Cuộc Đời Phi Thường Của Geshe Lama Konchog, Milarepa Của Thời Hiện Đại

Geshe Lama Konchog Yangsi Rinpoche

Thủa thiếu thời

Khi Losang Phuntsog (Geshe Lama Konchog) lên sáu tuổi, cha mẹ ngài quyết định gởi ngài tới tu viện Drepung ở gần nhà (Drepung là một trong ba đại tu viện của phái Gelug ở Lhasa). Tuy nhiên cậu bé đã biểu lộ một phẩm tính chính yếu của đời mình: cậu biết đích xác mình muốn gì và sẽ theo đuổi mục tiêu đó với sự quyết tâm mãnh liệt. Cậu tuyên bố rằng cậu muốn tu học ở Tu viện Sera. Vì cậu có một người chú học ở Sera nên cha mẹ cậu cũng thông cảm với quyết định đó.

Tuy nhiên, người chú này đã gây cản trở cho việc tu học và thực hành của cậu. Ông ta thường đánh đập cậu.

Nhưng không điều gì có thể làm Losang Phuntsog nhụt chí. Konchog đã tu học ở Tu viện Sera ở Tây Tạng từ năm lên 7 tới 32 tuổi (1934-1959). Mặc dù các tu sĩ không được phép nhận các nhập môn và giáo lý Mật thừa trước khi hoàn tất học trình Geshe (Tiến sĩ Phật Học), ngài thường lẻn đi dự những lễ nhập môn và giáo lý của những Lạt ma như Pabongka Rinpoche, Trijang Rinpoche và Pari Rinpoche. Ngài cũng đã hoàn tất một khóa nhập thất ngắn của các Bổn Tôn mà ngài được nhập môn, ở trong những trụ xứ của các Lạt ma này. Suốt những năm tu học ở Sera, từ khi còn là một cậu bé, Lạt ma Konchog thường biến mất, mỗi lần trong nhiều tháng, du hành tới những địa điểm khác nhau quanh Tây Tạng để thâu nhận vào tâm trí dị thường của ngài toàn bộ những loại thiện xảo rất khó tìm thấy ở một con người.

Thầy Tenzin Zopa, thị giả của ngài, nói: “Ngài lão luyện trong rất nhiều lãnh vực. Ngoài Kinh điển và các giáo lý Mật thừa của cả bốn truyền thống của Tây Tạng, ngài cũng thành tựu vũ điệu Cham, những nghi lễ, mạn đà la cát, thiên văn học, khoa tiên tri, kiến trúc phù hợp với Luật học – sự hiểu biết của ngài thật đáng kinh ngạc.”

Đối với Geshe Jampa Tseten thì rõ ràng là người bạn học “điên” của ông không phải là một người bình thường. Geshe Jampa Tseten nói: “Từ khi là một đứa trẻ, ngài đã là một bậc linh thánh, một thiền giả vĩ đại…”

Đời sống trong núi non

Geshe-Lama-Konchog01

Geshe Lama Konchog Rinpoche

Năm 1959, khi đã hoàn tất học trình Geshe và sắp dự kỳ thi tốt nghiệp thì ngài phải đào thoát khỏi Tây Tạng. Ngài rời bỏ Tây Tạng với độc nhất bộ y mặc trên người, một miếng da cừu và một vài bản văn của bốn trường phái. Trên đường đi ngài gặp người nào đó nói rằng Nepal có thời tiết ấm áp và ngài sẽ không cần tới da cừu, vì thế ngài bán nó đi để lấy một món tiền nhỏ. Nhưng ngài vẫn còn một miếng da cừu nhỏ.

Lama Zopa Rinpoche kể rằng khi Lama Konchog trốn khỏi Tây Tạng – từ Lhasa tới Nepal – có lúc ngài ở trong một thung lũng bị quân đội Trung quốc vây kín. Không có cách nào thoát ra ngoài. Ngài ngồi giữa thung lũng và cử hành một lễ puja để thuyết phục tâm linh thánh của vị Bảo Hộ. Thời tiết trong trẻo nhưng sau lễ puja thì những đám mây và sương mù bất ngờ xuất hiện và trời bắt đầu đổ tuyết. Khi đó ngài có thể trốn đi – thậm chí ngài đi thẳng vào giữa những chiếc xe của quân đội. Tuyết đã làm cho những người lính không nhìn thấy ngài.

