Lịch sử thống thừa Drukpa Kagyu

Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ 12

nguongocdrukpavietnam

Truyền thống Drukpa Kagyu

Namdruk là thánh địa khởi nguồn dòng truyền thừa. "Druk" theo tiếng Tây Tạng có nghĩa là “Rồng”, cũng có nghĩa là tiếng sấm. Vào năm 1206, đúng tròn 800 năm trước, Pháp Vương Tsangpa Gyare Yeshe Dorje nhìn thấy điềm lành chín rồng thiêng bay thẳng lên trời từ thánh địa Namdruk liền quyết định đặt tên dòng truyền thừa mệnh danh là “Drukpa” hay “Thiên Long Truyền Thừa”. Theo đó, Đức Tsangpa Gyare là đấng sáng lập và được tôn xưng là Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ I.

Pháp Vương Tsangpa Gyare được huyền ký trong nhiều Kinh điển, Mật điển và được ấn chứng là hóa thân của Đại Tôn Giả Naropa (1016-1100). Trong Mật tụng căn bản Văn Thù Sư Lợi (Toh. 543), Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã huyền ký về sự xuất hiện của Pháp Vương Tsangpa Gyare như sau:

"Hơn một ngàn năm sau khi ta Niết Bàn,
Khi nhân duyên cát tường hội đủ,
A La Hán Sonam Nyingpo
Sẽ thị hiện nơi miền đất tuyết
Trong gia đình quý tộc Trung Hoa,
Là bậc chân tăng sĩ đạo hạnh
Pháp danh "Tỳ kheo Yeshe Dorje".
Ngài xả bỏ đam mê trần lụy,
Trọn đời tu hành cho chính pháp.
Chứng ngộ tâm bản lai bất nhị
Dìu dắt cứu độ chúng hữu tình,
Đưa họ tới bến bờ giải thoát."

Cao Tăng tổ phụ của Pháp Vương Tsangpa Gyare là một trong hai lực sĩ người Hán khỏe nhất được tuyển chọn để chở cỗ xe hoàng gia rước bức tượng Đức Phật Thích Ca đến Tây Tạng khi công chúa Văn Thành triều Đường được kết hôn vớỉ Đức Vua Tây Tạng Songtsen Gampo nổi tiếng (617-650). Khi còn trẻ, Ngài Tsangpa Gyare được mọi người gọi là 'Gyaton' có nghĩa là “Bậc Thầy người Hoa”.

Lúc đương thời, Đức Tsangpa Gyare phát lộ rất nhiều kho báu giáo pháp và pháp khí linh thiêng ở miền Nam Tây Tạng. Ngài cũng chính là người khám phá ra Tsari, một thánh địa linh thiêng, nổi tiếng và tràn đầy lực gia trì của Tây Tạng. Bởi sự tu trì đại thành tựu của mình, Đức Tsangpa Gyare trở nên nổi tiếng và được gọi là Druk Tamchay Khyenpa, Đức Thiên Long Chí Tôn Toàn Giác, và được tôn xưng là ‘Je Drukpa' (Đạo sư Thiên Long Tôn). Ngài là một Đức đạo sư trứ danh và mỗi khi Ngài truyền pháp thường có tới hơn năm vạn người tham dự. Theo điển tích ghi chép lại, Ngài có đến tám vạn tám ngàn đệ tử, trong số đó hai vạn tám ngàn người là thành tựu giả Yogi. Dòng truyền thừa của Ngài lừng danh với sự thanh tịnh và tính chân tu khổ hạnh của các đệ tử cùng những pháp truyền thừa tu trì thâm diệu. Ngài trước tác cuốn luận giải nổi tiếng về Tantra Chakrasamvara và hoằng truyền giáo pháp rộng khắp.

Khi Pháp Vương Tsangpa Gyare viên tịch năm 1211, vào ngày lễ trà tỳ, cầu vồng xuất hiện, mưa hoa từ trên trời rơi xuống, thiên nhạc ngân vang  và hương thơm lan tỏa khắp không gian. Khi lễ trà tỳ kết thúc, tim, lưỡi và đôi mắt Ngài vẫn còn nguyên vẹn.  Đầu cốt của Ngài xuất hiện Thánh tướng Đức Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Kim Cương Thủ; hai mươi mốt đốt sống lưng của Ngài chuyển thành hai mươi mốt pháp tướng Quan Thế Âm̉. Vô số xá lợi của Ngài nay vẫn còn được thờ phụng tại nhiều tự viện Drukpa và đây là chính là những dấu hiệu chứng tỏ sự thành tựu giác ngộ của Đức Tsangpa Gyare.

Ngày nay vương quốc Bhutan là một trong số ít những đất nước Phật Giáo hiện còn trên thế giới và là một miền tịnh độ tại dãy Himalayas, còn có tên gọi  "Druk" hay "Druk Yul", nghĩa là “Miền đất Rồng sấm”. Người dân của Bhutan đều được gọi là "Drukpa". Nguyên do là vào thế kỷ XVII, một trong những hóa thân chuyển thế đời thứ tư của Đức Tsangpa Gyare là Ngài Shabdrung Ngawang Namgyal (1594-1651) đã thống nhất các vùng đất của Bhutan và trở thành vị lãnh tụ chính trị và tôn giáo ở đây. Trong thời gian trị vì, Ngài đã xây cất rất nhiều cung điện pháo đài, tự viện và đã tạo nên nhiều phong tục, truyền thống lễ nghi của Bhutan. Điều này đã tạo nên một bước tiến độc đáo khiến văn hóa Bhutan trở nên đặc sắc và khác biệt với Tây Tạng.

Nguồn: http://www.drukpavietnam.org/index.php/truyen-thua-drukpa/lich-su-truyen-thua

Comments are closed.