Cúng Tsok là gì ?

Lama-Thubten-Yeshe
By LAMA THUBTEN YESHE
“Tsok” có nghĩa tụ tập lại. Chúng ta cùng nhau gom góp lễ vật để cúng dường và bản thân chúng ta tụ tập lại để thực hành tu tập. Tụ họp với các người tu tập khác, tập trung tâm chúng ta vào một không gian, tất cả sẽ cho chúng ta sự cảm ứng lớn lao. Sự tập họp lại sẽ tốt hơn nhiều so với việc làm lễ puja một mình trong phòng riêng. Đây là ý nghĩa rộng của chữ “Tsok” theo người Tây tạng.
Một ví dụ, nhóm puja ở đạo tràng của tôi ở Sera được so sánh với cây chổi bằng cọng rơm. Bạn không thể quét được nhiều cái sàn phòng học với chỉ một cọng rơm, nhưng khi gom nhiều cọng rơm làm nên một cây chổi thì bạn có thể quét cả phòng rất nhanh. Chúng ta không thể kiên định mãnh liệt như các hành giả nổi tiếng như Ngài Milarepa. Ngài rất ổn định dù ở một mình. Chúng ta chưa được như thế.
Cho nên sẽ rất tốt khi chúng ta cùng nhau tập họp lại, cố gắng triển khai sự nhất tâm và tâm của một trăm người đều gặp ở cùng một chỗ. Điều này sẽ trở nên rất mạnh.
Trong truyền thống Tây tạng “Tsok” là một phương pháp tịnh hóa sâu xa nhất, một con đường sâu sắc để đạt tới những chứng ngộ. Khi bạn tụng kinh bằng tiếng Anh bạn có thể thấy biết bao nhiêu chủ đề bao gồm trong việc thực hành. Chẳng hạn, Guru Puja bao gồm trọn vẹn con đường đưa tới giác ngộ từ đầu tới cuối. Có thể xảy ra chuyện là vào những thời thiền định lam-rim mỗi ngày, bạn không tạo nên một tiến bộ rõ rệt nhưng trong Puja, nhờ vào bầu không khí khai dẫn mà các bạn tạo ra, chợt bất thình lình, ầm ! – một chứng ngộ xảy đến trong tâm bạn. Nhiều người đã đạt được những chứng ngộ trong thời Puja đơn giản là nhờ vào bầu không khí đó.
Thông thường, chúng ta tự mình thúc ép để đạt cho được nhưng rồi không có gì xảy đến, bởi vì chúng ta không tạo nên một khoảng trống cho nó xảy đến. Nhờ vào cơ hội tụ tập với nhau lại để dâng lễ Tsok, chúng ta tạo ra khoảng trống. Khi khoảng trống đích thực mở ra, ầm ! – các chứng ngộ xuất hiện như bị hấp lực từ trường. Thật đúng như vậy.
Do đó, điều quan trọng là tự đặt mình vào bầu không khí đúng thực khi bạn thực hành sadhana hay một pháp nào khác. Có lẽ trong quá khứ bạn đã thực hành một lễ Puja đặc biệt được một trăm lần rồi nhưng dù thế bạn vẫn chưa bao giờ hoàn toàn đạt tới chỗ đúng. Và rồi, ở một điểm nào đó, bạn đạt tới đúng chỗ, ầm ! – điều gì đó xảy đến. Để triển khai, chúng ta cần bầu không khí đúng.
Trong thuật ngữ giáo lý đạo Phật, chúng ta nói về nghiệp như là : “Hãy tạo ra nghiệp thiện và rồi bạn sẽ có được quả lành.” Tôi chỉ có ý định muốn nói với các bạn rằng để có được quả mà bạn muốn có bạn phải tạo ra bầu không khí đúng. Nếu bạn lập một vườn rau có mái che thì hoa quả sẽ xuất hiện và cơn mưa đó cũng không làm hư hại chúng được. Cũng y như vậy đối với tâm non trẻ của chúng ta. Chúng ta cần tạo ra môi trường thích hợp để tâm trẻ con đó nẩy nở và chúng ta cũng phải che chở cái tâm non trẻ đó. Việc chúng ta tụ họp nhau cho lễ Puja, cung cấp năng lực cho nhau chính là cách che chở cho tâm thức chúng ta.
Trong truyền thống Tây Tạng của Phật giáo Đại thừa, chúng ta luôn nói tới lợi lạc mà chúng ta có được từ tất cả chúng sanh là những người mẹ của chúng ta. Hãy lấy ví dụ trà Darjeeling chúng ta đang uống. Hãy nghĩ đến không biết bao nhiêu người liên quan đến để có trà ở đây : người trồng trà, người hái, người phân loại, đóng gói, chuyên chở, người bán, người đun nước trà… cuối cùng để cho chúng ta uống ở đây. Từ sự nghiên cứu lam-rim chúng ta biết rằng hoặc trực tiếp hay gián tiếp, mỗi chúng sanh hữu tình đã giúp để bạn có tách nước trà. Và không chỉ tách trà mà thôi : Tất cả hạnh phúc chúng ta từ sự vui thú mang tính sanh tử ở mức thấp nhất cho tới niềm phúc lạc tối thượng của sự giác ngộ giải thoát tất cả đều đến từ mỗi người trong chúng ta hay bao người khác.
Do đó, để đạt được chứng ngộ chúng ta cần tạo ra bầu không khí đúng. Để làm điều này chúng ta tụ hợp nhau lại và hướng tâm chúng ta đến cùng một chỗ. Oai lực của sự tu tập này sẽ mang đến sự thấu hiểu. Tôi cho rằng điều này rất vĩ đại : Chúng ta là một tập hợp quốc tế, mỗi người đã phát triển trong một phương cách riêng, độc đáo ; nhưng bất chấp sự khác biệt đó, tâm chúng ta vẫn có thể gặp nhau ở một chỗ chung và chúng ta có thể tương thông. Tôi thực sự nghĩ rằng điều đó rất tuyệt vời. Cha mẹ có thể không có khả năng trao đổi thông hiểu được con cái họ nhưng tại nơi này, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới chúng ta lại có thể thông hiểu lẫn nhau, xuất phát từ tim chúng ta.

Một hàm ý khác của thuật ngữ “Tsok” là “bữa tiệc” mà ở đó chúng ta chia xẻ đại trí huệ và đại lạc phát sanh đồng thời. Giờ đây chính là bữa tiệc !

17
HERUKA VAJRASATTVA TSOK :
BÀI GIẢNG THỨ NHẤT
Khi tôi định chọn tựa đề cho sự cúng dường Tsok này, tôi đã có nhiều tên để chọn nhưng dù gì tôi cũng đã nghĩ rằng, tên “Một liều thuốc giải độc cho các địa ngục Vajra” có lẽ là thích hợp nhất. Nhiều đệ tử của tôi đã thực hiện các đợt ẩn tu Heruka Vajrasattva – đó là một phương pháp oai lực diệu kỳ để tịnh hóa tất cả năng lực bất tịnh của một người. Do đó, khi có người hỏi xem coi chúng ta có thể dâng cúng Tsok dưới tán cây bồ đề ở Bodhgaya này,(21) tôi đã nghĩ rằng sẽ thích hợp để viết một Tsok ngắn cúng dường Heruka Vajrasattva. Chúng ta gọi sự cúng dường này là một bữa tiệc lớn vì nó giống như một đại tiệc hỷ lạc mà chúng ta mời đến từ mươi phương các chư Phật, chư Bồ tát, các daka, dakini và những biểu hiện trong sạch khác mà chúng ta mong muốn có ở đây.
Các thực đơn dâng cúng
Bất cứ loại thức ăn thức uống nào cũng được coi là tsok và có thể dâng cúng. Bạn không cần phải dâng cúng loại bánh torma bằng tsampa theo kiểu Tây tạng – Thời xa xưa, trong thời ngài Long Thọ ở Ấn Độ cổ xưa người ta đã không làm vậy. Bạn có thể dâng cà rốt, chô-cô-la, bánh sữa, thậm chí cả thức ăn “đen” như hành, tỏi, củ cải – bất cứ thứ gì bạn thích ; những thứ ăn sạch, có sẵn nơi bạn sống. Nếu bạn là hành giả Kim Cương thừa đặc biệt mãnh liệt bạn thậm chí có thể dâng cúng những thứ không sạch như phân, nhưng bởi vì bạn không được tinh tấn như các ngài nên tốt hơn, bạn dâng cúng những thứ sạch.
Ruộng phước
Đoạn một.
Bởi vì đây là pháp thực hành Kim Cương thừa, trước khi bạn thực sự cúng dường Tsok, trước hết chúng ta phải chuyển hóa cái thấy biết thường ngày của chúng ta đối với môi trường xung quanh cũng như đối với tất cả các chúng hữu tình. Hãy quán tưởng bản thân mình,những người khác nữa đang dâng lễ Tsok với bạn, những thực đơn dâng cúng – thực vậy hãy quán tưởng mọi chúng sanh, mọi thứ như là biểu lộ của đại trí huệ bất nhị và đại lạc được hợp nhất toàn bộ. Rồi trong khoảng không trước mặt bạn, từ Lạc và Không bất nhị, mạn đà la Vajrasattva xuất hiện với ngài Heruka Vajrasattva và người phối ngẫu ở giữa mạn đà la.
Theo xu hướng tự nhiên, tâm chật hẹp của chúng ta sẽ quán tưởng mạn đà la này nhỏ và đông đúc, nhưng không phải vậy. Mạn đà la chiếm cả không gian và chứa đầy với những thứ lễ vật cúng dường nhiều vô hạn, các lễ vật này ở trong bản chất là cam lồ phúc lạc và trí huệ siêu việt. Bạn phải chuyển hóa lễ vật cúng dường của bạn – có thể chỉ là một trái cam hay một bàn đầy thức ăn – thành ra những lễ vật nhiều vô hạn tràn đầy không gian : hàng tỉ trái cam, táo, vân vân. Đôi khi tôi quán tưởng và dâng cúng một siêu thị Tây phương rất lớn – một lễ vật cúng dường tốt hơn nhiều so với các chợ rau nhỏ ở các nước thuộc thế giới thứ ba ! Lễ vật cúng dường của bạn phải vô lượng. Ngay cả nếu bạn đang dâng cúng chỉ một lễ vật thôi thì bây giờ vô lượng đối tượng của năm giác quan tất cả đều ở trong bản tánh phúc lạc, sẽ lưu xuất từ nó.

Đoạn hai.

Nhận thức mà chúng ta có thường ngày về mình hay những người khác thì rất bình phàm. Chẳng hạn khi chúng ta tụ hợp nhau để dâng lễ Tsok chúng ta tự cho mình là một con người thống khổ, vô vọng, và những người xung quanh ta cũng thế, tất cả đều rất thiết tha dâng lễ vật cúng dường. Theo quan điểm Kim Cương thừa, sự dâng cúng như vậy sẽ không có tác dụng. Đó không phải cách dâng lễ Tsok. Bạn phải cảm thấy rằng tất cả những ai ở quanh bạn đều là những người bạn thân thiết của bạn – dù với những địch thủ của bạn – và bạn phải coi họ là Vajrasattva có ánh sáng trắng rực rỡ. Bạn có thể làm như vậy được. Một trong những điều tốt đẹp nhất của con người là bạn có thể thay đổi tâm bạn được ở bất kỳ lúc nào. Tâm rất dễ uốn nắn, và bạn có thể triển khai kỹ năng thay đổi tình huống xấu sang tốt.
Do đó, trong cảnh giới đại lạc bất nhị tất cả chúng hữu tình xuất hiện như là các daka và dakini. Hình tướng của họ giống như một huyễn ảnh như thể nó được tạo ra bởi một nhà pháp thuật. Có bao giờ bạn đã có một kinh nghiệm là đã ở một nơi nào đó, đã mục kích thấy rất nhiều người từ nhiều đất nước khác nhau, có những hình dạng kích cỡ thân thể con người khác nhau đang đi qua trước mặt bạn và bạn cảm thấy như thể trong giấc mơ hay trong một ảo giác ? Khi dâng cúng Tsok này bạn phải chuyển hóa tất cả hữu tình thành ra sắc thân Vajrasattva và coi toàn bộ quán tưởng của bạn như là huyễn. Thực ra thì cái cách chúng ta nhìn thấy những người khác đã là huyễn rồi cho dù chúng ta có cho rằng tất cả chúng ta là có thực, rắn đặc và cụ thể.
Một số daka và dakini mà chúng ta quán tưởng về hình tướng rất an bình, phúc lạc, một số trong hình dạng ban cho sự tăng ích, một số biểu hiện thần lực, số khác biểu lộ rất hung nộ. Tất cả dường như đang nhảy múa. Bạn phải tự coi như mình khiêu vũ bất cứ khi nào bạn đi đâu đó. Nói gì thì nói, bất cứ khi nào bạn đi xi-nê, nhà hàng, về lại nhà, bạn cũng đang nhảy múa. Khi dâng cúng Tsok, bạn phải quán tưởng daka và dakini rất linh hoạt, sống động – đang thực sự làm một việc gì đó cho lợi ích của chúng hữu tình – chứ không phải ở dạng bất động, đờ đẫn hay cứng đờ. Họ (daka, dakini) xuất hiện trong nhiều cách khác nhau này cho lợi lạc của tất cả chúng hữu tình, họ thể hiện phương tiện và trí huệ phát triển viên mãn, thống nhất hoàn toàn chứ không có tính cách đặc thù và rời rạc.
Tất cả sự tụ họp Tsok chẳng hạn như Guru Puja, đều dựa trên sự chuyển hóa. Trước tiên bạn phát sanh đại lạc và trí huệ bất nhị siêu việt và sau đó làm mọi thứ – tất cả hành vi, các thực đơn dâng cúng, bản thân bạn, vị thầy mà bạn đang cúng dường – tất cả đều khởi lên từ đó. Và vào lúc này đây bạn đừng nhìn thấy các chúng hữu tình như những con người đang đau khổ, những sinh vật què quặt, ma đói vân vân. Mọi sự xuất hiện phải trông như siêu việt và gợi lên đại lạc. Do đó, tốt nhất là bạn quán tưởng tất cả hữu tình như là Vajrasattva. Và điều tuyệt vời nhất là trong suốt một giờ đồng hồ bạn dâng cúng lễ Tsok hay bất cứ lúc nào trong lễ Tsok, bạn làm sao có thể điều khiển được tâm bạn và ngăn ngừa không cho những ý niệm “rác-rưới-thường-ngày” nổi lên. Các khởi niệm đó thường xuyên có đầy trong tâm bạn gây cho bạn mê lầm và khiến bạn bị lừa dối mãi. Tuyệt vời biết bao nếu chỉ trong một giờ đó mà tâm bạn không có chỗ trống cho “ái-ngã” (tự thương xót) nổi lên.
Chú nguyện các lễ vật cúng dường ở bên trong
(OM KHANDA ROHI…) Ở đây chúng ta chú nguyện các thực phẩm cúng dường. Vị Hóa Thần Khandarohi có một mặt và bốn tay và, nếu có thể, phải được quán tưởng là xua tan các hồn linh gây trở ngại và vân vân. Nếu bạn không quán tưởng như vậy thì cũng không sao, nhưng ít nhất bạn phải rắc một ít cam lồ dâng-lễ-ở-bên-trong lên các vật cúng dường và cảm thấy rằng tất cả các hồn linh xấu ác, tiêu cực đã được xua tan hết. “Hồn linh” không chỉ ám chỉ đến những chướng ngại từ bên ngoài nhưng cũng ám chỉ cho bất kỳ năng lực tiêu cực bất thiện ở trong bạn làm ô uế lễ vật cúng dường. Và năng lực này cũng được tịnh hóa nữa.
(OM SVABHAVA…) Chúng ta gọi mật chú này là mật chú tánh Không. Nhận ra tánh Không, sự không có tự tánh của các thực phẩm dâng cúng, sự nhận thức này là một phương thức rất mãnh liệt để tịnh hóa các khởi niệm thường ngày và năng lực bất thiện. Nhận thức này – sự nhận ra tánh Không – là hết sức quan trọng để thực hiện một lễ dâng cúng Tsok cho thích hợp.
Chủng tự OM tượng trưng cho thân Kim cương thiêng liêng, là sự nhất như với tâm và khẩu Kim cương thiêng liêng. SVABHAVA có nghĩa là tự nhiên (thuộc bản tánh) chứ không phải nhân tạo ; SHUDDHA (và SHUDDHO) có nghĩa là tinh sạch ; SARVA có nghĩa là tất cả ; DHARMA có nghĩa là các hiện tượng hiện hữu ; và HAM có nghĩa là “tôi là” và sẽ dược cảm nhận với sự kiêu hãnh thiêng liêng. Những từ Sanskrit này hàm chứa một giải thích sâu xa rằng bản chất căn bản của con người và tất cả mọi hiện tượng hiện hữu khác là tinh sạch. Nghĩa của câu chú là : tất cả các hiện tượng hiện hữu vốn là tinh sạch (không phải nghĩa tương đối mà là nghĩa tuyệt đối) và tôi cũng như vậy.
