Phụ Thân Tôi – Ngài Zhichen Bairo Rinpoche

Zhichen Bairo Rinpoche

Ngài Zhichen Bairo Rinpoche

Lotsawa Vairochana nổi tiếng là một đại dịch giả giác ngộ và Ngài đã phiên dịch tất cả các giáo pháp Tam Thừa sang tiếng Tạng với tài năng dịch thuật xuất chúng của mình. Trụ xứ chính hay tự viện của cha tôi là Zhichen Kharmar Sangag Tangye Ling ở Gulok, một trong những chi nhánh chính của Kathog Dorje Dhan ở miền đông Tây Tạng. Zhichen gồm khoảng hơn hai mươi tự viện có mặt trên khắp vùng.

Cha tôi rời xứ Gulok vào khoảng đầu năm 1958 mà không nói cho ai biết mình sẽ đi đâu vì mọi người đều không muốn xa Ngài. Cha tôi kể lại: Ngài biết trước rằng nếu chỉ cứ tiếp tục loanh quanh với những việc thường ngày trong tự viện thì không lợi ích được nhiều. Vì vậy, ông đã rời tự viện, tới Lhasa, xuống biên giới Bhutan từ Lhodrak ở miền nam Tây Tạng quê hương của mẹ tôi. Cha mẹ tôi gặp nhau lần đầu tiên khi mẹ tôi mười chín tuổi. Ba năm sau, họ lại gặp nhau tại Beyul (thung lũng ẩn tàng) là thánh địa của Đạo sư Liên Hoa Sinh nằm trên vùng biên giới giữa Tây Tạng và Bhutan. Tại đây, họ nhập thất trong một vài năm. Tôi được sinh ra trong khoảng thời gian trên đường cha mẹ tôi hành hương về Ấn Độ.

Cha tôi là một bậc Thầy tâm linh cho những ai có duyên pháp với ông. Đối với tôi, được trở thành con trai duy nhất của ông là một món quà tuyệt vời. Tôi yêu quí ông không chỉ vì ông là một người cha mà còn là một người bạn đạo trong mọi giây phút của cuộc đời tôi. Mặc dù phải trải qua vô vàn khó khăn trong những ngày thơ ấu, tôi không bao giờ cảm thấy đơn độc trong đời, và giờ đây tôi hiểu được rằng chính ông là người truyền cho tôi sức mạnh để vượt qua tất cả những giai đoạn khó khăn đó. Tôi cho rằng, không phải bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể nghĩ đến việc trở thành một người cha tốt như cha tôi! Khi tôi còn nhỏ, ông thường sáng kiến làm rất nhiều đồ chơi thú vị từ những đồ đã hỏng như chiếc đồng hồ đeo tay, đài radio, catsette, …Tôi chẳng bao giờ thích những món đồ chơi thương mại khác. Tôi thấy đồ chơi thủ công cha tôi làm thú vị hơn những đồ chơi điện tử đắt tiền kia nhiều. Khi tôi lớn hơn một chút, cha tôi đã dành rất nhiều sức lực, kiên nhẫn hàng giờ liền chơi với tôi, chạy nhảy, chơi bóng, cầu lông, chơi ném đĩa Frisbee và những trò chơi tương tự. Tôi vẫn còn nhớ ông đã làm một con đường ngoằn ngoèo dài gần một cây số trên một quả đồi lớn cạnh nhà tôi và đẩy tôi trên chiếc xe ba bánh suốt ngày lên lên xuống xuống, chơi trò giả vờ đi lên thăm bố mẹ và cùng bố mẹ đi xuống trở về nhà. Ông còn chơi với tôi bất chấp cả những ngày mưa gió. Đẩy tôi trên mặt đường trơn đầy bùn hẳn khó khăn hơn nhiều nên ông nhấc bổng cả tôi lẫn chiếc xe trên tay từ phía sau và cho tôi đi lên lên xuống xuống quả đồi kỳ diệu ấy. Ông còn giả vờ gây tiếng ồn ầm ĩ bắt chước xe tải bốn bánh đang ì ạch leo trên đường dốc đầy bùn lầy. Sau này khi trưởng thành hơn, tôi rất thích ngựa nên ông thường bắt về những con ngựa hoang chưa được thuần phục từ trên núi để cho tôi ngắm nhìn và vuốt ve nó. Đôi khi ông còn đặt tôi ngồi lên lưng ngựa nếu chú ngựa đó không quá to và hung hăng. Cuối cùng, ông mua cho tôi một con ngựa để cưỡi. Ông đã ban tặng cho mọi thứ mà tôi muốn trên đời. Có được một người cha không những là một bậc Thánh mà còn là một người cha giàu lòng thương yêu như ông thật là một vinh hạnh lớn với tôi. Tôi cảm thấy vinh hạnh hơn và rất mãn nguyện khi thấu tỏ được sự thật rằng ông là một người cha tuyệt vời như vậy.

