Tiểu sử vắn tắt Đức Domang Yangthang Rinpoche

Chương 1: Sự chào đời và công nhận là vị tái sinh của Đại Sư Domang Terchen

Domang Yangthang Rinpoche – người làm rạng danh giáo lý của truyền thống Cựu Dịch, sinh vào ngày 10 tốt lành của tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1929). Ngài chào đời ở vùng Yangthang, nằm gần xứ Sikkim hiện nay. Phụ thân Ngài là Lama Pema Drodud, vị đến từ tu viện Dzogchen vùng Do-kham. Mẫu thân Ngài là Bà Tenzin Chodron, con gái của Yangthang Ating thuộc dòng dõi gia đình “Tsan-O-Yu-Drag-Karpa”.

Sau khi Ngài chào đời, một vài dấu hiệu tuyệt vời đã xuất hiện, chẳng hạn chủng tử Om tự sinh trên răng của Ngài, một hình giống như ốc trắng ở chân răng, cùng nhiều điều khác. Không giống như những đứa trẻ khác, Ngài lớn khá nhanh.

Rất nhiều các bản văn Mật thừa chỉ ra rằng tiền thân của Yangthang Rinpoche – Ngài Domang Terchen (tức Dorje Dechen Lingpa) là hiện thân của Đức Lhatsun Namkha Jigme, một vị Khai Tạng Mật vĩ đại. Một bản văn nói rằng:

“Trong lục địa Lưới Ogmin Liên Hoa,

Nơi vùng đất thịnh vượng liên tục Dremoshong (Sikkim),

Cơn mưa Thánh Pháp Mật thừa không thể phá huỷ trút xuống

Jigme Pawo Kunsang Namgyal.

Vị mang danh hiệu Dorje sẽ phát lộ pháp du già chôn giấu từ kho tàng tâm,

Khi Ngài nhớ lại tất cả những điều được gieo trồng trong tâm Ngài trước đây”.

Và cũng từ kho tàng bổ sung Rigdzin Sogdrub của Đại Sư Lhatsun Namkha Jigme có

“Thánh địa tối thắng Dremojong (Sikkim), trung tâm của Nam Thiệm Bội Châu

Trong động kim cương Lhari Nyinku

Hiện thân tối hậu tinh tuý trọng yếu giác ngộ của tất thảy chư đạo sư Trì Minh Vương: Namkha Jigme.

Những bản văn Mật thừa của Ngài tự nhiên sinh khởi.

Kho tàng bổ sung của pho giáo lý Lama Rigdzin Sogdrub, thứ giải thích hoàn hảo các bản văn bí mật, được phát lộ bởi Dorje Dechen Lingpa, hoá thân của Jigme Pawo Kunsang Namgyal. Nguyện mọi sự tốt lành!”. Các nguồn tài liệu khác cũng nói rằng:

“Bậc thầy Đại Viên Mãn từ Sikkim, hoá thân Vimalamitra,

Heruka vinh quang Namkha Jigme Tsal

Hoá thân của Ngài là Jigme Pawo

Và hoá thân thứ ba là Dorje Dechen Lingpa.

Như được tán thán rõ ràng trong nhiều bản văn kim cương về chân nghĩa, Domang Terchen hay Dorje Dechen Lingpa, hoá thân của Traktung Jigme Pawo (vị này lại là hoá thân của Gyalwa Lhatsun Chenpo tức Lhatsun Namkha Jigme) đã phát lộ phần bổ sung của pho Terma “Rigdzin Sokdrub”, cùng hơn 12 bộ Kho Tàng mới (Tersar), dưới dạng Terma đất, cũng như Terma tâm. Ngài duy trì và giữ gìn trọn vẹn phần giáo lý cuối cùng của Đại Sư Lhatsun Namkha Jigme, và làm lợi lạc chúng sinh một cách rộng lớn.

Vị tái sinh của Ngài là Domang Yangthang Rinpoche hay Kunsang Jigme Dechen Odsel Dorje. Các vị Thánh Sư như Dzogchen Rinpoche thứ 5, đã chỉ ra cách tìm vị tái sinh này: “Hãy đi tới nơi gọi là Yangthang ở Sikkim! Chắc chắn các con sẽ tìm thấy vị tái sinh không mấy khó khăn”.

