Thực hành Thiền Đức Quán Thế Âm

Giới thiệu

Trong Phật giáo nói chung và đặc biệt trong Đại thừa và Kim Cương thừa, triết học từ bi trở thành khái niệm trọng tâm, và việc thực hành từ bi trở thành cốt lõi. Bồ đề tâm của đức Chenrezig đã có một lịch sử lâu đời gắn với sự từ bi của nhiều truyền thống khác nhau. Người được biết đến như là đức “Quan Âm” ở Trung Quốc hay đức “Kannon” ở Nhật. Ở Tây Tạng, hoặc trong Kim Cương thừa, kỹ thuật thiền định về Đức Chenrezig hay trì tụng sáu chủng tự minh chú (lục tự minh chú) của Người đã trở nên rất phổ biến.

Chenrezig là từ tiếng Tạng, có nghĩa tên của tất cả các hình tướng của Bồ Tát từ bi. Trong tiếng Sancrit Người được gọi là Avalokiteshvara. Avalokeshvara hay Lokesvara, tất cả mang ý nghĩa “chúa tể của Thế giới”. Trong tiếng Tạng, “chenre” có nghĩa là từ kính cẩn dành cho đôi mắt. Đôi mắt tượng trưng cho trí tuệ vì chúng ta học về thế giới của mình qua đôi mắt. Cũng như vậy, trí tuệ “nhìn” nguyên nhân của nỗi khổ, bản chất của Samsara, bản chất của giác ngộ, và nhân của yên bình và hạnh phúc, sự nhận thức sáng suốt nắm bắt được cách thức các hiện tượng hiện hữu. ‘Zig’ có nghĩa cái nhìn hoặc ánh mắt đại từ bi. Đức Chenrezig không lơi mắt nhìn thế gian để tìm cách mang lại lợi lạc cho chúng sinh thông qua các hành động và hiện hành của Người.

Một số người có sự hiểu biết vô cùng rộng lớn, nhưng không có sự từ bi, giống như một tâm trí không mang lại lợi lạc cho những người khác. Bạn có thể thấy, một số người rất thông minh, rất có nhiều năng khiếu nhưng họ không đem lại bất cứ lợi lạc nào cho xã hội. Có những người có sự từ bi chân thành, nhưng họ không có trí tuệ, cho nên họ liên tiếp phạm sai lầm. Họ muốn giúp đỡ người khác nhưng họ không có kỹ năng. Không có trí tuệ, từ bi trở nên hạn chế. Không có từ bi, trí tuệ trở nên khô cằn và chỉ là trí thức mà thôi. Qua đó chúng ta nhận thấy quan trọng làm sao khi phải kết hợp hai yếu tố đó. Đức Chenrezig là một mẫu người tiêu biểu của cả từ bi và trí tuệ. Chúng ta thực hành thiền về Người để đạt được những phẩm chất này trong chính chúng ta. Kết hợp từ bi và trí tuệ lại rất quan trọng cho lợi ích của chúng ta và lợi ích của những người khác nữa. Trí tuệ và từ bi phụ thuộc lẫn nhau nên khi nói về lợi lạc cho người khác, chúng ta đã nhận được lợi lạc cho chính mình. Khi ta có trí tuệ và từ bi xác thực, mọi người sẽ nhận ra và đáp trả một cách tích cực. Càng làm nhiều việc vì lợi ích của người khác thì chúng ta càng nhận được nhiều lợi ích cho chính mình. Đó là tính hiện thực của nhân và quả.

Luyện tập về tâm bằng cách này không dễ vì những phiền não đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Chúng ta có thể tự nhủ “ta phải làm cái này” nhưng tâm trí không theo như vậy. Có vẻ như có nghịch lý giữa tâm trí hành động và tâm trí trí tuệ. Hành động của tâm trí bao gồm những thói quen và thiên hướng đã ăn sâu vào chúng ta, còn trí tuệ của tâm trí là sự hiểu biết về sự vật. Khi những phiền não và những cảm xúc xáo trộn trở thành thói quen, tâm trí hoạt động của chúng ta thường bị dao động bởi những sức mạnh này. Đau khổ là quả không thể tránh nổi, cho dù tâm trí trí tuệ có muốn làm gì đi chăng nữa. Nói một cách khác, nếu thực hành và tập cho chúng ta quen với trí tuệ và từ bi, thì một loại tâm trí hành động tích cực sẽ bén rễ. Kinh nghiệm quen thuộc chúng ta luôn rút ra được là hạnh phúc và an bình không nhuốm phiền não. Chúng ta phải đảm bảo rằng việc thực hành Pháp không chỉ dừng lại đơn thuần là tri thức mà phải hiện diện trong cả cuộc sống. Bởi vậy thực hành Kim Cương Thừa là phần không thể thiếu được.

Thiền là phương pháp chính để rèn luyện tâm trí chúng ta trong trí tuệ và từ bi. Không có con đường nào khác nên cần quyết tâm và hồi hướng. Nếu tâm trí chúng ta đơn thuần là một cỗ máy, ta bấm nút và nó sẽ làm gì ta yêu cầu. Nhưng tâm trí ta không vận hành như vậy, không phản ứng ngay tức thì. Thiền là cái “nút” duy nhất chúng ta có thể đẩy để đem lại hiệu quả cho việc biến chuyển trí óc.

