Tuệ Giác

Tất cả chúng sanh- từ loài người tới côn trùng- đều sẵn có khả năng để đạt tới giác ngộ. Nhưng chúng ta vẫn sống như những kẻ nghèo khổ, dẫu ngồi trên một mỏ vàng. Ta sống trong sự nghèo khổ về tinh thần vì ta không biết chạm tới sự giàu có nơi nội tâm. Để chạm được cần có nỗ lực. Chúng ta phải liên tục trau dồi ba môn: văn (học hỏi giáo pháp), tư (suy nghiệm về giáo pháp) và tu (thực hành giáo pháp); chúng ta phải biết kết hợp hiểu biết và từ bi. Để cuối cùng, ta thức tỉnh trí tuệ nguyên thuỷ sẵn có, giúp ta thực biết vạn vật.

NHẬN THỨC- TRI GIÁC

Nhận thức/ tri giác thì sẵn có, cắm rễ sâu trong tâm thức. Nếu ai đó cấu véo ta, ta sẽ thấy đau, không có đức tin hay quan niệm nào cần có ở đây; chỉ đơn thuần là như vậy

Tri giác xảy ra ngay lập tức, trước khi một ý nghĩ được tạo thành, khi có ai đó nhìn vào một bông hoa, nhận thức hay là cảm nhận sẽ tạo một hình ảnh trong tâm thức, điều này khiến nảy sinh một ý nghĩ: “bông hoa”. Nhưng tới lúc này thì bông hoa thực sự mà mình thấy đã là quá khứ rồi- giống như một hình ảnh chớp hiện trong bộ phim chiếu rạp. Cũng như vậy đối với mọi việc trong đời sống, ví dụ như, khi người ta khổ sở nghĩ về một mối tình đổ vỡ, nhưng bản chất thì, mối duyên mà họ vẫn đang khổ vì thì đã qua đi từ lâu rồi.

Nhận thức và Khái niệm có liên hệ chặt chẽ, theo một cách nào đó, nhận thức như là phần cứng, và khái niệm như là phần mềm. Hiểu theo cách rộng hơn, nhận thức bao hàm sự đánh giá và tính chủ quan. ví dụ như, Nghĩ về ông A; ông B thấy là ông ấy thật dễ mến, trong khi đó đối với bà C thì lại thấy ông A khó chịu. Dễ mến hay khó chịu đều không thực  là phẩm chất của ông A. Phẩm chất ấy tồn tại trong tâm thức của ông B và bà C. Những tri giác này thì luôn thay đổi, tô điểm bằng ý định, tâm trạng hay những kinh nghiệm của chúng ta trước đó.

KHÁI NIỆM/ QUAN NIỆM

Khái niệm/quan niệm thì không thực, do con người tạo ra, nảy sinh từ văn hoá, tôn giáo, triết lý, và tín ngưỡng dân gian. chúng thì luôn chuyển đổi. Ví dụ như ở Thái Lan, nếu ai đó để lộ lòng bàn chân là một điều rất thô lỗ trong khi việc đó ở Mỹ thì lại là hành động chấp nhận được. Cũng như thế, những suy nghĩ đánh giá của ta về việc gì đó- cho rằng việc ấy là tốt hay xấu, có lý hay vô lý- thì cũng chỉ đơn giản là quan niệm. Nói một cách sâu hơn, tất cả những gì ta cho là chân thật thì cũng chỉ đơn thuần là quan niệm.

Ta mở vòi nước, có thứ gì đó chảy ra. Ta nói: đây là nước, nước có thể uống được. Nhưng trong thực nghĩa thì không phải như vậy; nước chỉ là một từ hoặc là một hình ảnh, cả từ đó và hình ảnh đó đều không uống được. Một cách khách quan thì, không có mối liên hệ nào giữa thứ chảy ra từ chiếc vòi, đây là thứ thật có, và từ nước, đây là khái niệm ta đặt cho thứ ấy, mối liên hệ giữa thứ chảy ra từ cái vòi và từ ngữ nước chỉ tồn tại trong não bộ của ta.

Ví dụ về nước đưa đến cho ta một ví dụ về thấy biết lý trí, điều này rõ ràng hơn khi đề cập đến lĩnh vực cảm xúc, hay trong mối liên hệ với người xung quanh. Bởi nhầm lẫn giưã những gì thực có và quan niệm, ta giam mình trong sự khổ sở thay vì cởi mở tâm mình để thoát khỏi mọi vấn đề vướng mắc.

ĐA VŨ TRỤ

Trong khi chúng ta nhìn vào sự vật theo cả hai cách khách quan và chủ quan, cái nhìn chủ quan của chúng ta thường mạnh mẽ và lấn át hơn. “Chân lý” của một người được hình thành bởi những niềm tin thường được tự củng cố; dẫu những niềm tin đó không thể tác động được chân lý đích thực sau cùng và duy nhất. Thực ra, dù chủ quan hay khách quan, chân lý của chúng ta thay đổi tùy vào thời gian, không gian và quan điểm hiện hành.

