Di sản tâm linh, sự chuyển hóa và tính liên tục

Sự truyền dạy và tính liên tục là những điểm trọng yếu của truyền thống Phật Giáo. Những giáo lý sống động không được tàn lụi; sự chứng ngộ chân thực phải được trao truyền từ vị Thầy sang đệ tử. Những Đạo Sư Tây Tạng vĩ đại không phải là những điều huyền nhiệm biệt lập. Được bắt rễ trong mảnh đất phì nhiêu của sự xác tín và kiên trì của chính các ngài, trí tuệ của các ngài đã dần dần thuần thục trong vầng dương những sự ban phước và trí tuệ của vị Thầy của các ngài. Có nhiều cách để làm vui lòng vị Thầy của ta và đền đáp thiện tâm của ngài, nhưng cách thức được coi là tối hảo là đưa những giáo lý của ngài vào thực hành cho tới khi sự chứng ngộ chân thực ló rạng trong tâm thức của riêng ta.

Về mặt này thì cuộc đời của Khyentse Rinpoche là một kiểu mẫu toàn hảo. Ngoài hai vị Thầy chính của ngài, ngài đã học tập với hơn năm mươi vị Thầy kiệt xuất từ mọi trường phái của Phật Giáo Tây Tạng. Sau khi hoàn toàn hợp nhất những giáo lý vào cuộc sống của riêng ngài, khi ấy ngài đã có thể trao truyền chúng cho hàng ngàn đệ tử. Trong số những đệ tử đó, một số đã trở thành những vị trì giữ đích thực những giáo lý, những người thừa kế tâm linh, và hiện nay đang tiếp nối dòng truyền của ngài.

Sinh năm 1924, Trulshik Rinpoche không chỉ là một người nắm giữ dòng truyền thừa, ngài cũng là người nhận lĩnh chính yếu “kho tàng tâm” của Khyentse Rinpoche, như được đặc biệt tiên tri trong những bản văn của các kho tàng tâm này. Ngài cũng là vị truyền giới chính yếu các giới nguyện tu viện trong các dòng Nyingma và đã tôn phong cho vài ngàn tu sĩ.

Khoảng ba mươi năm trước, trong khi đang hành hương ở Nepal, một đêm Khyentse Rinpoche mơ thấy ngài đang leo lên một ngọn núi sừng sững. Trên đỉnh là một tu viện nhỏ. Ngài đi vào và nhìn thấy ở bên trong những vị Thầy ngày trước của ngài đang ngồi cạnh nhau – ba vị Lạt Ma chính của Tu viện Shechen là Shechen Gyaltsap Rinpoche, Shechen Rabjam, và Shechen Kongtrul. Khyentse Rinpoche lễ lạy các ngài và cất tiếng hát tụng bài kệ đau buồn, hỏi các vị Thầy là các ngài đã chịu đau khổ trong tay những người Trung Quốc ra sao (cả ba vị đã bỏ mạng trong ngục tù vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960). Cũng trong một bài kệ, các ngài trả lời bằng một giọng, nói rằng: “Đối với chúng ta sinh và tử như những giấc mộng hay sự huyễn hóaTrạng thái tuyệt đối không màng tới sự thịnh suy”. Khyentse Rinpoche biểu lộ ước muốn được sớm gặp các ngài trong các Cõi Phật, bởi ngài đã nhìn thấy ít ỏi những gì còn lại trong một thế giới nơi các giáo lý biến mất nhanh chóng và hầu hết các vị Thầy chỉ là những kẻ lừa đảo mạo danh. Vào lúc đó, Shechen Kongtrul chăm chăm nhìn Khyentse Rinpoche với ánh mắt sắc nhọn và nói: “Con phải tận tụy làm việc để giúp ích chúng sinh và duy trì giáo lý cho tới hơi thở cuối cùng của con. Ba người chúng ta, hợp nhất làm một, sẽ đến với con như một Hóa Thân duy nhất, một người trợ giúp để hoàn thành những mục đích của con”. Không lâu sau đó, vào năm 1966, trưởng nữ của Khyentse Rinpoche là Chime Wangmo hạ sinh một bé trai, là người được Karmapa thứ mười sáu xác nhận là Hoá Thân của Shechen Rabjam.