Dựa vào những chỉ dẫn này, Domang Soktrul Rinpoche cũng vài người khác đã tới Sikkim để tìm kiếm vị tái sinh. Khi đến vùng Yangthang, họ thấy vài đứa trẻ đang chơi đùa. Một trong số chúng tới chỗ họ và nói bằng tiếng địa phương vùng Sikkim, “Các ông đến thực sự muộn đấy!”.

Họ hỏi cậu bé tên vùng đó, và tên của cha cậu. Cậu đáp rằng, “Vùng này được gọi là Yangthang. Cha tôi là Pema Drodud”. Sau đó, cậu nói, “Hãy đến nhà tôi!”.

Đoàn tìm kiếm vô cùng ngạc nhiên trước điều này. Họ bảo với cha cậu rằng, cậu bé rất đặc biệt. Người cha đáp, “Đúng thế, thực sự cậu bé rất đặc biệt. Khi chào đời, vài âm thanh vang dội trên trời. Tôi đã ghi chép chúng lại”. Ông đưa cho họ bản ghi chép và nó nói rằng:

“Trên đỉnh thung lũng, có một ngọn núi tuyết trắng trong như Bảo tháp[1].

Ở dưới thung lũng, có những dòng sông lớn như xích sắt[2]..

Trên đỉnh của vùng trung thung lũng trông như chày kim cương[3]

Ta ở đó: Dorje Dechen Lingpa!”.

Khi phái đoàn thấy những dòng này, cha cậu bé không biết họ tới đây để làm gì. Bởi những ghi chép này phù hợp với chỉ dẫn của Đức Dzogchen Rinpoche thứ 5 và các vị thầy khac không chút đối nghịch, Domang Soktrul Rinpoche công nhận cậu bé là vị tái sinh của Dorje Dechen Lingpa.

Chương 2: Được thỉnh mời từ Sikkim tới Kham và tham dự nghi lễ đăng quang

Bởi cậu bé đã được nhận ra là vị tái sinh chân chính, Domang Soktrul Rinpoche đã dâng lên nhiều ngọc báu, bao gồm vàng, bạc. Khi Rinpoche lên 9, Ngài cùng đoàn tuỳ tùng cưỡi ngựa và tiến về xứ Kham, Tây Tạng từ vùng đất thánh Sikkim, qua nhiều vùng đất thuộc miền trung Tạng, trong đó có Lhasa.

Trên đường tới Kham, họ đi hành hương tới nhiều Thánh địa linh thiêng thuộc vùng Utsang. Mười bốn tuổi (năm Nhâm Ngọ chu kỳ Rabjung thứ 16, tức năm 1942) Ngài tới tu viện Domang (Thbten Gepel Ling hay Domang Kelsang Gompa), thuộc vùng Dreho Drango Dzong, xứ Do-Kham. Ngài được đăng quang là vị tái sinh trên Pháp toà thuộc về hoá thân trước đó: Đức Domang Terchen.

Địa điểm nơi Ngài đản sinh ngày nay thuộc Sikkim, Ấn Độ. Ngài được thỉnh mời từ Sikkim tới vùng du mục Drango Li-khok-mey. Trong lịch sử, thật hiếm khi có một trường hợp tìm kiếm và thỉnh mời vị tái sinh từ một vùng đất xa đến vậy.

Chương 3. Tinh tấn tu học dưới sự chỉ dạy của nhiều bậc đạo sư

Kể từ khi còn nhỏ, Rinpoche đã nỗ lực trong việc nghiên cứu mọi chủ đề mà một Kim Cương Sư cần học hỏi: đọc, viết, múa [vũ điệu Kim Cương], vẽ, trì tụng cùng nhiều môn khác, từ các vị đạo sư, chủ yếu là Domang Soktrul Rinpoche, một đệ tử của hoá thân trước đó.

Từ nhiều bậc Thượng sư vĩ đại, chẳng hạn Tsakha Lama Tsullo, Khenchen Pema (vị được đặc biệt cử tới từ Tổ Đình Palyul để giảng dạy cho Rinpoche), Khenpo Lobsang Chodrak, Tulku Yeshe Dorje, Rahob Dzogtrul, Khenpo Yonga, Jyakong Tulku Dorje Dramdu (con trai của Traktung Dudjom Lingpa), Yukok Chatrewa, Mani Lama Pema Siddhi, và nhiều vị khác, Rinpoche hoàn thành việc nghiên cứu và quán chiếu về vô vàn bản kinh văn, trong đó có các chủ đề chung. Sau đấy, Ngài tiến hành các hoạt động du già như một vị yogi ẩn mật vĩ đại, và hoàn toàn tập trung vào thực hành nhập thất.

