“A” Âm tiết đại diện cho “Không” – Bản tính vô sinh của thực tại

1. Tháng Hai

Cách này hơn hai ngàn năm trăm năm, một người đàn ông miệt mài tìm kiếm chân lý trong nhiều, rất nhiều kiếp đến một chốn thanh vắng ở miền bắc Ấn Độ và ngồi dưới một tàng cây. Ông tiếp tục ngồi dưới tàng cây với sự quyết tâm vô bờ, và nguyện sẽ không đứng lên nếu chưa tìm được chân lý.

Vào lúc hoàng hôn, người ta kể, ông khuất phục được mọi thế lực đen tối của ảo giác; và bình minh hôm sau, khi sao Kim hé lộ trên nền trời tinh mơ, người đàn ông do vì đã kiên nhẫn trì giới và định tâm không hề lơi lỏng thành tựu được mục đích tối hậu của con người: chứng đắc tuệ giác.

Trong khoảnh khắc thiêng liêng đó, trái đất rung động như  thể “đã uống nước hạnh phúc nhất đời” và, như kinh điển ghi lại: “Không ai ở bất cứ nơi nào giận dữ, bệnh hoạn hay buồn thảm; không ai làm điều ác, không ai kiêu căng; trần thế trở nên hoàn toàn thanh tịnh như thể đã đạt đến sự toàn thiện”. Người đàn ông này được biết dưới danh hiện là Đức Phật.

2. Tháng Hai

Chấp thủ là nguồn gốc nhiều vấn đề của chúng ta. Vì vô thường báo hiệu sự khổ não, nên chúng ta bám vào mọi sự một cách tuyệt vọng, cho dù mọi sự đều phù du. Chúng ta phải sợ buông xả; thật ra, chúng ta sợ phải sống thực sự, vì học sống là học buông. Và đấy là tấn bi kịch, là sự trớ trêu của cuộc phấn đấu của chúng ta để nắm chặt: Chẳng những không thể được, nó còn mang lại cho chúng ta chính nỗi khổ đau mà chúng ta đang cố công tránh né.

Mục đích đằng sau sự chấp thủ có thể tự nó không xấu; không có gì sai lầm, khi khao khát hạnh phúc, nhưng chúng ta cố giành lấy những gì mà bản chất của chúng không thể nào nắm bắt được.

Người Tây Tạng nói rằng, bạn không thể rửa bàn tay dơ bẩn hai lần trong cùng một dòng sông đang chảy, và “dù bạn có vò bóp một nắm cát nhiều đến đâu đi nữa, bạn cũng không bao giờ vắt ra được một giọt dầu”.

3. Tháng Hai

Một lượn sóng ngoài biển cả. Nếu nhìn theo một khía cạnh thì, dường như nó là một cá thể riêng biệt có đầu có cuối, có sinh, có diệt. Nếu nhìn theo một khía cạnh khác thì bản thân lượng sóng không thật sự tồn tại, mà chỉ là sự vận hành của nước, “trống rỗng” không có lỹ lịch riêng, nhưng mà “đầy” nước. Vì vậy, khi bạn thực sự nghĩ về sóng, bạn chợt nhận ra rằng nó là cái gì đó tạm thời có được nhờ gió và nước, và lệ thuộc vào một loạt những điều kiện thường xuyên thay đổi. Bạn cũng nhận ra rằng mỗi lượn sóng đều có liên quan đến mọi lượn sóng khác.

4. Tháng Hai

Bất cứ điều gì ta đã làm trong cuộc sống đều biến ta thành những gì mà ta là khi chúng ta chết. Và mọi điều, tất cả mọi điều, đều quan trọng.

Thiền định theo Dzogchen (Đại Hoàn Thiện) là gì? Đơn giản chỉ là an trụ không xao lãng trong Kiến, một khi nó được khai thị.

Dudjom Rinpoche mô tả: “Thiền cốt là toàn tâm toàn ý với trạng thái tâm bản nhiên Rigpa, thoát khỏi tất cả những vướng mắc tâm thần, trong khi vẫn hoàn toàn thư giãn đầy đủ, mà không có bất kỳ sự sao lãng chấp thủ nào. Vì “thiền không cần phải cố gắng mà tự nhiên được hòa nhập".