Ví dụ, một số học giả tin rằng Đức Phật đã dạy các môn đệ rằng thế giới phẳng và mặt trời quay quanh trái đất. Có thể Đức Phật đã dạy như vậy thật; đó là những niềm tin phổ biến vào thời đại đó – thực tại của thời gian đó – và đức Phật là người rất tế nhị trước các chuẩn mực văn hóa. Tuy nhiên, trong những bài giảng sau này cho một chúng hội nhỏ hơn, những đệ tử đã tiến xa hơn trên đường tu học, Đức Phật nói rằng Trái đất có thể được nhìn thấy trong nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào nghiệp của chúng ta.

Tương tự, quan điểm của chúng ta về vũ trụ cũng đã thay đổi theo thời gian, từ “trái đất là trung tâm vũ trụ” đến “đa vũ trụ”. Trong khi các nhà khoa học hiện đại bắt đầu tin tưởng, thì Đức Phật từ lâu đã dạy rằng có nhiều hơn một vũ trụ. Thật vậy, có hàng ngàn vũ trụ – mỗi một vũ trụ nằm bên trong một vũ trụ to lớn vô tận, với số lượng nhiều như số cát sông Hằng. Toàn bộ vũ trụ của ta là một hạt cát mà thôi. Tuy nhiên, trong hệ thống đó, một thay đổi dù rất nhỏ cũng có thể thay đổi lộ trình của một hành tinh, một dòng sông, một cuộc đời. Không có gì là vĩnh viễn; mọi thứ đều có thể.

THỰC TẠI TƯƠNG ĐỐI

Những sự thực có thể nắm bắt được của cuộc sống – như các mối liên kết và phụ thuộc lẫn nhau của mọi suy nghĩ, hành động, và hoàn cảnh – là những điều ta có thể nhận thấy dễ dàng khi phân tích và quán sát. Và chính nhờ phát hiện ra điều đó giúp chúng ta có thể bắt đầu bẻ gãy những vòng quay luẩn quẩn, để chúng ta có thể sống với những mong ước tích cực.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng các liên kết nền tảng giữa tất cả chúng sanh: Chúng ta đều thở chung một bầu không khí, cư ngụ trong cùng một sinh quyển, bước đi trên cùng một trái đất. Và tất cả chúng ta đều kiếm tìm hạnh phúc, yên bình và an ổn.

Tri thức của chúng ta cũng phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta cùng học một người thầy, mà bản thân ông ấy cũng đang chia sẻ kiến ​​thức học lại từ nhiều người thầy khác, từ gia đình, bạn bè và những kinh nghiệm cá nhân. Rồi từ đó, cách chúng ta hiểu, diễn dịch và thực hành những lời dạy này lại phụ thuộc vào vốn tri kiến của chúng ta hiện có.

Thậm chí những thứ có vẻ đối lập cũng phụ thuộc lẫn nhau: ngày và đêm, nóng và lạnh, tốt và xấu chỉ tồn tại trong mối quan hệ đối đãi với nhau. Đến và đi trong thực tế, là cùng một hành động; nó chỉ tùy thuộc vào phương hướng mà chúng ta đang nhìn.

Và trên hết, cuộc sống của chúng ta vào bất kỳ thời điểm nào đều là kết quả của tất cả những suy nghĩ và hành động của ta cho đến giây phút đó, và chúng tiếp tục làm nền tảng để tạo nên những nghiệp tương tự trong tương lai. Khi nghiệp của chúng ta làm là tốt đẹp, trải nghiệm của chúng ta là tốt đẹp và chúng ta tiếp tục có nhiều cơ hội để làm những điều tốt đẹp; điều này cũng đúng đối với các nghiệp bất thiện.

Thông qua việc tu tập, bất cứ ai đều có thể thoát khoải cái vòng lẩn quẩn tiêu cực, bằng cách tận dụng thời cơ  ngay giữa giai đoạn cảm thọ và giai đoạn nắm giữ cảm thọ (để cảm thọ chi phối mình). Cơ hội này không phải là điều đến một lần duy nhất trong đời, nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, lặp đi lặp lại, mỗi ngày.

THỰC TẠI TUYỆT ĐỐI

Thực tại tuyệt đối là sự thật tuyệt đối là nền tảng (bản chất) của mọi sự hiện hữu – nhưng đó là điều chúng ta chỉ nhận ra và thấu hiểu thông qua việc tu tập. Trong khi thực tại tương đối tồn tại trong thế giới khái niệm, thực tại tuyệt đối tồn tại vượt ra ngoài thế giới khái niệm. Đây là điều rất khó nắm bắt – giống như tình cảnh của một người đứng trên mặt đất cố gắng đo chiều dài của một chiếc máy bay đang chao liệng trên trời; nhìn nó trông như dài chỉ độ năm phân.

Sự thực tuyệt đối không phụ thuộc vào người đang quán sát, thời điểm quan sát, cũng như các điều kiện hay hoàn cảnh mà nó được quan sát. Đơn thuần là thứ vốn là.

Chỉ bằng việc hiểu thấu những khía cạnh của thực tại tương đối, chúng ta cũng đã có thể tạm thời giải phóng khỏi những khổ đau và tuyệt vọng. Bằng việc hiểu thấu thực tại tuyệt đối, ta hoàn toàn giải phóng bản thân, đạt được cái thấy sâu sắc và trí tuệ chân thực.

By Trungram Gyaltrul Rinpoche

Nguồn tài liệu: http://dharmakaya.org/teachings/wisdom/

Comments are closed.