Jamyang Khyentse Chokyi Lodro ấn chứng cha tôi là hóa thân của Vairotsana khi ông lên tám tuổi. Cha tôi sống và tu học ở trụ xứ chính Zhichen Kharmar Sangag Tengye Ling của ông ở Gulok, miền đông Tây Tạng. Tôi cho rằng, ông hẳn đã phải trải qua một thời thơ ấu đầy khó khăn, điều này tôi góp nhặt được từ những câu chuyện kể của ông cùng một số nguồn thông tin khác. Trong suốt tuổi thơ từ lúc cha tôi được ấn chứng là một hóa thân và gửi đến Gulok, ông bà nội tôi cũng như không một thành viên nào trong gia đình ở bên ông. Thực ra, tôi chưa bao giờ nghe thấy một lời phàn nàn nào của ông về thái độ cùng cách cư xử của người khác đối với mình. Ông cũng không hay nói tốt về người khác, tôi nghĩ ông không bận tâm nhiều như chúng ta. Chúng ta nên ghi nhớ rằng những điều này không dễ dàng ảnh hưởng đến nhân cách của ông bởi vì nhân cách của ông đã được tích lũy một cách kỹ càng trong nhiều đời trước khi quyết định chuyển thế vì lợi ích của người khác. Tuy nhiên, là một người con, tôi vẫn cảm thấy thương ông mặc dù giờ đây tôi chẳng thể làm gì cho ông. Thêm nữa, mặc dù ông không bao giờ bình luận gì về những khó khăn khi còn thơ ấu cũng như cuộc sống hạnh phúc về sau này nhưng tôi thực sự thu lượm được rằng: Về sau, với sự hỗ trợ về mặt tinh thần của mẹ tôi và tình yêu chân thật mà cha mẹ tôi dành cho nhau nên cuộc sống của cha tôi đã tràn ngập trong niềm vui và an bình. Từ sâu thẳm trái tim mình, tôi luôn biết ơn mẹ tôi đã yêu thương, cảm thông vun đắp cho gia đình. Tôi cũng xin chia sẻ lòng biết ơn với cha tôi vì đã trân trọng và đánh giá cao điều này. Họ thực sự là một sự hợp nhất hoàn hảo! Đặc biệt, tôi rất coi trọng trí tuệ sâu xa của cha tôi đã phân biệt rõ ràng đâu là cuộc sống chân hạnh phúc, đâu là cuộc sống khổ đau. Không như chúng ta chỉ biết chạy theo những cám dỗ và tự giam mình trong bể khổ, ông biết đặt ra ranh giới để tránh xa mọi cạm bẫy của những cám dỗ thế tục. Tôi cho rằng, đây là một trong rất nhiều đại phương tiện mà ông đã áp dụng để gìn giữ chân hạnh phúc và sự bình an trong gia đình cũng như cho mọi người xung quanh. Mặc dù nổi tiếng là trưởng một dòng truyền thừa quan trọng với hơn hai mươi tự viện gồm hàng nghìn hộ gia đình và tăng chúng, cha tôi thích sống một cuộc đời khiêm cung giản dị không bị ràng buộc vào những tổ chức, những hiệp hội của những chủng tộc, trường phái và tông phái khác nhau. Ông nói rằng: Nếu bị vướng chấp vào những hoạt động này thì cuối cùng sẽ khiến cuộc sống của chính mình và người khác khổ đau: "Đó chính là nguyên nhân gây tích lũy tội nghiệp. Vậy tại sao lại phải bận tâm vướng chấp vào nó? Tốt hơn là nên lo công việc của mình đã."