Shechen Rabjam Rinpoche không chỉ là cháu ngoại của Khyentse Rinpoche mà cũng là vị kế thừa tâm linh thực sự của ngài. Rabjam Rinpoche được ông ngoại nuôi dạy từ lúc năm tuổi và nhận lĩnh mọi giáo lý ông ban cho trong hơn hai mươi lăm năm. Rabjam Rinpoche nói về mối liên hệ phi thường với vị Thầy - ông ngoại của mình:

“Nhận thức đầu tiên của tôi về Khyentse Rinpoche là nhận thức về một người ông kỳ diệu tràn đầy thương yêuThực ra ngài giống như cha và mẹ thực sự của tôi trong một con người. Sau đó, khi tôi lớn lên, nhận thức này dần dần biến thành lòng tôn kính, xác tín sâu xa, và cuối cùng thành niềm tin tưởng bất biến. Vì thế, Khyentse Rinpoche đã trở thành Đạo Sư tâm linh của tôi. Khi tôi bắt đầu nghiên cứu Kinh điển, tôi tìm thấy ở ngài mọi phẩm tính mà Kinh điển đã mô tả về một Đạo Sư đích thực và chứng ngộ. Sau khi ngài viên tịchsức mạnh của sự hiện diện của ngài chẳng những không biến mất mà còn trở nên mỗi lúc một trùm khắp. Bây giờ tôi nhận ra là mình may mắn biết bao khi được gặp một người như ngài. Mục đích duy nhất của tôi là có thể duy trì các giáo lý của ngài và hoàn thành những điều ngài ước nguyện”.

Cho tới nay, mục đích mà Rabjam Rinpoche đang thực hiện này đã có những thành công đáng kể. Từ năm hai mươi lăm tuổi ngài đã phải gánh vác trách nhiệm nặng nề trông coi những tu viện rộng lớn của truyền thống Shechen ở Nepal, Tây Tạng, và Bhutan, cũng như trách nhiệm giám sát việc xây dựng tu viện khác tại Bodhgaya ở Ấn Độ, nơi Đức Phật đã đạt được Giác ngộ.

Dzongsar Khyentse Rinpoche, sinh năm 1961, là Hóa Thân chính của Khyentse Chokyi Lodro, một vị Thầy thân yêu khác của Khyentse Rinpoche. Khi Hóa Thân trẻ tuổi được xác nhận và được mời tới Sikkim để làm lễ đăng quang, Khyentse Rinpoche đi xuống biên giới Sikkim - Ấn Độ để đón chào ngài. Trong vài giờ ngồi xe trở ngược lên Gangtok, thủ đô của Sikkim, suốt cả quãng đường Khyentse Rinpoche đã ôm cậu bé trong lòng và trào nước mắt. Sau này những người có tham dự chuyến du hành đó đã hỏi ngài là vẻ buồn bã bộc lộ của ngài có phải do từ những linh tính về tương lai của vị Hóa Thân trẻ hay không. Nhưng ngài đã giải thích rằng những giọt nước mắt đó là nước mắt của sự hoan hỉ và sùng mộ, bởi trong vài giờ đồng hồ đó không phải ngài nhìn thấy cậu bé mà chính là Khyentse Chokyi Lodro ngày trước như thể trong thực tại. Sau này, Khyentse Rinpoche thường lễ lạy bất kỳ lúc nào ngài gặp vị Hòa Thân trẻ tuổi sau một thời gian dài vắng mặt - ngay cả trên một con đường đầy bụi bặm. Về sau, Dzongsar Khyentse Rinpoche trở thành đệ tử thân thiết của Khyentse Rinpoche và đã nhận lĩnh vô số giáo lý và sự nhập môn từ ngài. Dzongsar Khyentse Rinpoche hiện đang đứng đầu vài tu viện và Đại học tu viện ở Ấn Độ và Bhutan.

Sẽ chẳng lợi ích gì khi kể tên tất cả những đệ tử của Khyentse Rinpoche, là những người mà như cách diễn tả của Tây Tạng đã nói, nhiều như những vì sao trong bầu trời mùa thuTuy nhiên, trong số những người đáng chú ý nhất – ngoài Đức Đạt Lai Lạt Ma, mà chúng ta đã nói tới trước đây - là hai vị Choling Rinpoche, Namkhai Nyingpo Rinpoche, Jigme Khyentse Rinpoche, Dzigar Kongtrul Rinpoche, Senge Trakpa Rinpoche (một hành giả kiệt xuất đã trải qua nhiều năm trong ẩn thất), Orgyen Topgyal Rinpoche, và Taklung Tsetrul Pema Wangyal Rinpoche, vị này được nhiều người coi là nguyên mẫu của đệ tử lý tưởng và bản thân vị này cũng là một Đạo Sư có phẩm tính. Chogyam Trungpa Rinpoche, Sogyal Rinpoche, và vài đệ tử khác của Khyentse Rinpoche cũng đã trở thành những vị Thầy có ảnh hưởng ở Tây phương.

