Lịch sử sơ lược Chư Tổ truyền thống Ripa

Từ ripa có nghĩa là “người sống trên núi”, một thành tựu giả sống ẩn dật trong thiền thất. Dòng truyền thừa gia đình Ripa bắt đầu từ thế kỷ thứ 12 như một dòng truyền mang tính kế thừa thuộc truyền thống Barom Kagyü, nhưng đã được thiết lập bền vững bởi hành giả Mật Thừa Thành Tựu, Đại Khai Mật Tạng Ripa Pema Deje Rolpa (1803-1880) người mà với sự chứng ngộ và những hoạt động của Ngài đã khiến cho gia đình quyết định theo định hướng truyền thống Nyingma từ khoảng 180 năm trước.

Đức Ripa Pema Deje Rolpa đã chào đời như một vị Khai Mật Tạng (Tertön) đáng kính hay bậc khám phá những kho tàng tâm linh, cha của Ngài là Tertön Rigzin Shiney Dorje và mẹ của Ngài là Sangyum Kyimotso. Khi còn trẻ, Ngài đã được tuyên nhận là tái sinh của một bậc thành tựu giả mật thừa vĩ đại truyền thống Barom Kagyü tên là Ripa Pawo Tinley Dorje là một hành giả chứng ngộ cao cấp. Đức Ripa Pema Deje Rolpa đã đi theo tấm gương của bậc hóa thân tiền nhiệm, nhưng vị thầy chính của Ngài là một Đạo sư Nyingma tên là Pema Gyepe Dorje, bậc trì giữ dòng truyền thừa thứ tư của truyền thừa Taksham. Truyền thống Taksham dựa trên những giáo lý terma của Đức Taksham Samten Lingpa (sinh năm 1682), Ngài còn được gọi là Taksham Nuden Dorje.

Truyền Thừa Ripa

Truyền Thừa Ripa Vinh Quang

Đức Ripa Pema Deje Rolpa đã dành nhiều năm đi theo bước chân của bậc tiền bối, lang thang với sự nhất tâm thực hành trong đơn độc trong núi, từ nơi thánh địa này tới những nơi thánh địa khác. Khi những chứng ngộ tâm linh hiển lộ ở bên trong, Ngài đã được ca ngợi rộng rãi bởi sự chứng ngộ và những thành tựu viên mãn của mình. Ngài đơn giản được biết đến như là “Vị đạo sư Ripa” hay “người độc cư trên núi” (ri có nghĩa là núi và pa có nghĩa là cư ngụ). Tertön Pema Deje Rolpa đã lấy những nơi hoang vắng làm bạn đồng hành và tiểu sử của Ngài ghi rằng: “Ngài sử dụng không khí làm thức ăn và mây làm áo mặc”. Tỉnh giác một cách vô úy và tự tại, bậc đạo sư Ripa đã được truyền cảm hứng để làm lợi lạc cho vô số chúng sinh bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm tâm linh sâu sắc của Ngài.

Được hướng dẫn trong một linh kiến bởi Đức Liên Hoa Sinh, vào năm 1830 Đức Pema Deje Rolpa đã hành trình tới một thung lũng ở Do Kham miền Đông Tây Tạng thuộc vùng Kham có tên là Nyima Puk – “Thung lũng Mặt Trời”. Ở nơi linh thiêng đó, Ngài đã chứng kiến những con rồng – biểu tượng cho uy quyền, vinh quang và kỳ diệu – bay lên trời cùng những tiếng gầm vang dội. Với dấu hiệu cát tường này, Ngài đã đặt nền móng cho “Rigon Tashi Choeling”, nơi sau này trở thành trụ xứ chính của dòng truyền thừa Ripa ở Tây Tạng. Trụ xứ của truyền thừa Ripa ở Pharping, Nepal cũng được đặt tên là Rigon Tashi Chöling. Trụ xứ của dòng ở Orissa, Ấn Độ có tên là Rigon Thubden Mindroling.

