Hai thái cực và vượt lên hai thái cực

Đau khổ trong hy vọng là người thường kiến,

Đau khổ trong tuyệt vọng là người đoạn kiến,

Vượt lên cả hy vọng và tuyệt vọng là người chánh kiến

Do thói quen, tập khí của mình mà chúng ta đã không nhận ra tiềm năng trí tuệ bí mật thuần tịnh của 5 giác quan, cái vốn bất khả phân với tiềm năng trí tuệ bí mật thuần tịnh của 5 đại. Thay vào đó chúng ta lại sử dụng các giác quan nguyên tố thô, cái chỉ nhận thức được các nguyên tố thô bên ngoài, và chúng ta chỉ có thể hiểu được tinh túy bí mật vốn không chia tách của hiện tượng như là cái có chất thể, bị chia tách và phân biệt. Nếu chúng ta đánh giá, coi vật chất như cái trường cửu và bất biến, rồi sau khi hiện tượng thô bị hư hoại, tan biến thì chúng ta lại kết luận rằng những nguyên tố vi tế còn lại là khía cạnh thanh tịnh và tinh khiết nhất, đây là nền tảng của quan điểm thường kiến, vĩnh cửu. Nếu chúng ta đánh giá, cho là không có gì nằm ngoài vật chất dễ nhận thấy và khi hiện tượng thô bị hư hoại, tan biến thì chúng ta lại kết luận rằng không có gì khác tồn tại nữa ngoài vật chất, thì đây là nền tảng của quan điểm đoạn kiến, hư vô. Trong cả hai trường hợp trên, thì họ không bao giờ tin vào tinh túy bí mật tỏa khắp toàn triệt và tinh túy này tiếp tục vượt lên khỏi cả các nguyên tố thô nhìn thấy được và các nguyên tố vi tế không dễ dàng nhận thấy.

Chủ nghĩa thường kiến, vĩnh cửu được mô tả bởi nhiều người theo nhiều cách khác nhau, nhưng cốt lõi chung là họ chia sẻ quan điểm rằng có một dạng thức, hình tướng vi tế hơn tồn tại vượt lên trên các nguyên tố hữu hình và trông thấy được bằng mắt. Những người theo chủ nghĩa vĩnh cửu tin vào một đấng thần linh bất tử, trường tồn, có những phẩm chất tinh tế vô hạn, và đấng này là nguồn gốc của các nguyên tố vật chất thô. Họ tin rằng những ai tin và cầu nguyện tới một đấng sáng tạo khởi nguyên của thiên đàng và trái đất thì họ sẽ tạm thời có được lợi ích trong đời sống này, và về mặt tận cùng và tối hậu, thì họ sẽ có một đời sống bất tử sau khi thân thể vật lý thô của mình chết đi. Họ tin rằng khi các nguyên tố thô biến mất, thì linh hồn nguyên tố vi tế sẽ được tái sinh như một vị thần hay ở trong đoàn tùy tùng của một vị thần nào đó trong một thiên đường hay một tịnh độ vĩnh cửu vượt lên khỏi các nguyên tố thô. Những người thường kiến, vĩnh cửu thường thờ phượng các vị thần xuất hiện trên trái đất trong những thời kỳ xa xưa, trong huyền thoại, và những phẩm tính của họ được hiển lộ, mặc khải thông qua lịch sử, nguồn gốc nguyên tố vi tế của họ. Họ thờ phượng vô số những hình ảnh khác nhau của các vị thần trong nhiều sắc tướng, hình dáng khác nhau như các truyền thống mang lại lợi ích cho chúng sinh.