Bạn phải hiểu cho được bản tánh chân thật của bạn. Đa số thời gian bạn sống, bạn sống trái với bản tánh tự nhiên. Với trí thông minh, “cái tôi” của bạn tạo ra sân hận và tham ái. Đấy là loại thông minh lệch lạc. “Cái tôi” của bạn tạo ra một hình ảnh giả tạo về bản thân và bạn tin là : “Đây là tôi, tôi đẹp (hay xấu) làm sao !” Rồi bạn bày ra hình ảnh sai lệch này của chính bản thân cho người khác xem. Bao lâu bạn vẫn còn bị cái tôi của bạn điều khiển bạn, thì bạn vẫn không tự nhiên, không thật tánh. Do đó bạn phải lắng nghe và chạm được vào bản tánh uyên nguyên chân thật của bạn. Nếu bạn có thể làm được điều này bạn sẽ chạm được sự tinh sạch. Cho nên quan điểm sai lầm, tự ái, mang cá tính con người thông lệ như “tôi thật vô vọng, tôi bất tịnh, tôi xấu ác, tôi không thể làm gì cả, tôi không thể tự lo cho mình” là hoàn toàn sai trái và đích thực đối nghịch lại với điều mà mật chú tánh Không nói tới.
Bản tánh của bạn không phải là cái mà các phóng chiếu tiêu cực của bạn nghĩ ra và tin vào. Đức Phật dạy rằng điều rất sai lầm là nghĩ rằng bạn thật xấu ác hay tội lỗi. Bản tánh uyên nguyên của bạn là tinh sạch. Đám mây nhân tạo do “cái tôi” của bạn tạo ra, không phải là bản tánh chân thật của bạn, nó chỉ là cái mà “cái tôi” của bạn mơ tưởng giả tạo. Cho nên hãy là bản tánh chân thật tự nhiên.
Rất dễ để thấy được như thế nào gọi là không bản tánh (không tự nhiên). Hãy quan sát cách xử thế của con người thay đổi như thế nào với các ý tưởng của họ. Lấy một ví dụ đơn giản, là cách thức người ta đi bộ. Khi hình ảnh về mình thay đổi, thì cách họ cuốc bộ cũng thay đổi. Tự bạn cũng thấy được điều này. Thanh niên phóng chiếu một loại hình ảnh bản thân theo cách nào đó, họ tin là họ phải hành động cho tương xứng, họ đi bộ hay ăn mặc theo một kiểu cách phải như vậy. Người già không hiểu được tại sao thanh niên lại hành động như thế, nên người già phê phán người trẻ và sự cách biệt hai thế hệ nới rộng thêm.
Tất cả chuyện này đều là giả tạo. Hãy hành động một cách tự nhiên (như bản tánh). Mật chú tánh Không cho thấy rằng bản tánh chân thật của loài người là thiện, có tính tích cực. Bạn đừng nên tin vào hình ảnh bản thân tiêu cực được phóng chiếu bởi cái tôi của bạn. Đức Phật dạy rõ bằng cách nào mà tất cả những đau khổ của bạn đến từ “cái tôi,” và đó là lý do tại sao đạo Phật luôn luôn dạy rằng các phóng chiếu của cái tôi mang tính phá hoại rất mãnh liệt.
Trong thiền định tánh Không bạn lắng nghe được cái bên trong sâu xa của bạn, bạn vượt lên trên các khởi niệm nhân tạo, bạn trở nên tĩnh lặng an bình và chạm vào sự thật uyên nguyên của con người bạn. Do đó thiền định tánh Không cắt đứt tất cả các ý niệm làm bạn đau khổ, đặc biệt cái ý tưởng rằng dù gì thì bạn cũng thường hằng và bẩm sinh tự hiện hữu. Nếu các loại tin tưởng sai lầm này không được cắt đứt mà chỉ bị đè nén thôi thì các triệu chứng do sự lầm tin mà sanh ra sẽ tiếp tục quay trở lại. Bạn có thể có khả năng kiểm soát được một loại đau khổ nhưng loại khổ đau khác sẽ xuất hiện.
Dù bạn có trì chú tánh Không hay không, thì điều kiện tiên quyết là bạn phải thấy rằng hình ảnh tự thân mình do từ sự thương mình, cái tự thân đó không hiện hữu. Tôi có thể giải thích điều này bằng những thuật ngữ giáo lý sâu sắc nhưng tôi thích giải thích về nó một cách đơn giản hơn. Hãy suy nghĩ lại về một năm trước, ở thời điểm mà bạn đang ôm giữ cái “Tôi là người thế này” và bạn so sánh với cái “Tôi là người thế này” mà bạn đang ôm nó vào hôm nay. Cái “Tôi” bạn cảm nhận đó đã thay đổi hết, hay không thay đổi ? Nếu bạn phân tích kỹ lưỡng sẽ thấy được rằng mặc dầu sự việc đã thay đổi, nhưng cái “Tôi” bạn cảm nhận hôm nay vẫn giống hệt như cái “Tôi” bạn cảm nhận cách đây một năm. Bạn tự thấy sự cảm nhận này thật sai lầm biết bao, ở cả hai mặt tương đối và tuyệt đối.
Tất cả các hiện tượng đang thay đổi theo từng sát na – như vậy nhất định không thể nào cái “Tôi” của chúng ta cố định, bất di bất dịch được. Khi bạn nhận ra được sự “vô-minh-ôm-giữ-cái-tôi” của bạn đã đang bám chặt như thế nào với sự tin tưởng, sự tự đồng nhất hóa bản thân một cách vô lý ví dụ như sự vô minh cho rằng cái “tôi” của bạn mười năm trước vẫn còn đây bây giờ, thì bạn sẽ bật cười rằng mình đã quá mê lầm, quá ảo tưởng, bị dối gạt biết bao nhiêu. Đức Phật luôn dạy rằng chúng ta bị lừa dối, chúng ta đang ảo tưởng. Bị lừa dối đồng nghĩa với việc ôm giữ các quan niệm ảo tưởng vô lý, lố bịch. Mặc dù bạn đã và đang thiền định được hai mươi hay ba mươi năm nhưng nếu sự thiền định đã không bắt đầu lay chuyển “cái tôi” của bạn và không phá hủy được các ý tưởng này thì bạn đã không thiền định một cách đúng đắn, thích hợp. Sự tự đồng nhất hóa cái tôi của bạn càng cực đoan, cái tôi của bạn xuất hiện càng cứng chắc hơn và bạn càng bị cột dính vào nó hơn. Nhưng khi bạn làm lung lay tận gốc cái tôi của bạn thì bạn sẽ tạo ra một cuộc động đất gây cho núi Meru (Núi Tudi) của mạn đà la sanh tử của bạn bị bể thành từng mảnh vụn.
Giáo lý của đức Phật về sự thật vũ trụ thì thật sâu sắc. Giáo lý đó chỉ cho loài người cách tốt nhất để trở lại khỏe mạnh. Giáo lý đó phá nát tất cả mọi quan niệm, làm vỡ tan mọi ảo tưởng. Thậm chí Đức Phật đã nói rằng nếu bạn ôm giữ một khái niệm cố định về Ngài thì bạn cũng bị mắc bẫy. Ngày nay những người theo đuổi tâm linh, bị cái tôi của họ khống chế, đã bám chặt vào các vị guru tự-hiện-hữu-như-một-cái-tôi của họ, nói rằng : “Con yêu thương Thầy, Thầy là một vị guru tuyệt vời. Thầy có thương con không ? Thầy phải như vầy.” Nếu có đệ tử nào đã nghĩ như vậy thì Đức Phật cũng không chấp nhận đâu. Đức Phật không muốn ai bám chặt Ngài cũng như giáo lý của Ngài. Nếu bạn bị mắc dính vào thậm chí là con đường ba la mật – hay con đường mật thừa thì bạn cũng bị sập bẫy, mê muội. Bạn không khỏe mạnh. Bạn không nên bám dính vào mọi sự – không có một ngoại lệ nào. Bạn không nên bám víu vào các hiện tượng luân hồi sanh tử, bạn không nên bám víu vào Pháp. Đó là toa thuốc của Đức Phật để có được “sức khỏe” hoàn hảo.
Ngày nay nhiều guru dường như bị dính mắc vào các đệ tử và họ muốn các đệ tử dính mắc vào họ. Điều này hoàn toàn sai lầm. Rất có hại cho sự mạnh khỏe của đệ tử nếu họ bị dính mắc hoặc vào thầy họ hoặc vào con đường đạo của họ. Đức Phật muốn bạn được “khỏe mạnh,” hạnh phúc mãi mãi, thoát khỏi mọi ý niệm, học thuyết, thoát khỏi mọi sự nô lệ. Do đó, bạn phải nhận ra rằng mọi ý niệm quan điểm về “cái tôi” của bạn trong quá khứ mà ngay giờ đây bạn đang ôm giữ đều sai lầm và bạn đập bể các quan điểm đó. Trong bóng tối vô minh bạn bị lừa dối bởi điệu múa cám dỗ của các đối tượng của năm giác quan. Nhưng khi bạn nhận ra được cách thức cái tôi của bạn lừa bịp bạn thì cái tôi đó sẽ không còn lừa bạn được nữa. Nếu bạn thực sự hiểu điều này thì bạn hiểu được tánh Không.
Mật chú tánh Không uyên thâm nói cho bạn biết rằng bản tánh chân thật của chính bạn và của các hiện tượng khác đều là một. Nhưng cái tôi của bạn chia cách, tách rời và phân loại mọi thứ sao cho bạn không bao giờ có thể thực sự gần gũi với bất kỳ sự vật gì. Thậm chí sau cả một đời sống bên nhau, vợ chồng cũng không thực sự gần gũi, và họ không hiểu được nhau bởi vì cái tôi của họ đã giữ mỗi người tách biệt ra nhau.
Mật chú (tánh Không) khẳng định rằng trong thực tại tất cả hiện tượng hiện hữu đều là một và là “HAM,” “Tôi là như vậy.” Rốt ráo bạn là thanh tịnh, tinh sạch, là một với tất cả hiện hữu, do đó, phát sanh sự hãnh diện thiêng liêng. Khi bạn kinh nghiệm được tánh Không, bạn trở nên là một với tất cả mọi hiện tượng, không tách rời, giống như sữa đổ vào sữa. Khi bạn nhận ra được tánh Không thì tâm nhị nguyên của bạn biến mất. Nó được gọi là nhị nguyên bởi vì nó chia mọi thứ ra làm hai – chẳng hạn là “tôi” và “anh.” Khi bạn chứng ngộ được bản tánh rốt ráo của bạn và của tôi thì sẽ không có sự khác biệt nào giữa chúng ta.
Con người trên thế gian đã đấu tranh dữ dội với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và đã tổ chức các cuộc biểu tình chính trị chống lại nó, đôi khi trong quá trình đấu tranh đã có người bị giết. Đối với quan điểm Phật giáo, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc sẽ tiếp tục hiện diện bao lâu mà tâm nhị nguyên phân biệt chưa bị nhổ tận gốc. Đến khi nào bạn khám phá được thực tại tối hậu, sự thống nhất của tất cả sự hiện hữu, còn thì mọi cuộc thảo luận về việc dẹp bỏ chế độ phân biệt chủng tộc chỉ là chuyện khôi hài. Đức Phật đã ban cho phương pháp hội nhập thống nhất rất hoàn chỉnh và thực tế mà chúng ta có thể kinh nghiệm được trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Cái tốt đẹp lớn lao của con người là ở chỗ chúng ta có thể vượt lên trên thế giới tương đối và kinh nghiệm được cái tuyệt đối.
“Tất cả trở thành vô tự tánh…” Cái tách bằng sọ người mà bạn quán tưởng ở đây không phải là một trong những đồ dùng nhỏ chúng ta dùng trong lễ puja. Nó phải rất to, càng lớn bao nhiêu càng tốt. Nó chứa năm thứ thịt và năm thứ cam lồ. Bạn đang ở trong sắc thân Vajrasattva. Từ chữ HUM ở tim bạn một tia sáng chiếu vào cái tách đun nóng những thứ ở trong đó và làm tan những thứ đó thành ra một đại dương bao la bằng cam lồ phúc lạc không bao giờ cạn kiệt.
Bất cứ khi nào bạn dâng lễ Tsok bạn phải nhận ra bản tánh phúc lạc của bất cứ thứ gì bạn dâng cúng. Chẳng hạn, cam bày ra trước mắt là cam nhưng trong tinh chất, nó là cam lồ phúc lạc. Và vị hóa thần mà bạn cúng dường lễ Tsok – trong trường hợp đang nói đây là ngài Vajrasattva – không nhai thức ăn như chúng ta ăn – thay vì vậy, ngài rút tinh chất của Tsok, tức là đại lạc – thông qua tia sáng mỏng mà ngài phát ra từ lưỡi. Bạn cũng vậy, bạn phải nhận biết tất cả các lễ vật cúng dường, và trên thực tế, tất cả thức ăn thức uống của bạn hàng ngày, đều ở trong bản chất đại lạc.
Rồi thì, đọc câu chú OM AH HUM HA HO HRI ba lần, bạn chú nguyện Tsok. “Lễ vật cúng dường tinh sạch này…” Việc đọc đoạn này giúp tâm bạn tránh khỏi việc kích thích những điều mê tín lầm lạc.
Đoạn một
Ở đây chúng ta dâng cúng Tsok với lời khẩn cầu phát triển bên trong ta đại lạc và trí huệ phát sanh đồng thời, con đường kim cương độc nhất vô nhị đưa tới giác ngộ.
Hãy đọc mật chú Hekura Vajrasattva một lần sau mỗi đoạn. Nếu bạn đọc mật chú đó một cách rõ ràng, đều đặn (âm độ ngang nhau) với một tốc độ đúng thì bạn sẽ tịnh hóa hàng triệu điều bất thiện trong các kiếp. Đôi khi bạn cảm thấy sự xấu xa đè bạn nặng đến nỗi bạn không thể nhúc nhích được, bạn cảm thấy như thể đang bị nhận chìm trong đại dương của các điều bất thiện. Và một khi bạn tự khẳng định là bạn cảm thấy nặng nề thì bạn thấy nặng nề thật. Giáo lý nhà Phật chỉ ra rằng hễ bạn tin là bạn tiêu cực thì bạn trở nên tiêu cực. Khi tôi phóng chiếu nhận xét rằng bạn đã vô hy vọng thì đối với tôi bạn biểu lộ là vô hy vọng. Chúng ta chớ suy nghĩ như vậy. Chúng ta có những phương pháp rất có oai lực để tịnh hóa ngay cả những điều tệ hại nghiêm trọng nhất – như phá bỏ giới nguyện kim cương. Kinh nghiệm của các đại hành giả du già cho biết rằng việc tu tập Vajrasattva có thể tịnh hóa tất cả các năng lực tiêu cực, xấu xa. Không có điều tiêu cực nào mà sự thiền định Vajrasattva không thể tịnh hóa. Việc bạn nhận thức được điều này là rất quan trọng. Bạn đã có sẵn một quan niệm rất tệ về bạn. Bạn đừng khiến cho nó tệ hơn nữa khi bạn theo đường đạo. Như vậy rất sai lạc. Dĩ nhiên, bạn phải nhận ra những khiếm khuyết của bạn nhưng đồng thời bạn phải tự cho mình một nguồn cảm hứng bằng cách luôn luôn nhớ rằng tiềm năng của bạn là một vị Phật.