Đức Ripa Pema Deje Rolpa được xem như là tái sinh của Thành Tựu Giả Āchāraya Sale là vị phối ngẫu tâm linh chính của Đức Bà Yeshe Tsogyal, và là hóa thân về khẩu của Đức Taksham Nuden Dorje. Đức Taksham Nuden Dorje có nhiều trước tác và đã soạn 20 bộ các terma được khám phá và các chỉ dẫn. Các terma của dòng truyền thừa Taksham đặt sự chú trọng vào các thực hành của Hayagriva (hiện thân phẫn nộ về phương diện khẩu của tất cả chư Phật) và các thực hành của Yeshe Tsogyal, phối ngẫu chính của Đức Liên Hoa Sinh. Tiểu sử về các terma của Yeshe Tsogyal và Mandarava – vị phối ngẫu chính của Đức Liên Hoa Sinh ở Ấn Độ, được khám phá bởi Đức Taksham Nuden Dorje, đã được dịch ra và biết đến rộng rãi ở phương tây.

A4-D

Đức Bà Yeshe Tsogyal và Chư Tổ Dòng Ripa 

Vào đầu thế kỷ thứ 19, Đức Jigme Tsewang Chokdrup, bậc nắm giữ dòng truyền thừa Ripa đã hoàn thành một lời tiên tri của Đức Liên Hoa Sinh bằng việc lập gia đình với một nữ thành tựu giả cao cấp có tên là Sangyum Palden Tsomo. Bà là cháu của Đại Thành Tựu Giả Drubwang Shakya Shri, một trong những bậc thánh sống vĩ đại nhất Tây Tạng. Sự kết hợp của họ mang lại một tiềm năng tâm linh mạnh mẽ cho truyền thừa Ripa, và xa hơn thiết lập cam kết của dòng truyền thừa trong việc khuyến khích thực hành pháp cho cộng đồng ngoài tu viện để họ đạt được những thành tựu tâm linh cao cấp. Nó cũng dẫn tới sự ra đời của Bậc nắm giữ Pháp tòa Ripa hiện tại, Đức Pháp Vương Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche, là một Đại Khai Mật Tạng (Terchen) bậc đã khám phá nhiều kho tàng tâm linh ẩn mật.

Các thực hành chính của Truyền thừa Ripa là các Kho tàng giáo lý Terma của Terton Taksham Samten Lingpa (Taksham Nuden Dorje) và các thực hành của Gesar xứ Ling, đặc biệt là các terma Gesar phát lộ bởi Bậc nắm giữ Pháp tòa hiện tại của truyền thừa Ripa, Đức Pháp Vương Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche. Gesar, vị vua bồ tát chiến binh của xứ Ling ở miền Đông Tây Tạng, là một hóa thân của Đức Liên Hoa Sinh. Gesar đã khôi phục văn hóa Tây Tạng trở lại từ giai đoạn văn hóa tâm linh man rợ xảy ra dưới triều đại của Langdarma, vị vua chống đối Phật giáo, người đã nhanh chóng xóa bỏ giáo pháp ở Tây Tạng trong thế kỷ thứ 9. Những thực hành, bài ca, câu chuyện và các điệu nhảy của Gesar xứ Ling được bảo tồn bởi cộng đồng trong và ngoài tu viện của truyền thừa Ripa, và mang lại nguồn cảm hứng, sức mạnh lớn lao trong thời đại của tốc độ và chủ nghĩa vật chất như ngày nay.