Theo Lạt ma Lhundrup, tu viện trưởng Tu viện Kopan, con đường mà Geshe Lama Konchog theo đuổi để thoát khỏi Tây Tạng vào năm 1959 được khám phá trong một giấc mơ. Trước tiên ngài đi tới Tsum ở Nepal và để lại những bản văn của ngài cho một người nào ở đó, sau đó đi Kathmandu với ý định tới Buxa. Ngài gặp Guru (Đạo sư) Trijang Rinpoche của ngài ở Kathmandu. Vị Thầy này bảo ngài đừng đi Buxa mà trở lại vùng núi non để thiền định. Nhưng ngài thực sự muốn đi Buxa, vì thế ngài không nghe theo lời khuyên của Trijang Rinpoche mà đi Ấn Độ. Trong khi đi trên xe lửa cùng một người bạn muốn viếng thăm Varanasi (Ba La Nại), ngài gặp Trijang Rinpoche trên cùng chuyến xe lửa. Trijang Rinpoche hỏi ngài đang làm gì ở Ấn Độ, và bảo ngài trở về núi ở Nepal để thiền định. Lần này ngài nghe theo lời dạy của vị Thầy, ngài đi thẳng về Tsum, ở bên kia biên giới nằm trên phần đất Nepal, thâu thập các bản văn ngài đã để lại và đi lên núi mà không nói cho ai biết mình đi đâu.

Ngài tìm thấy một hang động ở phía trên ngôi làng, và tình cờ đó chính là Hang Bồ câu mà Milarepa, vị thánh và yogi được yêu quý của Tây Tạng, đã thiền định. Chính ở nơi đó em gái của Milarepa đã cúng dường anh mình vải để may áo. Người ta nói rằng các daka và dakini đã biến thành những con chim bồ câu ở đó để nghe giáo lý của Milarepa.

Hang Bồ câu ở sâu trong vùng rừng núi, ở đó chỉ có hổ và những dã thú khác cũng như hươu nai sinh sống. Lama Konchog đã ở đó mười năm, không rời nơi đó và không gặp bất kỳ ai. Ngài chỉ có những bản văn, một bộ y, những mẩu nhỏ da cừu, và một chiếc bình lủng.

Theo lời ngài kể lại cho Tenzin Zopa, thị giả của ngài, trong những tháng đầu, Geshe Lama Konchog đã tập “để có cái dạ dày trống rỗng, tôi đã sống nhờ rau tầm ma và dần dần có thể thực hành ‘chulen gió’” – một phương pháp nhờ đó thiền giả có thể “trích xuất các tinh chất” (chulen) từ thiên nhiên. Phương pháp thông thường mà các yogi thực hành là trích xuất các tinh chất từ đá và hoa, sau đó hòa trộn chúng thành những viên thuốc. Nhưng Lạt ma Konchog đã quyết định không tạo ra mọi chất bổ dưỡng. Thật vậy, ngài đã rút tinh chất từ không khí, và đã có thể tồn tại.

Lama Zopa Rinpoche kể rằng có lần khi đang tu tập trong ẩn thất thì món tsampa (bột lúa mạch nướng – món ăn chính trong thực đơn hàng ngày của người Tây Tạng) của ngài sắp cạn kiệt. Ngài quyết định không ra ngoài để tìm thêm tsampa, mà cứ tiếp tục nhập thất, bất kể điều gì xảy ra. Ngài thực hiện quyết định này bằng cách nghĩ tới bổn sư Trijang Rinpoche. Và tới ngày không còn tsampa, một người đàn ông đã tới với một bao lớn tsampa. Từ lúc đó, ngài không bao giờ thiếu tsampa. Bất kỳ khi nào lương thực của ngài sắp hết thì có người xuất hiện mang thêm tới cho ngài. Ngài tin rằng đó là nhờ sự ban phước và dẫn dắt của Guru của ngài bởi ngài đã từ bỏ sự bám luyến vào cuộc đời này bằng cách nương tựa Guru.

