Một câu chuyện của Yogi Phurba

Về mặt biểu lộ phương diện hoạt động của chư Phật, đôi khi người ta nói rằng các yogi (hành giả) Vajrakilaya uy lực hơn các yogi Yamantaka, thân tướng phẫn nộ của Manjushri (Đức Văn Thù). Vajrakilaya tượng trưng cho phương diện hoạt động của tất cả chư Phật, và Yamantaka Heruka tượng trưng cho phương diện thân của tất cả chư Phật. Trên bình diện tuyệt đối, không có sự khác biệt giữa các ngài. Tuy nhiên, có một câu chuyện về sự khác biệt giữa hai hành giả, một là hành giả Vajrakilaya và một là hành giả Yamantaka.

Sau khi Guru Padmasambhava rời Tây Tạng khoảng chín hay mười thế hệ, có một Đạo sư nổi tiếng tên là Langlab Jangchub Dorje, người được gọi là “yogi phurba”. Vào lúc câu chuyện này xảy ra, ông đã đạt được một chứng ngộ cao cấp về thực hành Vajrakilaya, nhưng nhìn từ quan điểm bình thường thì ông chỉ là một cư sĩ thông thường. Ông làm việc như một người chăn cừu và khá nghèo.

Cũng trong thời gian đó có một Đạo sư nổi tiếng tên là Ra Lotsawa Dorje Drak, người đã đạt được chứng ngộ cao cấp nhờ thực hành Yamantaka. Tuy nhiên, khi ông không vui, ông báo hiệu điều khó chịu của mình qua các dấu hiệu của sự chứng ngộ. Ông vô cùng buồn bã (ví dụ như, một số người nói rằng chính năng lực của Ra Lotsawa đã thúc dục cái chết của con trai ngài Marpa).

Ra Lotsawa được mời tới ngôi làng nơi Langlab sống. Một buổi chiều, Ra Lotsawa đang giảng dạy cho một tập hội đông đảo; ông an tọa trên một Pháp tòa cao và có nhiều đệ tử vây quanh. Mọi người rất tôn kính ông, ngoại trừ Langlab, người đến vào khoảng cuối buổi giảng. Langlab không lễ lạy hay tỏ vẻ tôn kính. Ông chỉ đứng nghe một lát và rồi bắt đầu ra đi.

Khi Ra Lotsawa nhìn thấy điều này, ông cảm thấy hơi buồn. Ông hỏi mọi người Langlab là ai, nghĩ rằng có lẽ Langlab quá ngu đần và không nhận ra Ra Lotsawa là một vị Thầy vĩ đại. Nhưng mọi người trả lời là Langlab không ngu đần – ông là một hành giả và là một người bình thường.

Khi nghe điều này, Ra Lotsawa cho rằng Langlab kiêu ngạo, vì thế ông quyết định biểu lộ một vài dấu hiệu chứng ngộ để làm giảm bớt sự kiêu ngạo của Langlab. Ông bắt đầu thực hiện một loại thực hành cúng dường lửa khác thường (được gọi là yagja trong Phạn ngữ), nhưng ông không thể làm nó tiến triển thành công. Ông cố gắng lần thứ hai, nhưng không thể thành tựu thực hành này. Vào lần cố gắng thứ ba, khi ông không thể biểu lộ dấu hiệu nào trước Langlab, thình lình từ không trung Vajrakilaya đi xuống trên Ra Lotsawa, xuất hiện với phần thân dưới của ngài trong hình tướng của một phurba chói ngời lửa trí tuệ như trong thực hành HUNG. Từ mũi nhọn của phurba, những giọt dung nham bắt đầu rơi xuống Ra Lotsawa, ông này trở nên khiếp sợ và nói với Langlab: “Con xin tạ lỗi và quy y ngài”.

Đó là câu chuyện được thuật lại về cách Đạo sư của Vajrakilaya chiến thắng năng lực của Đạo sư thực hành Yamantaka. Người ta cũng nói rằng sau kinh nghiệm này Ra Lotsawa không còn quá buồn bã nữa.

Khenchen Palden Sherab, Khenpo Tsewang Dongyal

Việt dịch: Thanh Liên

Nguồn: Một câu chuyện của Yogi Phurba

Comments are closed.