Đoạn hai
Bằng cách nào mà chúng ta làm cho sự tái sanh kiếp người quý báu của chúng ta trở nên vô dụng ? Bằng cách bám chặt vào những thú vui với các đối tượng của năm giác quan. Tại sao vậy ? Bởi vì các thức giác quan của chúng ta đang gây ra ảo tưởng. Chúng ta phải tịnh hóa cái thấy nhị nguyên bất tịnh của chúng. Chúng ta quá lo lắng về sự an ninh của chỉ kiếp nầy thôi. Chẳng hạn, bạn hãy quan sát chuyện gì xảy ra khi bạn bay tới Ấn Độ để tham dự lễ hội Phật pháp. Lòng bạn tràn đầy các ý định tốt đẹp nhưng khi bạn tới nơi bạn thấy khó chịu bực bội vì không có thức ăn ngon, trà hay cà phê thơm. Dĩ nhiên bạn phải bảo đảm sức khỏe của mình, nhưng khi sự việc đưa tới, các tiện nghi cuộc sống không được như ý sẽ bị xáo trộn, làm bạn lo lắng. Bạn nói bạn muốn giải thoát, giác ngộ và muốn giúp đỡ người khác, nhưng trên thực tế, tâm bạn hoàn toàn bị ám ảnh, không ngừng nghĩ tới những thú vui riêng đã tính trước và không nên có. Việc lo nghĩ quá đáng như vậy đối với sự sung sướng cho cuộc sống này thôi, phải được loại bỏ đi, vì nó chỉ làm cho bạn càng ngày càng chật hẹp thêm. Thật hoàn toàn không đúng khi tin rằng sự sung sướng của cuộc đời này là tất cả và cần phải nỗ lực vì nó.
Sinh viên đặt một nỗ lực lớn lao vào việc học hành tận lực sao cho họ có thể qua được kỳ thi và xin được việc làm. Họ có thể hưởng thụ những thứ vui khác nữa ngoài mục đích trong khi đang học nhưng đó chỉ là những thú vui phụ so với mục đích chính của họ. Họ không cho phép những thứ vui nhỏ cản trở không cho họ đạt được mục đích chính. Cũng y như vậy, bạn là người đang tìm kiếm mục đích tối thượng là sự thỏa mãn vĩnh cửu bất diệt, bạn phải nên cương quyết toàn lực hiến dâng cho mục đích đó và sẵn sàng hy sinh tiện nghi của cuộc sống này cho sự bất diệt đó. Nếu bạn không hy sinh sự gắn bó vào thú vui luân hồi sanh tử thì bạn không thể có được sự giải thoát. Cũng vậy, khi bạn quyết định dứt khoát là nỗ lực cho sự giải thoát, và biết rằng sẽ có những sự hy sinh cần phải làm, bạn sẽ kinh nghiệm được một loại hỷ lạc bất cứ khi nào bạn đương đầu với các chướng ngại. Tất cả những sự xung đột và đau khổ thuộc “cái tôi” đều đến từ chất độc của sự bám chặt vào những ý niệm và những hình tướng bình thường phàm tục. Khi chúng ta dâng cúng lễ Tsok với đoạn này, chúng ta khẩn cầu ban phước gia hộ để chúng ta có khả năng từ bỏ sự bám chặt đó.
 
Đoạn ba
Đoạn này chỉ cho thấy bằng cách nào bạn đã tạo ra nghiệp xấu và tăng thêm vào các ảo tưởng lầm lạc của bạn. Sự quan tâm không đúng chỗ – mà bản chất của nó là mê tín – sẽ tạo ra thêm mê tín. Khi hành động chịu sự chia phối của mê lầm bạn sẽ tạo ra nghiệp xấu. Tất cả sự việc này giống như một cái mền dầy bao trùm tâm bạn và cùng với con ma của cái thấy nhị nguyên và bất tịnh ; vâng, tất cả phải được tịnh hóa.
Ở đây chúng ta khẩn cầu sự gia hộ để triển khai sự từ bỏ luân hồi sanh tử một cách hoàn toàn trong lòng chúng ta. Để đạt được sự buông bỏ thật sự, nếu chỉ có việc ghét luân hồi sanh tử thì chưa đủ. Bạn còn cần phải dò xét xem bằng cách nào mà sự quan tâm không đúng chỗ đã phát sanh mê tín – loại nhiên liệu cho ngọn lửa sanh tử này. Sự quan tâm không đúng chỗ và có tính nhị nguyên này cần phải được tịnh hóa. Bấy giờ bạn mới có thể phát triển sự từ  bỏ.
Một số tăng ni dường như nghĩ rằng họ đã trở thành A la hán ngay lúc họ xuất gia thọ giới. Bạn không thể trở thành A la hán trong một ngày. Một số người tục gia dường như cũng nghĩ rằng các tăng ni phải là A la hán, nên những người tu tại gia phê phán các tăng ni khi họ làm những điều sai trái : “Ồ ! Hãy trông các ông tăng kia, các ông ấy đâu có tốt hơn tôi !” Rất dễ khi phê bình tăng đoàn. Thậm chí bạn có thể phê phán Phật : “Vị ấy đã rất ích kỷ, ông ta đã bỏ đi một mình để thiền định trong sáu năm.” Tôi không tin là sự buông bỏ của các tăng ni nhất thiết phải tốt hơn sự buông bỏ của các người tục gia. Nhưng ít nhất tăng ni đã nhận ra được họ cần làm gì để vượt qua các chướng ngại luân hồi sanh tử của họ và họ đang cố gắng phát triển sự buông bỏ. Đó là điều đúng đắn để làm. Họ chưa chắc là A la hán nhưng họ đang làm điều tốt nhất mà họ có thể làm.
Từ sự nghiên cứu các giáo lý trung đạo trong “con đường có thứ bậc đưa tới giác ngộ” (lam-rim) – trong đó có giải thích các nguyên nhân của luân hồi sanh tử và làm sao để thoát khỏi nó – bạn đã biết là rất khó để đạt được sự buông bỏ trọn vẹn. Chúng ta có khó khăn khi buông bỏ luân hồi sanh tử bởi vì các điều mê lầm của chúng ta càng ngày càng tạo ra thêm nghiệp, và do kết quả đó, tấm màn che phủ trở nên càng ngày càng dầy hơn. Do đó, chúng ta khẩn cầu Guru Vajrasattva giúp đỡ chúng ta tịnh hóa tất cả điều đó.
Đoạn bốn
Từ giáo lý trong kinh điển bạn cũng biết rằng bằng cách nào mà cái tâm tự thương mình – cái tâm nhị nguyên đó – chính là cơ sở của tất cả khổ đau và các điều xấu ác. Chúng ta dâng lễ cúng dường này để tịnh hóa sự tự thương xót mình và để phát sanh Bồ đề tâm toàn thiện nhất trong tim chúng ta.
 
Đoạn năm
Tất cả các hiện tượng đều được dán nhãn – được đặt tên – bởi sự mê tín lầm lạc ; và do kết quả đó, các hiện tượng đó hiện hữu. Nhưng tâm mê tín của chúng ta không chịu để cho hiện tượng đó được ở đúng trạng thái của nó. Chẳng hạn khi chúng ta trông thấy một đối tượng đẹp, nó hiện diện như một đối tượng đẹp chỉ như là một phóng chiếu của tâm mê lầm của bạn. Bạn không để cho nó y như chính nó, bạn cố làm cho cái đẹp của nó thành cụ thể, tự hiện hữu, đặc biệt. Thêm một lần nữa, đây là cái thấy nhị nguyên và phải được tịnh hóa. Do đó, chúng ta dâng lễ cúng dường này, cầu xin sao cho chúng ta chứng ngộ được mahamudra, đại ấn của tánh Không.
Đoạn sáu
Trong cuộc sống ngay khi tôi vừa xem người khác là thường tục và gây khó chịu, thì các vấn đề của tôi nổi lên. Tôi bắt đầu thiếu kính trọng họ, xem thường họ. Tất cả điều này nổi lên từ những ý niệm tầm thường, từ tâm mê tín của tôi. Theo giáo lý Kim Cương thừa, có đến tám mươi sự mê lầm, một số thuộc dạng thô, còn lại là vi tế. Tất cả các sự mê lầm đó cần được tịnh hóa. Chúng ta cần phải tịnh hóa cái thấy biết nhị nguyên bất tịnh nó giống như một cơn giông mạnh làm cho máy bay rớt và nó phá hủy nhà cửa tài sản. Do đó, chúng ta cúng dường lễ Tsok cam lồ – mà bản chất của nó là bản chất trí huệ của Ngũ Trí Như Lai. Chúng ta dâng lễ này cho Guru Vajrasattva khẩn cầu Ngài gia hộ cho bốn lễ quán đảnh hiện thực.
Tại sao chúng ta khẩn cầu thêm các lễ quán đảnh khi chúng ta đã nhận được nhiều lễ rồi ? Thực ra, vấn đề ở chỗ là : chúng ta đã thực sự nhận được lễ quán đảnh nào chưa ? Rất gian nan để nhận được một lễ quán đảnh thực sự. Nó không phải là một cái gì đó như bạn nhận từ một vị Lama một cách đơn giản. Theo quan điểm tôi – và tôi hy vọng là không quá cực đoan – trong một lễ quán đảnh, người đệ tử quan trọng hơn vị thầy (guru).
Mặc dầu tôi nói rất khó nhận được bốn lễ quán đảnh đúng thực tôi không có ý nói rằng nhất định bạn chẳng nhận được gì. Sự quán đảnh mà bạn nhận được sẽ được xác định bởi mức độ hiểu biết của bạn. Trong một nhóm hai trăm người tụ hợp lại cũng không có lấy được hai người có cùng một kinh nghiệm y nhau. Và mặc dầu vị lama ban bốn lễ quán đảnh, rất có thể chẳng ai nhận được cả bốn lễ đó. Một số người có thể cảm thấy rằng họ đã không nhận được gì, họ hỏi bạn bè “Có phải tôi đã nhận được lễ quán đảnh không ?” Đó là việc mà tự bạn phải thẩm định lấy, không ai khác có thể nói cho bạn là bạn đã nhận được cái gì. Tuy nhiên, rất hiếm hoi có được một người thật sự nhận được bốn lễ quán đảnh.
Cũng vậy, mức độ mà bạn nhận dược lễ quán đảnh tùy thuộc vào vị hóa thần liên hệ và những điều kiện của buổi lễ. Bạn có một mối quan hệ nghiệp báo rất mạnh với một số vị Hóa thần và có thể yếu hơn với các vị kia. Và tôi nói rằng các điều kiện sẽ ảnh hưởng tới kinh nghiệm của bạn vì tôi đang nói tới sự quán đảnh tương đối chứ không tuyệt đối. Do đó, kinh nghiệm của bạn có khác nhau.
Điều chủ yếu đối với bạn là nâng tâm thức mình khỏi những ý niệm chấp tướng cụ thể bình thường hàng ngày. Ít nhất nếu bạn có thể làm được như vậy thì bạn đang tinh tấn. Người ta đa phần không bao giờ tự đặt mình vào một tình huống để họ có thể thiền định, hay được nhạy cảm hay tỉnh giác. Nếu sự tham dự vào lễ quán đảnh sẽ cho bạn một cơ may để làm được như vậy thì bạn nên lợi dụng tối đa tình huống đó. Bạn không phải tìm kiếm kinh nghiệm thật đặc biệt. Trong thế kỷ hai mươi này, có thể nói là đủ nếu bạn chỉ cần cố gắng kinh nghiệm được sự tĩnh lặng, phúc lạc và sự siêu việt. Tại sao tôi nói sẽ coi là đủ nếu chỉ cố gắng ? Hãy chỉ quan sát so sánh cuộc sống bạn có hàng ngày trong cái ổ sanh tử này với những gì bạn đang làm ở lễ quán đảnh. Ăn uống, nhảy đầm không bao giờ có thể so sánh được với việc cố gắng phát triển tâm thức.
Một số người nói rằng : “Tôi đã nhận được quán đảnh này còn bạn thì không.” Tôi không tin vào loại tự cao tự đại này. Những người Tây Tạng, những người Tây phương, trong số họ có ai có thể nói là ông nào bà nào đã nhận được sự quán đảnh nào ? Chỉ có chính cá nhân đó có thể nói đã nhận hay chưa nhận quán đảnh. Bạn không thể xác định việc này cho người khác. Đó là lý do tại sao tôi thường cho phép những người thành khẩn đến lễ quán đảnh. Tôi không thể nói được tâm linh của người nào đó là cao hay thấp. Tôi cũng không thể nói quán đảnh sẽ có lợi cho họ hay không. Hãy thận trọng. Cứ cho là bạn chứa sẵn một ý nghĩ tự cao là bạn đã nhận được lễ quán đảnh này hay lễ quán đảnh nọ, nhưng bạn có thể chắc chắn không ? Bạn có thể đỏ cả mặt ở đó khi lễ quán đảnh được tổ chức, nhưng có lẽ bạn chẳng nhận được gì.
Nếu bạn đi tới lễ quán đảnh với một thái độ đúng đắn và với một tâm mở rộng, tôi bảo đảm rằng bạn sẽ nhận được một sự rung động đặc biệt. Như vậy là đủ. Bạn không cần phải có một tri thức siêu đẳng và hỏi : “Tại sao tôi làm điều này ? Nó có tác dụng như thế nào ? Tất cả mấy công chuyện này của người Tây Tạng để làm gì ? Tôi sẽ không tham dự lễ quán đảnh cho đến khi nào tôi hiểu biết tất cả những việc này.” Thật là vô nghĩa.
Đoạn bảy
Chúng ta phá bỏ giới nguyện và các việc cam kết thực hiện một cách có ý thức hay không có ý thức do ta không kiểm soát được ; việc phá bỏ này bị xui khiến thúc đẩy bởi một sức lực giống như cơn bão thịnh nộ. Chúng ta thấy quá khó tự kiềm chế mình để khỏi vi phạm. Tôi cho rằng trong mức độ nhất định nào đó thì người nào tự tin rằng mình trong sạch thánh thiện có thể bất thiện hơn những người nhận ra được mức độ bất tịnh họ phạm phải. Người trước sẽ không bao giờ nỗ lực tịnh hóa bản thân như lạy sám hối, ẩn cư nhập thất… trong khi người sau sẽ tu tập mãnh liệt để tịnh hóa tâm họ. Các điều bất thiện đổ ập tới mà không kiềm chế được, sự phá bỏ các giới nguyện cam kết, cảm giác bị bất tịnh và cái thấy không thật huyễn hóa về kết quả, những địa ngục Vajra, tất cả đều là nhị nguyên và phải được tịnh hóa. Chúng ta cúng dường lễ Tsok với lời khẩn cầu được gia hộ để thấy biết độc nhất sự thanh tịnh.
18
HERUKA VAJRASATTVA TSOK :
BÀI GIẢNG THỨ HAI
Tôi đã viết một bản văn ngắn có đầu đề : “Một bữa tiệc của vòng đại lạc với những lễ vật tinh khiết dâng cúng : Thuốc giải độc cho Địa ngục Vajra,” bởi vì tôi đã nghĩ rằng chúng ta cần một phương pháp mãnh liệt để tịnh hóa các điều bất thiện tiêu cực của chúng ta, và tôi cũng nghĩ rằng đây là phương pháp tốt để tịnh hóa. Cho dù bản văn ngắn nhưng nó bao gồm toàn bộ con đường có thứ bậc (lam-rim – tiệm đạo), bắt đầu với phần buông bỏ cho đến phần kinh nghiệm Kim Cương thừa về giác ngộ.
Trong các giáo lý như Guru Puja phần cúng dường được thực hiện trước nhất và phần tóm lược con đường thứ bậc đưa đến giác ngộ tiếp theo đến lúc chót. Ở đây tôi đã cố bao gồm các chủ đề của con đường có thứ bậc vào trong các đoạn dâng lễ Tsok. Mỗi đoạn chứa đựng một chủ đề “lam-rim” bởi vì tôi cho rằng cách này là cách trực tiếp hơn để giao tiếp thông tin những gì mà cuộc sống chúng ta bị thiếu, những gì làm hủy hoại cuộc sống và bằng cách nào để chúng ta có thể làm cho cuộc sống tốt hơn. Chúng ta bắt đầu với “guru goya” rồi tiếp tới chủ đề sự tái sanh thân người quý báu, đến chủ đề tính vô thường và sự chết, sự buông bỏ, phát Bồ đề tâm, tánh Không và Kim Cương thừa.
Các đệ tử phương Tây đang tu tập Pháp cũng đã thực hành rất nhiều lễ Puja như Guru Puja, Tara puja, Jor-choš, và vân vân, cho nên tôi nghĩ rằng tôi sẽ viết về một Puja mới mẻ để họ thực hiện khi họ thấy nhàm chán với các puja khác, nhưng không phải chỉ có thế. Bởi vì các Puja thường lệ khá dài và trong thế giới ngày nay chúng ta luôn thiếu thời giờ nên tôi giữ cho Puja này được ngắn gọn. Việc ấy cũng dễ làm, và nó hoàn tất nhanh chóng. Dù sao nó là một sản phẩm của sáng tạo ngoại lệ của riêng tôi.
