Tiểu sử Đức Chögyal Namkhai Norbu Rinpoche

Đức Chögyal Namkhai Norbu Rinpoche sinh trưởng tại vùng Derge, miền Đông Tây Tạng, vào năm 1938. Khi lên hai tuổi, Ngài đã được công nhận là hóa thân của Đức Adzom Drugpa (1842-1924), một trong những Đạo sư Dzogchen vĩ đại của đầu thế kỷ 20. Đức Adzom Drugpa là đệ tử của Đức Jamyang Khyentse Wangpo (1820-92) và Đức Patrul Rinpoche (1808-81), và Ngài cũng là một Bậc Khai Mật Tạng Vương đầy uy lực.

Năm lên 8 tuổi, Đức Namkhai Norbu Rinpoche cũng được Đức Karmapa đời thứ 16 (1924-1981) và Đức Palpung Situ Rinpoche  (1886-1952) công nhận là hóa thân về tâm của Đức Shabdrung Ngawang Namgyal (1594-1651), Đức Pháp Vương đầu tiên của Bhutan – hóa thân của Đạo sư Drugpa Kagyüd vĩ đại, Đức Pema Karpo (1527-92). Danh hiệu’Chögyal”, nghĩa là Vua Pháp, đã được ban cho Ngài cùng với sự ấn chứng hóa thân này.

Khi vẫn còn là một thiếu niên, Đức Chögyal Namkhai Norbu Rinpoche đã hoàn thành chương trình nghiêm ngặt về nghiên cứu và học tập Kinh điển và Mật điển theo truyền thống, đồng thời thọ nhận các giáo lý từ một số bậc Đạo sư vĩ đại trong thời đại của Ngài.

Từ lúc 8 tuổi đến 12 tuổi, Ngài gia nhập học viện Sakya tại Tu viện Derge Gönchen. Trong suốt thời gian này, Ngài đã nghiên cứu tu học cùng với Đức Jamyang Khyentse Chökyi Lodrö, tại Dzongsar. Vào năm 1951, Ngài đã thọ nhận quán đảnh Vajrayogini theo các dòng truyền thừa Sakya Ngorpa và Tsarpa. Ngài cũng được vị Thầy của mình khuyên thỉnh cầu quán đảnh từ một Nữ Đạo sư kiệt xuất Ayu Khandro Dorje Paldrön (1838-1953), được xem là hiện thân sống động của Đức Vajrayogini. Đức Bà Ayu Khandro lúc đó 113 tuổi và nhập thất trong bóng tối suốt 56 năm. Nữ Đạo Sư Ayu Khandro Dorje Paldrön là bậc trưởng lão cùng thời với Đức Adzom Drugpa, cũng là một đệ tử trực tiếp của Đức Jamyang Khyentse Wangpo và Đức Nyala Padma Düdul lừng danh (1816-61), bậc đã thành tựu Thân Cầu Vồng. Đức Chögyal Namkhai Norbu đã thọ nhận một số trao truyền từ Nữ Đạo Sư Ayu Khandro Dorje Paldrön, bao gồm những trao truyền mà Ngài đã thỉnh cầu trước đây, cũng như giáo lý Longchen Nyingthig, và các Terma tâm của Nữ Đạo Sư Ayu Khandro Dorje Paldrön.

Năm 1954, với tư cách là đại diện của Thanh Thiếu Niên Tây Tạng, Đức Chögyal Namkhai Norbu Rinpoche đã được mời đến thăm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sau đó, vào năm 1954, Ngài được bổ nhiệm làm giảng viên ngôn ngữ Tây Tạng tại Đại học Dân tộc Tây Nam thuộc Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Chính trong thời gian này, Ngài đã thông thạo hai ngôn ngữ Mông Cổ và Trung Quốc.