05

Pháp Vương Taksham Samten Lingpa 

Tổ Ripa Pema Deje Rolpa (1803-1880) là Bậc nắm giữ Pháp tòa đầu tiên của dòng truyền thừa Ripa. Bậc nắm giữ Pháp tòa thứ hai là Đức Pháp Vương Dungsay Ngedon Drubpe Wangchuk (1844-1901), là người con của Ripa Pema Deje Rolpa và phối ngẫu của Ngài là Sangyum Kartso. Đức Pháp Vương Drubwang Ngedon Gyatso là một thiền giả đầy năng lực, người đã trao truyền các quán đảnh và giáo pháp một cách rộng rãi. Bậc nắm giữ pháp tòa thứ ba của dòng truyền thừa là Đức Pháp Vương Jigme Tsewang Chokdrup (1891-1954), một hóa thân của Guru Dorje Drollo, là một trong các hóa thân phẫn nộ của Đức Liên Hoa Sinh. Ngài nổi danh vì lòng bi mẫn và năng lực ban phước từ lời nói của Ngài. Đức Pháp Vương Drubwang Adzin Rinpoche (1933-1992) là Bậc nắm giữ Pháp tòa thứ tư của truyền thừa Ripa, toàn bộ cộng đồng Tây Tạng có lòng sùng mộ nơi Ngài, và Đức Dalai Lama thứ 14, Tenzin Gyatso, đã xác thực Ngài là một đạo sư chứng ngộ của giáo lý Đại Viên Mãn.

Bậc thủ ngôi Pháp tòa thứ năm và cũng là hiện tại của truyền thừa Ripa là Đức Pháp Vương Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche, là em trai của Đức Pháp Vương Adzin Rinpoche. Các dòng truyền thừa trong gia đình được xem như là các truyền thừa đặc biệt mạnh mẽ trong việc trao truyền giáo pháp, bởi vì sự gia hộ của Chư tổ dòng truyền thừa và đã được hòa trộn trong thân thể và tâm thức bậc nắm giữ truyền thừa hiện tại. Thêm một điều rất cát tường với dòng truyền thừa Ripa là cụ cố ngoại của Đức Pháp Vương Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche là Thành Tựu Giả Vĩ Đại Drubwang Shakya Shri (1853-1919), một đạo sư thành tựu cao cấp trong cả hai truyền thống Drukpa Kagyü và Nyingma. Không chỉ là một thiền giả vĩ đại được ca ngợi bởi Đức Jamgön Kongtrül Lödro Thaye và Đức Jamyang Mipham Gyatso, Đức Shakya Shri còn nổi tiếng với việc tái thiết Đại Bảo Tháp Boudhanath ở Kathmandu vào đầu thế kỷ thứ 20.

Terchen Rinpoche (2)

Pháp Vương Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche

Đức Pháp Vương Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche là một bậc thầy thông tuệ, đắm mình trong dòng truyền thừa của sự thực hành truyền thống và sự chứng ngộ thâm sâu. Cộng đồng Tây Tạng kính trọng Ngài bởi trí tuệ và năng lực của sự chữa lành, tiên tri, và bình ổn các chướng ngại trong những thực hành của Ngài. Các bậc thầy của Ngài gồm có Pháp Vương Dudjom Rinpoche, Pháp Vương Dilgo Khyentse Rinpoche, và nhiều đạo sư vĩ đại thời nay. Khi còn ở Tây Tạng, Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche đã thọ nhận toàn bộ kho tàng Richen Terdzö từ Trì Minh Vương Chögyam Trungpa Rinpoche.