Bây giờ, thuật ngữ “Địa ngục Kim Cương” (Vajra Hells) có nghĩa gì ? “Vajra – Kim Cương” có nghĩa tương đối hoặc tuyệt đối, ở đây tôi đề cập tới Vajra tương đối như trong chày Kim Cương và chuông – các đạo cụ Kim Cương thừa mà chúng ta sử dụng. Từ “Kim Cương” có nghĩa không bị hủy diệt, giống như chất kim cương. Kim cương cứng chắc hơn hầu hết các vật liệu khác ; nên rất khó đập bể kim cương. Đó là nghĩa bao hàm của từ Varja. Rất có thể có một thế giới bất hạnh tồn tại mãi, không hủy diệt được ? Ồ ! Điều đó là một kiểu nói phóng túng thơ văn, một sự phóng đại chút đỉnh. Không có một cái gì như thế được coi là một hiện tượng thường hằng không thể thay đổi. Tuy nhiên khi bạn bị cực khổ bất hạnh trong một thời gian lâu bạn có thể cảm thấy : “Tôi không bao giờ có thể vượt qua được sự cực khổ này.” Đối với đa số trong chúng ta, sự tuyệt vọng – suy sụp tinh thần – chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ, nhưng có người chịu đựng sự suy sụp này suốt cả cuộc đời. Họ chắc chắn cảm thấy sự bất hạnh của họ không thể kết thúc được. Đó là một kinh nghiệm : “địa ngục kim cương.” Dù gì thì “địa ngục kim cương” chỉ là một cách nói mà thôi, bạn không thể hiểu theo nghĩa đen của từ ngữ này.
Phước điền
Thông thưòng khi chúng ta dâng lễ vật cúng dường, chúng ta quán tưởng đối tượng mà chúng ta dâng lễ, trong phép thực hành này đối tượng dâng lễ là ngài Guru Vajrasattva. Chúng ta cũng quán tưởng và thiền định về mạn đà la Vajrasttva, ở đó Guru Vajrasattva trú ngụ.
Hai dòng đầu của đoạn này nói về phẩm chất của sự quán tưởng bạn thực hành. (Xin trích ra từ phần phụ lục : De-tong nyi-su me-paši nam-rošl-laš, Jung-waši Dor-je Sem-paši zhašl-yaš-Kang). Đó là sự chuyển hóa của ánh sáng. De có nghĩa là niềm phúc lạc, tong có nghĩa thực tại tánh Không của vũ trụ ; nyi-su là không có thực thể nhị nguyên. Mạn đà la Vajrasattva thể hiện từ một hình tướng có những phẩm chất như vậy. Điều này thực sự hoàn toàn thâm diệu. Các đệ tử cũ học đạo lâu có thể hiểu điều này, nhưng các đệ tử mới mẻ, đông đảo tham gia rất có thể sẽ thấy nó như một giấc mơ thoáng qua, một loại ý niệm mới và trống rỗng.
Về cơ bản, tất cả chúng ta có một quan niệm hạn hẹp về bản tánh của chính mình và bản tánh thế giới mà chúng ta đang sống. Thêm vào dó chúng ta đặt để một phóng chiếu phóng đại lên trên mặt quan niệm hạn hẹp sẵn có của chúng ta về thực tại. Chúng ta không thâm nhập vào trong tâm của thực tại và thậm chí chúng ta cũng không chạm được vào thực tại của mặt đất mà chúng ta đang đứng. Đó là vấn đề của con người. Chúng ta không có được cái thấy hiểu sâu sắc thực tại bên trong lẫn bên ngoài của mình.
Chúng ta luôn nói rằng chúng ta muốn cải thiện phẩm chất của cuộc sống, muốn có một cuộc sống có ý nghĩa, hạnh phúc, sâu sắc và hoan hỷ. Chúng ta dùng tất cả những loại từ ngữ để mô tả một cuộc sống hoàn chỉnh mà chúng ta muốn có. Để dẫn tới một cuộc sống hoàn chỉnh, toàn thiện, bạn phải hiểu được bằng cách nào bạn sẽ thấy được cả hai : bản tánh của riêng bạn và bản tánh của hiện tượng bên ngoài. Việc bạn có thể làm được như vậy hay không sẽ quyết định cuộc sống của bạn sẽ hạnh phúc hay không.
Một mạn đà la là một cái thấy về một thế giới toàn diện hoàn chỉnh trong đó bạn nhận ra bản tánh nền tảng mà không có sự phóng chiếu nhân tạo, không có ảo tưởng. Rồi, bạn có sự linh hoạt, sống động, một sự lựa chọn tự do nào đó. Những thành kiến và sự ôm giữ quan điểm khái niệm có tính nhị nguyên về sự tự hiện hữu nội tại, đã làm cho cuộc sống của bạn vô vọng, không chịu đựng nổi. Khi bạn quán tưởng một mạn đà la, bạn thấy mọi thứ – bản thân mình và môi trường, mọi thứ chung quanh – trong bản tánh phúc lạc ; bạn chạm đến thực tại căn bản của tất cả mọi cái hiện hữu. Với loại nhận thức này, sự thấu biết này – bạn có thể loại bỏ sự thất vọng và những bất hạnh khác và do đó bạn hưởng thụ cuộc sống.
Rồi thì có thể nổi lên câu hỏi : “Làm sao thầy có thể nói rằng mọi thứ đều phúc lạc.” Tôi được phúc lạc, hoa lá phúc lạc, bạn bè tôi phúc lạc ? Có những việc rất bất hạnh, làm sao thầy nói những việc đó có thể được chuyển hóa thành ra các đối tượng phúc lạc ?”
Khi bạn chạm đến bản tánh căn bản, thực tại tối thượng của bất kỳ hiện tượng nào, thì có lạc thú. Mọi thứ hiện hữu đều có khả năng mang lạc thú vào tâm bạn. Nhưng tự bạn quá chật hẹp. Tâm bạn có những mối ám ảnh tâm thần như là : “Tôi chỉ thích những thứ có màu tím than.” Đối với bạn chỉ có những thứ gì màu tím than là đẹp. Kiểu suy nghĩ này kém thực tế, nhị nguyên, tâm thần, chỉ làm cho bạn gặp khốn khổ. Nhưng đó là những gì chúng ta làm suốt cả đời người, phải không ? Hãy rà soát lại những gì mà tâm của bạn cho là đẹp. Cái đẹp chân thật thì ở khắp mọi nơi. California không phải là nơi duy nhất có sự vui thú và môi trường hấp dẫn. Mọi nơi đều có cái đẹp riêng nó.
Bạn có thể thấy rằng khả năng ban tặng phúc lạc của một đối tượng không tùy thuộc vào chính bản thân đối tượng đó. Theo quan điểm khoa học, mọi đối tượng có một thứ thực tại chung, một bản chất căn bản được san sẻ. Cái bản chất chân thật này là cái thực sự đẹp. Đây là cái thực sự ban tặng cho bạn sự thỏa mãn.
Cách chúng ta giải thích cái đẹp của một đối tượng bằng hình dạng, màu sắc, vân vân – thì quá ư tương đối, quá ước lệ. Cái đẹp như vậy giống như một thứ ba phải, cơ hội : buổi sáng tôi thấy một đối tượng đặc biệt nào đó, tôi cho là đẹp, buổi chiều hôm đó nó có vẻ xấu đi. Tự mình thất thường, lên xuống. Đó là rắc rối chính. Chúng ta cần có một cái nhìn rộng rãi về cái gì đã tạo nên một đối tượng phúc lạc.
Về phương diện triết học và tâm lý học của Kim Cương thừa, khi bạn có được trí huệ phúc lạc hiểu thấu được bản tánh căn bản hay thực tại chân thật của tất cả những gì hiện hữu thì mọi sự sẽ biểu hiện thành ra đối tượng phúc lạc. Nhưng nếu bạn không có trí huệ đó, thì riêng bản thân đối tượng không thể làm cho bạn có được phúc lạc. Kinh nghiệm loài người đã cho thấy điều này đúng. Khi bạn đang đau khổ, thất vọng, bất cứ cái gì bạn trông thấy đều không thể làm bạn hạnh phúc. Khi bạn đang bị suy sụp tinh thần kinh khủng nếu tôi đưa bạn xem một món đồ đẹp thì liệu nó có làm cho bạn vui sướng được không ? Không. Không có một năng lực từ tính nào như vậy. Thông thường thì đối tượng và chủ thể thu hút với nhau để phát sanh ra một bầu không khí lạc thú hay khổ đau. Các phẩm chất của cuộc sống không đến từ bên ngoài mà đến từ mức độ thỏa mãn của bạn. Nếu bạn có phẩm tính giàu có sung mãn ở trong bạn thì mọi thứ bên ngoài sẽ làm bạn hài lòng.
Một cuộc sống gia đình hạnh phúc, hài lòng sẽ đến từ tâm của con người chứ không từ những sở hữu vật chất. Bạn có thể thấy được làm sao mà cuộc sống nhiều gia đình giàu có ở Mỹ lại bất hạnh hơn những người nghèo. Có lẽ các bạn sẽ không công nhận điều này bởi vì bạn ở bên nước Mỹ. Nhưng tôi không có ý định thảo luận công chuyện ở Mỹ vì tôi là người nước ngoài. Tôi không có công việc gì đặc biệt ở đây. Tôi chỉ đến tham quan. Có lẽ tôi hơi khắt khe vì tôi không có gì liên hệ với lối sống của Mỹ. Nếu tôi đã sống lối Mỹ, ắt hẳn tôi không để ý thấy được những gì mà giờ đây tôi thấy.
Nếu bạn sanh ra trong xã hội này (xã hội Mỹ) thì rất khó nhận ra rằng các sở hữu vật chất không mang lại hạnh phúc bởi vì sự quan tâm nổi bật nhất của dân Mỹ là bằng cách thức nào để sự giàu có mang lại hạnh phúc. Tuy nhiên, thái độ này hoàn toàn đi ngược lại sự thật. Rủi thay, xã hội Mỹ xây dựng trên tiền đề sai lầm này nên các bạn phải giải quyết việc đó.
Sự thỏa mãn chân thật đến từ bên trong bạn. Điều này không có nghĩa rằng bạn phải từ bỏ những lạc thú của người Mỹ. Nhưng những lạc thú kiểu Mỹ đó có làm cho bạn lạc thú hay không là tùy thuộc vào tâm bạn. Những lạc thú đó có thể làm cho bạn khổ đau, bất hạnh, nếu có như vậy là do lỗi của chính bạn chứ không phải do xã hội Mỹ.
Thái độ của Phật tử là : “Tôi có trách nhiệm với phẩm chất của cuộc sống của tôi. Tôi có trách nhiệm với sự thỏa mãn của riêng tôi.” Bạn không thể đổ tội cho cha mẹ bạn, cho chồng hay vợ. Cái kiểu đổ lỗi như vậy, không bao giờ chấm dứt. Nó không có chỗ dứt bởi vì nó không hợp luận lý và không thể giải quyết được vấn đề. Các người chủ trương duy vật hay tư bản đã có những tư tưởng sai lầm không thể ngờ được. Theo quan điểm Phật giáo, những tư tưởng sai lầm là nguyên nhân chính của khổ đau.
Tư tưởng sai tạo ra nghiệp bất thiện, nó đưa tới khổ đau. Về cơ bản, tư tưởng sai lệch là gì ? Chẳng hạn, cách suy nghĩ : “sự vui thích và sự thành công của tôi tùy thuộc vào những người khác” hay “một mức-sống-cao-hơn và các sở hữu vật chất nhiều hơn sẽ mang lại sự thỏa mãn cho tôi” hay “các đối tượng vật chất là tất cả những gì tôi cần có cho sự hạnh phúc của tôi.” Những ý tưởng như vậy hoàn toàn sai lệch. Nếu bạn biết cách suy nghĩ, bạn sẽ biết cách để tự mình hưởng thụ cuộc sống cho dù mức sống của bạn là cao hay trung bình hay thấp đi nữa cũng không thành vấn đề. Đây là điều quan trọng nhất.
Hãy quán tưởng rằng ở trước mặt của mạn đà la Vajra-sattva, toàn khắp không gian tràn ngập các đối tượng tuyệt vời của năm giác quan, các đối tượng đại lạc của các lễ vật cúng dường (của Samantabhadra : Phổ Hiền) như có nói trong câu số bốn của đoạn đầu. Trong sự tu hành của người Phật tử, các lễ vật được dâng để cúng dường không chỉ cho chư Phật, các chư Thánh, mà cũng cho tất cả chúng hữu tình nữa. Bạn phải nên nhận ra tính cách thiêng liêng bên trong những người khác như là : khả năng giác ngộ tiềm tàng hay “Phật-sẽ-thành” của họ. Trong Kim Cương thừa chúng ta chuyển hóa tất cả chúng sanh hữu tình thành ra các daka và dakini có hình tướng đại hoan hỷ và đẹp tuyệt trần. Trong không gian đại lạc bất nhị, các chúng hữu tình xuất hiện như là các daka và dakini trong nhiều hình tướng khác nhau : hoan hỷ, an bình, mãnh liệt, hung nộ ; một tổng thể đa dạng của các sự biểu lộ khác biệt nhưng hoàn toàn thống nhất. Chúng ta coi họ như là hiện thân của phương tiện và trí huệ được hợp nhất chứ không phải như là ngạ quỷ hay hình tướng thể hiện khổ đau. Nếu bạn quán tưởng những hình tướng trông vẻ đau khổ bạn sẽ tự mình cũng cảm thấy đau khổ – và như vậy dù gì cũng không thuận lợi.
Do đó, điều quan trọng là chuyển hóa bản chất đối tượng mà bạn quán tưởng thành ra đại lạc và nhận ra thực tại căn bản của đối tượng đó, và bằng cách đó bạn loại bỏ được tất cả các khởi niệm nhị nguyên. Bạn cũng quán tưởng và dâng cúng bất kỳ đối tượng giác quan nào. Về phương diện tâm lý, đa số chúng ta bị “câu móc” với những ý nghĩ hạn hẹp và đau khổ như là : “Ồ ! Tôi không đủ tiền để thực hiện chuyến đi nghỉ.” Chúng nghĩ như vậy ngay cả khi chúng ta có đủ tiền. Khi bạn đang thực hành pháp cúng dường lễ Tsok này, bạn nên quán tưởng các đối tượng nhiều vô hạn của các giác quan, quán tưởng chúng càng đẹp càng hỷ lạc càng tốt và không hề cạn kiệt, rồi dâng các lễ vật đó cho tất cả – chư Phật và chúng sanh hữu tình – mà không hề có sự phân biệt. Chúng ta cần loại tu hành này.
Thông thường chúng ta chỉ cho cái gì đấy cho người mà ta ưa thích và không cho người mà ta không ưa. Đấy là cách Tây phương. Ít ra thì ở Đông phương chúng tôi có nhiều, có thừa người ăn xin để giữ cho chúng tôi luôn có xu hướng bố thí cho người lạ. Những người dư tiền cho hàng ngàn “rupi” cho người nghèo. Họ không phải là bạn bè của người giàu, phải vậy không ? Chính môi trường hoàn cảnh khiến xui tạo ra việc bố thí như vầy. Nên có thể nói ở phương Đông chúng tôi có những điều tốt. Vài người nghĩ rằng ở thế giới thứ ba chúng tôi chẳng có gì để cho đi. Thậm chí họ cũng không có não trạng để làm giàu và được sung sướng.
Dĩ nhiên, nước Mỹ cũng có người nghèo nữa. Có nhiều người đói khổ suốt ngày lục lọi thùng rác của người khác và ăn những thứ mà người khác đã ném bỏ. Bạn có thể thấy việc này trên truyền hình và ở các thành phố lớn. Người giàu không cho người nghèo không phải vì họ không có gì để cho nhưng vì họ không thích người nghèo. Họ để cho người nghèo bị đói. Như vậy đấy, rõ ràng không phải tôi đang bàn tới chính trị hay tôn giáo ở đây. Thái độ này thật là tệ. Tâm ích kỷ chỉ bố thí cho người mà tâm đó thích chứ không cho những người mà nó không thích, bất chấp đến nhu cầu của người khác. Sự cần thiết cho riêng mình là điều quan trọng nhất, sau khi lo cho mình xong, chúng ta mới cho người khác. Đó là luân hồi sanh tử.
Chúng ta phải rèn luyện tâm ta trong việc bố thí vô tư và hào phóng. Nhưng bố thí không có nghĩa là chỉ việc trao tay một số tiền hay một cái gì. Đừng nghĩ rằng : “Bản thân tôi rất nghèo, làm sao tôi cho ai được ?” Sự bố thí chân thật là sự có được một thái độ bố thí. Và thái độ tiêu cực như “tôi không muốn bố thí” chính là sự không bố thí. Và đó là ích kỷ. Việc dâng lễ Tsok là một sự rèn luyện tuyệt vời để vượt qua được những thái độ như vậy. Trong việc dâng lễ Tsok, tất cả chúng sanh hữu tình đều là khách mời ở bữa tiệc dâng lễ của bạn, và bạn thực hiện buổi lễ cúng dường rộng khắp đến tất cả hữu tình. Việc rèn luyện tâm chúng ta theo cách này rất quan trọng nếu chúng ta muốn thành đạt trong con đường thực hành pháp và cả trong đời sống nữa.