Chủ nghĩa đoạn kiến, hư vô cũng được mô tả bởi nhiều người theo nhiều cách khác nhau, nhưng tựu chung lại thì họ chia sẻ quan điểm rằng không có gì khác ngoài các phẩm chất vật chất hữu hình của các nguyên tố thô. Họ không tin vào một nguồn gốc phi vật chất của các nguyên tố thô. Vài người tin rằng vật chất xuất hiện từ hư vô, và những người khác lại tin vào vòng chu kỳ lặp đi lặp lại vô tận của năng lượng và vật chất, và từ vòng chu kỳ vô tận này hiện tượng phát sinh khi các hoàn cảnh tụ hội, hòa hợp lại nhờ sự tình cờ và ngẫu nhiên. Theo quan điểm của những người đoạn kiến, thì khi các nguyên tố xuất hiện cùng nhau, thì hình tướng, dạng thức nguyên tố thô của thân thể được sinh ra một cách tự nhiên, và thân thể này được kết hợp một cách bất khả phân với tâm trí. Vì quan niệm như vậy nên những người đoạn kiến không cần đến các quan niệm về một đời sống tương lai hay một mối nối kết nghiệp quả tương tục. Họ thường tôn sùng các phẩm chất của quyền lực, danh vọng, vẻ đẹp, sự thăng tiến và thành công, và họ bị dính mắc, ràng buộc vào các nguyên tố thô trong vô số các dạng thức khác nhau, nhờ vô số con đường thế tục khác nhau tùy thuộc vào lịch sử nguyên tố thô từ nền văn hóa của họ, để trục lợi cho bản thân mình trong đời sống này, họ đã mang cái tôi bản ngã một cách dung tục trong nhiều kiểu cách.

Với những người thường kiến thì niềm tin của những người đoạn kiến chỉ dựa trên vật chất thô là một mối đe dọa, hiểm họa báo trước cho việc thấu hiểu nguồn gốc vật chất vi tế của vạn pháp. Còn với những người đoạn kiến thì niềm tin của những người thường kiến dựa trên cái vi tế và phi vật chất là một mối đe dọa, hiểm họa tới sự tiến bộ vật chất cùng thành quả hữu hình của mọi giá trị vật chất.

Những người thường kiến thực sự tin vào bản chất, tinh túy thuần tịnh của các nguyên tố dù cho họ sẽ không diễn tả nó trong cách hiểu về các nguyên tố. Họ hiểu rằng không thể có sự liên kết lâu dài giữa các nguyên tố thô vô thường, vì vậy khi cầu nguyện, họ chỉ đặt niềm tin lên lợi ích từ các nguyên tố tinh túy, thuần khiết của mình. Nhờ sự khát khao nhận biết về đấng thượng đế hay vị thần tối cao của mình, nhờ sự khát khao đạt được quyền năng, ân điển hay sự chiếu cố của ngài và nhờ sự khát khao đạt được sự bất tử, sự sống đời đời trong một cõi tịnh độ hay thiên đàng, những người thường kiến cố gắng đạt tới bản chất, tinh túy thuần khiết của các nguyên tố. Họ thực sự vẫn nói rằng sắc tướng, hình dạng nguyên tố thô bất tịnh của đối tượng thờ phượng có thể kết nối với sắc tướng, hình dạng ánh sáng tinh khiết của đối tượng thờ phượng trong đời này, và rồi sau khi các nguyên tố thô trở nên trì trệ và hoại diệt, thì bản chất, tinh túy thuần tịnh vẫn giữ lại được sự tươi mới và vĩnh cửu. Niềm tin không được thừa nhận chính thức vào các nguyên tố thanh tịnh này được diễn đạt qua vô số hình thức cầu nguyện, đó có thể là những lễ cúng dường máu ghê rợn, hay sự cúng dường nước tinh khiết, hay đó có thể là việc dâng lên những bông hoa rực rỡ, đó có thể là kiểu cách truyền thống, hay đó có thể là trong những lời khẩn cầu đầy hy vọng và van nài, hay những lời khóc than trong đơn độc v.v… Họ nói rằng nhờ những lời cầu nguyện thì dù vị thần có ở trong hình dạng của một quái thú với những chiếc đuôi, những chiếc sừng hay đôi cánh, hay ngài có ở trong thân người hoặc hình dạng siêu nhiên, dù khía cạnh biểu lộ của ngài là dữ tợn hay nhân từ, phẫn nộ hay hiền minh, hung bạo hay an ủi, dù vị thần đang cưỡi trên một linh thú hay nhảy múa trong bầu trời, dù cho bị đóng đinh trên thập tự giá hay ngự trên một bông hoa sen bất nhiễm, dù ở trên một mặt trăng hay trên một mặt trời tỏa sáng, hay trên một ngai tòa châu báu, thì bản chất, tinh túy của mọi hình thức tôn sùng như vậy sẽ luôn là nguồn gốc thanh tịnh của các nguyên tố.