6. Tháng Hai

Các tế bào đang chết dần, các thần kinh trong não đang mục rữa, thậm chí những nét diễn cảm trên gương mặt ta, tùy theo tâm trạng, cũng luôn thay đổi. Những gì được gọi là nét đặc sắc cơ bản của chúng ta chỉ là “dòng tâm thức” không hơn không kém. Hôm nay ta cảm thấy vui vẻ vì những sự việc đang tiến triển tốt đẹp; ngày mai ta cảm thấy ngược lại. cảm giác vui vẻ đi đã đi đâu rồi?

Có điều gì không thể tiên đoán được hơn ý nghĩa và cảm xúc: Bạn có ý tưởng nào về những gì bạn sẽ nghĩ hay cảm nhận lần tới không? Thật ra, tâm thì trống không, tạm bợ, phù du như là một giấc mơ. Hãy nhìn một tư tưởng: Nó đến, ở lại, rồi đi. Quá khứ trôi qua, tương lai chưa đến, và ngay cả cái ý nghĩ hiện tại, như chúng ta đang trải qua, cũng trở thành quá khứ.

Điều duy nhất mà bây giờ ta thực sự có là cái bây giờ.

7. Tháng Hai

Bản chất cốt lõi của Tâm

Không từ nào có thể diễn tả được nó

Không thí dụ nào có thể vạch rõ được nó

Nghiệp quả không làm nó tệ hơn

Niết bàn không làm nó tốt hơn

Nó chưa hề được sinh ra

Nó chưa hề ngừng nghỉ

Nó chưa hề được giải phóng

Nó chưa hề bị lừa dối

Nó chưa hề hiện hữu

Nó chưa hề không tồn tại

Nó không có mặt hạn chế nào cả

Nó không thuộc bất cứ phạm trù nào.

                                                           DUDJOM RINPOCHE

8. Tháng Hai

Cá nhân là một phần của cái tổng thể mà chúng ta gọi là ‘vũ trụ’, một bộ phận bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Một người cảm nhận chính mình, ý nghĩ và cảm xúc của mình, như một cái gì đó tách biệt mọi bộ phận khác - một loại ảo giác về ý thức. Ảo giác này là một loại trại giam dành cho chúng ta, hạn chế những ước muốn và tình cảm dành cho những người ta thân cận nhất. Công việc của ta là phải tự giải thoát khỏi nhà tù này bằng cách mở rộng phạm vi lòng từ bi để bao bọc lấy tất cả sinh vật và toàn bộ thiên nhiên trong vẻ đẹp của nó.

ALBERT EINSTEIN

9. Tháng Hai

Cần phải có một kỹ năng thật sự để việc đối phó với hoài nghi, nhưng tôi nhận thấy sao quá ít người nghĩ đến việc đeo đuổi những hoài nghi hoặc tận dụng chúng. Dường như có sự mỉa mai là, trong một nền văn minh tôn sùng sức mạnh của nạn lạm phát và hoài nghi, mà hầu như không có ai can đảm lật đổ những khẳng định của chính sự hoài nghi - để làm như một bậc thầy Ấn giáo nói: hãy chuyển những điều xằng bậy của mối hoài nghi lên chính mối hoài nghi, lột mặt nạ tính đa nghi, và phát hiện những gì mà nỗi lo sợ, tuyệt vọng và những thói quen nhàm chán nảy sinh. Lúc bấy giờ hoài nghi sẽ không còn làm chướng ngại, mà là cánh cửa đi tới giác ngộ, và bất cứ khi nào hoài nghi xuất hiện trong tâm, người tìm đạo sẽ đón tiếp nó như là một phương tiện để thể nhập sâu hơn vào chân lý.

10. Tháng Hai

Cái tôi là sự vắng mặt tri kiến chân thực về ta là ai, cùng với hậu quả của nó: một sự bám chặt tuyệt vọng, bằng mọi giá, vào hình ảnh thay thế tạm bợ của bản thân, một bản ngã loè bịp luôn thay đổi màu sắc, để duy trì cái ảo tưởng về sự tồn tại của nó.

Trong tiếng Tây Tạng, cái tôi được gọi là dakdzin, có nghĩa là “nắm lấy một bản ngã”. Cái tôi được xác định như là những di động không ngừng của sự chấp thủ một khái niệm hão huyền về “tôi” và “của tôi”, tự và tha, và tất cả những ý niệm, ý tưởng, tham muôn, và hoạt động nào sẽ kéo dài cái cấu trúc giả tạo đó.