Các vị đạo sư phi phàm chính yếu của Rinpoche gồm Drubchen Lingtrul Rinpoche, Kyabje Khyentse Rinpoche, Sera Yangtrul Rinpoche, cùng những vị khác, như Ngài thường đề cập.

Chương 4: Sống trong tù ngục vào thời biến loạn

Sau khi Trung Quốc tới Tây Tạng, và trước khi hoàn cảnh trở nên thực sự đau khổ, nhiều vị đại sư xứ Do-Khan đã lên kế hoạch sống lưu vong, trong đó có Yangthang Rinpoche. Vì thế Ngài tới Tu viện Do-kok Drubchen và thỉnh ý Drubchen Lingtrul Rinpoche - Bổn Sư của Ngài rằng, “Liệu con có nên sống tha hương?”.

Đại Sư đáp rằng, “Con cần đón nhận khó khăn dù nó lớn đến nhường nào. Con không nên rời bỏ quê hương”.

Nương theo khai thị của Ân Sư, Yangthang Rinpoche không rời khỏi Xứ Tạng, mà đối diện với hiểm nguy.. Ngài tới vùng đất mà Ngài coi sóc, vùng Ke-phen-lo-kok-ma. Sau đó, Ngài bị chính quyền bỏ tù, và như thế trải qua nhiều đau đớn trong hơn 20 năm.

Lúc đó, có nhiều đạo sư và Tulku bị giam trong cùng nhà ngục. Trong số đó, Sera Yangtrul Rinpoche cũng bị giam cùng nơi với Rinpoche. Vì thế, Ngài thường tận hưởng bữa tiệc cam lồ Giáo Pháp về các thực hành thâm sâu và bí mật. Mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn về thể xác, Ngài nhận lĩnh khổ đau và trao tặng hạnh phúc. Hơn thế, Rinpoche thấy nghịch cảnh là cảm hứng cho thiện hạnh và như thế, Ngài chủ yếu tập trung vào hành trì trong tù ngục.

Ngài chỉ nói với các đệ tử xung quanh rằng, Ngài có thể tiến hành thực hành chính yếu trong nhà tù.

Khi chính sách của Trung Quốc được nới lỏng, Rinpoche được thả. Lúc này Ngài là một vị Đại Sư - đối tượng của tín tâm và lòng sùng mộ. Bởi Ngài chào đời ở Ấn Độ, Rinpoche được chính quyền Trung Quốc mời đến làm việc trong học viện chính trị thuộc vùng Gamtse. Tận dụng cơ hội này, Ngài đã đóng góp lớn lao cho việc phục hồi văn hoá Tây Tạng và Phật Pháp.

Chương 5: Giải thoát và thành thục những kẻ may mắn bằng quán đỉnh và khẩu truyền

Yang thang Rinpoche đã hướng dẫn cho những chúng sinh may mắn vào con đường giải thoát và thành thục nhờ ban các quán đỉnh, khẩu truyền và chỉ dẫn cốt tuỷ thâm sâu. Năm 1991, Ngài tới nước Mỹ, ban quán đỉnh và khẩu truyền Pho Nyingtik Yabzhi ở California và thủ đô Washington D.C.

Năm 2000, theo lời thỉnh cầu của vị trưởng dòng thứ 3 của truyền thống Cổ Mật, Ngài Penor Rinpoche, Yangthang Rinpoche đã ban trọn vẹn quán đỉnh của hoá thân tiền nhiệm (Domang Terchen) cho Penor Rinpoche và tập hội những kẻ sùng mộ ở Tu viện Namdroling, miền Nam Ấn Độ, khi Penor Rinpoche ban quán đỉnh Rinchen Terzod cho đại chúng.

Từ ngày 29 tháng 1 năm 2010, Rinpoche dành hơn 20 ngày để ban trọn vẹn Pho Kama cho tập hội tu sĩ và cư sĩ tham dự Nyingma Monlam ở Bồ Đề Đạo Tràng, theo lời thỉnh cầu của Hiệp Hội Duy Trì Truyền Thừa Kama Của Truyền Thống Cố Mật. Cũng năm 2010, Ngài ban trọn vẹn đàn quán đỉnh của Đại Sư Lhatsun Namkha Jigme và Terchen Jatson Nyingpo ở tu viện Pemayangtse, Sikkim.