Dạng thức ánh sáng tinh khiết xuất hiện một cách phi chướng ngại và bất khả phân với tính không bất nhiễm; vì hình tướng, dạng thức không thể sinh khởi trong hư không vô tri vô giác được. Sắc tướng của vị thần không thể xuất hiện; Khẩu ngữ, ngôi lời của vị thần không thể vang vọng; Tâm thức, sự khôn ngoan của vị thần không thể tràn khắp trong các nguyên tố thô mà không có một nguyên tố ý định tinh thuần. Ân huệ và ban phước từ khẩu ngữ của vị thần (bổn tôn) phần lớn đến từ các nguyên tố gió và lửa thanh tịnh; Ân huệ và ban phước từ tâm thức vị thần (bổn tôn) chủ yếu đến từ nguyên tố hư không thuần tịnh.

Những người đoạn kiến thực ra cũng có liên hệ với nguồn gốc phi vật chất của tất cả các loại vật chất, mặc dù họ sẽ từ chối và không chấp nhận điều này. Như Đức Phật đã nói: “Phật tính tỏa khắp trên tất cả chúng sinh”. Dù cho những người đoạn kiến nói rằng các nguyên tố vi tế không tồn tại, nhưng họ lại mô tả khí chất, căn tính của con người như: thô lỗ, cục cằn như đất, mềm mại, uyển chuyển như nước (hay người gì mà nhạt như nước ốc), nóng như lửa, tính thoảng như không, và tâm rộng rãi, khoáng đạt như hư không và họ sử dụng cùng những cách biểu đạt này như hiền như đất; thờ ơ, lạnh như băng; chán nản ẩm ương; tranh cãi nảy lửa; máu nóng; giông tố cãi vã nổi lên và cởi mở tâm tư…

Nếu chúng ta hỏi những người lãnh đạo chính phủ theo chủ nghĩa đoạn kiến thì dù cho họ có tin vào các phẩm chất vi tế vô hình của hiện tượng nhưng họ sẽ vẫn nói không, tôi không tin, ngay cả những người binh lính và cảnh sát của họ dù vẫn đang luôn tính toán hiện tại nhìn thấy được với các sự kiện tương lai không trông thấy một cách cụ thể được và họ vẫn đang lên các kế hoạch dựa trên những gì vi tế và không trông thấy được, những cái vô hình sẽ trở thành hữu hình và thô trong tương lai. Điều này có nghĩa là trong thực tế, thì họ có tin vào sự tồn tại, hiện hữu của cái vi tế và vô hình. Mặc dù những người đoạn kiến nói rằng họ không tin vào nhân quả, nghiệp báo nhưng trong các dự định, kế hoạch của mình, họ lại bộc lộ niềm tin của họ vào tính chất liên tục, không ngừng dứt vô hình giữa quá khứ và tương lai, niềm tin vào cái gây ra những kết quả trong tương lai. Việc hoàn toàn tin vào nguyên nhân và kết quả này có nghĩa là họ cũng tin vào nhân quả, nghiệp báo.

Ý định, mục đích của những người đoạn kiến thì tương đồng với ý định, mục đích của một số thiền giả. Nếu chúng ta hỏi một thiền giả vô tướng rằng ông đang thiền định về điều gì, ông ta có thể trả lời rằng: “Không sắc tướng, không gì có thể được thấy”. Tuy nhiên ông ta lại thực sự muốn nắm bắt được cái vô hình, muốn thấy được những điều đặc biệt, không thì ông ta mong đợi cái gì? Nếu nắm bắt, chộp được điều gì đó, ông ta sẽ hành xử như cảnh sát chính phủ vậy. Đầu tiên, họ khiến cho cái vô hình trở thành hữu hình; rồi sau đó, họ sẽ cố gắng thay đổi hay loại bỏ nó. Khi bạn hỏi người đoạn kiến và người thiền giả vô tướng rằng họ có chung mục đích, ý định không thì họ sẽ chối bay chối biến nó, nhưng thực sự thì chúng là một.

Nếu chúng ta hỏi một người đoạn kiến thời gian là gì, thì ông ta sẽ trả lời nó là một giờ đồng hồ. Sau đó nếu chúng ta hỏi tiếp ông sẽ làm gì vào chiều nay, ông ta sẽ nói rằng tôi có một cuộc hẹn vào lúc 5 giờ. Điều này cho thấy ông ta tin vào các nguyên tố vô hình vi tế nằm ẩn tàng trong thời gian được biểu đạt như là tương lai, do vậy câu trả lời của ông ấy được dựa trên niềm tin vào một cuộc sống tương lai dù cho ông ta có từ chối hay không chấp nhận niềm tin vào nó nếu được hỏi một cách trực tiếp.