Chú nguyện những lễ vật dâng cúng ở bên trong.
Bạn hãy nhớ rằng phương pháp cúng dường những lễ vật là để nhận ra bản tánh hay cách thức hiện hữu căn bản của bất cứ cái gì bạn đang cúng dường. Điều này áp dụng cho những lễ vật thực tế mà bạn đã đặt trên bàn thờ và cũng áp dụng cho những lễ vật đẹp lộng lẫy mà bạn quán tưởng và đầy ắp không gian.
Chủ đề rộng lớn về sự dâng cúng ở bên trong đã được giảng giải ở bài khác nên tôi không có ý bỏ nhiều thời giờ đề cập ở đây. Tuy nhiên, hãy lấy ví dụ, bạn đang dâng một chén trà. Hãy quán tưởng trong cùng không gian ở trên chén trà, các mẫu tự từ dưới lên trên : OM, AH, HUM. Ánh sáng trắng rực rỡ tỏa ra từ mẫu tự OM, chiếu ra mười phương không gian thu hút mãnh liệt các phẩm tính tối thượng của sắc thân của tất cả các đấng giác ngộ, những đấng đó có đại huệ, đại từ, đại bi và có đời sống hoan hỷ tuyệt trần. Các phẩm tính này quay trở lại chữ OM ở dạng ánh sáng và rồi chìm vào trong chữ OM đó. Chữ OM tan thành ra năng lực phúc lạc và tan vào trong trà.
Tia sáng đỏ phát ra từ chữ AH cầu gọi lời nói tinh sạch của các đấng Vô thượng ở mười phương. Tia sáng quay trở lại và chìm vào trong chữ AH rồi chữ AH tan thành ra năng lực ánh sáng phúc lạc và cũng hòa tan vào trong trà. Tương tự, tia sáng xanh tỏa ra từ chữ HUM mời gọi trí huệ, từ và bi thiêng liêng của các đấng Vô thượng ở mười phương. Các phẩm chất giác ngộ này quay trở lại chữ HUM trong dạng ánh sáng. Chữ HUM cũng tan vào trà.
Bạn có thể chú nguyện bất cứ cái gì bạn ăn, uống theo cách này. Với những thức ăn, thức uống mà bạn đã đặt tư tưởng chú nguyện tập trung vào trong các thức đó, thì năng lực sẽ giao tiếp và hòa hợp với hệ thần kinh của bạn. Có một kiểu hài hòa đồng bộ giữa hệ thần kinh vật lý của bạn và tâm thức của bạn.
Ở Tây phương chúng ta dùng (ăn uống) hầu như mọi thứ, cho dù có cái chúng ta chẳng hề quen. Chúng ta không tương giao được với những gì chúng ta ăn uống. Những thức ăn, uống đó khi vào hệ thần kinh chúng ta, có thể trở nên mang tính phá hoại. Nó có thể gây ra ung thư. Đó là chuyện thường xảy ra khi chúng ta chẳng để ý tới những gì chúng ta ăn, uống. Các bạn có thể khó tin điều này, nhưng thân thể chúng ta giống như một cái hoa, chứ không giống hòn đá hay bê tông. Bạn có tin rằng thân thể con người có đặc tính hữu cơ nhạy cảm như cái hoa không ? Khi bạn bón phân quá liều cho một cái hoa chuyện gì xảy ra ? Nó bị cháy, úa tàn ngay. Những sự vật hữu cơ cần sự quân bình, cân bằng. Tôi thật sự tin rằng ở phương Tây, ngoài sự suy hoại mối quan hệ giữa con người với nhau còn có sự suy hoại mối quan hệ giữa người với thực phẩm họ dùng và môi trường.
Có lẽ tôi không biết mình đang nói cái gì. Hẳn các bạn cho rằng một tăng sĩ “bạo phổi” như tôi rõ ràng là đang ngủ mơ khi cố gắng mô tả cuộc sống ở Mỹ. Vâng, tôi chỉ đùa chơi một ít, nhưng trong một chừng mực nào đó tôi cảm thấy rằng trong những quốc gia phát triển kỹ nghệ hiện đại, người ta không đánh giá cao sự quan trọng bản chất của thực phẩm. Họ chỉ việc ăn nhanh những gì để trước mặt họ. Nếu họ không thích một món nào đó họ sẽ lấy một món khác. “Không, tôi không thích cái này, mang đến cho tôi coca cola. Không mang đến cho tôi seven-up.” Mọi thứ loạn xạ lên. Điều này có thể làm cho cơ thể bị sốc ; hệ thần kinh của bạn không thích nghi được và sẽ la hét lên phản đối. Bạn phải để ý tới bản chất hữu cơ của cơ thể bạn. Hãy có ý thức tới những gì bạn ăn và uống. Với sự nhận biết sâu sắc bạn có thể phát triển một mối quan hệ giao tiếp, hiểu biết lẫn nhau với những gì nuôi sống bạn với bạn.
Bây giờ, hãy trở lại (chủ đề) các lễ vật cúng. Các đối tượng của năm giác quan phải được nhìn nhận như là năm trí huệ có các màu sắc tương ứng và trong bản tánh chân thật bất nhị, hỷ lạc. Chúng kích thích đại lạc và thỏa mãn ở bên trong bạn. Việc nhận ra được điều này rất có ích lợi để bạn phát triển được đại lạc.
Sự dâng cúng các lễ vật và trì chú
Kế tiếp là một loại yêu cầu được thực hiện cho vị guru, người mà bạn dâng lễ vật này. Trong đoạn này, cam lồ phúc lạc, năng lực toàn thiện căn bản cho sự đạt được tất cả các chứng ngộ. Đó cũng là cái thấy thanh tịnh của các bậc Du già (yogi và yogini) và do đó vượt khỏi cái thấy của các chúng hữu tình thông thường. Lễ vật dâng cúng để vị guru hưởng thụ với trí huệ đại lạc không mê tín của ngài. Có một ý ẩn cần nói ở đây : Khi thưởng thức các lạc thú giác quan, lúc đó ở chúng ta toàn là sự mê tín lầm lạc, hay còn gọi là những quan niệm sai lầm. Khi các chúng sanh ở cấp cao hơn hưởng thụ lạc thú, các vị không phản ứng với các lạc thú đó với sự mê tín.
Ý tôi muốn ám chỉ “mê tín” là gì ? Nó như thế này : chẳng hạn tôi nhìn một cái hoa và dần dần, tôi phát triển mối liên hệ với cái hoa đó. Tôi rờ nó, nhìn rất kỹ vào màu sắc của nó. Tôi nghĩ cái hoa tuyệt vời làm sao, rất dễ thương làm sao ! Nó đem đến cho tôi sự thú vị lớn lao biết bao ! Không có gì khác làm cho tôi vui thú như vậy. Cái hoa đó trở thành người bạn thân thiết nhất của tôi. Sự đóng góp những tính chất tốt đẹp này cho cái hoa là sự mê tín. Tôi áp đặt thêm lên mối tương quan nhiều phẩm chất, nhiều tính cách mà chúng thực ra không có ở đó. Sự đặt chồng lên đó đã tạo sức ép lớn đối với mối quan hệ ; ngay khi bạn mô tả cái hoa như thế này, thế nọ, như một cái nào khác, bạn đang tạo sức ép trên mối quan hệ. Mỗi khi bạn thấy hoa đẹp đẽ, xinh tươi, tuyệt vời biết bao tức là bạn tự trói buộc mình càng lúc càng chặt lại hơn. Toàn bộ sự việc trở thành một sự tưởng tượng ; sự tiếp xúc tương quan này không hiện thực. Nó quá ư phiếm diện, và bề ngoài. Nó tạo ra sự căng thẳng, nên thay vì được thư giãn, được cởi mở thì bạn lại bị cột trong những cái gút. Đó là sự mê tín. Sự thiết lập mối quan hệ có tính tưởng tượng với người và vật theo kiểu này chỉ có thể đưa tới rối loạn, phiền não.
Ngược lại chư Phật và chư Bồ tát hưởng thụ lạc thú theo một cách hợp lý hơn nhiều. Chư vị không có cách liên hệ với các lạc thú như kiểu phóng đại, quy ước và phiếm diện của chúng ta. Họ rất hiện thực (thực tế) hơn ; họ đạt tới được bản tánh nền tảng của thực tại. Những lạc thú của họ ổn định hơn, được điều phục hơn, và mang lại tình thương và bình an vĩ đại. Đó là lý do tại sao ở dòng cuối của đoạn này chúng ta khẩn cầu Guru Varjasattva hưởng thụ cam lồ vô thượng với trí huệ không mê tín và đại lạc.
Nên giờ đây bạn có thể thấy rằng “mê tín” là tâm thức nó đã dẫn dắt bạn đi lầm đường bằng sự phóng đại các phẩm chất của các đối tượng, bằng sự nhìn thấy các sự vật mà chúng thực ra không có ở đó. Mê tín là không thực tế và làm cho cuộc sống của bạn thành ra một sự tưởng tượng điên đảo. Nhưng nếu bạn hiểu rõ ràng về mối quan hệ của bạn với những cái khác, y đích thực nó như vậy, thì sẽ không có quá nhiều căng thẳng giữa các bạn. Nếu bạn vượt qua được sự mê tín, bạn sẽ luôn hạnh phúc. Đó là lý do tại sao chúng ta có những thiền định để loại bỏ mê tín : Để làm cho bạn khỏe mạnh và mang lại sự tỉnh giác trong sạch sáng suốt, sao cho bạn không bị ô nhiễm hay mê lầm.
Bất kỳ mối quan hệ nào cho dù đem lại vui sướng hay khổ đau cũng đều vô thường và tạm bợ. Bản thân chúng ta cũng đã tạm bợ, cho nên các mối quan hệ của chúng ta nhất thiết phải tạm bợ. Chúng ta phải chấp nhận điều này. Tôi cho rằng việc hiểu được bản chất của các mối quan hệ – đối với người Mỹ – là đặc biệt quan trọng. Các mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, giữa bạn bè, giữa bất kỳ ai đều luôn luôn thay đổi bất kỳ lúc nào. Trong thời gian đó, người ta đau khổ. Chính sự thay đổi gây ra đau khổ. Tôi hy vọng bạn hiểu được điều này. Mọi sự đều thay đổi, nên dĩ nhiên tình bạn của bạn cũng sẽ thay đổi. Nếu bạn hiểu được rằng các mối quan hệ có bản chất là tạm thời thì bạn sẽ không cảm thấy một sức ép nào ; bạn sẽ có một chỗ trống để giao tiếp, để cho sự việc diễn tiến. Bạn sẽ thấy được bằng cách nào mà các mối quan hệ luôn thay đổi đó làm cho bạn không hạnh phúc. Nhưng đừng nghĩ rằng chính đối tượng luôn thay đổi làm bạn đau khổ. Không ! Chính sự tương giao không hợp lý của bạn bên trong mối quan hệ là nguồn gốc của sự mê lầm, ảo tưởng.
Khi người gần gũi nhất thân thuộc nhất của bạn bị chết bạn than khóc và cảm thấy tuyệt vọng kinh khủng. Thậm chí bạn có thể tuyệt vọng trong thời gian rất lâu. Điều đó chẳng ích lợi gì. Chết là chết. Chết là tự nhiên, chết cũng được thôi, bạn phải chấp nhận nó. Dĩ nhiên, tôi chỉ đang đề cập tới khía cạnh lý trí ở đây.
Hưởng thụ mà không mê tín thì thật khó. Đạo Phật dạy rằng bạn phải có sự hưởng thụ lớn lao và một cuộc sống phúc lạc. Điều gì ngăn không cho bạn có được kinh nghiệm này ? Chính là sự mê tín. Vì mê tín, bạn không tiếp xúc được với thực tại nền tảng.
Đoạn một
Thân cầu vồng của Vajrasattva ở trong không gian. Sắc thân nầy ở trong bản tính của người hướng dẫn tâm linh cho bạn, vị hóa thần, daka và dakini của bạn, vị hộ pháp của bạn. Có một sự tương tự giữa phương cách người Kitô giáo thừa nhận Chúa là Chúa duy nhất và chúng ta, người Phật tử, công nhận bản tánh tinh túy của Vasjrasattva như là bậc giải phóng chân thật. Trong đoạn này, chúng ta khẩn cầu Vajrasattva tịnh hóa nhận định lầm lạc, mê tín, ảo tưởng của chúng ta cho rằng Vajrasattva không phải là thể tánh của vị thầy (guru), vị deity (hóa thần), daka và dakini và vị hộ pháp. Trušl-nang có nghĩa là ảo tưởng, bị lừa dối. Dù gì đi nữa, nhận định lầm lạc này là một sự mê tín, không hiểu được cũng là một sự mê tín. Chúng ta đang ảo tưởng, chúng ta phải tịnh hóa ảo tưởng này. Dâng cúng tất cả đối tượng tuyệt vời của các giác quan cho Guru Vajrasattva, chúng ta khẩn cầu các ban phước, hay sự cảm ứng rằng trí huệ đại lạc phát sanh đồng thời sẽ nẩy nở trong lòng chúng ta.
Trong khi dâng lễ cúng dường, hãy thiền định tịnh hóa cái thấy hay ý niệm nhị nguyên ảo tưởng. Nó không nhận ra được tính nhất thể của các đấng thiêng liêng đó, mà thấy họ là khác biệt riêng rẽ. Rồi thì, hãy trì chú Vajrasattva – dùng một trong ba kỹ thuật thiền định thông thường (yašn-de, mašn-de, phung-de) để tịnh hóa các điều bất thiện. Việc làm này sẽ trừ tận gốc tất cả sự mê tín và các biểu hiện tiêu cực nói chung cũng như cái thấy nhị nguyên ảo tưởng đã đề cập đặc biệt trong đoạn này.
Pháp thực hành này rất mãnh liệt bởi vì bạn thiền định trong khi dâng lễ cúng dường, cầu nguyện và trì chú. Điều này có một tác động mạnh đến tâm bạn : “Tôi đang ảo tưởng khi tôi không nhận ra được sự nhất thể của Vajrasattva với thầy tôi (guru) với vị Hóa thần của tôi (deity) các vị daka, dakini, và vị hộ pháp của tôi. Họ đều là một thể, nhưng tôi đã coi họ khác nhau – là hai. Đây là một ảo tưởng, một biểu hiện được phóng chiếu bởi các quan niệm nhị nguyên của tôi. Đây là điều mà tôi phải tịnh hóa.”
Đoạn hai
Kiếp người của chúng ta thật quý hóa và có ý nghĩa nhất, nhưng chúng ta hủy hoại kiếp làm người, khiến cho nó trở nên vô ích, nguyên nhân là vì chúng ta khao khát ôm giữ các đối tượng lạc thú và làm ô nhiễm năm thức giác quan. Do đó chúng ta khẩn cầu Vajrasattva tịnh hóa các hình tướng nhị nguyên ảo tưởng đã xui khiến chúng ta bám chặt các đối tượng của các giác quan và chúng ta dâng lễ cúng dường để khẩn cầu được các sự gia hộ và cảm ứng để buông bỏ sự mắc dính với các lạc thú phàm tục của cuộc sống kiếp người này.
Tôi cho rằng điều quan trọng là phải mô tả cách thức chúng ta hủy hoại kiếp người hoàn hảo của chúng ta. Ngay lúc này đây, về phương diện vật chất, thân thể chúng ta không có gì trục trặc, sai sót ; thậm chí trong lúc đau ốm chúng ta cũng vẫn sử dụng được, vẫn thực hiện các hoạt động với thân, khẩu, ý của mình. Nhưng đa số thời gian của cuộc sống của chúng ta bị trôi qua đi bởi những hành động vô ích, làm những chuyện chẳng có ý nghĩa. Ăn, ngủ, bài tiết chưa đủ. Cái gì khiến cho kiếp người vô nghĩa ? Cái gì phá hủy kiếp người ? – Chính là năm tri giác giác quan của chúng ta. Chúng nó là vấn đề chính. Không có một trí huệ mãnh liệt sáng suốt ở đằng sau chúng, cho nên chúng đến để khống chế và điều khiển cuộc đời chúng ta.