Việc nắm bắt như thế thì vô ích ngay từ lúc khởi đầu và ắt phải thất bại, vì trong nó không có một cơ sở hay chân lý nào, và những gì ta cố nắm bắt thì tự bản chất không thể nắm bắt được. Sự kiện mà ta cần nắm bắt và tiếp tục nắm bắt cho thấy rằng tận đáy lòng, ta biết rằng bản ngã vốn đã không thực sự hiện hữu. Cái hiểu biết âm thầm yếu kém này phóng ra mọi nỗi bất an và sợ hãi căn bản của ta.

11. Tháng Hai

Lòng từ bi của bạn có lẽ có ba lợi ích thiết yếu cho một người hấp hối: Thứ nhất, vì nó mở rộng tâm bạn, nên bạn dễ dàng bày tỏ cho người sắp chết tình yêu vô điều kiện mà người đó rất cần.

Ở mức độ tâm linh sâu xa hơn, tôi đã từng chứng kiến nhiều lần cách mà, nếu bạn có thể hiện thân và hành động theo lòng, bạn sẽ tạo ra bầu không khí mà trong đó người khác có thể được truyền cảm hứng để hình dung ra chiều tâm linh hay thậm chí bắt đầu tu tập.

Ở mức độ sâu sắc nhất, nếu bạn thường xuyên thực tập lòng từ vì người hấp hối, và gợi cho người đó ý nghĩ làm theo bạn tự, bạn có thể chữa lành người đó chẳng những về mặt tâm linh mà còn về mặt thể xác. Khi đó, bạn sẽ ngạc nhiên khám phá cho chính bạn, tất cả những gì mà các bậc thầy tâm linh đã biết: đó là sức mạnh của lòng từ bi thì không biên giới.

12. Tháng Hai

Một Thiền sư có một môn đồ trung thành nhưng rất ngốc nghếch cứ xem ông như một vị Phật sống. Một hôm tình cờ ngồi lên một cây kim, ông hét “Ui” và nhảy dựng lên. Người đệ tử liền mất hết tin tưởng nơi vị thầy và bỏ đi, bảo rằng anh vô cùng thất vọng khi thấy thầy mình chưa chứng đạo, vì nếu chứng thì sao lại nhảy dựng lên và hét to như thế. Thiền sư buồn bã khi nghe đệ tử đã bỏ đi, và bảo: “Chao ôi, chàng trai đáng thương! Phải chi anh ta hiểu rằng trong thực tế không có tôi, không có cây kim, cũng không có tiếng “ui” nào thật sự tồn tại”.

13. Tháng Hai

Hãy nhớ tấm gương con bò già:

Nó hài lòng được ngủ trong chuồng

Bạn phải ăn, ngủ và vệ sinh -

Điều đổ không thể tránh được

Ngoài ra không có gì thuộc công việc của bạn

Hãy làm những gì bạn phải làm

Và hãy tự giữ bản thân mình.

                                                                 PATRUL RINPOCHE

      (MƯDRA, Chogyam Trungpa, Shambhala, Berkeley và London, 1972)

14. Tháng Hai

Trong số các pháp tu tập tôi biết, Tonglen, tiếng Tây Tạng có nghĩa “ cho và nhận”, là một trong những phép tu luyện hữu ích và hiệu quả nhất. Khi bạn cảm thấy mình bị trói chặt trong bản thân, Tonglen mở ra sự thật về khổ đau của những người khác; khi con tim bạn bị tắt nghẽn, nó tiêu diệt những năng lực đang cản trở; và khi bạn cảm thấy sắp phải rời xa một ai đó, hay trong sự cay đắng hoặc tuyệt vọng, phương pháp này giúp bạn khám phá của bản thân và sau đó biểu lộ sự rực rỡ chan hòa, đằm thắm của bản tâm. Không có sự rèn luyện nào có hiệu quả bằng nó trong việc tiêu huỷ ngã chấp, ngã ái, vốn là căn nguyên của tất cả mọi đau khổ và nhẫn tâm của ta.

Diễn đạt sự thực hành Tonglen về việc cho và nhận đơn giản chỉ là quan tâm đến sự đau khổ của tha nhân và çhia sẻ với họ niềm hạnh phúc, sự phong phú và thanh thản tâm hồn của bạn.

15. Tháng Hai

Theo kinh nghiệm bản thân, tôi biết rất rõ quả thật vô cùng gay go để tưởng tượng việc gánh vác sự đau khổ của người khác, nhất là người bệnh và người hấp hối, nếu trước đó không thiết lập được trong bản thân một sức mạnh và niềm tin vào lòng từ bi. Chính sức mạnh và niềm tin này sẽ đem lại cho bạn cái khả năng hóa giải sự đau khổ của những người khác.