Những người đoạn kiến cho rằng họ được chia tách khỏi các nguyên tố bên ngoài bởi những thân thể vật lý của mình, nhưng sự thực thì tinh túy bí mật của tất cả các nguyên tố tỏa khắp trên vạn pháp lại chưa từng bao giờ bị chia tách. Thậm chí, nếu một người ở Paris có gọi điện thoại cho một người khác ở tận New York, thì dù khoảng cách của họ là rất xa nhưng họ vẫn có thể kết nối với nhau ngay lập tức, chỉ cần hai người đều sẵn sàng kết nối, như vậy thì thật sự là không có sự phân cách nào cả. Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng tâm đang ở trong thân, thì sự thực nó không ở trong cũng không ở ngoài thân, nó cũng không ở trong bộ não hay trong trái tim của chúng ta. Nếu chúng ta khảo sát một cách kỹ lưỡng “cái bên trong và bên ngoài” này, thì chúng ta sẽ không thể tìm thấy những giới hạn của bên trong và bên ngoài. Sự giới hạn của chúng ta đến từ tập khí, thói quen nghiệp sử dụng các nguyên tố thô, điều tạo ra những phân cách giữa New York và Paris, giữa giọng nói người này với giọng nói một người khác, giữa bên trong và bên ngoài. Mọi phân cách đều đến từ những tập khí, thói quen nguyên tố thô nghiệp quả này.

Hai người có thể liên lạc với nhau từ khoảng cách rất xa và truyền đạt những tư tưởng vi tế trong tâm họ với giọng nói vi tế, không thể xúc chạm được của họ thông qua công cụ thô là ống nghe điện thoại. Dù cho họ đã sẵn sàng được nối kết với nhau từ khởi thủy nhờ tâm phi nối kết tỏa khắp toàn triệt, nhưng các nguyên tố vi tế tiềm tàng ngủ quên của họ lại được đánh thức thông qua những hoàn cảnh thô của cú điện thoại và mối kết nối nguyên gốc của họ được tái thiết lập. Nhưng tốt hơn là chúng ta không nên nói với những kỹ sư đường dây điện thoại viễn liên đoạn kiến về đường dây nối kết phi kết nối, bí mật và tỏa khắp toàn triệt này, nếu không, họ sẽ muốn cắt những đường dây điện thoại kim loại đi đấy.

Tâm chân thực của chúng ta là phi giới hạn, nhưng chúng ta không biết nó bởi vì chúng ta chỉ sử dụng những tâm trí bình phàm bị giới hạn của mình. Khi nghĩ tới việc gọi điện thoại, thì tâm trí chúng ta dừng lại ở Paris, New York, và ở giữa Paris và New York. Nhờ các nguyên tố vi tế của mình mà chúng ta có thể dễ dàng hồi tưởng, nhớ về một xứ sở chúng ta đã từng tới trước đó nhờ đường kết nối từ trước đó của chúng ta với các nguyên tố thô của nó, nhưng vì chúng ta ở trong các nguyên tố thô bị chia tách của mình nên chúng ta không thể vượt lên khỏi giới hạn này. Nếu thông qua các nguyên tố vi tế, chúng ta hình dung một xứ sở mà chúng ta chưa bao giờ đặt chân đến, hoặc nếu chúng ta nằm chiêm bao về một xứ sở mình chưa bao giờ tới, thì điều này có thể là do chúng ta đã từng ở đó trong một kiếp sống trước hay chúng ta sẽ ở đó trong tương lai, nhưng ngay cả khái niệm xứ sở xa lạ này cũng vẫn là giới hạn vi tế của tâm thức bình phàm của chúng ta. Mỗi khi ở trong thái cực của chủ nghĩa hư vô, đoạn kiến hay trong thái cực của chủ nghĩa vĩnh cửu, thường kiến, chúng ta thường chia tách hiện tượng khỏi tính không, và do thói quen, tập khí chia tách này của mình mà chúng ta không thể vượt hẳn lên và đi vào tinh túy bí mật ánh sáng thuần khiết tịnh quang của các nguyên tố.

