Tiểu sử Đức Shamarpa đời thứ 14 Mipham Chokyi Lodro Rinpoche

Đức Mipham Chokyi Lodro sinh ngày 27 tháng 10 năm 1952 ở miền đông Tây Tạng, tại Vương quốc Derge trong gia tộc Athub, là cháu trai của Đức Karrmapa đời thứ 16. Có những sự kiện kì lạ diễn ra vào ngày sinh của Ngài: Cầu vồng rực rỡ sắc màu xuất hiện trên bầu trời, hoa đua nhau nở rộ mặc dù đó là vào những ngày mùa đông.

Khi lên 4 tuổi, Ngài đã nhận ra những vị tu sĩ già từ Tu viện Yangpachen, vị trí của những Shamarpa. Khi Ngài lên 6 tuổi, Đức Karrmapa đời thứ 16 đã ấn chứng Ngài là Shamarpa đời 14 và trong một buổi lễ không chính thức, Ngài đã được tấn phong ở Tsurphu, vị trí chính của Karrmapas ở Tây Tạng.

Sau khi rời khỏi Tây Tạng cùng với Đức Karmapa đời thứ 16, Đức Shamar Rinpoche đã ở Tu viện cũ Rumtek tại Sikkim. Năm 1963, với sự ấn chứng của Đức Dalai Lama, Đức Shamar Rinpoche đã được Đức Karrmapa tấn phong chính thức tại Rumtek.

Khi ở Rumtek, Đức Karmapa thứ 16 ban cho vị Shamarpa này những giáo lý toàn hảo và những trao truyền của phái Kagyu Karma, gồm có trao truyền quán đảnh Kagyu Ngag Dzo, tâp hợp các giáo lý Dam Ngag Dzo. Liễu nghĩa hải của Đại Thủ Ấn, Gya Chen Ka Dzo, Chag Chen Gya Shung, Chigshe Kundröl, phép quản đảnh Drub Tab Kuntu và rất nhiều những giáo lý trao truyền khác. Đức Shamarpa cũng nghiên cứu sâu sắc các kinh điển về Trung quán luận, Bát nhã ba la mật, Luận Vi diệu pháp, Luật và Nhận thức luận và Ngài đã có những hiểu biết suất sắc về tất cả những giáo lý được học.

Đức Khyabje Dilgo Khyentse Rinpoche, bậc Đạo sư vĩ đại của truyền thống Nyingma, đã trao truyền cho Ngài toàn bộ giáo lý chu trình quán đảnh Nyingtig, những lời giảng giải và chỉ dẫn tinh túy khác. Đức Khyabje Nyenang Pawo Rinpoche đời thứ 10, vị đệ tử tâm yếu cuối cùng của Đức Karmapa Khakhyab Dorje thứ 15, đã trao truyền cho Ngài toàn bộ giáo lý của Đức Shamarpa Khacho Wangpo thứ 2 cũng như những giáo lý chọn lọc của Đức Karmapa Mikyo Dorje thứ 8. Bên cạnh đó, Đức Shamarpa còn thọ nhận các giáo lý từ Đạo sư vĩ đại Khyabje Ugyen Rinpoche , đặc biệt là những giáo lý Rinchen Terdzo thâm diệu và giáo lý bí truyền của dòng Chokling Tersar.

Ngài đã thọ nhận toàn bộ giáo lý dòng Shangpa Kagyu từ Đức Kalu Rinpoche, trao truyền đọc Chag Chen Gya Shung từ vị Khenpo Bhutan thứ 70, Je , và giáo pháp Đại thủ Ấn từ nhiều Đại thành tựu giả Ấn độ. Tóm lại, Ngài đã thọ nhận các trao truyền từ hơn mười bậc đạo sư vĩ đại và nhờ đó Ngài đã trở thành một học giả thành tựu về cả Kinh điển và Mật điển.

Đức Karmapa thứ 16 đã trao truyền cho ngài toàn bộ ba giới nguyện, giới nguyện Luật bên ngoài, giới nguyện Bồ đề tâm bên trong và Mật nguyện của Bậc Trì Giữ Thấu Suốt (Trì Minh Vương). Đạo sư đã chính thức tấn phong Ngài là vị hộ trì tiếp theo dòng truyền thừa.