Năm lên 17 tuổi, theo một linh kiến trong giấc mơ, Đức Chögyal Namkhai Norbu trở về nơi Ngài sinh ra, vùng Derge. Ngài đã du hành tới một thung lũng xa xôi thuộc miền Đông Derge, tại nơi này Ngài đã gặp vị Thầy Gốc của mình, Đức Rigdzin Changchub Dorje (1826-1961/1978), đệ tử của Nữ Đạo Sư Ayu Khandro Dorje Paldrön và Đức Nyala Pema Düdul. Đức Changchub Dorje là vị Thầy hướng dẫn tâm linh của một cộng đồng hành giả cư sĩ tự hỗ trợ mang tên Nyala Gar. Đức Rigdzin Changchub Dorje Rigdzin Changchub Dorje là một thầy thuốc và Đức Chogyal Namkhai Norbu đã ở lại với Ngài trong gần một năm, hỗ trợ Ngài hành nghề y. Trong thời gian này, Đức Namkhai Norbu đã thọ nhận quán đảnh từ vị Thầy của Ngài, Đức Changchub Dorje, người đã giới thiệu trực tiếp cho Ngài những tri kiến đích thực của giáo lý Đại Viên Mãn(Dzogchen).

Đức Chögyal Namkhai Norbu sau đó đã thực hiện một chuyến hành hương kéo dài đến miền Trung Tây Tạng, Nepal, Ấn Độ và Bhutan. Khi Ngài trở về quê hương Derge, miền Đông Tây Tạng, Ngài  thấy tình hình chính trị xấu đi với sự bùng phát của bạo lực. Ngài đã trốn đến miền Trung Tây Tạng và cuối cùng xuất hiện như một người tị nạn ở Sikkim, sống tại thủ phủ Gangtok từ năm 1958 đến năm 1960. Trong suốt giai đoạn này, Ngài làm việc với tư cách là một tác giả, một nhà biên tập sách giáo khoa Tây Tạng cho chính phủ ở Sikkim. Tại đó, Ngài đã gặp giáo sư Giuseppe Tucci, một nhà Tây Tạng học lừng danh, người đã mời Ngài đến làm việc tại Rome. Năm 1960, ở độ tuổi 22, Đức Chögyal Namkhai Norbu Rinpoche đã giữ vị trí Research Associate tại IsMEO. Năm 1964, vị trí Giáo sư về văn học và ngôn ngữ phương Đông tại Đại học Naples được tiến cử tới Ngài. Trong 28 năm, Đức Chogyal Namkhai Norbu giảng dạy tiếng Tạng và tiếng Mông Cổ, văn học và lịch sử văn hóa Tây Tạng, Ngài về hưu với danh hiệu Giáo sư Danh dự vào năm 1992. Những công trình học thuật của Ngài biểu lộ một kiến ​​thức uyên thâm về văn hóa Tây Tạng và một quyết tâm kiên định gìn giữ các di sản văn hóa Tây Tạng đặc biệt trở nên sinh động và hoàn toàn có thể dễ dàng tiếp nhận.

Sau khi giảng dạy Yantra Yoga tại Naples được vài năm thì vào năm 1967 Đức Chögyal Namkhai Norbu bắt đầu giảng dạy giáo lý Dzogchen cho một số môn đồ người Italia. Sự quan tâm đến giáo lý của Ngài ngày càng tăng lên, đầu tiên ở Italia, sau đó khắp phương Tây, đã khiến Ngài tận tụy hiến mình cho những hoạt động giáo Pháp như vậy.

Năm 1981, cùng với nhiều đệ tử, Ngài đã sáng lập trung tâm Cộng đồng Dzogchen đầu tiên tại Arcidosso, Tuscany, và sau đó đến nhiều trung tâm khác tại nhiều vùng khác nhau ở châu Âu, Nga, Hoa Kỳ, Nam Mỹ và Úc.