Chúng ta có thói quen nghĩ rằng cả thế giới này hoạt động như một cỗ máy. Mọi nơi chúng ta đi, văn phòng, trên đường, trong nhà, ta bấm nút và mọi việc chạy. Vì điều kiện như vậy nên ta nghĩ lầm rằng thiền cũng hoạt động theo cùng cách. Khi ta không thu được kết quả trong một kỳ, chúng ta chán nản và cho rằng không hiệu quả. Chúng ta cần hiểu rằng thiền cần có thời gian. Tâm trí không phải một cỗ máy, nên cần thiết lập cho mình tính bền bỉ và kiên nhẫn.

Có hai loại kiên nhẫn: Kiên nhẫn vô dụng và kiên nhẫn cần thiết. Kiên nhẫn vô dụng dẫn đến việc phí phạm thời gian và năng lượng trong khi thời gian qua đi mà không làm được bất cứ nỗ lực tâm linh nào. Không có sự lựa chọn nào khác ngoài thực hành hạnh nhẫn khác. Kiên nhẫn cần thiết giúp xây dựng tâm trí ta mạnh mẽ dựa trên lý trí, trí tuệ và từ bi. Đó không phải kiểu kiên nhẫn phục tùng dẫn đến sự lười biếng, không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bằng sự kiên nhẫn thích hợp, chúng ta có thể thực hành không có sự oán giận hay thù ghét. Chúng ta hoan hỷ và không sợ hãi dồn thời gian và năng lượng vào, đó mới là nghĩa thực của kiên nhẫn. Để chiến đấu với sự nản chí, chúng ta cần kiên nhẫn và bền bỉ.

Giữ thực hành hàng ngày, bất kể bao nhiêu để tạo thành thói quen cho bản thân chúng ta. Việc này không chỉ kết thúc trong 10 năm đời người. Nó giống như bạn ăn và uống chúng ta phải làm hàng ngày để duy trì thân thể chúng ta. Cũng như thế, chúng ta thực hành thiền kiên định để duy trì tâm trí.

Thiền không phải là cứ ngồi xuống và nhắm mắt vào. Ở Tây Tạng có một câu nói “Gompa ma yin gompa yin” có nghĩa là “Thiền không chỉ là thiền, mà thiền trở thành một thói quen được tạo dựng”. Chúng ta cần phải hiểu thiền như thế nào, để xây dựng sự bền vững, và để chế ngự sự kiêu ngạo buông thả của tâm trí. Có hai phương pháp thiền chính yếu: thiền quán xét và thiền định. Ví dụ, một người có thể đầu tiên phân tích về nhân và quả, về sự vô thường của các hiện tượng (các Pháp), về nỗi khổ đau trong Samsara, về những phẩm chất tốt đẹp của trí tuệ và từ bi. Tiếp đến, trên nền tảng đó, một người mới có thể luyện tâm trí trong sự hướng dẫn thích hợp với thiền định. Thiền có nghĩa là, làm chúng ta quen thuộc với tâm trí và học cách sử dụng tâm trí như thế nào. Đó chính là phương pháp tạo thói quen cho tâm trí trong trí tuệ và từ bi. Chúng ta có thể thực hành bất cứ lúc nào, ở bất cứ chỗ nào, biến cuộc sống của ta trở thành thiền.

Tiêu đề

Thiền ngắn về Đức Chenrezig (Quan Âm), thực hành tịnh hóa và từ bi.

Có rất nhiều bản văn hoặc sadhana, được viết bởi những bậc thầy giác ngộ từ Ấn Độ hoặc Tây Tạng, có bản dài và bản ngắn. Bản chúng ta sử dụng dưới đây là một ví dụ xúc tích liên quan đến những loại bản văn đó. Cuộc sống chúng ta luôn bận rộn. Chúng ta cần làm bao nhiêu thứ để chu cấp cho chính mình và không còn lại nhiều thời gian để thực hành, vậy những bản thực hành ngắn như vậy rất tốt cho các bạn. Một thực hành thiền có thể hoàn thành trong 10 phút. Bạn đừng nghĩ vì nghi quỹ ngắn nên nó không đầy đủ. Bản văn ngắn này chứa đựng một nghi quỹ thực hành Chenrezig đầy đủ với những bài giảng mênh mông và sâu sắc.

Chúng tôi cam kết bản thực hành này để tịnh hóa các nghiệp tiêu cực, mê mờ, và những suy nghĩ tiêu cực. Có nhiều nguyên nhân, trực tiếp và gián tiếp dẫn đến quả khổ. Thông qua thực hành này, chúng ta có thể phát triển từ bi, một tâm trí được khai mở, hòa nhã, năng động, tử tế, can đảm và trí tuệ.

Chú giải Nghi Quỹ

Quy y

Con xin Quy y Đức Phật, Ân Sư; Pháp, những bài giảng; và Tăng đoàn, Tăng đoàn cao quý.