Chúng ta đi theo đuôi các thức giác quan một cách mù quáng. Chúng nó bảo chúng ta : “Kem đá ngon tuyệt !” Nên chúng ta ăn kem để tìm thấy thoả mãn. Rồi thì chuyện gì xảy ra ? Đa số nhiều người ăn quá nhiều kem và bị bất hạnh. Họ mập phì và họ nghĩ rằng các người khác không ưa thích họ. Điều đó chưa chắc trúng nhưng đó là thứ mộng tưởng mà chúng ta phóng chiếu.
Năm thức giác quan của chúng ta khao khát và ôm giữ các đối tượng cảm giác. Chúng nó phá hoại cuộc sống chúng ta bằng cách làm cho chúng ta hẹp hòi, bủn xỉn. Chúng ta không sống phục vụ những người khác và cuộc đời chúng ta trở nên không có ý nghĩa, mất hẳn sự hài lòng, và thiếu hạnh phúc. Nguyên nhân của toàn bộ sự bất hạnh khổ đau này chính là chỗ chúng ta bận bịu nghĩ đến các lạc thú của các giác quan của đời này. Sự ám ảnh này cần phải được tịnh hóa.
Chẳng hạn, nhiều người trong chúng ta thiền định và tất cả đã có một số kinh nghiệm thiền định nhưng những kinh nghiệm đó đã luôn luôn biến mất, phải không ? Bạn có một số kinh nghiệm lớn trong kỳ nhập thất nhưng khi bạn trở về nhà thì thói quen cũ lại nổi lên trên mặt và các kinh nghiệm từ thiền định biến mất. Tôi biết những người họ đã có được những kinh nghiệm thiền định lớn lao nhưng các kinh nghiệm đó chỉ là những tia chớp lóe lên và như ánh chớp sáng chúng nó không kéo dài được. Tất cả những gì còn lại là một con ma đói !
Tôi tin bạn cũng đã có những kinh nghiệm trong thiền định nhưng tại sao bạn lại rơi trở lại vào trong đau khổ khi bạn ngừng thiền định ? Tại sao khi bạn không thiền định thì kiếp người quý báu của bạn trở nên vô ích, không có ý nghĩa ? Tại sao bạn rơi trở lại vào đống rác cũ trước đây ? Bởi vì bạn thất bại, không hiểu được rằng tất cả các hiện tượng vui thú của thế giới này đều là như huyễn. Bao lâu bạn cho rằng các hiện tượng lạc thú đó là chân thật thì theo cách này, bạn sẽ tiếp tục làm tàn lụi cuộc đời của bạn. Bạn cho các sự vật là có thật bởi vì bạn có thể dùng tay chạm vào chúng được : bạn có thể cảm giác được một cái gì đó, thế nhưng đấy không phải là thực tại.
Tất cả chúng ta đều đã thoáng thấy một cái gì đó có giá trị trong khi thiền định, nhưng rồi sau đó chúng ta đã rơi vào các thói quen cũ của chúng ta và rồi các kinh nghiệm có giá trị đó đã biến mất. Đó là bởi vì chúng ta không nhận ra rằng tất cả các kinh nghiệm từ các giác quan đều là như huyễn. Chúng nó thuần túy là các phóng chiếu của tâm, nhưng chúng ta thiết lập một mối quan hệ tưởng tượng xung quanh các kinh nghiệm đó. Chúng ta tưởng tượng hóa. Hãy lấy cái hoa làm ví dụ. Tôi nhắm mắt lại và chộp lấy cái hoa, giữ chặt nó không để cho nó tự là nó. Nếu tôi để nó ở một mình, nó sẽ vẫn đẹp đẽ, nhưng khi chạm vào nó càng lúc càng sát vào hơn thì tôi phá hủy nó. Chúng ta không nên như vậy. Chúng ta có thể xem, thưởng thức cái hoa nhưng đồng thời nhận ra nó như là một sự tưởng tượng, một ảo ảnh thị giác, không thực sự hiện hữu y hệt như nó xuất hiện trước mắt chúng ta. Thị giác của chúng ta hoàn toàn bị lừa dối. Theo quan điểm của một người Phật tử, bạn chớ nên tin cậy vào cái gì mà các thức giác quan nói cho bạn biết, không tin cậy rằng các sự vật thực sự hiện hữu y như chúng nó xuất hiện cho các giác quan của bạn.
Làm sao để bạn loại bỏ được sự khát khao ôm giữ những lạc thú của các thức giác quan của bạn ? Bằng cách nhận ra rằng các đối tượng xuất hiện cho các giác quan là ảo tưởng. Bạn phải nhận thức rằng bạn đang ảo tưởng hóa, cho dù bạn có uống thuốc xì-ke hay không. Đây là sự thật. Bạn không hiểu được đích xác cái gì xuất hiện trước các căn của bạn. Chính việc cho rằng sự tưởng tượng là thật đã làm nhiễm độc tri giác giác quan của bạn và làm tàn lụi đời bạn. Đó là mấu chốt.
Lúc nào cuộc sống của bạn cũng chao đảo. Bạn không thể chỉ việc đổ thừa cho nghiệp lực của bạn. Chính thức giác quan đóng vai trò quyết định, “Tốt, xấu ; tôi thích cái này ; tôi không thích cái kia.” Các quyết định này không xuất phát từ một cái gì đó trong nền tảng sâu xa của bạn, mà giống như nghiệp lực. Thực ra, thị giác của bạn có lỗi trong việc này. Nó làm hiện lên một ảo ảnh thị giác và quyết định bạn đưa ra dựa trên ảo ảnh đó. Bạn có thực sự nghĩ rằng trong cuộc đời bạn đã làm những quyết định dựa trên những gì mà mắt đã bảo cho bạn biết, những gì các tri giác giác quan vật chất đã bảo cho bạn biết ?
Do đó, từ quan điểm một người Phật tử, bạn không thể có được sự tin cậy hay lòng tin chân thật vào những gì mà các giác quan của bạn tri giác. Bạn cho rằng chính bởi vì bạn có thể chạm hay ngửi được một cái gì đó, nên cái đó nhất định có thật, ngược lại nếu bạn không thể chạm vào hay ngửi được mùi của nó nên nó không có thật – bởi vì “Tôi không cảm giác được nó.” Như vậy thì cũng y như những người đã đến một trung tâm học Pháp để tham dự một khóa thiền. Khi họ còn đang ở trung tâm học Pháp, họ cảm thấy rằng họ đang có được một điều gì đó có giá trị, họ đang đạt được sự điều khiển đối với cuộc sống họ, nhưng khi họ quay về nhà họ mất tất cả những thứ đó. Tại sao như thế ? Tại sao khi đang thiền định ở trung tâm bạn cảm thấy bạn đạt được một điều gì, bạn cảm thấy bạn đang ở trên con đường đưa tới giải thoát, nhưng chỉ sau một đêm trở lại với môi trường bình thường của bạn, tâm bạn hoàn toàn thay đổi. Hãy kiểm tra việc này ! Tôi cho rằng điều này có nghĩa rằng bạn thật sự không hiểu Pháp.
Cũng vậy, khi bạn đến một trung tâm tham dự khóa thiền, bạn có một loại tưởng tượng về môi trường nơi đó và bạn ôm giữ nó coi như có thật. Khi bạn rời môi trường đó thì sự “có thật” đó biến mất và được thay thế bằng cái “có thật” của nơi ở mới. Do đó, những điều có giá trị mà bạn đạt được ở trung tâm thiền, biến mất và bạn kết thúc với sự khổ đau, sự không hạnh phúc của các thói quen cũ của bạn. Điều bạn không hiểu được là : Không cần biết bạn đang ở đâu, ở trung tâm học Pháp, ở thành phố, ở nhà, v.v… bất cứ điều gì bạn nhận thức được đều như huyễn, cái phóng chiếu của tâm riêng của bạn. Chẳng hạn, cả hai người bạn gái : bạn cũ và bạn mới đều huyễn hóa. Bạn đã không nhận thức được rằng hình tướng dung mạo của người bạn gái cũ đã là huyễn hóa, và dĩ nhiên, giờ đây bạn không thấy được rằng hình tướng của người bạn gái mới cũng huyễn hóa nữa.
Nếu bạn có thể ngộ được – thực sự thấu hiểu – rằng môi trường trung tâm học Pháp là huyễn với sự thấy biết tỉnh táo mãnh liệt, bạn hãy giữ sự nhận biết này với bạn khi bạn ở nơi nào bất kỳ, thì các kinh nghiệm của bạn sẽ rất khác biệt với những kinh nghiệm thông thường. Dù ở thành phố lớn, hay đang ở bãi biển, hay ở trong núi Himalaya thì bạn cũng duy trì được cùng một năng lực, đều ở trong cùng một không gian.
Đạo Phật rất thực tế trong sự mô tả bản chất con người. Tôi bảo đảm tất cả các bạn đã nghe được rằng bạn đừng nên phán xét, đừng phân biệt giữa tốt và xấu, vân vân. Chúng ta thường hay nói : “Ồ ! Niết bàn ! Tuyệt diệu” và chúng ta ôm giữ nó, hay “Ê, sanh tử thật kinh khủng !” và chúng ta cố đẩy nó ra khỏi tâm bạn, Chúng ta nói : “Guru của tôi tuyệt diệu. Pháp thật tuyệt diệu !” và “người đàn ông đó quá kỳ cục !” Tất cả các luận điệu phán xét này đều dựa trên sự diễn giải của tâm mê tín của riêng chúng ta đối với các tri giác bị lừa dối của riêng chúng ta. Chúng ta phải nhận ra điều đó.
Nhưng bằng tri thức thôi thì cũng không đủ tin tất cả điều đó đâu. Cần phải kinh nghiệm nó. Thực ra, bạn đã có sẵn và đủ kinh nghiệm – đủ để làm vỡ tim bạn ! Cho nên đạo Phật lúc nào cũng đi vào cuộc sống, kinh nghiệm, và đó là cách mà đạo Phật chỉ cho bạn thấy làm sao để được khỏe mạnh, làm sao để có được một tâm thức khỏe mạnh. Bạn biết cách để nói với chính mình khi bạn bắt đầu đến chỗ cực đoan.
Có lẽ đạo Phật chỉ đúng ở đây, tu viện Vajrapani này, và bạn khi về đến San Francisco, thì đạo Phật sẽ trở nên không đúng nữa. Dù gì các kinh nghiệm thiền định ngắn ngủi ở các trung tâm học Pháp thì không đủ. Chúng ta phải duy trì sự tỉnh giác liên tục với cái thấy đúng, ở bất kỳ nơi đâu.
Đoạn này nói về cách thức chúng ta đã để cho đời sống trở nên vô ích. Đa số chúng ta muốn cuộc sống có ích lợi cho mình và cho người khác. Tất cả chúng ta tìm kiếm sự thỏa mãn từ trong cuộc sống. Điều khiến cho cuộc sống chúng ta không có ý nghĩa và không thỏa mãn, chính là tâm muốn bám níu vào các lạc thú giác quan và vào các hình tướng cụ thể, thường hằng của các dục lạc đó. Chúng ta phải từ bỏ trọn vẹn hai lỗi lầm này. Nếu chúng ta muốn cuộc sống hạnh phúc và thỏa mãn chúng ta phải cương quyết loại trừ mãi mãi các lỗi lầm này. Để làm được như vậy, chúng ta cần hiểu một cách thấu đáo rõ ràng rằng cái cách mà các lạc thú xuất hiện là huyễn hóa, hư dối. Không có gì thường hằng và cố định. Đó là lý do tại sao nhiều kinh điển Phật giáo nhấn mạnh việc buông bỏ tất cả các đối tượng ôm giữ. Chúng ta không biết cách có được sự thỏa mãn từ mối quan hệ của chúng ta với các đối tượng thích thú của giác quan. Thông thường, chúng ta phóng đại các phẩm chất tốt của các đối tượng dục lạc. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng chúng ta đang ảo tưởng, đang mê lầm. Các nhận định phán xét của chúng ta không thực tế tí nào cả.
Khi bạn hiểu được bản tánh – tức thực tại – của các lạc thú giác quan, bạn có không gian cho chúng diễn tiến. Các dục lạc đến và đi. Nó như vậy đấy, và bạn chấp nhận sự việc đó. Bởi vì chúng ta ôm giữ lạc thú với các quan niệm bị ảo tưởng hóa mỗi khi khoái lạc biến đi thì chúng ta bị sốc và cảm thấy bất hạnh. Như vậy là không hợp lý. Nên nói là chúng ta đang tạo ảo tưởng.
Bao lâu tâm ảo tưởng của bạn vẫn tiếp tục phóng đại các phẩm chất tốt của một đối tượng dục lạc thì sẽ không có cách nào để bạn được thực sự thỏa mãn mãi mãi. Do đó, đạo Phật nhấn mạnh rằng dục lạc cần được thấu hiểu như bản thân nó vậy, bằng cách hiểu được phẩm chất của cái hiện tượng của nó. Rồi thì, bạn có khoảng trống. Như vậy sẽ làm cho bạn bớt bị xúc động : Khi bạn có lạc thú, như vậy cũng được thôi ; bạn nhận biết điều vui thú đó là huyễn. Khi bạn không có lạc thú, như vậy cũng tốt thôi. Chỉ có sự bám víu của những ý niệm chấp thực vào lạc thú của bạn làm cho bạn bị lừa, nhầm lẫn, không được thỏa mãn và bị xáo trộn vì phiền não.
Hãy đọc chú Vajrasattva, giữ trong đầu ý nghĩa của đoạn này. Đồng thời hãy thực hiện ba kỹ thuật thiền định thông thường để tịnh hóa các quan niệm chấp tướng cụ thể của bạn, các hình tướng của tưởng, và bất kỳ năng lực bất tịnh nào đã kết hợp với hệ thống thần kinh vật chất của bạn, và sự vô minh – nó chính là nền tảng, là gốc của tất cả các vấn đề này. Sâu ở bên trong tâm linh của mình, bạn có thể cảm thấy : “Không thể nào tịnh hóa được tất cả các khuyết điểm lỗi lầm của mình, sự tham luyến bám níu, thái độ ích kỷ. Làm sao tôi thoát khỏi được tất cả những chướng ngại đó ?” Cho dù về mặt lý trí, lý luận, bạn có thể công nhận rằng việc tịnh hóa có tác dụng hiệu quả, rằng giáo lý đạo Phật là đúng, nhưng tận đáy lòng bạn có sự nghi ngờ. Sự tu tập theo thiền định Vajrasattva cũng có thể nhổ tận gốc tất cả các mối nghi ngờ bất tịnh đó bằng cách cho bạn thấy khả năng có thể nhổ tận gốc, trọn bộ tất cả năng lực bất thiện và mang đến cho bạn nguồn cảm hứng lớn lao để làm việc đó.
Đoạn ba
“Xin gia hộ cho tôi, để tôi phát sanh được sự buông bỏ hoàn toàn thanh tịnh.” Cuộc sống chúng ta bắt đầu trong bất hạnh, khổ đau, và xuyên suốt cuộc đời này, chúng ta tiếp tục mỗi ngày mỗi thêm vào cuộc sống sự mê lầm. Phải có lý do cho điều này, một nguyên nhân cho điều mà trong đạo Phật chúng ta gọi là nghiệp. Nguyên nhân đó là sự mê lầm, sự ảo tưởng. Với ảo tưởng, chúng ta tạo ra nghiệp, cứ thế lập đi lập lại, nó dẫn dắt chúng ta vào bất hạnh và mê lầm. Chúng ta bị nhốt trong một cái bẫy sập gần như không thể hủy hoại, của các quan niệm và các xúc động thần kinh. Những gì đang xảy ra được giải thích bởi cụm từ tsušl-min-yi-je trong đoạn này. Cụm từ đó có nghĩa rằng bạn đang tưởng tượng một điều, một vật gì đó chẳng dính dấp, chẳng thuộc về sự thật của các đối tượng bạn nhận thức, cho dù sự thật tương đối hay sự thật tuyệt đối ; điều mà bạn đang tưởng tượng cũng chẳng quan hệ gì tới bản chất đặc trưng của hiện tượng. Điều mà bạn thấy chỉ là sự vọng tưởng của bạn thôi.