Năm 2011, Ngài ban quán đỉnh và khẩu truyền Nyingtik Yabzhi cho Degyal Tulku thứ 3 và đại chúng ở tu viện Namkha Kyutsom, Nepal.

Năm 2012, theo lời thỉnh cầu của Hiệp Hội Duy Trì Truyền Thừa Kama Của Truyền Thống Cổ Mật, Rinpoche ban khẩu truyền Pho Kama và quán đỉnh Gabgye Deshe Dupa cho 1700 thành viên Tăng Đoàn, bao gồm các hành giả tu sĩ và cư sĩ.

Cùng năm đó, Rinpoche tới trụ xứ chính của các trung tâm Rigpa, Lerab Ling, nước Pháp và ban các quán đỉnh của Tổ Jigme Lingpa.

Tháng 4 năm 2013, Rinpoche viếng thăm Orgyen Dorje Den, trung tâm của Gyatrul Rinpoche ở Caliornia và ban quán đỉnh Pho Kama và toàn bộ các quán đỉnh của hoá thân trước đó - Đức Domang Terchen.

Như thế, Rinpoche thoả mãn nhiều đệ tử bằng Thánh Pháp. Những học trò may mắn đã được chỉ dẫn tới con đường của sự giải thoát và chín muồi.

Chương 6: Các hoạt động Phật sự của Rinpoche liên quan tới việc phục hồi giáo lý Phật Đà

Từ hình tướng bên ngoài, mặc dù giáo lý Phật Đà ở vùng đất tuyết Tây Tạng dường như chỉ còn lại danh tiếng, một cách tuyệt đối, nhiều vị đạo sư vĩ đại vẫn còn trụ thế. Giống như khiến đám tro tàn bùng cháy trở lại, Rinpoche đã đảm trách việc tái thiết tu viện Domang Thubten Gephel Ling – nơi Ngài coi sóc, xây dựng mới chính điện cũng như các đối tượng linh thánh (những bức tượng). Ngài xây dựng lại học viện nghiên cứu cao cấp (shedra) và trung tâm thực hành. Hiện tại việc giảng dạy, thực hành Giáo Pháp và tiến hành các nghi quỹ vẫn đang diễn ra.

Sau khi được phóng thích, Rinpoche không ở lại Tây Tạng lâu. Ngài trở về Ấn Độ và sống tại Sikkim, nơi Ngài chào đời. Thuở bình minh của câu chuyện Phật Pháp ở Sikkim, có ba đại sư đã cùng nhau vân tập tại Sikkim. Họ là Lhatsun Namkhe Jigme, Ngadak Semba Chenpo và Kathok Rigzin Chenpo. Ở nơi vốn là trụ xứ “cung điện đỏ” của Tổ Ngadak Semba Chenpo, Rinpoche xây dựng tu viện Ngadak Jangchub Choling. Bức tượng chính yếu trong chính điện là Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Giống như vậy, ở “đồi mạn đà la” - trụ xứ của Sư Tổ Kathok Rigzin Chenpo, Rinpoche xây dựng tu viện Kathok - ở đó, bức tượng Guru Rinpoche là chính yếu.

Phía phải của trung tâm thị trấn ở Yuksam, xứ Sikkim, Rinpoche xây dựng Phòng Kinh Luân chứa 18 kinh luân lớn. Kiểu phòng kinh luân này rất hiếm gặp trên thế giới. Mặc dù Rinpoche hiện đã bước sang tuổi 85, Ngài vẫn xả thân trong các hoạt động nhằm phục hồi Giáo Pháp. Hiện tại, Ngài vẫn khoẻ và không ngừng tiến hành các hoạt động vĩ đại làm lợi lạc Phật Pháp và chúng sinh.

Việt dịch : Liên Hoa Trí

Bản tiểu sử này được trích trong cuốn sách “Chiếc thang dẫn lên cõi Tịnh Độ” được Việt dịch bởi Liên Hoa Trí. Vì lợi lạc của chúng sinh xin được phép đăng tiểu sử này. Mong tác giả hoan hỷ vì đã không thể liên hệ với tác giả để xin phép.

[1] Đỉnh Kangchenjonka

[2] Điều này liên quan tới các điểm giao cắt của những dòng sông lớn ở vùng Gyazhing xứ Sikkim.

[3] Điều này liên quan tới tu viện Pemayangtse ở Pelling, được xây dựng bởi Đại Sư Lhatsun Namkha Jigme.

Comments are closed.