Đức Phật như người thầy thuốc, những bài giảng về Pháp giống như thuốc, Bồ Tát là những ai đã đạt được quả vị cao, Tăng đoàn giống như những người y tá, và chúng ta giống như những bệnh nhân. Khi chúng ta có vấn đề với sức khỏe, chúng ta tìm đến một thầy thuốc giỏi. Bác sĩ chẩn đoán rõ ràng bệnh và giải thích rõ vấn đề ở đây là gì, nguyên nhân của vấn đề đó và cách chữa trị như thế nào. Nhưng như vậy vẫn chưa là đủ. Chúng ta không lành bệnh chỉ bằng sự chẩn đoán. Chúng ta phải uống đúng thuốc vào đúng thời điểm và đúng liều lượng, như những người y tá giúp chúng ta.

Giống như vậy, chúng ta đã có kinh nghiệm về đau khổ thể xác và tinh thần trong Samsara. Chúng ta đau khổ do những mê lầm, do những phiền não, nhưng chúng ta không biết đó là loại khổ đau nào và nguyên nhân của nó. Và, Đức Phật. giống như một người thầy thuốc, Người đã dạy về bản chất của đau khổ, nguyên nhân của đau khổ và khỏe mạnh, về những nỗi khổ này được hình thành ra sao. Đức Phật đã giải thích tất cả những chi tiết: Loại đau khổ nào? Nguyên nhân của nỗi khổ? Chúng ta phải làm gì để giải thoát khỏi những nỗi khổ này? Biết như vậy vẫn chưa đủ; sự hiểu biết trí tuệ không giải thoát chúng ta khỏi nỗi khổ. Vậy Người đã dạy chúng ta thiền, thực hành các Pháp như thế nào, làm thế nào để áp dụng Pháp trong tâm trí chúng ta trên nền tảng hàng ngày như phương thuốc.

Chúng ta bị kẹt trong vòng sinh tử luân hồi, một bánh xe đau khổ quay vô tận không ngừng nghỉ. Khi chúng ta vừa vượt qua một nỗi khổ, một nỗi khổ khác ập đến và chúng ta lại phải chiến đấu với nó. Giống như hơi thở, thật khó khăn, từng hơi thở đến nối tiếp. Nhận thức được bản chất tình trạng này là nhân để chúng ta mong ước thoát khỏi mê lầm và đau khổ - nói một cách ngắn gọn, trở thành một vị Phật. Bước đầu trên con đường là câu nói “con xin Quy y Phật”. Chỉ muốn trở thành Phật không thì điều đó không xảy ra. Muốn trở thành Phật chúng ta phải Quy y Pháp, có nghĩa là chúng ta muốn nghiên cứu và thực hành Pháp. Và để học tập và thực hành Pháp chúng ta phải trở thành thành viên Tăng đoàn, và vậy tại sao chúng ta Quy y Tăng đoàn. Tăng đoàn có nghĩa là cộng đồng những người thực hành thành tựu. Tăng đoàn có niềm tin bất khả phân (không thể phân chia được) vào Đức Phật và các bài giảng Pháp. Một khi chúng ta không còn bất hòa về niềm tin trong Giáo pháp hoặc sự hồi hướng cho cuộc sống tâm linh, chúng ta trở nên những thành viên thực sự của Tăng đoàn và những người thực hành Pháp chân chính. Nói ngắn gọn, được gọi là “thọ Quy y”.

Trưởng dưỡng Bồ đề tâm

Từ nay về sau, con sẽ trưởng dưỡng động cơ thanh tịnh để thiết lập tất cả những ai đã từng là mẹ của con, tất cả chúng sinh, vào trạng thái giác ngộ toàn hảo.

Những lời lặp lại này được gọi là lời cầu khẩn “mở đầu” (khai kinh). Mở đầu ở đây không có nghĩa là không quan trọng, mà hơn thế, đó là một điều kiện bắt buộc (tiên quyết). Đầu tiên chúng ta phải xác định mục đích một cách thiết yếu, cách nhìn nhận chúng ta muốn đạt được cái gì. Động cơ tốt nhất, cao nhất, sâu nhất có thể là khao khát đạt được giác ngộ. Ý nghĩ phi thường này chính là nguồn căn của mọi sự bình yên và hòa thuận. Khi ý nghĩ này dâng lên trong tâm trí ta, chúng ta bắt đầu buông lỏng tâm trí, thoát khỏi mọi sự lầm lạc. Bồ đề tâm mở ra cánh cửa để đi tới đích. Đó chính là động cơ đích thực của việc học và thực hành. Sau khi mở được cánh cửa này, chúng ta bắt đầu nỗ lực đi theo một lối vào và tiến tới đích.

Ở đây bản văn có nói về những ai đã là mẹ chúng ta, tức là muốn nói đến tất cả những chúng sinh. Những người mẹ được dùng như ví dụ vì mọi người có quan hệ gần gũi với mẹ mình. Ý nghĩa ở đây muốn nói chúng ta xem tất cả chúng sinh như những ai gần gũi như chính người mẹ của mình, chị em gái, anh em trai, con cái, bạn bè hoặc người gần gũi chúng ta nhất. Mở rộng những tình cảm bạn dành cho bạn bè mình để tập hợp tất cả chúng sinh.