Trên cơ sở của vọng tưởng này, bạn phát triển các ý niệm chấp thực hư dối, tâm ôm giữ cái “tôi” và các ý niệm nhị nguyên. Đó là cách nó khởi sự. Bạn dựng lên một vọng tưởng không có thực của đối tượng trong trí tưởng tượng của bạn, rồi các ý niệm chấp thực cụ thể của bạn trở nên chắc chắn và bạn quyết định rằng : “Vâng. Cái này tốt, việc kia xấu.” Bạn giữ gìn một cách mãnh liệt những gì bạn gọi là tốt và tiếp tục phát triển thêm nữa. Bạn phát triển nó với cường độ mạnh. Nó có một quá trình diễn tiến lâu dài. Bạn dựng lên cái này, bạn tạo ra cái kia, bạn đưa ra quyết định về các sự việc, và theo cách này bạn tạo nên một chủ nghĩa riêng cho mình, một thế giới riêng, một núi Meru riêng. Rồi thì, người ta sẽ gặp khó khăn khi bảo cho bạn biết là bạn sai, bạn lầm lẫn. Bạn đã triển khai quá chắc chắn một vọng tưởng điên đảo. Ngay từ đầu tất cả những vọng tưởng này chỉ là kinh nghiệm riêng của bạn nhưng rồi đối với bạn, các vọng tưởng đó là thực tại. Theo quan điểm Phật giáo, tất cả chúng sanh hữu tình bị mắc bẫy bởi các quan niệm nhị nguyên, thường hằng và quy ngã của họ, các quan niệm đó đều dựa trên những vọng tưởng được tưởng tượng, không thực tế của chúng sanh. Đó là cái cách mà tất cả chúng sanh bị nhốt trong mạng lưới luân hồi sanh tử.
Trên mức độ thực tại thì tâm mê lầm này cực kỳ cạn cợt, bề ngoài. Nó có thể được pha trộn với một ít sự thật tương đối nhưng đa số các hình tướng là rất ảo tưởng rất ư hư dối. Tất cả các quan niệm mê tín và bị lừa dối đó đều là nhị nguyên – tất cả đều là các chướng ngại cần được tịnh hóa.
Mỗi khi bạn đọc lời cầu nguyện, bạn phải nghĩ – một cách hoàn toàn chính xác nghiêm túc – về hiện trạng của riêng bản thân bạn, về hoàn cảnh đời sống của chính bạn. Với một sự hiểu biết mãnh liệt về kinh nghiệm của riêng mình, như “Tôi thật là bị lừa dối biết bao ! Bằng cách nào tôi đã lừa dối mình một cách nhị nguyên như thế ! Mọi thứ tôi làm trong cuộc đời đều là phiến diện bề ngoài. Dù tôi làm công việc cho mình hay cho bạn bè, người khác, tất cả những sự việc như vậy luôn được làm với sự mê tín, hoàn toàn rời xa sự thật. Tôi luôn luôn tạo lập một vọng tưởng do tưởng tượng ra, rất không đúng với thực tế, tôi luôn phát triển vọng tưởng đó đối với trần cảnh mà tôi nhận thức qua các giác quan. Đây là cách thức mà tôi tự nhốt mình trong chốn sanh tử.” Với sự hiểu biết mạnh mẽ như vậy, bạn hãy đọc mật chú với ba kỹ thuật thiền định tịnh hóa. Bằng cách này sự tịnh hóa của bạn trở nên rất mãnh liệt.
Lý do mà sự tịnh hóa trở nên rất mãnh liệt ở chỗ bạn sẽ chọn riêng ra cái chướng ngại thật sự ngăn không cho bạn khám phá thực tại. Đích thực việc nhận ra điều này là một loại chứng ngộ ; thậm chí việc này cũng rất khó làm. Ngay khi bạn nhận ra kẻ phá rối thực sự, lúc ấy bạn bắt đầu thay đổi. Có một sự chuyển hóa tự nhiên. Rất nhiều lần, sự tịnh hóa của chúng ta hoàn toàn vô nghĩa vì chúng ta không có ý niệm gì về vấn đề của chúng ta thực sự là thế nào. Khi bạn có một sự hiểu biết rõ ràng về vấn đề của bạn thì bạn có thể thực hiện sự thiền định tịnh hóa một cách đúng đắn thỏa đáng, và sự tịnh hóa trở nên rất mạnh. Bạn trở nên phù hợp thực tế hơn, trở nên thành thật hơn. Sự chân thành là một phần quan trọng trong tôn giáo và nó phải xuất phát từ sự hiểu biết về hoàn cảnh cuộc sống của riêng bạn, sự hiểu biết về cách thức mà vòng sanh tử của riêng bạn đã phát triển, cũng như cách thức bạn đạt tới niết bàn. Rồi thì bạn sẽ trở nên nghiêm túc trong tu tập, và sự cảm kích về Phật pháp của bạn lớn lên.
Bằng sự nhận biết các vấn đề chướng ngại của mình, biết cách tu tập tịnh hóa, bạn khẩn cầu những sự gia hộ để phát triển sự buông bỏ tinh sạch. Bạn phải phát triển sự buông bỏ trong sạch cho dù bạn xuất gia hay tại gia, Phật tử hay không phải Phật tử.
Việc từ bỏ thế gian có ý nghĩa gì ? Hãy lấy ví dụ về Đức Thích Ca Mâu Ni. Ngài rời vương quốc và đi vào rừng sâu. Chúng ta gọi đó là sự buông bỏ. Ngài có mặt trời, cây cối và mặt đất xung quanh Ngài và mặc dầu Ngài bỏ lại sau lưng Ngài vợ con gia đình, nhưng có lẽ Ngài đã có những lạc thú ở trong rừng. Bây giờ, bởi vì người Tây phương thường thiết tha dành trọn cuộc sống cho những thú vui, sung sướng, nên điều quan trọng là cần phải biết sự từ bỏ có nghĩa là gì. Theo quan điểm Phật giáo thì mọi người trên thế gian này cần sự buông bỏ. Nếu không có sự buông bỏ thì sẽ có quá nhiều đau khổ, người ta trở nên điên khùng, “tan nát cõi lòng,” phiền não. Buông bỏ là trở nên hợp lý hơn nhờ vào sự hiểu biết về bản chất đặc trưng của lạc thú và các đối tượng của lạc thú.
Trước khi Đức Phật Thích Ca từ bỏ cuộc sống vương triều, Ngài đi dạo ngoài thành, trông thấy nhiều biểu hiện khác nhau của khổ : tuổi già, tật bệnh, chết chóc. Ngài nhận thức rằng không có lý do gì để bám giữ cái uy tín làm vua hay những vui thú của đời sống vợ chồng. Ngài thích ứng được các hoàn cảnh khác nhau. Ngài biết rằng sống với vương quyền và đời sống gia đình cũng được, nhưng sống một cuộc sống không có những thứ đó cũng được. Ngài biết rằng Ngài có thể sống trong rừng sâu nhưng vẫn sung sướng khỏe mạnh như là sống trong lâu đài. Sự linh hoạt, tùy duyên là mấu chốt : nếu có sự vui thú cũng được nhưng nếu không có sự vui thú cũng được. Bằng cách này bạn trở nên ung dung thoải mái, “tùy ngộ nhi an.”
Chúng ta, những người Tây phương không được ung dung thoải mái. Khi chúng ta thiếu mất sự lạc thú chúng ta không thoải mái tí nào cả. Điều này có nghĩa rằng chúng ta không có sự buông bỏ. Buông bỏ không có nghĩa là bạn phải bỏ ăn kem nhưng nên có nghĩa là nếu bạn có kem, bạn thưởng thức kem theo một cách thức hợp lý và khi bạn không có kem thì bạn vẫn hài lòng, thỏa mãn. Chỉ việc nghĩ rằng “Được rồi, hôm nay tôi sẽ không có kem để ăn, nhưng tôi vẫn bằng lòng.” Như vậy được rồi. Dĩ nhiên tôi chỉ dùng việc ăn kem làm ví dụ nhưng bạn có thể áp dụng điều tôi nói đến mọi quan hệ với những đối tượng sự việc khác, những người khác.
Nếu bạn có cơ may thưởng thức một cái gì đó, thì hãy thưởng thức càng nhiều càng tốt nhưng với một cách thức hợp lý – có phẩm cách và một thái độ vượt khỏi phàm tục và tinh tế. Hãy thưởng thức thú vui đó như bản thân thú vui đó, chứ đừng nên với hư vọng, mê tín và điên đảo. Khi bạn khám phá cái “nó là như vậy” (as it is) của sự vật thì mọi thứ sẽ mang lạc thú đến cho bạn. Đúng như vậy ! Tôi thực sự tin vào điều đó. Khi bạn chạm được sự thật, bạn sẽ thấy được và đánh giá cao cái đẹp ở khắp mọi nơi và bạn có được lạc thú từ bất kỳ đối tượng nào bạn gặp.
Khi chúng ta bị vọng tưởng ngự trị, chúng ta trở nên quá đặc thù và đặt những giới hạn cho cái đẹp : “Chỉ có cái này đẹp.” Đó là lúc mà các rắc rối xuất hiện. Bạn có một quan niệm hạn hẹp về cái đẹp, một quan niệm hạn hẹp về lạc thú nên bạn sẽ phóng đại cái đẹp của những đối tượng đã mang lạc thú đến cho bạn và bạn thiết lập một bản kiểm kê những “thứ ưa thích.” Bằng cách đó bạn bị mê lầm và đau khổ. Bạn không mở ra với bản tánh chân thật của các sự vật, bạn bị đóng kín lại.
Hãy nhìn tất cả những chương trình quảng cáo trên ti vi. Người ta chỉ cho bạn xem những “đối tượng ám ảnh.” Những người làm những quảng cáo này chỉ cho xem một loại của cái đẹp. Họ không bao giờ cho bạn xem những thứ chẳng hạn như nụ hoa. Tại sao không ? Hãy kiểm tra điều đó. Đó là tâm lý con người. Các nhà quảng cáo biết cách thức mà tâm thức chúng ta hoạt động.
Cái đẹp có mặt ở khắp moị nơi. Điều quan trọng là bạn chạm được thực tại và đặt được một giá trị hợp lý vào mỗi đối tượng, đánh giá cái đẹp độc nhất cho mỗi đối tượng và đồng thời đánh giá mức độ năng lực, sự thật tương đối, và sự thật tuyệt đối của riêng từng đối tượng. Bạn cần hiểu những khái niệm này để linh động thích ứng với các đối tượng lạc thú.
Từ điều này, bạn có thể thấy được tại sao đạo Phật được coi là một tôn giáo thực tế, hay một triết học, học thuyết hiện thực – hay là bất kể cái gì mà bạn muốn gọi. Ai có thể chối bỏ hay không đồng ý sự kiện rằng điều bất hạnh của bạn, sự mê lầm, sự thất vọng chỉ xuất phát từ tâm bị lừa dối của riêng bạn. Các chướng ngại ở ngay trong bạn ; sự mê tín, điên đảo, các ý niệm, vọng tưởng… đều ở trong bạn. Các yếu tố đó là nguyên nhân của tất cả khổ đau, mê lầm của bạn. Ai có thể không đồng ý ? Đây là điều hết sức khoa học, hết sức đơn giản.
Nhiều người sợ đạo Phật. “Ồ ! Đạo Phật đồng nghĩa với việc phải từ bỏ. Đức Phật từ bỏ vợ, con, và đi vào rừng sâu. Ông ta thiếu trách nhiệm, đó là một gương xấu cho xã hội chúng ta.” Đó là điều hoàn toàn hiểu lầm.
Buông bỏ không có nghĩa là quẳng ném một cái gì đó. Chẳng hạn, thân của bạn lúc nào cũng ở với bạn. Theo quan điểm luận A tỳ đàm ngay cả thân của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cũng có tính luân hồi sanh tử.
Hãy lấy ví dụ ngài Milarepa. Ngài buông bỏ mọi thứ, kể cả vị thầy của ngài, và đi vào trong núi. Chúng ta nói rằng ngài từ bỏ được luân hồi sanh tử, nhưng ngài vẫn mang tấm thân ngài đi theo. Thân của ngài cũng có tính luân hồi sanh tử, phải không ? Cây tầm ma mà ngài ăn để nuôi thân cũng là một hiện tượng luân hồi sanh tử. Nhưng ngài rất ung dung thoải mái, ngài chẳng có một chướng ngại nào cả. Trong khi đó, tất cả chúng ta bị trói buộc vào sự bám chặt các thú vui dục lạc. Điều quan trọng nhất là, chúng ta hiểu cho được bản chất của các lạc thú giác quan trên cả hai mặt chủ thể và khách thể. Hãy hợp lý.
Ngay cả trong giới luật Theravada có giải thích rằng một tăng hay ni được coi đã phạm giới nguyện là tùy thuộc chủ yếu vào tâm của họ, chứ không tùy thuộc vào hành vi hay đối tượng. Mỗi giới nguyện có một số điều kiện quy định thế nào là phạm giới : động cơ, đối tượng, hành động, và sự hoàn tất. Đương nhiên tất cả các phần đoạn của một hành động phải xuất hiện để cho hành động đó được hoàn tất. Việc chính là động cơ, tức là bạn đang bám dính bao nhiêu.
Một sự buông bỏ đúng đắn đòi hỏi bạn phải hiểu được bản tánh thực tại. Không có sự hiểu biết về sự thật, thì không có cách nào để cho bạn phát triển được sự buông bỏ và một khi bạn hiểu được sự thật thì sự buông bỏ đến ngay. Một sự thúc đẩy không thôi sẽ không có tác dụng. Sự buông bỏ đồng nghĩa với sự khám phá một thực tại mới, tận gốc, rốt ráo.
Lý luận của toàn bộ vấn đề này nằm ở trong lam-rim : Không có lý do gì để khao khát các thú vui dục lạc bởi vì chúng quá nhỏ nhoi, quá tạm bợ, quá vô thường ; đích thực bạn đang tự lừa lối mình bởi lòng khao khát ôm giữ các đối tượng mà bạn nhìn lầm chúng là thường hằng. Trong lam-rim, bạn tiếp xúc với thực tại và thực tại nói với bạn. Điều đó sẽ giúp giải giới sức ép do tâm bám dính của bạn tạo ra. Tôi chỉ nói lý thuyết thôi ; nhưng nếu trong đời sống hàng ngày, bạn phân tích được cách nào mà óc tưởng tượng của bạn tạo ra vọng tưởng, bằng cách nào mà các vọng tưởng trở nên cụ thể, cứng ngắt, và bằng cách nào mà điều này dẫn dắt đến hành động bị lừa dối, như vậy, bạn sẽ hiểu được diển tiến của luân hồi sanh tử thông qua kinh nghiệm của riêng bạn.
Có thể bạn sẽ nhầm lẫn vì quá trình tu tập Varjasttva. Một mặt, chúng ta đang khẩn cầu Vajrasattva để được thấu hiểu về sự buông bỏ và mặt khác, chúng ta đang dâng cúng ngài các đối tượng phúc lạc của các căn.
Nếu bạn hỏi người ta về những gì mà họ đặc biệt quan tâm thì mỗi người sẽ nói những thứ khác nhau. Vài người thích âm nhạc, nghệ thuật, hay thiên văn học. Như vậy không đúng. Theo quan điểm của tôi thì mỗi người phải thích đủ thứ. Ai cũng đánh giá cao các hình tướng, màu sắc, vị, mùi, âm thanh ; bất kỳ đối tượng giác quan nào cũng có khả năng mang đến lạc thú.
Do đó, điều tốt đẹp là bạn dâng cúng tất cả các đối tượng của năm giác quan đến cho Ngài Vajrasattva, hãy sử dụng óc tưởng tượng của bạn càng nhiều càng tốt. Mỗi đối tượng có cái đẹp riêng của nó, cái đẹp là một hiện tượng vũ trụ phổ quát. Khi bạn thực hiện sự cúng dường được nhiều, đẹp đến mức tối đa thì bạn sẽ đánh thức được toàn bộ tâm thức của riêng bạn để thưởng thức lạc thú. Chúng ta bị hạn hẹp rất nhiều. Tâm chúng ta không thể ôm ấp bao trùm được toàn diện lạc thú. Tôi tin rằng, bản thân từng người đều có tiềm năng để kinh nghiệm được niềm lạc thú trọn vẹn, hạnh phúc trọn vẹn, nhưng chỉ là tiềm năng – nên chúng ta phải đánh thức nó.
Tại sao một số người chỉ thích một số đối tượng nhất định và không thích những cái khác ? Bạn có khả năng hưởng thụ tất cả. Đơn giản là bạn phải khám phá cái lạc thú và sự thỏa mãn toàn thể vốn sẵn có ở trong bạn. Bạn đừng than van : “Tôi có rất ít niềm vui như vậy đấy. Mọi người quanh tôi đều khốn khổ. Tôi cũng đang bất hạnh nữa.” Điều đó thật buồn cười. Hãy nhìn khắp nơi. Có rất nhiều điều kiện tình huống khác biệt, nhiều đất nước và nhiều người nghèo khổ. Nhưng mỗi người đều tìm thấy được một cái đẹp nào đấy, mục đích nào đấy trong cuộc sống. Hãy soát xét lại xem ! Đây là thể nghiệm của con người, một sự kiện khoa học, chứ không phải chỉ là giáo điều của tôn giáo. Theo quan điểm của tôi, cho dù bạn tuyệt vọng, bị rối trí, bất kể bạn đang ở đâu, bạn cũng luôn có được các đối tượng vui thú cùng với bạn.