Phật thì vượt lên khỏi chủ nghĩa vĩnh cửu, thường kiến và Ngài chưa từng trụ lại trong bất kỳ nguyên tố nào. Phật thì vượt lên khỏi chủ nghĩa hư vô, đoạn kiến và Ngài chưa từng chia tách khỏi bất kỳ nguyên tố nào. Nhưng chúng sinh lại không thể nhận ra và chứng ngộ điều này, vì vậy chúng ta luôn tin vào hoặc chủ nghĩa vĩnh cửu hoặc chủ nghĩa hư vô và chúng ta đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục luôn ở trong sự đau khổ, sự tự hành hạ bản thân mình trong vòng tròn luẩn quẩn của chết và tái sinh.

Đó là lý do tại sao Đức Phật hóa hiện một cách không chủ đích như các bổn tôn xác thực với những phẩm tính cùng các khía cạnh vĩnh cửu như bất tử và luôn thanh tịnh nhằm giải thoát những chúng sinh bị che chướng bởi những lầm lạc của những người đoạn kiến, hư vô. Đó cũng là lý do tại sao bản tính của các hóa thân Phật được nói là trống rỗng, không có tự tính nhằm giải thoát những chúng sinh bị che chướng bởi những lầm lạc của những người thường kiến, vĩnh cửu. Sự thực thì Đức Phật tỏa khắp trong cả hai thái cực một cách bất khả phân, và do vậy Ngài an trụ vượt lên cả hai thái cực, cực đoan này. Ngài chưa bao giờ trụ lại trong hoặc là thái cực như bổn tôn có sắc tướng hoặc trong thái cực tính không phi sắc tướng bởi vì chúng vốn là bất khả phân. Sự chia tách vị bổn tôn ra khỏi tính không hay chia tách tính không ra khỏi vị bổn tôn thì chỉ tạo ra sự sắp đặt và đi lòng vòng từ thái cực, cực đoan này sang thái cực, cực đoan khác. Phật giáo thì vượt lên khỏi hai thái cực này.

Phật giáo là quan điểm tuân theo lời Phật dạy. Mỗi khi chúng ta có một quan điểm, thì chúng ta có chủ thể và đối tượng cùng khoảng giữa của chủ thể lẫn đối tượng. Nếu chúng ta ở một căn nhà chỉ có một tầng thì chúng ta chỉ có thể nhìn thấy khung cảnh ở phía trước mình mà không thấy được những gì ở phía trên mình. Nếu chúng ta ở trên nóc của một tòa cao ốc, thì chúng ta lại có thể nhìn thấy khung cảnh phía trước, xung quanh và ở phía dưới chúng ta, bao gồm cả căn nhà một tầng luôn. Và nếu chúng ta ở trên đỉnh của một ngọn núi thì chúng ta có thể nhìn thấy cả khung cảnh của những gì ở phía trước, xung quanh và ở dưới cùng mọi thứ ở giữa gồm cả căn nhà một tầng và cả tòa cao ốc nữa. Tùy thuộc vào căn cơ, điều kiện riêng đến từ hiện tượng nghiệp trước đó mà chúng ta có thể thấy một quan điểm hay nhiều quan điểm. Ngay cả khi chúng ta nghe về điều gì đó mà mình không thể chứng kiến, thì chúng ta thường không thể chấp nhận nó do khả năng, căn cơ, điều kiện và thói quen, tập khí quan điểm bị giới hạn của mình.

Trong vô số kiếp, có thể chúng ta đã tìm kiếm tâm của mình, nhưng nó không bao giờ được tìm thấy bên trong bất kỳ hiện tượng chất thể nào, vì nó luôn luôn là sự trống rỗng, tính không rộng lớn (đại không). Quan điểm này vượt lên khỏi quan điểm thường kiến, vĩnh cửu mà lại không chối bỏ nó. Tâm như tấm gương của chúng ta luôn luôn phản chiếu vô vàn các hiện tượng không chút che chướng và không chút nỗ lực. Quan điểm này vượt lên khỏi quan điểm đoạn kiến, hư vô mà cũng không chối bỏ nó. Điều này không có nghĩa là đại không và hiện tượng phi chướng ngại tồn tại một cách tách biệt và có thể được kết hợp lại cùng nhau như hai sợi chỉ được xoắn kết lại thành một. Ngay từ khởi thủy, thì tính không và hiện tượng là bất khả phân. Đây là quan điểm chung thông thường của người Phật tử. Ở đâu có tính không, thì ở đó có hiện tượng, và ở đâu có hiện tượng thì ở đó có tính không. Chúng ta không thấy điều này là do thói quen phân biệt của tâm nhị nguyên, vì vậy chúng ta chỉ thấy từng thứ một vào một thời điểm, do vậy nên tính không tách biệt khỏi hiện tượng. Đôi lúc, thay vì nhận ra tâm trống rỗng tỏa khắp toàn triệt vốn sẵn của mình, thì khi thực hành chúng ta lại cố gắng tạo ra một tính không khác, và khi chúng ta không thể tìm thấy nó hay không thể tạo ra nó nhờ hiện tượng của mình, thì chúng ta lại trở nên chán nản, thất vọng.