Đạt Phật quả phải có thời gian. Đó không phải là một khóa học ngắn như ở trường, có thể phải trải qua hàng ngàn cuộc đời. Đạt giác ngộ là con đường duy nhất để hoàn toàn thoát khỏi khổ đau, vậy chúng ta phải theo đuổi một cách bền bỉ. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mất ba đại (a tăng tỳ) kiếp để trở thành Phật. So sánh như vậy một ngàn đời sống chẳng có nghĩa lý gì cả. Tuy nhiên cũng có thể đạt được giác ngộ trong một đời như Milarepa đã từng đạt được. Điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá nhân. Và cho dù nếu có mất ba đại (a tăng tỳ) kiếp, cũng không nghi ngờ rằng chúng ta sẽ đạt được. Bởi vậy, trưởng dưỡng Bồ đề tâm là không thể thiếu.

Quán xét tính không

OM SVABHAVA SHUDDHA SARVA DHRAMA SVABHAVA SHUDDHO HANG

Phương thức trường tồn (tồn tại vĩnh cửu) của các hiện tượng (Pháp) tự thân là sự khai mở thuần túy. Duy trì trong trạng thái đó.

Trong tiếng Sanskrit khái niệm về tính không được gói gọn trong những lời được lặp lại này. Để thực hành Phật Pháp Mật thừa, sự hiểu biết và trải nghiệm về tính không là cần thiết. Mỗi hiện tượng, mỗi một “sự vật”, đều phụ thuộc lẫn nhau; không có những sự tồn tại độc lập. Để sản xuất một cái gì như ô tô, một nhân chưa đủ, một duyên cũng không đủ. Mỗi một dây điện, vít và đinh đều cần thiết. Nếu thiếu một trong những thứ đó, xe hơi sẽ không chạy được. Vậy, cái xe hơi không phải là một vật tồn tại độc lập, mà là sự tập hợp bởi nhiều nhân và duyên. “Xe hơi” chỉ là cái nhãn chúng ta gắn trên sự kết hợp vĩnh viễn của các bộ phận. Mỗi hiện tượng có cùng bản chất như vậy. Khi nhận thức được bản chất đó, chúng ta nhận thức được bản chất của tính không.

Tính không không phải là sự phủ định; nó cũng không phải là không có gì cả. Nó là một cái nhãn chúng ta dán cho bản chất của sự phụ thuộc lẫn nhau, của nhân và quả. Khi nhận thức được bản chất này, chúng ta sẽ biết được cách thức vận hành của hiện tượng và nó hoạt động như thế nào. Chúng ta sẽ biết làm thế nào để thoát khỏi đau khổ và mê mờ, sẽ biết làm thế nào để đạt được bình yên và hạnh phúc. Sẽ không còn gì để bám luyến vào hoặc cảm thấy ghét bỏ. Chúng ta sẽ nhìn vạn vật như sự phản chiếu của tâm và một sự vận hành của tính không.

Như đã nói trên đây, chúng ta có thể xem một cái xe hơi “có thật” là một ảo ảnh. Điều này không có nghĩa một cái gì đó tiêu cực, chỉ là nó không có sự độc lập, một thực chất “có thật”. Khi hiểu được ví dụ về chiếc xe hơi này, chúng ta có thể áp dụng cho mọi hiện tượng, và tất cả những gì đang vận hành. Sự hiểu biết về thực tế này được gọi là trí tuệ. Chúng ta không biến các hiện tượng trở thành những gì như chúng không phải, mà ta đang áp đặt chính mình vào việc nhận thức những hiện tượng này thực sự là gì, thực sự vận hành như thế nào, bản chất tự nhiên, phương thức trường tồn là gì. Cách chúng ta nhận biết hiện tượng và cách chúng vận hành là nghịch lý. Chính vì vậy chúng ta bị lúng túng về tính chân thực của các hiện tượng (các Pháp). Chúng ta đã đặt quá nhiều nghĩa và sự tồn tại lên sự rỗng rang và bị lạc lối. Cách phân tích và thiền thiết lập phương pháp tuyệt vời đưa ta quay trở lại đúng đường.

Tất cả mọi thứ vận hành từ tính không và tan vào tính không. Chúng không tách rời ra được. Giống như khi ta đếm từ không, chúng ta bắt đầu số một, hai, ba, bốn, trăm, ngàn, triệu. Nhưng không có con số không ta không bắt đầu được. Khi tất cả các con số có thể hòa tan về không, thì không có sự phân biệt nữa. Đó chính là sự biểu lộ bản chất tự nhiên của hiện tượng, biểu hiện của tâm trí chúng ta, cách ta lĩnh hội và trải nghiệm. Thiền và quán xét dựa trên sự hiểu biết của tính không lan tỏa khắp. Buông lỏng tâm trí và trải lòng bạn như bản chất tự nhiên của bầu không gian.

Quán tưởng

Từ tính không lan tỏa khắp, xuất hiện một bông hoa sen với một đĩa mặt trăng. Con ngồi trên ngai tòa này trong tư thế hoa sen, trong hình tướng của Đức Chenrezig thân màu trắng và có bốn tay.