Geshe Lama Konchog đã sống như thế với quyết tâm thành tựu những chứng ngộ, được thúc đẩy bởi lòng đại bi và vui thích sự cô tịch, với cọp và hươu nai làm bạn hữu. Sau này khi được hỏi cảm nghĩ ra sao về hoàn cảnh ở phương Tây, ngài nói: “Nó hoàn toàn bị ô nhiễm! Thực phẩm tốt lành nhất tôi từng được dùng thì có ở trong hang. Nơi chốn tuyệt hảo tôi từng sống là ở trong hang. Những bằng hữu tốt lòng nhất tôi từng có thì ở trong hang.” Phải leo lên mới vào được hang, và hươu nai “giúp đỡ nhau để len vào. Đôi khi chúng ngồi suốt ngày và đêm. Chúng tôi cùng sống với nhau thật an bình, không chút sợ hãi. Với tôi, đó là một cõi tịnh độ.”

Năng lực của ngài hết sức mạnh mẽ, ngài không ngủ mà lễ lạy suốt đêm. Sau khi ngài ở đó 10 năm, một vài người làng đi lên núi cùng đàn cừu đã tình cờ nhìn thấy ngài. Họ nói với ngài rằng họ sẽ dâng tặng ngài thực phẩm của loài người nếu ngài xuống làng và tụng các bản văn cho họ, nhưng ngài từ chối, nói rằng ngài đã có thực phẩm tốt lành nhất. Nhưng dân làng tiếp tục quấy rầy nên ngài quyết định rời khỏi hang và tìm môt nơi khác. Ngài tìm thấy hang động khác, nhưng nó không tốt như hang đầu tiên – hang này chỉ có một nửa, vì thế ngài phải xây lên bằng đá.

Dân làng phía dưới hang động này (đây là làng của Tenzin Zopa) gặp rất nhiều vấn đề với các tinh linh và trời mưa không đúng thời và v.v.., và ngài đã cứu giúp họ. Các thần chú của ngài hết sức hữu hiệu trong việc giải trừ những vấn đề này, vì thế dân làng tới nhờ cậy ngài, và lúc nào ngài cũng thật từ bi, luôn luôn giúp đỡ mọi người. Khi sống ở Tsum tại Nepal, ngài đã chữa khỏi bệnh cho một ít người điên nhờ cúng dường lửa và bằng cách đánh họ.

Ngài tiếp tục nhập thất và giúp đỡ dân làng trong khoảng thời gian giữa các cuộc nhập thất. Dân làng gọi ngài là “Lạt ma Ông nội” và hết sức tôn kính ngài. Vào lúc này, các tu sĩ và ni cô trong vùng (hầu hết thuộc truyền thống Kagyu) thỉnh cầu ngài làm tu viện trưởng của họ và xin ngài ban các giáo lý. Geshe Lama Konchog ban cho họ Kinh điển và giáo lý Mật thừa. Ngài có sự hiểu biết uyên bác về cả bốn truyền thống.

Tới Tu viện Kopan

Như vậy Lama Konchog đã nhập thất nghiêm nhặt trong núi cả thảy 26 năm. Ngài đã tới Kathmandu một vài lần và gặp Lama Yeshe (Thầy của Lama Zopa Rinpoche), bạn cũ của ngài ở Tu viện Sera, và mặc dù Lama Yeshe đã vài lần yêu cầu ngài ở lại Kopan, Lama Konchog đã không chấp thuận mà luôn luôn trở về Tsum. Có một lần ngài đi cùng Lama Yeshe tới phi trường ở Kathmandu, khi ấy Lama Yeshe đang thực hiện một chuyến du hành ở ngoại quốc. Trên đường đi, có người cúng dường Lama Yeshe một đôi giày. Lama Konchog cảm thấy buồn bã vì ngài nghĩ rằng sẽ không gặp lại Lama Yeshe nữa… Cuối cùng vào năm 1985, một năm sau khi Lama Yeshe thị tịch, Lama Konchog tới cư trú ở Kopan. Khi Thầy Tenzin Zopa hỏi ngài điều gì đã khiến ngài tới Kopan, Lama Konchog chỉ nói rằng Lama Zopa Rinpoche đã thực hiện một lễ puja Chokyong (Hộ Pháp) để “móc” ngài tới giúp Tu viện Kopan và FPMT (Tổ chức Bảo tồn Phật Giáo Đại thừa)!