Đây là lý do tại sao tôi luôn khuyên bạn bắt đầu thực tập Tonglen, pháp môn cho và nhận, trên chính mình trước khi làm cho người khác. Trước khi có thể rải tình thương đến tha nhân, bạn phải phát hiện, làm cho sâu sắc, tăng trưởng nó trong bản thân để chữa lành chính mình khỏi những cảm tính tiêu cực: ngần ngại, lo buồn hay giận dữ hoặc sợ hãi có thể tạo ra chướng ngại cho việc thực hành Tonglen.

16. Tháng Hai

Hội nhập thiền định vào hành động là toàn bộ lý đo, giá trị và mục đích của thiền định. Bạo lực, căng thẳng, thách thức và xao lãng của lối sống hiện đại khiến cho sự hội nhập này trở nên cấp thiết.

Làm thế nào chúng ta có thể thực hiện thành công sự hội nhập này, sự thẩm thấu vào sinh hoạt hằng ngày với trạng thái điềm tĩnh và buông xả rộng lớn của thiền định? Không có sự thay thế nào cho việc thực tập đều đặn, vì chỉ nhờ sự thực tập đều đặn ta mới có thể nếm trải một cách không gián đoạn sự an tĩnh của bản tâm và do đó, có thể duy trì kinh nghiệm ấy trong sinh hoạt hằng ngày.

Nếu bạn thực sự mong muốn thành tựu điều này, điều cần yếu không phải là tập thiền thỉnh thoảng như uống thuốc trị bệnh, mà phải như ăn cơm mỗi ngày.

17. Tháng Hai

Khi theo học giáo lý và khi thực tập, chúng ta chắc chắn sẽ phát hiện vài sự thật về bản thân: Có những nơi ta luôn bị kẹt; có những mẫu mực và kế hoạch vốn là di sản của nghiệp quả tiêu cực, mà ta liên tục lặp lại và gia cố thêm; có những quan điểm cá biệt về việc đời - những lý giải cũ xưa nhàm chán về bản thân và thế giới - hoàn toàn sai lầm, song ta gìn giữ chúng như là những điều chân chính, và vì vậy, bóp méo toàn bộ tầm nhìn hiện thực.

Khi ta kiên định trên con đường tâm linh, và tự xem xét bản thận một cách thành thật thì ta am hiểu rằng tri giác của ta không hơn gì một mạng lưới ảo tưởng. Chỉ cần thừa nhận sự hỗn độn, dù không hoàn toàn, cũng có thể mang lại ánh sáng hiểu biết nào đó và khởi động trong ta một tiến trình, tiến trình chữa lành.

18. Tháng Hai

Tất cả chúng ta đều có nhân duyên để đi theo một con đường tâm linh nào đó, và từ đáy lòng, tôi chân thành động viên bạn theo con đường gợi cho bạn nhiều cảm hứng nhất.

Nếu bạn cứ miệt mài tìm kiếm, việc tìm kiếm tự nó trở thành một ám ảnh. Bạn trở thành một lữ khách tâm linh, xuôi ngược tất bật, và chẳng bao giờ đi đến đâu cả. Như Patrul Rinpoche nói: “ Bạn để con voi của bạn ở lại nhà rồi đi tìm dấu chân nó trong rừng”. Theo một giáo lý không phải là con đường giam lỏng hay độc chiếm một cách ganh tị. Nó là con đường của lòng từ bi và thực tiễn nhằm giữ bạn tập trung và luôn theo đúng lối đi, bất chấp mọi trở ngại mà bạn và chúng sinh chắc chắn sẽ gặp phải.

19. Tháng Hai

Trong giây phút lâm chung, có hai việc đáng quan tâm: những gì ta đã làm trong kiếp sống, và chúng ta đang trong tâm trạng gì vào khoảnh khắc ấy. Cho dù đã chồng chất nhiều nghiệp tiêu cực, nếu chúng ta chân thành biến đổi con tim vào giây phút sắp chết, dứt khoát nó có thể gây ảnh hưởng đến tương lai, và chuyển hóa nghiệp quả của chúng ta, vì giây phút lâm chung có tác động mạnh mẽ khác thường để gột rửa nghiệp quả.