Đầu tiên, một bông sen, tượng trưng cho bản chất thuần khiết của đại trí tuệ hoạt động từ tính không lan tỏa khắp. Đĩa mặt trăng đặt lên trên bông hoa sen và tượng trưng cho đại từ bi.

Đây là bản rất ngắn thực hành Đức Chenrezig, chúng ta ngay lập tức trở thành Đức Chenrezig ngồi trên đĩa mặt trăng. Nếu bạn muốn quán tưởng chi tiết hơn, bạn có thể quán tưởng bông sen và đĩa mặt trăng trước. Sau đó trên đĩa mặt trăng, quán chủng tự HRI. Giống như một hạt giống nhỏ xíu có thể lớn thành một cái cây to, chủng tự HRI có thể phát triển thành vô số các vị Phật. Từ chủng tự HRI này, ánh sáng tỏa ra khắp mười phương và tịnh hóa mọi chướng ngại của chúng sinh. Sau khi mang lại lợi lạc cho các chúng sinh bằng cách đó, ánh sáng quay lại chủng tự HRI và lúc này, bạn trở thành Đức Chenrezig.

Hai tay trên chắp lại ở ngang tim và cầm viên ngọc như ý.

Có nhiều hóa hiện của Đức Chenrezig, hai tay, sáu tay, hoặc một ngàn tay với mười một khuôn mặt. Ở đây Đức Chenrezig có bốn tay, tượng trưng cho bốn hoạt động: an bình, tăng trưởng, thu hút và hàng phục. Có vô số những hoạt động mang lại lợi lạc mà Ngài thực hiện.

Hai tay cầm viên ngọc như ý, tượng trưng cho sự đại từ bi. Những viên ngọc như ý rất quý giá bởi vì chúng là nguồn của rất nhiều vật liệu kỳ diệu. Cũng như vậy, từ bi có giá trị cao như là nguồn căn của mọi hạnh phúc và niềm vui. Trí tuệ mà không có từ bi nó sẽ trở nên khô cằn, không có ý nghĩa của hạnh phúc và niềm vui. Vậy, việc cầm trang sức của từ bi ngang tầm trái tim chỉ ra rằng chúng ta cần có từ bi trong trái tim chúng ta như Đức Chenrezig hóa hiện điều đó.

Tay phải bên dưới Người cầm chuỗi tràng pha lê và tay trái bên dưới Ngài cầm một bông hoa sen.

Chuỗi tràng pha lê tượng trưng lợi lạc và giải thoát chúng sinh bằng trí tuệ và từ bi. Bông Hoa sen phía bên trái tượng trưng cho trí tuệ tinh khôi.

Đức Chenrezig được phủ bởi những y áo lụa linh thiêng và mang vương miện quý báu năm chấu và những trang sức khác.

Những món tượng trưng nói trên được sử dụng theo phương pháp ẩn dụ. Điều quan trọng nhất gợi lên khi quán tưởng là chúng ta cố gắng đạt được những phẩm chất tuyệt hảo mà những món trang sức này tượng trưng cho. Vương miện năm chấu trên đầu tượng trưng Đức Chenrezig là hiện thân của năm loại trí tuệ:

  • Chư Pháp giới (dhrama - dhatu) hay còn gọi trí tuệ của mọi nguyên lý lan tỏa khắp của Giáo pháp.
  • Trí tuệ như gương, trong đó những hiểu biết về Samsara (luân hồi) và Nirvana (niết bàn) được phản chiếu.
  • Trí tuệ bình đẳng là trí tuệ đã nhận thức được bản chất tất cả mọi hiện tượng như chúng vốn là.
  • Trí tuệ biết suy xét là trí tuệ nhìn thấy mọi nhân và quả một cách sâu sắc và.
  • Trí tuệ hoàn thiện mọi hoạt động mà nó biểu lộ những hoạt động không có giới hạn.

Những trang sức khác gồm hoa tai, tượng trưng cho hai chân lý (chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối), và vòng cổ, vòng tay, vòng cổ chân cùng nhau, tượng trưng cho sự hoàn thiện của sáu ba la mật. Và cũng có ba vòng cổ, tượng trưng cho sự hoàn thiện của ba thân: Ứng hóa thân (Nirmanakaya - thân hiện hữu), Báo thân (Sambhogakaya, thân hỷ lạc) và Pháp thân (Dharmakaya, thân trí tuệ).

Hình tướng này là Báo thân (Sambhogakaya), thân hoàn toàn hỷ lạc, mang tất cả những tướng hảo của Đức Phật.

Diện mạo này của hình tướng Đức Phật được gọi là Báo thân (sambhogakaya), được dịch ra như một thân hoàn toàn hỷ lạc. “Hỷ lạc” có nghĩa Người biểu lộ tất cả những phẩm chất tuyệt vời: trí tuệ, từ bi, hiện hữu và hoạt động. Điều này còn chỉ ra tất cả những tướng hảo tuyệt vời của một vị Phật hoàn hảo. Hình tướng này xuất hiện ở các vị Bồ Tát đang ở thập địa thứ tám đến thập địa thứ mười. Cũng như vậy, chúng ta nỗ lực thực hiện những phẩm hạnh này trong luồng tâm thức của mỗi chúng ta.

