Tiểu sử Đức Zhichen Ontrul Rinpoche

Ngài được xác chứng là hóa thân của đức Thangton Gyalpo, một trong những hành giả yogi vĩ đại nhất của Tây Tạng. Trong kiếp trước, Ngài là một trong những đạo sư đứng đầu dòng Nyingma Kathok có trụ xứ tại chùa Zhichen cũng chính là ngôi chùa cha tôi ở.

Sau khi hoàn thành xong chương trình giáo dục của tự viện năm mười tám tuổi, Ngài phụ trách việc trông nom nhiều ngôi chùa chi phái của ngôi chùa chính Zhichen. Ngài mang trọng trách tìm kiếm hóa thân của Zhichen Vairochana ở Derge và Dzongsar, đồng thời Ngài cũng tìm ra cha tôi với sự giúp đỡ của cố Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche. Sau này, Ngài là người thực hiện lễ đăng quang cho cha tôi ở chùa Zhichen.

Nhận thấy rằng việc trông nom chùa chiền cũng chẳng khác nào thế sự tầm thường, Ngài muốn ẩn cư và tìm theo những bậc đạo sư chân thật để tu học đạo pháp. Nhưng mọi người thỉnh cầu Ngài không bỏ trọng trách ở chùa. Ngài bèn quyết định lâm bệnh và nói với chúng đệ tử rằng: "Nếu mọi người không cho ta đi theo con đường đạo pháp, thì sống như thế này với ta thật chẳng ích gì. Tùy các người lựa chọn hoặc để ta đi hoặc ở lại."

Tôi cho rằng, giống như nhiều bậc thầy giác ngộ khác, Ontrul Rinpoche đã biết được là đất nước Tây Tạng đang sắp lâm nạn nên chẳng có lý do gì để xây dựng thêm chùa chiền làm điều Phật sự. Vì thế, Ngài muốn tiếp tục tu trì Phật đạo để lợi ích chúng hữu tình về mặt đạo tâm hơn là theo phương cách phát triển chùa chiền.

Nơi dừng chân đầu tiên của Ontrul Rinpoche là chốn ẩn cư Baney. Nơi đây, Ngài đi theo đạo sư Choktrul và thụ nhận giáo pháp Changthir của dòng Nyingma. Sau khi ở đây một vài năm, Ngài nghe đến danh tiếng của Ngài Shugchung Tsullo, một trong những vị đạo sư vĩ đại nhất hồi cuối thế kỷ thứ XIX. Và Ngài quyết định tìm đến giáo pháp của Shugchung Tsullo.

Ontrul Rinpoche thụ trì pháp tu Dzogchen siêu việt cùng những giáo pháp căn bản của cả ba thừa với Shugchung Tsullo trong suốt mười tám năm. Ngay sau cuối buổi lễ quán đỉnh siêu việt về Đại Thiền Kiến Dzogchen, Shugchung Tsullo ấn chứng Ngài là đạo sư của dòng phái và cho phép Ngài truyền dạy cho bất cứ ai tìm học. Nhưng Ontrul Rinpoche không rời xa chốn ẩn cư của đạo sư Shugchung cho tới khi đạo sư viên tịch.

Shugchung Tsullo là một trong những trưởng dòng chính của dòng Do Drupchen và Changthir. Ngài không những là một học giả uyên bác mà một là một đạo sư Dzogchen giác ngộ; về phương diện bí mật, Ngài còn là một Bậc Khám Phá Kho Tàng mặc dù bên ngoài Ngài thường không tỏ lộ những phẩm chất của mình. Ontrul Rinpoche nhớ lại vào trước ngày Đạo sư Shugchung Tsullo viên tịch, khi ấy xảy ra một cuộc tranh cãi nội bộ giữa cháu gái của đạo sư với tăng chúng đệ tử. Sau khi nghe thuật lại sự việc, Đạo sư thấy rằng: "Ta đã truyền dạy giáo pháp hơn ba mươi năm, vậy mà giáo pháp của ta chẳng giúp ích gì được cho những người này, ngay cả những người của ta còn không thể sống trong lục hòa thì sống tiếp còn ích gì nữa đây."Thế là Shugchung Tsullo ‘lâm’ bệnh đúng vào đêm xảy ra cuộc cãi vã. Ngày hôm sau, đạo sư an nhiên thị tịch trong tư thế thiền định. Sau đó, Đạo sư an trú sáu tuần trong thiền định, hương thơm kỳ diệu tỏa ra từ nhục thân của Ngài tràn ngập khắp không gian với bán kính một cây số. Ngay khi đạo sư vừa xuất định, đại chúng đã thỉnh cầu Ontrul Rinpoche đảm nhiệm lễ trà tỳ.

Vào đêm diễn ra lễ hỏa táng trà tỳ, Ontrul Rinpoche mộng thấy đạo sư của Ngài đang tự do tự tại cưỡi trên lưng một con ngựa bạch về hướng một ngọn núi cao khổng lồ hình xoáy ốc. Đạo sư bảo với Ngài rằng: "Ta đang đi về phía núi Đồng để hợp nhất với Đức Liên Hoa Sinh. Con cũng sẽ theo chân ta nhưng không phải bây giờ".