Kim Cương thừa đề cập đến cái đẹp tuyệt đối, nhưng cho đến bây giờ tôi chỉ thảo luận về cái đẹp tương đối. Cái đẹp tuyệt đối là tánh Không, và Kim Cương thừa đồng hóa nó như phái nữ. Đây chỉ là một diễn đạt có tính tâm lý. Điều bạn phải hiểu là : cái đẹp không giới hạn.
Hãy cố gắng khám phá cái đẹp tương đối. Chúng ta chưa làm được điều này. Với tâm cục bộ, chúng ta quyết định rằng một con người, một sinh vật nhỏ bé, là đẹp nhất so với các sinh vật khác. Điều đó thật là hạn hẹp. Hãy cố gắng khám phá tổng thể của cái đẹp tuyệt đối và tương đối. Rồi thì, sự buông bỏ thật sự sẽ đến. Toàn bộ vấn đề này rõ ràng không ? Sự buông bỏ và sự cúng dường tất cả đối tượng giác quan được chuyển hóa thành hỷ lạc, hai sự việc này (buông bỏ và dâng cúng) cùng song hành với nhau. Đó là điều nhắn nhủ của tôi.
Đôi khi sự buông bỏ có nghĩa rằng – trong nghĩa đen – bạn phải từ bỏ một số sự việc nào đó. Nếu bạn sống trong thành phố lớn và bị gò bó trong một tình huống hết sức hỗn loạn và như vậy khó mà tìm ra được một khoảng trống. Trong trường hợp đó, tốt hơn hãy rời bỏ hoàn cảnh đó trong một thời gian cho đến khi tâm mê lầm của bạn đã có cơ may tự làm sạch chính nó. Điều đó rất quan trọng bởi vì hoàn cảnh ở đây tự nó đang tạo ra những sự việc gây khó khăn cho bạn. Bạn rời bỏ nơi này không phải bởi vì đã thực sự buông bỏ, nhưng bởi vì bạn bị quá tải, bị áp đảo và không có lấy được khoảng trống để giải quyết sự rối rắm lộn xộn. Khi bạn rời bỏ một hoàn cảnh như vậy trong một thời gian, bạn có thể xem xét nó một cách khách quan và quan sát biết được rõ hơn cái gì cần làm. Nếu bạn vẫn ở lại (không rời bỏ) thì ngày qua ngày sự mê lầm tăng lên cho đến khi nó hoàn toàn làm bạn chết ngạt. Không có cách nào để trí huệ có thể phát triển trong khi bạn bị con quỷ của các khởi niệm nhị nguyên bóp nghẹt bạn. Bởi thế, điều quan trọng là phải đi khỏi nơi đó một thời gian, nhưng hãy thiện xảo khi bạn thực hiện việc đó.
Sự buông bỏ thật sự phải xuất phát từ sự hiểu biết ; chỉ đơn giản bỏ đi không phải là sự buông bỏ chân thật. Nhiều người đã thực hiện rồi ; khi có việc rắc rối chướng ngại xảy ra thì họ đi một nơi khác. Đó là cách thức của chúng ta. Ngay cả một ngày nghỉ cũng có chứa ý tưởng hãy bỏ qua một bên các phiền phức thường ngày. Bạn hiểu rõ như vậy nhưng đó không phải sự buông bỏ thực sự. Ngược lại nhiều Thiền giả đạo Phật đã thực hiện cũng những việc như vậy, họ đi đến những nơi vắng người để tránh khỏi những hoàn cảnh của luân hồi sanh tử. Việc này tùy thuộc vào cách thức mà bạn thu xếp cuộc sống, làm thế nào để bạn thích nghi được với hoàn cảnh bình thường.
Hãy nhớ câu chuyện của Lama Je Tsong Khapa. Ngài nghiên cứu và thuyết giảng nhiều năm, và Ngài có hàng ngàn đệ tử. Vào một ngày Ngài chọn ra tám vị đệ tử Bồ tát và đưa họ đến một nơi ẩn cư trong núi ở đó họ sống biệt lập trong một thời gian lâu. Làm như vậy không phải vì Ngài phải lo âu về sự luân hồi sanh diệt – Ngài đã buông bỏ rồi – nhưng qua hành động Ngài dạy chúng ta một điều : Nếu bạn muốn vượt khỏi mức độ tâm thức hiện tại để tới một mức cao hơn thì bạn phải cần một thời gian dài trong tĩnh lặng an lạc để thực hành sự tỉnh giác sâu xa.
Đó là lý do tại sao tôi luôn khuyến cáo mỗi năm các đệ tử nên bỏ ra ít nhất mười ngày vào ẩn tu nhập thất, buông bỏ tất cả mối quan hệ với thế gian để dành ra một khoảng thời gian thiền định mãnh liệt. Việc cắt đứt hoàn toàn trong mười ngày không phải là quá nhiều, nhưng ít nhất nó cũng mang đến cho bạn mùi vị của sự buông bỏ. Nếu bạn không kinh nghiệm được sự an tĩnh ít nhất ở vào mức độ buông bỏ này thì bạn không có được sự thật của buông bỏ và bạn không tin tưởng vào lợi lạc của nó. Buông bỏ sẽ đích thực là một điều gì hoàn toàn khác những gì bạn từng nghe nói tới.
Kinh nghiệm là điều quan trọng nhất. Đó là cách thức bạn tìm thấy được các giải pháp giải quyết các vấn đề của bạn. Các vấn đề của chúng ta – như đã lưu ý trong đoạn này – được bén rễ rất sâu trong tiềm thức của chúng ta đến nỗi chúng ta phải mất năng lực lớn lao mới nhổ tận gốc các vấn đề chướng ngại đó. Chắc chắn đây không phải là một công việc ngắn hạn.

    Đoạn bốn
Ở đây chúng ta khẩn cầu sự cảm ứng để phát triển Bồ đề tâm trong sạch không có tí tì vết. “Bodhi” có nghĩa là toàn bộ, khắp hết cả. “Citta” có nghĩa là lòng. “Lòng bao trùm khắp nơi” ám chỉ rằng hiện nay lòng chúng ta chật hẹp, không phát triển đầy đủ. Điều mà chúng ta phải thay đổi chính là tình cảm của chúng ta – chúng ta thấy quyến luyến thương yêu bản thân mình hơn những người khác. Chúng ta phải tránh thứ tình cảm này để mở lòng mình một cách hoàn toàn.
Tại sao chúng ta buồn chán, cô đơn, lười biếng ? Bởi vì chúng ta không có mong muốn mở rộng toàn bộ lòng chúng ta đối với những người khác. Nếu bạn có nguyện vọng mãnh liệt mở rộng lòng bạn đối với những người khác bạn sẽ loại bỏ lười biếng, sự ích kỷ, và nỗi cô đơn. Thực ra lý do mà bạn thấy cô đơn là vì bạn đang không làm cái gì cả. Nếu bạn rất bận rộn bạn không có thời giờ để thấy cô đơn. Sự cô đơn chỉ có thể vào được một tâm không ưa hoạt động. Nếu tâm bạn thẫn thờ và thân thể không năng động thì bạn thấy cô đơn. Về cơ bản, sự thể này đến từ thái độ ích kỷ, chỉ quan tâm đến bạn mà thôi. Đó là nguyên nhân của sự cô đơn lười biếng và một trái tim khép kín.
Không có cách nào có được sự thỏa mãn tồn tại mãi mãi trừ phi bạn thay đổi thái độ, từ một thái độ chỉ biết thương xót ôm giữ bản thân mình, đến một thái độ ở đó bạn mở rộng lòng bạn và hồi hướng mình cho những người khác. Nếu bạn có thể làm được điều này, bạn được bảo đảm luôn có sự hài lòng và bạn sẽ không bao giờ lười biếng.
Tâm ích kỷ, thật khó tin là còn tệ hơn một con dao trong tim bạn. Sự ích kỷ sẽ giết bạn, phá hoại cuộc đời bạn. Tất cả rắc rối chính trị trên thế giới ngày nay xuất phát từ thái độ ích kỷ. Không cần biết cái gì là đối tượng của tâm ích kỷ của bạn – uy tín của bạn, quốc gia của bạn, nguồn tài nguyên của quả đất, tiền bạc – thái độ ích kỷ là nguyên nhân chủ yếu tạo ra các rắc rối. Chúng ta sát hại lẫn nhau bởi ý tưởng chỉ biết thương yêu chính bản thân mình, ôm ấp quý trọng mình và không lo lắng gì cho sự an sinh của những người khác. Tất cả những mối quan hệ xấu – giữa chồng với vợ, thầy với đệ tử – đến từ thái độ ích kỷ. Khi bạn nghĩ về việc đó, bạn có thể thấy rằng mọi trở ngại trên quả đất này đều xuất phát từ thái độ chỉ quan tâm riêng cho mình thay vì cho những người khác.
Sự ích kỷ là đau khổ, thật sự đau khổ. Nếu bạn muốn giải phóng sự đau khổ trong lòng bạn, bạn hãy mở rộng lòng bằng cách phát triển sự quan tâm toàn thể đối với những người khác, mang vào tim mình tất cả chúng hữu tình càng nhiều càng tốt. Đó là thuốc giải độc đối với thái độ ích kỷ, sự ích kỷ này chính là nỗi đau trong lòng bạn. Tôi thực sự tin rằng đây là phương pháp đưa tới giải thoát.
Chúng ta luôn lo nghĩ rằng chúng ta sẽ không được giải thoát. Chúng ta không muốn bất hạnh hay bị xáo trộn mãnh liệt ; chúng ta muốn những mối quan hệ tốt ; chúng ta lo lắng về sự an sinh của riêng mình. Chúng ta luôn luôn nói về những điều đó. Phương pháp có tính cách thực tiễn nhất để giải phóng mình khỏi nỗi đau, phiền não – là hãy hồi hướng bản thân mình cho những người khác càng nhiều càng tốt. Điều này sẽ tự động loại bỏ được sự suy nghĩ vị kỷ và nỗi đau vì ích kỷ. Nếu bạn không thể thiết tha phục vụ những người khác, thì ngay cả việc coi người khác quan trọng như mình cũng đủ làm dừng lại nỗi đau trong lòng bạn. Hãy nghĩ rằng : “Tôi muốn được hạnh phúc càng nhiều càng tốt. Tôi không muốn có sự bất hạnh dù rất nhỏ. Những người khác cũng như thế. Nên trong việc này tất cả chúng ta đều giống nhau bất chấp giống nòi nào, màu da nào, hay bất cứ thứ gì khác. Do đó, tôi không cần phải tự làm khổ mình bằng sự phân biệt đối xử.
Việc cố gắng phát triển thái độ này sẽ dễ dàng hơn là việc cố gắng phát triển sự thiền định liên tục không gián đoạn. Thật rất dễ, rất hiệu quả khi muốn hiểu biết việc này bằng lý trí và bạn đã có sẵn “thái-độ-tận-tụy-hiến-dâng” trong người bạn ở một mức độ nhất định. Bạn chỉ cần phải phát triển nó lên. Những người tu thiền định có thể trở nên quá nhạy cảm, rất dễ hay giận dữ. Họ không muốn có bất kỳ sự xao lãng nào và có thể trở nên hoàn toàn ích kỷ. Có ai đó gây ra một tiếng động, thì người tu thiền bực mình ngay, nói : “Anh đã làm gián đoạn thiền định của tôi.” Còn ở đây là một sự thực hành mà bạn có thể hiểu được một cách triết lý, tâm lý, khoa học và có thể lại rất dễ dàng cho bạn khi bạn nghĩ rằng: “Những người khác là quý báu nhất; tôi sẽ dễ dàng hiến mình cho lợi lạc của họ.” Giây phút mà bạn hành động hiến dâng bạn cho tha nhân, bạn sẽ có một khoảng trống – một khoảng trống để không nổi cơn giận khi có ai đó thóa mạ bạn.
Tôi cho rằng đa số con người nhất định có sẵn một tâm tốt và một sự hiến dâng nào đó cho người khác, nhưng đa số họ không phải là người tu thiền. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy rằng thái độ vì người khác rất ư đơn giản, rất hợp lô gích. Nó mang đến cho bạn một kiểu thỏa mãn hoàn toàn khác với kiểu thỏa mãn mà bạn thường ngày kinh nghiệm được, và nó loại bỏ tất cả những khởi niệm tiêu cực bất thiện. Nếu bạn có thể nuôi dưỡng nó, bạn có khả năng nói rằng thái độ hiến dâng vì người khác của bạn là sự thiền định của bạn, là cuộc sống của bạn ; sự tu tập cho giác ngộ của bạn chính là để loại bỏ thái độ ích kỷ của bạn và hiến dâng mình cho tha nhân. Nếu có ai nói điều này tôi nghĩ điều đó rất tuyệt vời. Thật là rất thực tế, rất thực dụng nếu bạn có thể hướng đời mình cho lợi lạc của tha nhân. Bạn có thể không nổi tiếng, nhưng chỉ việc thực hành điều đó theo cách của riêng bạn như vậy cũng đủ.
Cha mẹ tôi trước đây đã từng mâu thuẫn với nhau về cách thức giúp đỡ người khác. Mẹ tôi là một con người rất thực tế. Bất cứ khi nào có cơ hội giúp đỡ ai thì bà liền thực hiện ngay. Cha tôi đã bảo với mẹ rằng như vậy không đúng ; rằng bà phải chọn lựa người mà mình giúp. Mẹ tôi nói với ba tôi lô gích của bà như sau : “Giả sử ông đang đi đến một nơi nào xa và không có thức ăn, chỗ nghĩ trọ. Ông yêu cầu ai đó giúp ông, nhưng họ bảo với ông rằng chưa phải là đối tượng đáng được giúp đỡ. Ông cảm thấy thế nào ? Không cần biết người nào đến với mình tôi nghĩ mình phải nên giúp đỡ họ.” Trong một chừng mực nào đó cả hai người đều đúng, nhưng mẹ tôi khá thực tế hơn.
Tôi không cần đi vào chi tiết về cách thức thiền định Bồ đề tâm vì nó có đầy đủ trong các bài giảng lam-rim. Bạn hãy nhớ rằng chính cái nghiệp tham ái đã coi bản thân mình quý trọng yêu mến hơn tất cả, cái sự tham ái đó là nguyên nhân của mọi đau khổ bất hạnh. Tất cả những khó khăn vấn đề trên thế giới – tranh giành quyền lực, theo đuổi giàu có, đói khát, đánh nhau – tất cả đều đến từ sự thương mến bản thân mình hơn tất cả. Đây là vấn đề, đã từng là vấn đề và còn tiếp tục là vấn đề. Do đó, bạn hãy hiến dâng mình cho tha nhân càng nhiều càng tốt. Đây là cách duy nhất để bạn được hạnh phúc – tôi cho rằng tôi có thể khẳng định như vậy – và không có gì khác thực sự làm bạn thỏa mãn được. Bạn không nhất thiết giàu có mới hiến dâng cho người khác. Ngay cả khi bạn không có gì cả, bạn cũng vẫn hiến dâng đời mình theo cách thức này.
Cho nên tôi hy vọng bạn đã thông suốt hoàn toàn về việc này. Đoạn này đề cập đến cánh cửa đưa tới mọi khổ đau, mê lầm, đó là sự tự thương yêu bản thân mình. Nó cũng đưa tới chỗ con quỷ của quan niệm nhị nguyên, tức là vua của sự độc ác, đó là cái tâm nó đặt bạn vào vị trí thứ nhất, còn những người khác là ở thứ hai. Chúng ta dâng các đối tượng của giác quan phúc lạc siêu việt lên ngài Guru Vajrasattva, khẩn cầu tịnh hóa các khởi niệm và các hình tướng nhị nguyên của chúng ta, và khẩn cầu ngài gia hộ cho chúng ta phát sanh Bồ đề tâm hết sức trong sạch, đó là cốt lõi, tinh chất của Bồ tát đạo. Tất cả chúng ta đang nỗ lực hết mình để tiến theo con đường này, nhưng không phải dễ dàng. Nếu bạn nghĩ rằng bạn là một Bồ tát, hãy soi xét xem một Bồ tát thực sự là gì.
Nguồn : CON ĐƯỜNG KIM CƯƠNG THỪA VỀ SỰ TỊNH HÓA
Bản dịch Việt : Kiến Không
Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 1999

Comments are closed.