Tụng, đọc mantra (chú)

Ở giữa nơi tim của Đức Chenrezig là một đĩa mặt trăng cùng với chủng tự HRI đứng ở giữa. Bao xung quanh là câu minh chú OM MANI PADME HUNG quay theo chiều kim đồng hồ.

Ở giữa tim bạn như Đức Chenrezig, hoặc bạn có thể nói ngay trong trái tim bạn, là một đĩa mặt trăng nằm ngang với một chủng tự HRI đứng ở chính giữa. HRI là hạt chủng tự của Đức Chenrezig. Khi bạn quán tưởng chủng tự HRI ở nơi giữa tim bạn, bạn phải xem như đó là nhận thức, tâm trí và ý thức của chính bạn. Những chữ màu trắng của câu minh chú bao quanh chủng tự HRI và quay theo chiều kim đồng hồ do OM dẫn.

Ánh sáng phóng toả ra từ câu minh chú và dâng cúng dường tới chư Phật và chư Bồ Tát trong cõi Phật. Sự gia trì của từ bi và trí tuệ quay về từ cõi Phật đà dưới dạng ánh sáng và hòa tan vào con.

Khi chúng ta đọc tụng chú, quán tưởng ánh sáng phóng tỏa từ câu chú. Ánh sáng trở thành một món cúng dường cho chư Phật và chư Bồ Tát khắp mười phương. Chúng ta có thể quán ánh sáng đại diện cho toàn thể vũ trụ này. Cùng một cách, chúng ta có thể cúng dường tất cả những gì tồn tại, tất cả những vật liệu của Samsara và Nirvana, kể cả thân thể, lời nói và tâm trí của chúng ta. Đó là một kỹ năng và ý nghĩa đặc biệt để tăng trưởng công đức và trí tuệ. Chúng ta thiền rằng tất cả chư Phật và Bồ Tát chấp nhận những món cúng dường này với lòng đại từ bi và hoan hỷ.

Tất cả những phẩm tính của chư Phật và Bồ Tát - trí tuệ, từ bi, tinh khiết và hoạt động hóa hiện trong dạng ánh sáng và quay về bạn. Ánh sáng này tan vào đầu, tràn ngập cơ thể bạn từ trên xuống dưới. Đặc biệt là nó hòa tan vào câu minh chú nơi tim.

Tất cả những chướng ngại của thân, khẩu và ý được tịnh hóa.

Đây là một cách thực hành tịnh hóa đặc biệt. Vào thời điểm ánh sáng hòa tan vào cơ thể bạn, tất cả những chướng ngại của cơ thể bạn như nghiệp tiêu cực, lầm lẫn, chán nản, thù ghét, kiêu ngạo, và ghen tuông được giảm bớt. Khi chúng ta thiền về những chướng ngại rời khỏi ta dưới dạng bóng tối, những chất có màu khói, chúng ta trải nghiệm một tâm trí được giải thoát khỏi tất cả những giới hạn này. Chúng ta phải buông lỏng tất cả những trạng thái căng thẳng và thả lỏng như bản tính tự nhiên của không gian. Thực hành này luyện tâm chúng ta nhìn nhận chúng ta như những hiện thân tinh khiết của trí tuệ và từ bi.

Một lần nữa, ánh sáng từ bi phóng tỏa từ trung tâm câu minh chú, xua tan những nỗi khổ đau và vô minh của tất cả chúng sinh trong sáu cõi, và họ hóa hiện thành Đức Cherenzig, đấng đại từ bi. Tất cả chúng sinh cùng đọc tụng câu chú.

Sự đọc chú động viên chúng ta quán chiếu về những nỗi khổ đau của chúng sinh và nhân của khổ, thực hành từ bi để kết thúc hết những nỗi khổ đau đó. Đầu tiên, đưa tất cả chúng sinh trong luân hồi vào tâm trí, nghĩ và quán chiếu sâu sắc họ phải chịu đau khổ như thế nào. Họ sở hữu những nhân của khổ đau đã bắt rễ sâu. Mê mờ, ghét bỏ, và bạo lực vây quanh họ. Họ rất mong mỏi hạnh phúc nhưng không tìm được trong quá trình hiện tại. Phát triển tâm từ bi lớn hơn bất cứ lúc nào, và bắt đầu xua tan đi bóng tối vô minh, những nỗi đau khổ của họ bằng cách tỏa ánh sáng từ bi từ câu minh chú tại trái tim bạn. Ánh sáng phóng tỏa tới tất cả chúng sinh. Khi ánh sáng chạm vào họ, mỗi người trong họ biến đổi. Đầu tiên cảnh vật xung quanh trở thành cõi Dewachen (Tây Phương Cực Lạc), vùng đất tinh khôi, và tất cả chúng sinh hóa hiện thành Đức Chenrezig. Nếu bạn muốn, bạn có thể quán tưởng từng cõi một, đầu tiên bắt đầu từ cõi địa ngục, rồi tiến đến ngạ quỷ, súc sinh, người, bán thiên và thiên. Những chúng sinh được biến đổi đó cùng đọc tụng câu minh chú.

