Lưu tâm đến nguồn gốc

By Đức  Shyalpa Tenzin Rinpoche 

Các thói quen có hại và hành xử bất cẩn là nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Nếu nỗ lực sống trọn vẹn, ta sẽ không bị rơi vào bẫy của những thói quen. Khi con ong đậu trên một bông hoa để hút mật nghĩa là nó đã bị hương hoa thu hút. Không nhận ra là màn đêm đang buông xuống, con ong bị mắc kẹt khi những cánh hoa từ từ khép lại. Là con người, ta cần sử dụng trí tuệ và mài giũa nhận thức của mình để các thói quen không trói buộc và cướp đi tự do của ta.

Suy nghĩ rời rạc và cảm xúc muộn phiền che mờ bản chất vốn rộng mở và sáng rõ của tâm trí. Nhận thức mất đi khi ta chỉ tập trung vào bản thân và những gì mà cái “tôi” trải nghiệm. Tầm nhìn bó hẹp này tạo ra nền tảng nuôi dưỡng cho ý niệm mạnh mẽ về bản ngã. Khi không thể vượt lên trên lối suy nghĩ thông thường, theo thói quen của chính mình, ta sẽ bị vướng vào mớ hỗn loạn của chính mình. Khi không nhận ra được bản chất tinh khôi của tâm hồn, ta sẽ phải chịu khổ đau bởi có ràng buộc lớn lao với cái “tôi”. Một dòng suy nghĩ bất tận, với suy nghĩ nọ tiếp nối suy nghĩ kia, sẽ giăng bẫy ta vào vòng xoáy hỗn độn và khổ đau vô hạn.

Mỗi suy nghĩ nên ở nguyên chỗ của nó. Thật vô nghĩa khi lôi con nhộng ra khỏi kén rồi kỳ vọng nó sẽ làm ra mật; điều đó thật phi tự nhiên. Tương tự, nếu đặt con ong mật vào kén, thì nó cũng không biết làm thế nào để hóa thành bươm bướm. Vì vậy, nói theo châm ngôn thì con nhộng nên ở trong kén, còn ong mật thì nên làm ra mật. Khi bạn trải nghiệm trọn vẹn từng suy nghĩ, năng lượng của suy nghĩ sinh ra và mất đi tại chỗ của nó. Vì vậy, bạn không cần phải xáo trộn suy nghĩ của mình. Càng diễn giải thì càng thêm rối loạn và khó hiểu. Khi năng lượng của mỗi suy nghĩ đã trọn vẹn và độc lập, nó được giải phóng khi sinh ra và không để lại dấu vết.

Nếu không thể hiểu được bản chất của từng suy nghĩ là trọn vẹn và độc lập, là vì bạn quá gắn kết với cái “tôi” và những gì cái “tôi” tạo ra. Khi bạn nghĩ “tôi sẽ làm việc này” là bạn tạo ra tính liên tục cho cái “tôi” đó.  Khi bạn nghĩ “tôi muốn thứ này”, là bạn đã nhấn một nút, và khi bạn nghĩ “tôi muốn thứ kia” là bạn đã nhấn nút tiếp theo. Sẽ không có khoảng trống cho từng suy nghĩ để được trọn vẹn và độc lập vì bạn đang chìm đắm trong ảo tưởng về tính liên tục. Có thể nói suy nghĩ độc lập là năng lượng tự nhiên, là nhận thức mới mẽ và rõ ràng. Nó không phụ thuộc vào bất kỳ sự hỗ trợ nào.

Khi bạn xuôi theo suy nghĩ theo đuổi một cái “tôi” ảo tưởng, vướng mắc của bạn với từng suy nghĩ sẽ trói buộc bạn. Rối loạn tinh thần này khiến bạn phải tiếp nối hết suy nghĩ nọ đến suy nghĩ kia, và cứ tiếp tục như thế mãi. Do đó, mỗi suy nghĩ đều không tồn tại độc lập. Ta viết nên câu chuyện của mình dựa trên một cái tôi ảo tưởng. Bị trói chặt trong một chuỗi bất tận những suy nghĩ rối loạn, ta rơi vào vòng đau khổ lẩn quẩn mà ta gọi là luân hồi. Luân hồi là trạng thái vô minh chưa được giác ngộ. Không nhận thức được bản chất thuần khiết của tâm trí và trải nghiệm, ta bị kiểm soát vô vọng trong những cảm xúc hỗn loạn và nghiệp chướng, và trải qua những căng thẳng và đau khổ bất tận về cả thể chất lẫn tinh thần.