Năm 1988, Đức Chögyal Namkhai Norbu đã thành lập ASIA (Hiệp hội Đoàn kết Quốc tại châu Á), một tổ chức phi chính phủ hoạt động ở Tây Tạng và hiến mình phụng sự người dân Tây Tạng trong lĩnh vực giáo dục, sức khỏe, đào tạo, cứu trợ thiên tai và phát triển kinh tế bền vững. Năm 1989, Đức Chögyal Namkhai Norbu đã sáng lập Học viện Shang Shung với nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa Tây Tạng, bao gồm việc gìn giữ và chuyển dịch các bản văn quan trọng, như các Tantra gốc, các bộ luận, các terma của những bậc Thầy kiệt xuất, sự tỏa lan của y học Tây Tạng, chiêm tinh học, ngôn ngữ và một số khía cạnh khác của văn hóa Tây Tạng.

Trong suốt 38 năm qua, Đức Chogyal Namkhai Norbu Rinpoche đã hướng dẫn một lộ trình nghiêm ngặt về các giáo lý và các khóa nhập thất Dzogchen trên khắp thế giới. Ngài đã ban vài trăm khóa nhập thất bao gồm toàn bộ các bản văn của giáo lý Dzogchen, gồm ba bộ Semde (Tâm thức), Longde (Hư không) và Menngade (Khai thị) những giáo lý Karma của dòng dòng truyền thừa không gián đoạn và các giáo lý Terma của những bậc Đạo sư Đại Viên Mãn đầy uy lực, như Đức Changchub Dorje, Đức Adzom Drugpa, Đức Nyala Pema Dudul, Đức Jigme Lingpa và nhiều vị khác, cũng như toàn bộ bộ Terma Longsal độc đáo và quý báu của Ngài. Ngài đã giới thiệu các giáo lý Đại Viên Mãn tới hàng ngàn học trò trên toàn thế giới, và đã làm công cuộc tiên phong trong việc tái thiết lập và giảng dạy lại những Tantra gốc cổ xưa của Dzogchen, như  Kunjed Gyalpo và Dra Thalgyur.

Thậm chí ngày nay, Đức Chögyal Namkhai Norbu tiếp tục du hành không ngừng nghỉ đến khắp vùng miền trên thế giới để thuyết Pháp và tổ chức các khóa nhập thất cho hàng nghìn người. Nhiều giáo lý và các khóa nhập thất này được trao truyền trực tiếp qua video webcast và những người không thể gặp Đạo sư có thể quan tâm theo dõi.

Những năm gần đây, Đức Chögyal Namkhai Norbu Rinpoche đã xác định đảo Tenerife là một địa điểm rất thích hợp cho việc thiết lập, giảng dạy, trì giữ và thực hành giáo lý Dzogchen quý báu, cũng như làm cho nhiều khía cạnh của văn hóa Tây Tạng được lan tỏa. Tầm nhìn của Ngài là thiết lập một Cộng đồng Dzogchen toàn cầu ở Tenerife - một nơi mà tất cả các hành giả Dzogchen có thể gặp gỡ và khế hợp với nhau, và nơi các giáo lý có thể phát triển và được trao truyền cho các thế hệ tương lai.

Bản tiểu sử chi tiết đầu tiên của Đức Chögyal Namkhai Norbu được xuất bản trong tạp chí khoa học quốc tế tôn giáo, trong ấn phẩm đặc biệt 'Những tấm gương tâm linh', với nhan đề "Đức Chogyal Namkhai Norbu Rinpoche: Đại Viên Mãn (Dzogchen) và Truyền thống Tây Tạng”.

Nguồn: http://podstatamysle.sk/?page_id=1384&lang=en

Việt ngữ: Tara Devi (Nhóm Viet Rigpa Lotsawas)

Hiệu đính: Giác nhiên

Mọi sai sót đều do người dịch và người hiệu đính. Có chút phước đức nhỏ nhoi nào xin hồi hướng cho những ai có duyên với Đức Chogyal Namkhai Norbu Rinpoche đều được Ngài dẫn dắt liễu thoát sinh tử và cầu mong nhờ công đức này cầu mong Ngài sớm quang lâm đến Việt nam và cầu mong giáo lý Đại Viên Mãn (Dzogchen) sẽ hưng thịnh.

Comments are closed.