Tiểu sử Đức Pháp Vương Chogye Trichen Rinpoche

Đức Lão Pháp Vương Chogye Trichen Rinpoche là vị Lạt ma lớn tuổi nhất và cao cấp nhất dòng truyền thừa Sakya trong Phật giáo Tây Tạng. Ngài là hóa thân của Chogye Trichen đời trước và là Pháp Vương Tsharpa. Ngài không chỉ là vị Lạt ma vĩ đại đã trì giữ hoàn hảo ba loại giới nguyện mà còn là vị đạo sư mật thừa danh tiếng, bậc học giả lỗi lạc và thi hào hùng biện. Lão Pháp Vương được tôn là “bậc thầy của các bậc thầy” vì hầu hết những vị đứng đầu các dòng truyền thừa Phật giáo Tây Tạng đều là đệ tử của Ngài. Đức Đạt Lai Lạt Ma tôn Lão Pháp Vương là vị đạo sư gốc kể từ năm 1971. Đức Sakya Trizin, Đức Pháp Vương Dudjom của dòng truyền thừa Ninh Mã và Đức Shamarpa của dòng truyền thừa Kagyu cũng là học trò của Ngài. Vua Birendra, nhà vua nước Nepal, đã phong tặng cho Ngài danh hiệu cát tường cao quý “Gorkha Dakshin Babu” (Đạo sư vĩ đại của Tây Nepal). Từ trước đến nay đức vua Nepal chưa bao giờ phong tặng danh hiệu cao quý như vậy cho bất kỳ vị thầy Phật Giáo nào.

Tóm Tắt Tiểu Sử Thánh Sư Chogye Trichen Rinpoche, Pháp Vương Nhánh Tsharpa Thuộc Dòng Truyền Thừa Sakya 1

Lão Pháp Vương sinh năm 1920 gần Gyashar Kushang. Ngài sinh ra trong bộ tộc Che. Bộ tộc Che là hậu duệ của Cõi trời Abhasvara trên trái đất này. Nhiều dấu hiệu cát tường xuất hiện khi Rinpoche đản sinh. Năm 12 tuổi, Rinpoche chính thức được tấn phong là Pháp Vương thứ 26 của Tu viện Phenpo Nalendra. Kể từ khi nhậm chức cho đến khi Ngài ba mươi chín tuổi, Rinpoche đã thọ nhận thần chú và quán đảnh quý giá tối thượng “Con đường & Quả” (“Path and Result”(Lamdre)), thần chú cũng như vô số quán đảnh, giáo Pháp và nghi thức từ tất cả các dòng truyền thừa của bốn dòng phái chính. Trong suốt thời gian ấy, Ngài cũng hoàn thành các khóa tu thiền, tại đó Ngài quán tưởng về các Bổn Tôn – các vị là một phần trong thực hành chủ đạo của Mật thừa. Ngài trở thành bậc thầy giảng Pháp cả Hiển thừa và Mật Thừa.

Vì Rinpoche tu tập miên mật trong các khóa nhập thất dài ngày nên mọi người thường cho rằng Ngài là hành giả thực hành bí mật. Khi Ngài không nhập thất, Rinpoche sử dụng hầu hết thời gian của mình để thiền định sâu sắc cả ngày lẫn đêm, thực hành các nghi lễ Mật thừa và các lễ cầu nguyện Mật tông. Kết quả là, Ngài đạt được năng lực siêu nhiên và trí tuệ vĩ đại. Rinpoche được coi là hóa thân hiện đại của bậc chứng ngộ vĩ đại trong Phật giáo Ấn Độ cổ xưa, Đại thành tựu giả Virupa. Mỗi ngày trong đời sống của Rinpoche đều là sự tu hành đáng kính không ngơi nghỉ. Ngài thực sự xứng đáng là tấm gương cho hành giả trên toàn thế giới noi theo.

Rinpoche không phân biệt quốc gia và vùng lãnh thổ trong nỗ lực hoằng hóa giáo pháp. Ngài đi khắp thế giới để truyền bá giáo pháp. Với lòng từ bi, Rinpoche đã ban Pháp cao quý của Chư Phật, chẳng hạn như quán đảnh, pháp khẩu truyền, luận giảng kinh và thần chú cho những đệ tử có duyên thọ nhận chúng, bất kể họ là cư sĩ hay tu sĩ. Ngay cả các Pháp Vương và Rinpoche cũng thọ nhận giáo pháp từ Ngài. Tất cả những ai có may mắn diện kiến Ngài đều ca tụng Bồ Đề Tâm của Ngài và chứng thực tâm vị tha của Lão Pháp Vương thể hiện qua việc truyền Phật Pháp không ngơi nghỉ.

Ngày 20 tháng 1 năm 2007 là ngày mà duyên nghiệp vĩ đại của Đức Pháp Vương dành cho việc truyền pháp và lợi lạc chúng sinh cõi trần thế này kết thúc. May sao, đó cũng là ngày những duyên nghiệp vĩ đại chín muồi liên quan đến giây phút cuối cùng của cuộc đời Ngài. Lão Pháp Vương đã đọc cuốn sách “Một kho tàng Phật Pháp đích thực” về Đức Phật Kim Cương Trì III. Ngay lập tức Ngài sử dụng quyền năng chứng ngộ của mình để nghiên cứu và vô cùng xúc động bởi những gì Ngài phát hiện ra. Ngài lập tức lệnh cho Shabdrung Rinpoche viết một bức thư chúc mừng. Trong bức thư đó Ngài ca ngợi cuốn sách “Một kho tàng Phật Pháp đích thực” – cuốn sách về Đức Phật Kim Cương Trì III Wan Ko Yeshe Norbu; Ngài nói rằng cuối sách là con đường chỉ dẫn đến Phật Pháp đích thực và là cánh cổng Pháp mang lại lợi lạc và hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Ngay sau khi bức thư chúc mừng được viết xong, Rinpoche đã nhập Niết Bàn. Đó là hành động linh thánh cuối cùng của Lão Pháp Vương giác ngộ tối thượng.

Đức Shabdrung Rinpoche tôn kính hiện nay đã kế nhiệm vị trí của Đức Chogye Trichen Rinpoche.

Nguồn: http://www.highestbuddhistmasters.org/english/ebook/ebk00041.htm

Việt dịch: Vô Úy

Comments are closed.