Như thế, dòng truyền thừa của Khyentse Rinpoche vẫn còn lưu truyền mạnh mẽ, trí tuệ và lòng bi mẫn của ngài vẫn nồng ấm đủ để làm tan chảy quặng mỏ của sự sống của ta và lấy ra được chất vàng Phật tính tiềm ẩn trong đó.

Khyentse Rinpoche đã sống và hít thở những giáo lý của đạo Phật một cách kiên quyết. Vượt lên bất kỳ bối cảnh văn hóa đặc thù nào, ngài có khả năng thúc đẩy mọi người tra vấn một cách sâu xa những sự chọn lựa của riêng họ trong cuộc sống - và sau đó những tài nguyên bao la của sự chứng nghiệm thực tiễn và trí tuệ để dẫn dắt họ tới chỗ tìm ra con đường của riêng họ. Ngày nay những vấn đề cùng với những giáo lý chúng ta phải đương đầu thì vẫn còn tươi mới và thích đáng như trước đây. Khyentse Rinpoche luôn luôn nhấn mạnh rằng Phật đạo được coi là cái gì được sống tới cùng tột, một làn gió trong lành không ngừng thổi, một phương cách để kinh nghiệm những sự việc như chúng thực sự là.

Vào lúc đầu tôi coi Đạo Sư là vị Thầy,
Vào lúc giữa tôi coi Kinh điển là vị Thầy,
Vào lúc cuối tôi coi tâm của riêng tôi là vị Thầy.

Từ vị Thầy chỉ ra con đường giải thoát
Tôi nhận lĩnh những giáo lý linh thánh cho sự giải thoát của riêng tôi:
Thực hành của tôi là tránh làm tà hạnh và vun trồng đức hạnh.

Từ vị Thầy Bồ Tát
Tôi nhận lĩnh những giáo lý Đại Thừa linh thánh về cách phát triển tâm giác ngộ (Bồ Đề tâm):
Thực hành của tôi là yêu thương người khác hơn bản thân.

Từ vị Thầy Kim Cương Thừa,
Tôi nhận lĩnh những giáo lý Mật Chú Thừa, những quán đảnh, và giáo huấn:
Thực hành của tôi là nuôi dưỡng niềm tin, lòng tôn kính, và tri giác thanh tịnh.

Shabkar

Toàn bộ sự đột phá của giáo lý Đức Phật là để làm chủ tâm thức. Nếu bạn làm chủ tâm thức, bạn sẽ điều khiển được thân thể và ngôn ngữ, và nỗi khổ của riêng bạn và những người khác chỉ có thể đi tới chỗ kết thúc. Nhưng nếu bạn để mặc cho tâm thức tràn ngập những cảm xúc tiêu cực, thì cho dù hành động của thân thể và ngôn ngữ của bạn có vẻ hoàn hảo tới đâu chăng nữa, bạn vẫn còn ở rất xa con đường.

Việc làm chủ tâm thức được thành tựu nhờ sự tỉnh giác liên tục về mọi tư tưởng và hành động của bạn. Hãy thường xuyên truy xét tâm bạn, và ngay khi những tư tưởng tiêu cực xuất hiện, hãy khắc phục chúng bằng những cách đối trị thích hợp. Khi những tư tưởng tích cực xuất hiện, hãy củng cố chúng bằng cách hồi hướng công đức chúng mang lại, ước nguyện rằng tất cả chúng sinh được kiến lập trong sự Giác ngộ vô thượng. Khi nuôi dưỡng sự chánh niệm liên tục này trong những thực hành an định và quán chiếucuối cùng bạn sẽ có thể duy trì được việc nhận ra trí tuệ ngay cả giữa những hoạt động bình thường và những sự xao lãng. Như thế sự chánh niệm là nền tảng rốt ráo, phương thuốc chữa trị mọi phiền não sinh tử.

Sự thực hành Pháp đưa bạn tới một nơi ở đó bạn có thể duy trì cũng vẫn sự tỉnh giác không ngơi nghỉ đó dù ở trong hay ngoài những thời khóa. Đây là điểm cốt tuỷ của mọi giáo huấn tâm linh; không có nó, dù bạn trì tụng bao nhiêu thần chú và lời nguyện, dù bạn thực hiện bao nhiêu ngàn lần lễ lạy và đi nhiễu chăng nữa, chừng nào mà tâm bạn vẫn còn xao lãng thì không điều gì trong những thực hành đó có thể giúp bạn thoát khỏi những cảm xúc che chướng của bạn. Đừng lãng quên điều trọng yếu nhất này.

Khyentse Rinpoche

Anh dịch: Nhóm Dịch Thuật Padmakara

Việt dịch: Thanh Liên

Nguồn: Di sản tâm linh, sự chuyển hóa và tính liên tục

Comments are closed.