OM MANI PADME HUNG

Lặp đi lặp lại nhiều lần như bạn có thể tụng trong mỗi buổi thực hành. Nếu muốn, bạn có thể thêm chủng tự HRI vào mỗi câu chú, vào cuối của mỗi vòng minh chú, hoặc khi bạn đã hoàn thành việc đọc chú.

Ngoài sự đại từ bi, Đức Chenrezig tạo nên câu chú này đơn giản, chỉ có tên Người, và lợi lạc cho chúng sinh vô minh. Có thể nói rằng có ba lợi lạc lớn:

  • Không gặp khó khăn để nhớ sáu chủng tự này.
  • Một khi bạn đã ghi nhớ, bạn sẽ không mắc thêm kiêu ngạo.
  • Không có gì nguy hiểm một khi bạn quên mất

Tuy sáu chủng tự này thật dễ đọc và nhớ, nhưng nó được thấm đẫm ý nghĩa sâu xa. OM là sự thuận lợi, tràn đầy gia hộ. Mặc dù không được nói ra, nhưng đã bao gồm cả chủng tự AH và HUNG. Cùng nhau, ba chủng tự này đại diện lần lượt cho thân, khẩu và ý của tất cả chúng sinh được giác ngộ. MANI nói đến châu báu của lòng từ bi đã được giải thích ở trên. PADME có nghĩa hoa sen, tượng trưng cho trí tuệ trong trắng, tinh khiết. Cùng với nhau, hai chủng tự này tượng trưng cho sự đại từ bi được hỗ trợ bởi đại trí tuệ. Chúng ta gọi Đức Chenrezig bằng cái tên “Ngọc quý trong hoa sen”, bởi vì Người hiện thân cho trí tuệ và từ bi tuyệt hảo, có nghĩa từ bi được hỗ trợ bởi trí tuệ. HUNG diễn tả niềm mong ước của chính mình và tất cả chúng sinh thực hiện được đại trí tuệ và từ bi này, được giải thoát khỏi mọi mê muội, đau khổ, và đạt giác ngộ.

Nghiên cứu và thực hành từng chủng tự trong chuỗi sáu chủng tự này tịnh hóa sáu phiền não của chúng sinh:

  • OM tịnh hóa những chướng ngại của sự kiêu ngạo, những phiền não chính yếu của cõi thiên.
  • MA tịnh hóa những chướng ngại của sự ghen tuông, những phiền não chính yếu của cõi bán thiên.
  • NI tịnh hóa những chướng ngại của ham muốn, những phiền não chính yếu của cõi người.
  • PAD tịnh hóa những chướng ngại của sự vô minh, những phiền não chính yếu của cõi súc sinh.
  • ME tịnh hóa những chướng ngại của sự bủn xỉn, những phiền não chính yếu của cõi ngạ quỷ.
  • HUNG tịnh hóa những chướng ngại của sự căm ghét và hận thù, những phiền não chính yếu của cõi địa ngục.

Khi chúng ta được tịnh hóa khỏi sáu phiền não này rồi, chúng ta tịnh hóa một cách tự nhiên từng cõi tương ứng.

Khi những phiền não này được xua tan, trí tuệ xuất hiện:

  • Tịnh hóa sự kiêu ngạo đạt được Trí Tuệ Bình Đẳng.
  • Tịnh hóa ghen tị thực hiện được Trí Tuệ – Hoàn Thiện Mọi Hoạt Động.
  • Tịnh hóa ham muốn thực hiện được trí tuệ Vajradhara. Loại trí tuệ này được gọi là đứng đầu của gia đình thứ sáu và là nguồn cho năm trí tuệ.
  • Tịnh hóa vô minh thực hiện Pháp - Như Là - Trí Tuệ, Chư Pháp giới (Dharma - dhatu), tất cả các hiện tượng như nó vẫn là.
  • Tịnh hóa những chướng ngại của sự bủn xỉn thực hiện Trí Tuệ Biết Suy Xét.
  • Tịnh hóa sự hận thù và căm ghét thực hiện Trí Tuệ – Như – Gương.

Nhờ thực hiện được những trí tuệ này, mỗi người sẽ đạt được Phật quả.

Minh chú này còn làm hoàn thiện sáu ba la mật:

  • OM đại diện cho sự hoàn hảo của hạnh bố thí.
  • MA đại diện cho sự toàn hảo của giới hạnh đạo đức, trì giới.
  • NI đại diện cho sự toàn hảo của hạnh nhẫn nhục.
  • PAD đại diện cho sự toàn hảo của hạnh kiên trì (tinh tấn).
  • ME đại diện cho sự toàn hảo của tập trung thiền.
  • HUNG đại diện cho sự toàn hảo của nhận thức trí tuệ

Mỗi chủng tự còn có thể được coi là chứa đựng tất cả sáu sự hoàn hảo trong đó. Ví dụ bạn thực hành cho đi bản thân nó là thực hành hạnh bố thí. Cho với động cơ đức hạnh của Bồ đề tâm là bao hàm thực hành trì giới. Cho đi bằng sự tôn trọng là nhẫn nhục. Cho đi lặp đi lặp lại nhiều lần và bằng niềm vui là kiên trì. Cho đi không bị xao xuyến hoặc nuối tiếc là thiền tập trung. Cho đi với một tâm trí hiểu biết rằng ba lĩnh vực (người cho, món quà, người nhận) chỉ là ảo ảnh chính là thực hành trí tuệ. Bằng cách này, mỗi sự hoàn hảo được hiểu rằng chứa đựng cái này trong cái kia.

