa ta và Traga Rinpoche không có gì khác biệt-tuy là hai thân nhưng tâm đồng nhất! Tuy hai mà một!'

http://www.drikungvn.org/index.php?option=com_content&view=article&id=389%3As-lc-tiu-s-traga-rinpoche&catid=90%3Atiu-s-ao-s&Itemid=558&lang=vi

Comments are closed.