Cha tôi không bao giờ quan tâm tới danh tiếng của mình. Ưu tiên hàng đầu của ông là tạo dựng một môi trường thân thiện cho tất cả mọi người và tránh không để nó bị những hoàn cảnh tiêu cực tác động. Vì thế, chúng ta không bao giờ thấy ông nói về hiểu biết của mình. Trong thực tế, ông sẽ cho bạn thấy là ông chẳng hề biết gì! Chẳng hạn như, ở Tây Tạng lúc ông còn nhỏ sau khi kết thúc khóa học, cha tôi để lại nhiều dấu bàn tay và bàn chân in trên đá như những dấu hiệu chứng đắc của ông mà tới nay vẫn còn và trở thành thánh tích để những tín đồ hành hương chiêm bái. Tuy nhiên, là con trai ông nhưng tôi chưa bao giờ nghe ông kể một lời nào về việc này cho đến mãi bây giờ. Tôi rất muốn được nghe ông kể về trí tuệ siêu việt của ông và làm thế nào ông có thể in dấu lên đá nhưng mẹ tôi nhắc nhở nhiều lần không được trực tiếp hỏi vì ông không thích bị quấy rầy và muốn giữ bí mật. Tôi hiểu ly do tại sao bởi vì không giống chúng ta, ông không thích khoe khoang và sự nổi tiếng. Không những thế, có lẽ không có nghĩa lí gì khi kể về những điều này vào thời đại hiện nay và khi mà với những người như tôi, ông đơn thuần chỉ là một người cha đáng yêu, đáng kính. Bản thân tôi cũng không cảm thấy thoải mái khi hỏi ông những điều này vì đối với tôi, ông thật lân mẫn ấm áp. Bởi vậy, tôi không nên hỏi thẳng thêm nữa.

Nhờ sự chứng đắc và lòng từ bi, những ai được gặp và thụ pháp với ông luôn cảm thấy được khích lệ trên con đường đạo pháp và nhất tâm phụng sự vì lợi ích chúng sinh. Tôi thực sự rất ngưỡng mộ ông ở điểm này, vì thế gần đây, tôi thỉnh cầu ông giảng dạy thêm giáo pháp cho tăng ni, Phật tử từ khắp nơi trên thế giới. Ông không nói gì, chỉ cười lớn. Cuối cùng, mẹ tôi kể cha tôi nói rằng ông nhận lời vì tôi đã thỉnh cầu. Giờ đây, đúng là ông dành ra khoảng một tháng mỗi năm để giảng dạy giáo pháp tại trụ xứ mới của ông ở Kathmandu (chùa Zhichen Bairo Ling). Tôi cảm thấy rất hối hận vì đã không thỉnh cầu ông giảng Pháp ngay từ những năm đầu. Thật là một tổn thất! Không một ai trong chúng tôi từng phát tâm thỉnh cầu ông chỉ dạy về chứng ngộ. Thay vào đó, nhiều người chỉ nhờ ông sửa đồng hồ, băng đĩa, radio và những thứ linh tinh khác chỉ bởi vì ông có thể sửa được hầu hết tất cả mọi máy móc bằng tay. Tôi vẫn còn nhớ có lần cha tôi rất thích rửa ảnh. Ông có một vài cái máy tráng phim để thử nghiệm. Dĩ nhiên, mọi người thích nhờ ai đó làm giúp hộ cho mình. Ngày nào ông cũng có việc gì để làm. Mẹ tôi không vui lắm khi thấy ông làm việc dưới ánh sáng quá chói, đeo kính từ và ngồi lâu hàng giờ mỗi ngày nhìn chăm chăm vào cái máy. Bà cho rằng nó sẽ giảm thị lực và hệ thống tuần hoàn của ông. Do đó, bà yêu cầu ông không tiếp tục làm việc này nữa. Thông thường cha tôi sẽ không bao giờ từ bỏ sở thích của mình nhưng biết rằng yêu cầu của mẹ tôi xuất phát từ tình yêu và sự quan tâm chân thành, cha tôi từ bỏ sở thích này trong vòng chỉ một tháng. Kể từ đó, tôi không còn trông thấy những cái máy đó nữa. Hẳn là chúng đã bị hư hỏng do độ ẩm cao của thung lũng Himalaya sau nhiều năm không được dùng đến.

Thực ra còn rất nhiều điều tôi muốn viết hơn nữa nhưng nay xin tạm dừng ở đây.

Chúc các bạn an vui!

Nguồn: My father - Zhichen Bairo - Family, www.drukpa.org

http://www.drukpavietnam.org/index.php/phap-vuong-gyalwang-drukpa-xii/19-cha-toi-ngai-zhichen-bairo

Comments are closed.