Từ người bình thường cho đến bậc siêu phàm, thì quan điểm sẽ vẫn tồn tại cho tới khi họ đạt được giác ngộ. Trong quan điểm của người Phật tử, thì tùy thuộc vào căn cơ, khí chất riêng khác nhau của từng người mà họ có những quan điểm khác nhau.

Theo hệ thống Tiểu Thừa (Hina-yana – hay Nguyên Thủy), thì quan điểm là vô ngã. Theo hệ thống Đại Thừa (Maha-yana), thì quan điểm là vô ngã và hiện tượng là không có tự tính, chúng tự do khỏi mọi hoạt động tâm trí, tinh thần. Theo hệ thống Đại Thủ Ấn (Maha-mudra), thì quan điểm là Tâm Trí Tuệ tỏa khắp trong hiện tượng hiện hữu và phi hiện hữu. Theo hệ thống Đại Viên Mãn (Maha-sandhi), thì quan điểm là sự giải thoát vốn sẵn từ vô thủy của Tâm Trí Tuệ Đức Phật Phổ Hiền Samantabhadra nguyên thủy.

Trong Tâm Trí Tuệ giác ngộ, thì không có chủ thể, không có đối tượng, không có khoảng giữa của chủ thể và đối tượng, không đầu, không cuối, không thời gian, không phương hướng nên không có quan điểm.

Đức Phật nói: ”Dù cho Ta không xuất hiện ở bất kỳ đâu, nhưng Ta vẫn xuất hiện ở khắp mọi nơi cho những ai thích sự xuất hiện. Với những người không thích sự xuất hiện, thì Ta luôn luôn là tính không trống rỗng. Dù cho Ta chưa từng nói, nhưng Ta vẫn nói cho những ai thích nghe. Và với những ai không thích nghe, thì Ta vẫn an trụ trong sự tĩnh lặng và tịch diệt".

“Dù cho tâm Ta chưa từng khởi niệm bất kỳ điều gì, nhưng với những ai cho rằng tâm Ta là sự toàn tri toàn giác, thì nó là sự toàn tri toàn giác. Còn với những ai cho rằng tâm Ta là không hiện hữu, thì nó là không hiện hữu".

“Bất kỳ ai muốn thấy Ta một cách từ từ thì họ có thể thấy Ta một cách từ từ. Bất kỳ ai muốn thấy Ta ngay lập tức thì họ có thể thấy Ta ngay lập tức. Bất kỳ nguyện ước nào được khởi lên đều sẽ được đạt tới. Đây là phẩm tính thân của Ta".

“Bất kỳ ai muốn nghe thấy Ta một cách từ từ thì họ có thể nghe thấy Ta một cách từ từ. Bất kỳ ai muốn nghe thấy Ta ngay lập tức thì họ có thể nghe thấy Ta ngay lập tức. Bất kỳ nguyện ước nào được khởi lên đều sẽ được đạt tới. Đây là phẩm tính ngữ của Ta".

“Bất kỳ ai muốn biết tâm Ta một cách từ từ thì họ có thể biết tâm Ta một cách từ từ. Bất kỳ ai muốn biết tâm Ta ngay lập tức thì họ có thể biết tâm Ta ngay lập tức. Bất kỳ nguyện ước nào được khởi lên đều sẽ được đạt tới. Đây là phẩm tính tâm của Ta".

Đức Thinley Norbu Rinpoche

Nguyên tác: Magic Dance The Display Of The Self - Nature Of The Five Wisdom Dakinis 

Trích: Vũ Điệu Huyền Diệu – Sự Hiển Lộ Tự Tính của Ngũ Trí Dakini

Comments are closed.