Trong quá trình tu tập, ta gặp phải những khoảng trống trong dòng suy nghĩ, và khoảng trống này cho phép ta thư giãn, tháo gỡ kìm kẹp của những thói quen cố hữu và hành vi phản ứng. Sự thoáng thấy những khoảng không trong tinh thần dần giải phóng ta khỏi mớ suy nghĩ bòng bong và cho ta sống trọn vẹn hơn trong hiện tại sáng rõ. Thiền định là công cụ hiệu quả để thoát ra khỏi những thói quen cố hữu. Các phương pháp khác, chẳng hạn như những điều được dạy trong một vài cuốn sách tu thân, cố gắng thay thế những thói quen tiêu cực bằng lối suy nghĩ tích cực, nhưng làm như vậy cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề. Nếu muốn giải phóng bản thân khỏi các thói quen, cách hiệu quả nhất là tự hỏi, “Ai bị thói quen trói buộc, và những thói quen này bắt nguồn từ đâu?”

Phép ẩn dụ phổ biến về sư tử và chó minh họa cho phương pháp này. Nếu ném một viên đá vào con chó, nó sẽ chạy theo viên đá. Còn nếu ném đá vào con sư tử, nó sẽ đuổi theo ta! Con chó sẽ tiếp tục chạy theo những viên đá, còn con sư tử thì sẽ nhanh chóng giải quyết mọi việc. Hãy nhìn thẳng vào nguồn gốc của từng suy nghĩ thay vì chạy theo nó. Thói quen là do suy nghĩ tạo nên và là sản phẩm có điều kiện. Những kiểu suy nghĩ và hành động này sinh ra do ta không hiểu được nguồn gốc của nó. Thói quen là một dạng năng lượng, mà năng lượng thì sinh ra và mất đi như những con sóng trên mặt biển. Khi bạn nhận ra được nguồn gốc thì năng lượng sẽ tự giải phóng khi sinh ra chứ không gây thêm nhiều hành vi theo thói quen nữa.

Tu tập là đi tìm nguồn gốc của viên đá. Bạn có thể tiếp tục hành xử như một chú chó chạy không ngừng theo từng suy nghĩ, hoặc bạn có thể nhào lên như một con sư tử dũng mãnh và khám phá ra nguồn gốc của mọi suy nghĩ chính là năng lượng thuần khiết sinh ra từ sự trống rỗng. Trong trạng thái thuần khiết vô tận này, không có gì thực sự sinh ra và không có gì tồn tại vững chắc, vì vậy cũng không có gì cản trở. Nếu có can đảm nghỉ ngơi trong không gian rộng lớn đó, những hư cấu sinh ra các thói quen trói buộc sẽ không còn mãnh đất màu mỡ để lớn mạnh.

Ta không nên cự tuyệt những suy nghĩ và cảm nhận của mình vì chúng đều đúng đắn. Tuy vậy, các suy nghĩ và cảm nhận sẽ gây ra vấn đề nếu ta cứ bám lấy chúng như thể chúng là cố định và bất biến. Khi trú ngụ trong bản chất trống rỗng và khoáng đạt của cái tôi và các hiện tượng, ta thoát khỏi mọi hỗn mang. Vì vậy, hãy để mọi thứ sinh ra làm nguồn cảm hứng cho bạn. Hãy cứ coi mỗi thứ là một cuộc ăn mừng. Nếu có gì nảy sinh thì thật tuyệt, mà nếu không có cũng chẳng sao. Với tâm trí linh hoạt, ta có thể định hướng cuộc đời mình hết sức tinh tế. Ta sẽ vượt lên trên mọi mục nát, và dù cho điều gì xảy ra thì ta cũng ở ngoài mọi xung đột. Khi hiểu được phẩm chất sáng rọi trong bản chất đích thực của mình, tinh túy sẽ ở khắp nơi. Đó quả là một điều kỳ diệu!

Việt ngữ: Hoàng Ngọc Bích

Comments are closed.