Thầy Tenzin Zopa cũng nói rằng để trả lời cho câu hỏi tại sao ngài tới Kopan, Geshe Lama Konchog nói đó là bởi tất cả những gì ngài đã làm trong quá khứ, tất cả những gì ngài đang làm trong hiện tại, và tất cả những gì ngài sẽ làm trong tương lai. Đó cũng do bởi thiện nghiệp của chúng ta!

Lama Zopa Rinpoche thuật lại rằng khoảng năm 1990-1991, Lama Konchog bị vấp ngã trên các bậc thang ở Tu viện Kopan và đập đầu vào bê tông. Lập tức ngài có một cảm thức mạnh mẽ về sự giải thoát và ngài vô cùng hoan hỉ vì đã nhận lãnh những chướng ngại của Lama Zopa Rinpoche và Tu viện Kopan. Ngài cảm thấy hết sức hài lòng. Thay vì Kopan phải kinh qua những chướng ngại thì ngài đã trải nghiệm chúng và vì thế ngài hài lòng.

Ngoài những chứng ngộ Mật thừa, rõ ràng ngài là một hành giả Đại thừa, một yogi có chứng ngộ Bồ Đề tâm và chứng ngộ không thể sai lầm về tánh Không.

Trong chuyến Lama Zopa và Lama Konchog hành hương Tây Tạng (năm 1987), các ngài tới thăm hồ Palden Lhamo. Hồ này trông giống một chiếc TV – nó có thể tiên đoán cuộc đời của con người. Nó đã tiên đoán và xác nhận Hóa Thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Lama Zopa Rinpoche thuê đủ ngựa cho cả đoàn hành hương nhưng Geshe Lama Konchog từ chối không đặt chân lên ngựa. Đó là dấu hiệu của một Bồ Tát. Ngài không muốn mang lại phiền não hay đau khổ cho con ngựa. Mặc dù ngài không khỏe, ngài đã luôn luôn đi bộ.

Thầy Tenzin Zopa kể: “Năm 1999, tôi ở trong phòng của ngài tại Kopan để phục vụ trà bơ cho ngài và người bạn học của ngài là tu viện trưởng Tu viện Samdeling. Các ngài chọc ghẹo nhau bằng nhiều cách, và bất ngờ tu viện trưởng nói với ngài: “Nhớ lại đi, từ khi còn thơ ấu chúng ta đã sống với nhau ở Đại học Sera ở Tây Tạng. Khi chúng ta còn trẻ ngài rất khác biệt với chúng tôi. Ngài đã thực hành nghiêm nhặt mọi con đường Kinh thừa và Mật thừa. Ngài luôn luôn là người nhiệt tình và được yêu mến nhất để nhận những nhập môn Mật thừa và thực hành các nhập thất nghiêm nhặt. Ngài không bao giờ để lỡ mọi cơ hội này… Chúng ta thường ở cạnh nhau và suốt đêm ngài không để cho chúng tôi ngủ yên. Ngài làm ồn cả đêm bằng những thực hành cúng dường Cho (1) và những bài tập Sáu Yoga của Naropa, đập ầm ầm khắp nơi. Ha ha… Và ngài cũng là một trong những triết gia/ người thảo luận lỗi lạc nhất; và ngài đặc biệt xuất sắc về môn Madhyamika (Trung Đạo) và những học thuyết về tánh Không. Ngài nhớ không, ngài luôn là một người lãnh đạo các cuộc thảo luận và ngay cả những học giả thâm niên cũng tìm đến ngài để học hỏi những kiến thức phi thường của ngài, nhưng ngài thường hết sức khiêm tốn. Vì thế những bậc trưởng thượng của chúng tôi tặng cho ngài biệt danh “Lama Konchog (Lama Quy y). Khi chúng ta nghĩ về quá khứ thì nó là những kỷ niệm hết sức vui vẻ và thật đáng ngạc nhiên, phải không? Và bây giờ chúng ta đã già. “Hô! Hô! Ha! Ha!” “Lama Konchog, nếu ngài mất chắc chắn là ngài sẽ trở thành một hóa thân, phải không Rinpoche?” Đại Thành tựu giả Geshe Lama Konchog cười ha hả và nói: “Dĩ nhiên, chắc chắn là tôi sẽ trở lại và được thăng chức rất lớn. Ha! ha!”