Vào đầu những năm 1960, Ontrul Rinpoche tị nạn đến Ấn Độ cùng với chúng đệ tử và nhiều đạo sư khác. Ngài kể lại rằng Ngài vẫn có thể tu tập trên đường sang xứ Ấn mặc dù hoàn cảnh khi đó rất nguy hiểm trong chiến tranh và giữa những làn đạn. Ngài không hề sợ hãi vì Ngài tin tưởng vào sự chỉ dạy của Đạo sư. Song Ngài cũng cảm thương thay cho những sinh linh phải bỏ mạng quá dễ dàng, chẳng hạn như những loài vật bị giết thịt để nuôi những người đói khát và con người thì bị giết hại bởi khí hậu khắc nghiệt và chiến tranh tàn khốc. Đồng thời, qua đây Ontrul Rinpoche cũng phân biệt được trong số đoàn người tị nạn, những hành giả chân chính vẫn an nhiên tự tại và từ bi trước nghịch cảnh với những người không tu đạo chỉ biết sợ hãi và buồn đau trước nỗi đau, mất mát của cải và người thân, trong số những người này, rất nhiều người là Đạo sư trứ danh vào thời gian đó. Vì vậy, thông qua kinh nghiệm này, Ontrul Rinpoche đã có dịp học hỏi từ những bậc thầy chân thật như là tấm gương sáng cho Ngài noi theo suốt quãng đời còn lại và tránh xa những kẻ giả danh tự lộ mặt xấu của mình trước những thử thách.

Sau này, tại Kalimpong, Ấn Độ, Ontrul Rinpoche thụ quán đỉnh Dzogchen với Ngài Dudjom Rinpoche đời trước và trao đổi đạo pháp với rất nhiều đạo sư Dzogchen chân chính khác. Ngài từng kể với tôi rằng, ngài muốn ở trong chùa của dòng Nyingma. Nhưng hồi đó Ngài không tìm được ở đâu. Do đó, Ngài có ý định nương theo một vị đại trụ trì - đạo sư Dzogchen Polokhen Rinpoche, nhưng rồi Ngài thấy rằng Polochen Rinpoche không có nơi ẩn cư lâu dài nào để Ngài an trú và tu trì. Nên Ngài quyết định ở tại Drepung Gomang vì như Ngài đã nói với tôi: "Nhờ ở chung trong chùa với đại chúng, ta sẽ không gặp những chướng ngại, chẳng hạn như những cám dỗ thế tục trong sự tu hành."

Ontrul Rinpoche an trú tại chùa Drepung Gomang cho đến cuối những năm 1980. Sau đó, khi cha tôi và tôi thỉnh cầu Ngài làm thầy cho tôi, Ngài chuyển tới ngôi chùa của tôi. Nhiều năm sau, Ngài trở lại Tây Tạng để hoàn tất những trọng trách cuối cùng của mình và Ngài đã làm lợi lạc cho rất nhiều người ở đây. Không may thay, sau khi ở Tây Tạng một thời gian ngắn, Ngài viên tịch. Tất cả những người chúng tôi đi theo Ngài đều không có đủ phúc duyên để được lân mẫn bên Ngài lâu hơn.

Tôi cho rằng, hiện giờ Ontrul Rinpoche hẳn là đang ở cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà bởi vì Ngài luôn chuẩn bị cho việc vãng sinh miền tịnh độ của Phật A Di Đà sau khi từ giã thế giới này. Khi ở bên tôi, đôi khi Ngài đùa vui: "Ta không nghĩ là những vị Dakini ở Núi Đồng sẽ chào đón ta bởi vì ta không phải là một hành giả yogi nên ta sẽ không thể hoàn thành những tâm nguyện của các vị đó được. Bởi vậy, ta cho rằng cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà sẽ chào đón ta hơn bởi vì ở đó có nhiều chư Tăng và ta có thể hòa hợp hơn". Ngài cũng còn nói rằng: "Một khi ta đã an trú cõi tịnh độ A Di Đà rồi thì viếng thăm Núi Đồng cũng là chuyện dễ dàng." Ontrul Rinpoche không bao giờ tuyên bố những điều tương tự như thế này với mọi người, ngoại trừ tôi và thị giả thân tín nhất của Ngài. Trước lúc viên tịch, Ngài dạy vị thị giả rằng: "Con không phải lo lắng cho ta, ta sắp vãng sinh miền tịnh độ của Đức A Di Đà." Sau đó, Ngài còn dặn dò thêm vài lời với thị giả.

Nguồn: Zhichen Ontrul Rinpoche - Guru, www.drukpa.org

http://www.drukpavietnam.org/index.php/phap-vuong-gyalwang-drukpa-xii/thuong-su/25-zhichen-ontrul-rinpoche

Comments are closed.