20. Tháng Hai

Một kỹ thuật thiền được sử dụng rộng rãi trong Phật Giáo Tây Tạng là hợp nhất tâm với âm thanh của mantra. Định nghĩa của ‘mantra ’ là “cái bảo vệ tâm”. Cái bảo vệ tâm khỏi tính tiêu cực, hay bảo vệ bạn khỏi cái tâm của chính mình, là ‘mantra’.

Khi bạn bị kích thích, mất phương hướng, hay yếu đuối về mặt tình cảm tụng niệm một mật chú có thể hoàn toàn biến đổi tâm trí bạn, bằng cách chuyển hoá năng lực tiềm tàng và tâm thái của nó. Điều này xảy ra thế nào? Mật chú là tinh tuý của âm thanh, hiện thân của chân lý dưới dạng âm thanh. Mỗi âm tiết đều thấm nhuần năng lực tâm linh, cô đọng một chân lý thiêng liêng sâu sắc, và rung động nhờ ân đức của Lời chư Phật.

Người ta cũng cho rằng tâm bồng bềnh trên năng lực tế  vi của nguyên khí prana đang di chuyển bên trong và thanh lọc các kinh mạch tế vi của cơ thể. Vì vậy, khi tụng mật chú, bạn đang nạp nặng lượng của mật chú vào hơi thở và khí lực của bạn và do đó tác động trực tiếp đến tâm và cái cơ thể vi tế của bạn.

21. Tháng Hai

Mật chú mà tôi khuyên bảo các môn sinh tôi là:

OM AH HUM VAJRA GURU PADMA SIDDHI HUM

Người Tây Tạng  nói, “Om Ah Hung Benza Guru Péma Siddhi Hung”, mật chú của Padmasam-bhava (Liên Hoa Sinh), mật chú của tất cả chư Phật, tôn sư, và người giác ngộ - có uy lực độc nhất vô nhị đem lại bình an, lành bệnh, chuyển hoá, và che chở con người trong thời đại nhiễu nhương, bạo lực này.

Hãy tụng mật chú một cách điềm nhiên, với sự chú tâm sâu sắc, và hãy để hơi thở, mật chú, cùng sự tĩnh thức dần dần hợp nhất. Hoặc tụng nó một cách đầy hứng khởi, rồi an trú trong bầu không khí im lặng trang nghiêm.

22. Tháng Hai

Tại sao ta sống trong nỗi kinh sợ cái chết? Có lẽ lý do sâu sắc nhất khiến ta sợ chết là vì ta không biết mình là ai. Ta tin tưởng vào một cá thể, độc nhất và riêng biệt; nhưng nếu dám kiểm tra nó thì ta sẽ thấy rằng cái cá thế này hoàn toàn lệ thuộc vào một tập hợp gồm đủ thứ những sự vật tạo ra nó: tên họ, “tiểu sử”, vợ hay chồng, gia đình, nhà cửa, việc làm, bạn bè, thẻ tín dụng… Chính trên những chống đỡ mong manh và nhất thời này ta đã nương tựa để có được an ninh bảo đảm. Vì vậy, khi tất cả những thứ ấy thực sự bị tước khỏi ta thì ta còn ý niệm nào về ta không?

Chúng ta sống dưới mội lai lịch giả, trong một thế giới ảo hóa không thực tinh gì hơn Con Rùa Giả trong Alice Trong Xứ sở Thần Tiên. Bị mê hoặc bởi lòng ham thích xây dựng, ta đã xây những ngôi nhà cuộc đời mình trên cát.

Thế giới này dường như có sức thuyết phục thần kỳ cho đến khi cái chết phá tan ảo tưởng và đuổi ta ra khỏi chỗ nấp. Rồi lúc đó, điều gì sẽ xảy ra nếu ta không tìm được manh mối nào về cái thực tại sâu xa hơn để bám víu?

23. Tháng Hai

Mọi điều ta thấy quanh mình được thấy là vậy, vì ta đã nhiều lần củng cố kinh nghiệm về cái thực tế bên trong lẫn bên ngoài theo cùng một cách, hết đời này sang đời khác, và điều này dẫn đến cái giả định sai lầm rằng những gì ta thấy là thật sự có một cách khách quan. Thật ra, khi tiến xa hơn trên con đường tâm linh, ta biết làm thế nào đế đối phó trực tiếp với cái định kiến đó. Tất cả những khái niệm cũ về trần thế hay về vật chất hoặc ngay cả về bản thân bị thanh lọc và giải tán, rồi một khái niệm hoàn toàn mới mở ra, mà ta có thể gọi là lĩnh vực nhãn quan và tri giác “tuyệt trần". Như William Blake nói:

Nếu những cánh cửa trì giác được rửa sạch

Mọi sự sẽ hiện ra vô tận... như chúng vốn là vậy.