Năm 1980, một năm trước khi Đức Karmapa thứ 16 viên tịch, Ngài đã xác tín trao truyền cho Đức Sharmapa những giáo huấn khẩu truyền về sự tỉnh thức tuyệt đối của Dòng truyền thừa. Những giáo huấn này đã được truyền tới Tổ Tilopa trong dòng truyền thừa không gián đoạn từ Đức Phật Kim Cương Trì. Bên cạnh những giáo huấn trao truyền từ Vị tổ Karmapa thứ 16, Ngài còn nhận được rất nhiều giáo huấn từ những vị đạo sư vĩ đại đương thời, đến từ nhiều dòng truyền thừa khác nhau.

Suốt thời gian Đức Karmapa thứ 16 còn sống, Ngài Shamarpa đã di chuyển sâu rộng tới nhiều nhiều quốc gia với tư cách là người đại diện Karmapa và là Nhiếp chính vương tương lai. Ở Nepal, Ngài đã khôi phục và cúng dường Ngôi cổ tự Raja Mahavihara  ngay cạnh Bảo tháp Swayambunath.

Năm 1981, sau khi Đức Karmapa đời thứ 16 viên tịch, Đức Shamarpa đã dành nhiều nỗ lực cho các dự án được khới xướng bởi Đức Karmapa. Một trong số đó là việc xây dựng Học viện Phật giáo quốc tế Karmapa ở New Delhi, Ấn độ. Học viện cung cấp các khóa học Phật giáo nâng cao cho các học giả đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đến tận ngày nay. Đây là một cơ sở của Trường Đại học Ấn Độ trong nhiều năm và được nhiều học viện giáo dục trên khắp thế giới công nhận.

Bên cạnh đó, sau khi Đức Karmapa thứ 16 viên tịch, Đức Shamar Rinpoche  tiếp tục chăm lo và đào tạo tăng ni của dòng truyền thừa. Ngài đảm bảo rằng các nghi lễ mật và lễ puja tổ chức tại tất cả các tu viện của Karmapa với lòng thành tuyệt đối đối với truyền thống Kagyu. Cuối cùng không kém phần quan trọng, để hoàn thành những ước nguyện cuối cùng của Đức Karmapa thứ 16, Ngài đã cho ấn tống hàng trăm tập “Tengyur”, những luận giảng về Kinh điển và Mật điển, và trao tặng cho nhiều chánh điện và tu viện Phật giáo trong và ngoài Ấn Độ. Ngài cũng cho in ấn và phân phát toàn bộ các tác phẩm

Khi nghe tin có một cậu bé với đầy đủ những phẩm tính  đặc biệt sống ở Lhasa, Đức Sharmapa đã sắp xếp để các vị Lama đáng tin cậy đến gặp cậu, cuối cùng hết sức thuyết phục rằng cậu chính là Hóa thân của Đức Karmapa thứ 16. Lựa chọn của Ngài đồng nhất với Đức Pháp vương Chobgye Trichen Rinpoche và những dấu hiệu chứng minh cậu bé chính là một Karmapa. Tầm nhìn của Ngài về khả năng của một Đức Karmapa cũng như các nghi thức tiên đoán diễn ra tại thánh địa của Jowo-Zamling Karpo ( tượng Quán Thế Âm Bồ Tát )ở Kathmandu cũng như là thánh địa có tượng Đức Tara  ngoài vùng Kathmandu cũng xác nhận Trinley Thaye Dorje là Hóa thân của Đức Karmapa siêu phàm.

Vì vậy,cũng giống như những vị tiền nhiệm đã làm, Đức Sharmapa đã công nhận cậu bé Thaye Dorje là Karmapa thứ 17, chính thức tấn phong Thaye Dorje là một Karmapa tại Học viện Phật giáo quốc tế Karmapa ở New Delhi vào năm 1994. Năm 1996, Ngài thực hiện lễ xuống tóc truyền thống cho Đức Karmapa đời thứ 17,Thaye Dorje tại Bồ đề Đạo Tràng.

Là một bậc hộ trì dòng truyền thừa, lẽ dĩ nhiên Đức Sharmapa trở thành vị Thầy gốc của Đức Karmapa thứ 17, Ngài ban toàn bộ trao truyền của dòng truyền thừa Kagyu, đầy đủ những giáo huấn và quán đảnh. Vào ngày mồng 1 tháng 12 năm 2003, Ngài đã phong tước hiệu Trì Minh Vương  (đôi khi được gọi là Vajracarya) và xác nhận cậu bé là người đứng đầu của truyền thống Karma Kagyu.