Bảy người con của Đức Pháp Vương Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche đều tham gia vào việc bảo tồn và truyền bá giáo pháp của dòng truyền thừa Ripa. Ở Tây Tạng, con trai Ngài là Đức Tenzin Nyima Rinpoche đang trông coi trụ xứ Rigon Tashi Chöling ở Nyima Puk. Đức Gyetrul Jigme Rinpoche, một hóa thân của Tertön Pema Lingpa trông nom cho các tu viện Ripa ở Nepal và Ấn Độ, và giảng dạy thường xuyên ở phương Tây. Đức Jigme Rinpoche được biết đến bởi phong cách thư thái và lôi cuốn theo đó Ngài đưa những học trò đến gần với Pháp. Đức Jigme Rinpoche được giúp đỡ bởi em trai là Đức Lhuntrul Dechen Gyurme Rinpoche, người đang chăm sóc cho cộng đồng Tây Tạng ở Châu Á và ở Toronto, nơi đó Ngài sống với phối ngẫu tâm linh của mình là Khandro Chime. Ba người con gái lớn nhất của Nhiếp Chính Vương là Semo Sonam Peldzom, Semo Pema Dechen, và Semo Sonam Palmo là những ca sĩ, vũ công hoàn mỹ trong truyền thống Gesar và giúp đỡ cho Đức Pháp Vương Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche trong các hoạt động ở Châu Á và phương Tây. Người con gái trẻ nhất của Đức Pháp Vương Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche là Semo Dechen Choying Zangmo (Khandro Sakyong Wangmo), được Đức Pháp Vương Penor Rinpoche tuyên nhận là một trong những hóa thân của Đức Bà Yeshe Tsogyal và hiện là phối ngẫu tâm linh của Đức Sakyong Mipham Rinpoche, và là Bậc thủ ngôi trong truyền thống Phật Giáo Shambhala.

Tóm lại, dòng truyền thừa Ripa của các kho tàng được phát lộ đại diện cho một truyền thống độc đáo, đó là sự hòa trộn giữa những đức hạnh của tu viện dựa trên Kinh Điển của Đức Phật với những kỹ thuật Mật Thừa cao cấp. Nó mang lại sự giác ngộ hay sự tỉnh thức tâm linh sâu sắc có thể tiếp cận một cách trực tiếp và dễ dàng. Các pháp của dòng truyền thừa Ripa dựa trên năng lực và căn cơ của mỗi chúng sinh để đạt tới những chứng ngộ tâm linh cao hơn. Đặc điểm này đã trở thành dấu ấn của dòng truyền thừa Ripa.

Dòng truyền thừa Ripa đã phát triển và được kế thừa liên tục thông qua đời sống của các Bậc Đạo Sư thành tựu. Ở Tây Tạng, truyền thống đã hưng thịnh cho tới cuộc xâm lược của Trung Quốc, với hơn 500 tăng ni cư ngụ tại Rigon Tashi Choeling và một cộng đồng hàng vạn hành giả cùng những người ủng hộ. Một số lượng tương tự những động vật hoang dã chung sống tự do trong các trung tâm tu viện, nơi nhập thất và các hang động. Thực hành chính yếu của truyền thống Ripa dựa trên hệ thống Terma của Taksham Samten Lingpa và các thực hành của Gesar xứ Ling đã được khám phá và khám phá trở lại do Đức Pháp Vương Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche phát lộ qua các linh kiến.

Nguyên tác anh ngữ: Ripa Ladrang Foundation International

Việt ngữ: Vô Úy

Hiệu đính: Padma Tenzin (Liên Hoa Trì Pháp)

Nguyên tác phiên bản Tiếng anh của Truyền thừa Ripa được dịch bởi Walker Blaine có hai bản một bản chính thức và một bản bổ xung vào hai thời điểm khác nhau, vì vậy có nhiều thông tin trùng nhau gây cho người mới đọc nhiều khó khăn trong việc nắm bắt, và chúng tôi đã chuyển dịch vào năm 2014. Năm 2017 tại trụ xứ của Truyền thừa Ripa ở Thánh địa Yanglesho – Pharping – Nepal, chúng tôi hiệu đính và gộp hai bản lại để tạo điều kiện cho những độc giả Việt ngữ. Mọi sai sót trong quá trình chuyển dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ là thuộc người dịch và người hiệu đính, Con thành tâm xin sám hối trước Chư Tổ, Đạo Sư. Nếu tích tập được công đức nhỏ nào thì xin hồi hướng cho sự trường thọ của Đức Pháp Vương Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche và kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của truyền thừa Ripa Vinh Quang, trải rộng khắp Việt nam và làm lợi lạc cho hết thảy hữu tình chúng sinh.

Comments are closed.