 24. Tháng Hai

Đúng như lời Đức Phật đã nói, trong số tất cả chư Phật, không ai đạt được huệ năng mà không nhờ tôn sư. Ngài cũng nói: "Chính nhờ sùng kính, và chỉ nhờ sùng kính mà chư vị tổ ngộ chân lý tuyệt đối".

Thế thì, điều cần thiết là phải biết sùng kính thật sự là gì. Đấy không phải là sự tôn thờ thiếu suy xét, không phải là sự từ bỏ trách nhiệm với bản thân, cũng không phải là sự bắt chước người khác một cách bừa bãi hay bồng bột. Sùng kính thật sự là luôn sẵn sàng đón nhận chân lý. Sùng kính thật sự được ăn sâu vào lòng biết ơn và cung kính, lòng biết ơn đó phải sáng suối, có cơ sở vững chắc, và nhạy bén.

25. Tháng Hai

Là Phật Tử nên tôi xem cái chết là một chuyện bình thường, một thực tế mà tôi chấp nhận sẽ xảy ra chừng nào tôi vẫn còn lưu lại trên cõi đời trần tục này. Vì biết rằng chết là điều không thể tránh, tôi thấy không có lý do gì để lo âu về nó. Tôi thường nghĩ đến cái chết giống như thay đổi quần áo khi chúng cũ và mòn rách, hơn là một kết thúc tối hậu nào đó. Song cái chết không thể đoán trước được: Ta không biết nó xảy ra khi nào và bằng cách nào. Vì vậy, điều hợp lý duy nhất là hãy thực hiện vài sự phòng xa nhất định nào đó trước khi cái chết thực sự xảy ra.

                                                                                             Đức Dalai Lama

26. Tháng Hai

Trong giáo lý Dzogchen (Đại Hoàn Thiện) có nói rằng Cái thấythế ngồi của bạn phải như một ngọn núi.

Cái thấy là đỉnh cao của toàn bộ tri kiến và tuệ giác về bản chất của tâm mà bạn đưa vào thiền định. Vì vậy cái thây ấy vừa làm biến đổi và truyền cảm hứng cho thế ngồi, vừa diễn tả cốt lối bản tánh của bạn trong lối bạn ngồi.

Vậy hãy ngồi như thể bạn là một ngọn núi, với tất cả vẻ uy nghi không lay chuyển của một ngọn núi. Ngọn núi hoàn toàn tự nhiên, thoải mái mặc cho phong ba bão táp vần vũ quanh nó.

Trong khi ngồi như một ngọn núi, hãy để tâm bạn vươn lên và bay lượn.

27. Tháng Hai

Hãy tự đặt cho mình hai câu hỏi: Vào mọi lúc, tôi có nhớ rằng tôi đang chết, rằng mọi người và mọi sự việc khác cũng đều như vậy, vì thế, hãy đối xử với mọi người vào mọi lúc bằng lòng trắc ẩn hay không? Sự hiểu biết của tôi về cái chết và về lý vô thường đã trở nên quá sâu sắc và quá giục giã đến nỗi tôi dành từng giây từng phút cho việc đeo đuổi sự ngộ đạo hay chưa? Nếu bạn có thể trả lời “có” cho hai câu này, thì lúc bấy giờ bạn thật sự hiểu lý vô thường.

28. Tháng Hai

Toàn bộ mục đích của việc tu tập Dzogchen là để củng cố và ổn định Rigpa, rồi để nó phát triển tới độ chín muồi. Cái tâm bình thường, theo thói quen cùng những kế hoạch của nó thì vô cùng mạnh mẽ. Nó kìm giữ và siết chặt chúng ta dễ dàng một khi chúng ta lơ là hay bị lôi kéo.

Như Dudiom Rinpoche thường nói: “Hiện giờ tâm bản nhiên Rigpa của chúng ta giống như một đứa bé nằm ngửa, bị kẹt trong chiến trường đầy những ý tưởng vang vọng chói tai”. Tôi muốn nói rằng chúng ta phải bắt đầu công việc giữ trẻ Rigpa của chúng ta, trong môi trường an toàn của thiền định.

Đức Sogyal Rinpoche

Comments are closed.