Ngài Shamarpa đã di chuyển tới nhiều quốc gia và giảng dạy cho hàng nghìn môn đồ trên khắp thế giới. Vào thập niên 90, Ngài bắt đầu thiết lập một tổ chức quốc tế tên là Bodhi Path (Con đường Bồ Đề) với mục tiêu đưa tất cả các thực hành Phật pháp miễn phí tới mọi giáo phái và Ngài tiếp tục giảng dạy khắp thế giới tại Trung tâm Bodhi Path cũng như các trung tâm có liên hệ với Karmapa.

Vào năm 2002, Shamarpa đã thiết lập một trường cơ sở gần Darjeeling, được giám sát bởi Học viện Shri Diwakar ở Kalimpong, được lập nên để cung cấp một khóa học 10 năm về những ngành học Phật pháp cho hàng trăm tăng sĩ. Dự án quan trọng kế tiếp của Ngài là Học viện Shar Minub ở Kathmandu, Nepal, đào tạo những khóa học Phật pháp cao cấp hơn, nghiên cứu và nhập thất, với cơ sở vật chất cho hàng ngàn tăng sĩ. Trong khi đó ở Tây tạng, vị trí truyền thống của Shamarpa ở Yangpachen đã được xây dựng lại thành Học viện nghiên cứu giáo pháp sâu hơn. Không chỉ giới hạn ở những dự án của riêng mình, Ngài Sharmapa đã giúp tái thiết và phát triển nhiều Học viện và tu viện ở Tây Tạng. Gần học viện  Shar Minub ở Kathmandu, Shamarpa đã thiết lập một trung tâm nhập thất đặc biệt, hoạt động nhiều năm gần đây. Đây là nơi dành cho các  vị tu sĩ cao cấp nắm giữ nguyện giới Luật. Những người nguyện cả cuộc đời  thực hành giới nguyện  và  thực hành Đại thủ ấn.

Ngài Shamarpa đã viết một vài quyển sách về việc thực hành Phật Pháp và dân chủ, chứng minh rằng mối quan tâm của Ngài không phải đặt vào chính trị mà Ngài luôn cố tránh né, chính điều đó làm cho cuộc sống của những người dân bình thường tốt đẹp hơn. Ngài cũng đã sáng lập Hiệp Hội Từ Bi để kêu gọi việc đối xử nhân văn đối với động vật.

Đức Shamar Rinpoche Mipham Chokyi Lodro viên tịch ở tuổi 62 tại Trung tâm Bodhi Path ở Renchen-Ulm, nước Đức vào ngày 11 tháng 6 năm 2014. Trong 3 ngày sau khi viên tịch, Ngài vẫn giữ tư thế thiền định kiết già. Ngài từ bỏ tư thế này vào Rằm tháng 6, ngày tưởng nhớ  Đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập diệt. Nhục thân của Ngài ban đầu được mang đến Ấn độ, qua Bhutan đến Nepal để cử hành lễ hỏa táng.

Các vị Shamarpa trước đây được các vị Tổ Karmapa xác nhận theo nguyên tắc công nhận lẫn nhau -  Các vị Karmapa và Shamarpa sẽ lần lượt nhận ra và công nhận sự tái sinh của vị còn lại. Bằng cách này, dựa vào sự tỉnh giác tâm linh tuyệt vời và sự biến động chính trị bên ngoài, Phái Karmapa Mũ đỏ và Mũ đen đã xác nhận, đào tạo và duy trì Dòng  tái sinh, dòng truyền thừa cổ xưa nhất của Phật giáo Tây Tạng.

Việt dịch : Nhóm Rigpa Lotsawas

Hiệu đính : Giác nhiên

Mọi sai sót đều do người dịch và người hiệu đính. Có chút phước đức nhỏ nhoi nào xin hồi hướng cho những ai có duyên với Đức Mipham Chokyi Lodro Rinpoche đều được Ngài dẫn dắt sớm liễu thoát sinh tử và cầu mong nhờ công đức này Ngài sớm trở lại thế gian và quang lâm đến Việt nam.

Comments are closed.