Tiểu sử Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa 12

Ngài đản sinh tại thánh địa "Hồ Liên Hoa" Tso Pema, nơi từng là Vương quốc Zahor thuộc bang Himachal Pradesh Ấn Độ. Ngài giáng sinh vào buổi bình minh ngày mùng mười tháng giêng năm Quý Mão thuộc cung thứ 16 theo lịch Tây Tạng tức năm 1963. Trong lúc các Đạo sư vân tập nơi hồ Tso Pema tổ chức đại pháp hội Tse Chu, đang trình diễn vũ điệu đầu tiên của tám hóa thân Đạo sư Liên Hoa Sinh thì Đức Thiên Long Chí Tôn giáng thế.

Từ thuở nhỏ, Ngài đã bộc lộ bản chất của bậc Thánh nhân siêu phàm. Lòng từ bi của Ngài hiển bày nhậm vận tự nhiên, luôn bảo vệ muôn loài, lo lắng quan tâm ngay cả những sinh linh nhỏ bé thấp kém nhất. Trong những thiên tư khác của Ngài đặc biệt có trí tuệ liễu tri vạn pháp bí mật bất khả tư nghì.

Trong khi đó, Đức Hộ trì Quy y Drukchen Dungsey Rinpoche (Thuksey Rinpoche) là "Con trai tôn quý" của Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ X, đang nỗ lực đi tìm hóa thân mới của Ngài. Thuksey Rinpoche nhiều lần đến Dharamsala gặp Đức Dalai Lama thỉnh cầu lời khai thị và minh tỏ linh kiến, ngoài ra Ngài còn thỉnh cầu sự trợ giúp rất nhiều vị Đại Đạo sư như Đức Gyalwang Karmapa cùng thiền định về hậu thân Pháp Vương Gyalwang Drukpa, tất cả sự tiên tri của các Ngài xuất hiện từ Trí tuệ căn bản đều trùng hợp nhau.

Năm Bính Ngọ 1966, Đức Hộ trì Quy y Kyabje Thuksey Rinpoche và Đức hộ trì Quy y Kyabje Khamtrul Rinpoche Doengyu Nyima cùng một nhóm ít người đến khu người Tây Tạng ở Dalhousie, nơi gia đình Bairo Rinpoche đang cư trú. Sau khi tìm được hóa thân, các Ngài cử hành đại lễ tịnh hóa thân nghiệp và cúng dường Pháp y cho Ngài tại tự viện Khampa Gar (ngôi tự viện mới của Khamtrul Rinpoche) cũng ở Dalhousie. Không lâu sau tại Dharamsala, Đức Dalai Lama làm lễ giá kéo và ban cho Ngài Pháp danh Tenzin Jigdrel Lodoe " Đấng Pháp Vương Vô Úy".

Năm Đinh sửu 1967 vào ngày 14 tháng giêng lịch Tây Tạng, theo thiên văn học thì đây là một ngày cát tường để tăng trưởng công đức, nghi lễ đăng quang Pháp Vương dòng truyền thừa của Ngài đã diễn ra huy hoàng, tráng lệ tại tự viện Darjeeling ở Tây Bengal. Thành phần tham dự đại lễ có: Ngài Chok Rato Chuwar Rinpoche thay mặt Đức Dalai Lama và chính phủ Tây Tạng lưu vong; các đại diện ba ngôi tự viện Sera, Drepung và Ganden; các đại diện Đức Gyalwang Karmapa; Kyabje Pawo Rinpoche tự viện Nenang; đại diện Raja xứ Sikkim; Thượng tọa Tsechu Rinpoche từ Bhutan; chính quyền địa phương và chính quyền Tây Tạng ở Darjeeling; đại diện tất cả tự viện trong vùng; chư Tăng tự viện Sangag Choeling; các thí chủ và hàng ngàn Phật tử dòng Drukpa đến từ khắp mọi miền.

Ngài học đọc, học viết từ Đức Hộ trì Quy y Thuksey Rinpoche tôn quý là Bản sư - Chủ của Ngũ Bộ Phật. Thuksey Rinpoche dạy Ngài ghi nhớ tất cả kinh văn, nghi thức hành lễ và các nghi quỹ. Dần dần, Ngài thụ nhận toàn bộ các quán đỉnh của dòng truyền thừa Drukpa, các bài pháp giảng nghĩa lý giải thoát, kinh điển truyền thừa làm nền tảng cho: giáo lý Đại Thủ Ấn, Sáu Pháp Du Già của Naropa, Sáu vị Bình Đẳng, Bảy Pháp Duyên Sinh, Pháp Khẩu Truyền của chư Dakini… Như vậy, Ngài lĩnh hội trọn vẹn dòng cam lồ giáo pháp tinh túy và thâm sâu của dòng truyền thừa Drukpa từ Đức Thuksey Rinpoche.

Pháp Vương không hề phân biệt mà rất cung kính vô số Đạo sư thuộc tất cả dòng phái khác và nghiên cứu tham học nhiều giáo pháp thuộc tân phái, cổ phái. Ngài đặc biệt kính ngưỡng chư Pháp Vương đứng đầu Ngũ Bộ Phật, quý Ngài là: Đức Hộ Trì Quy y Kyabje Thuksey Rinpoche, Đức Hộ Trì Quy y Kyabje Dujom Rinpoche, Đức Hộ trì Quy y Kyabje Trulshik Rinpoche, Đức Pháp Vương Dalai Lama Hộ Trì Thành Tựu Mọi Tâm Nguyện , Đức Hỷ Lạc Như Lai Pawo Rinpoche tự viện Nenang, Kyabje Dodrubchen Rinpoche, Kyabje Ontrul Dampa, Thánh giả Drubwang Kunzang Dorje Dampa và người cha tôn quý của Ngài Đức Vairochana (Bairo Rinpoche).

Sau khi phát nguyện hoan hỷ chư vị Đạo sư bằng ba phương pháp, Pháp Vương đã duy trì được các hoạt động giác ngộ phổ độ giải thoát chúng sinh theo Chín thừa cao quý. Do đó, sự hóa thân của Ngài tượng trưng bản chất bất hoại tối thắng của Kim Cương.

Nguồn: Trích trong cuốn: "The Wand That Opens The Eyes And DispelsThe Darkness of Mind"

http://www.drukpavietnam.org/index.php/phap-vuong-gyalwang-drukpa-xii/tieu-su/17-jigme-pema-wangchen

Comments are closed.