Từ cách giải thích ngắn gọn này, bạn có thể thoáng thấy ý nghĩa sâu rộng của câu minh chú này.

Hóa tán

Tất cả hiện tượng bên trong và bên ngoài hòa tan vào con, và con hòa tan vào ánh sáng, mà ánh sáng đó trở nên bất khả phân với tính không lan tỏa khắp. An trụ trong trạng thái tự nhiên này trong một lúc.

Khi bạn tụng đọc xong câu minh chú, thực hành hóa tán ngắn gọn này. Tất cả hiện tượng bên ngoài, mặt đất thanh tịnh, hóa tán vào chúng sinh, đang trong hình tướng Đức Chenrezig. Khi tất cả những Đức Chenrezig này tan vào ánh sáng, ánh sáng này hòa tan vào bạn. Bằng cách trên bạn trở thành hiện thân của tất cả những phẩm chất tốt đẹp của Đức Chenrezig. Cuối cùng bạn hòa tan thành ánh sáng từ dưới lên và từ trên xuống, gặp nhau tại trái tim. Bạn hoàn toàn hòa tan vào chủng tự HRI, và chủng tự HRI tan biến dần dần từ dưới lên trên. Chủng tự nhỏ dần, nhỏ dần và rồi biến mất hoàn toàn. Thiền trong trạng thái bất khả phân. Giữ tâm trí bạn nghỉ ngơi trong trạng thái không tạo tác, khai mở tràn ngập của tính không.

Trạng thái này được gọi là “thoát khỏi sự bám chặt và sự cố định vào”. Chẳng có gì để bạn bám víu vào. Chẳng có gì để bạn cố định vào. Tất cả mọi thứ đều là tự nhiên, như chúng vẫn là. Đây còn được gọi là trạng thái không liên quan, trong Đại thủ ấn, hay sự nhận thức tinh khiết hiển nhiên. Nếu có bất cứ ý nghĩ nào dâng lên, hãy để nó tự tan biến, đừng đẩy nó đi cũng đừng đuổi theo nó, hoặc làm bất cứ gì với nó. Không cần phải nghĩ “ta đang nghỉ ngơi trong trạng thái tự nhiên”. Đừng có bất cứ nỗ lực nào. Vùng vẫy với ý nghĩ như “ta đang không ngồi trong trạng thái tự nhiên. Ta có gì sai nhỉ? Tâm trí ta không ở đây, ta phải làm gì?” sẽ chỉ phá hỏng việc thiền của bạn. Hãy duy trì tâm thức mềm mại như nắm bông. Bạn có thể nghỉ ngơi trong trạng thái như vậy hoặc thiền bao lâu mà bạn có thể.

Và con lại xuất hiện lại như Đức Chenrezig.

Sau một khoảng thời gian thiền, bất cứ lượng thời gian như thế nào, bạn lại hóa hiện thành Đức Chenrezig lần nữa. Bất cứ khi bạn đi lại, ăn hay làm việc duy trì ý nghĩ này cho phần còn lại của ngày. Hãy lưu tâm cho mỗi khoảnh khắc. Điều này sẽ giúp bạn tạo dựng thói quen toàn bộ con người bạn như đạt được trạng thái giác ngộ. Và cuối cùng buổi đọc phần hồi hướng.

Hồi hướng

Nương nhờ vào thiện hạnh này, mong con có thể đạt được trạng thái của đức Chenrezig, và cầu mong tất cả chúng sinh, không sót một ai, đạt được trạng thái tối thượng của Đức Chenrezig.

Bạn có thể đọc lời hồi hướng khác cũng được. Khi chúng ta thực hành thiền, có ba phần quan trọng sau:

  • Khai kinh.
  • Thực hành chính và
  • Hồi hướng.

Lúc mới đầu, Quy y và trưởng dưỡng Bồ đề tâm xoay tâm trí hạn hẹp của chúng ta về giác ngộ phi thường và tập trung mối quan tâm của chúng ta vào sự lợi lạc của mỗi chúng sinh. Để đạt được mục đích này, thực hành thực tế này phải được thực hiện bằng một tâm trí duy nhất. Khi thực hiện phần này tốt, công đức tạo dựng ra đã được hồi hướng. Có nghĩa rằng sức mạnh thiện hạnh của chúng ta dẫn hướng tới đạt quả vị Phật cho chúng ta và những người khác. Cả ba phần này quan trọng như nhau.

Kho tàng của lợi lạc và Hạnh phúc

Khẩn nguyện đến Đức Đại bi bằng Thân, Khẩu và Ý.

Một bản khẩn cầu tha thiết cho chính mình và người khác được Đức Kongchok Ratna, Đức Kyabgon Chetsang Drikung đời thứ nhất biên soạn (1590-1654)

Biên soạn: Đức Kyabgon Chetsang Drikung đời thứ nhất 

Comments are closed.