Lama Konchog đã làm lễ thọ giới cho nhiều Tăng đoàn và nhờ ngài nhiều chúng sinh đã được giải thoát. Khi ở Kopan, ngài đã giảng dạy nhiều giáo lý triết học, giáo lý Kinh thừa và Mật thừa, các luận giảng, các lễ nhập môn cho các Tăng đoàn và những đệ tử người ngoại quốc. Ngài đã du hành tới nhiều quốc gia để ban tất cả những Pháp bảo này trong cả bốn truyền thống Phật Giáo Tây Tạng.

Các thực hành đã hoàn tất

Geshe Lama Konchog đã hoàn tất các thực hành:
600.000 chén nước cúng dường.
800.000 Lời nguyện Quy y.
1.500.000 lễ lạy toàn thân bằng thực hành Vajrasattva, tán thán 21 Đức Tara và sám hối 35 vị Phật.
100.000 Cúng dường lửa Vajra Daka.
1.200.000 Cúng dường Mạn đà la.
1.200.000 lần trì tụng thần chú Một Trăm Âm của Đức Phật Vajrasattva.
2.000 nhập thất Nyung Nay.
800.000 trì tụng 9 vòng Guru Yoga Lama Tsongkapa.
100.000 lần đọc Kinh Người Cắt Kim cương.
700.000 tsa-tsa.
100.000 thực hành Cầu nguyện 35 vị Phật như pháp chuẩn bị.
Thiền định Lam-rim và thực hành Jorcho.
Tự-nhập môn Vajrayogini.
700.000 thiền định Samaya Varja.
1.200.000 cúng dường torma.

Thị tịch và Lễ Trà tỳ

Khoảng 8,15 giờ tối 15 tháng Mười năm 2001, Tenzin Zopa và những người khác có mặt bên Geshe Lama Konchog. Tenzin Zopa nhớ lại: “Lama Konchog bảo chúng tôi: ‘Bây giờ thị kiến về ảo ảnh đã xuất hiện’ – cái đầu tiên trong tám dấu hiệu bên trong của cái chết – ‘vì thế xin hãy đi và bắt đầu cầu nguyện.’ Chúng tôi rời khỏi nơi đó ngoại trừ anh Thuben Lhundrup của tôi, là người tụng lời cầu nguyện hàng ngày của Lama Konchog cho ngài. Vào lúc 8,50 giờ ngài ngừng thở.”

Những khóa cầu nguyện được cử hành tại nhà của Lama Konchog suốt ngày và đêm trong bảy ngày, khi ngài vẫn an trụ trong thiền định tịnh quang trong 7 ngày. Ngày 22 tháng Mười, thân linh thánh của ngài được cung thỉnh tới địa điểm làm lễ cúng dường lửa. Các Lạt ma và ba trăm tu sĩ của Tu viện Kopan cùng ba trăm sư cô của Tu viện Kachoe Ghakyil gần đó, cũng như nhiều đệ tử sùng mộ ở nước ngoài, đã tham dự lễ cúng dường lửa Yamataka được tổ chức tại một địa điểm do Lama Zopa Rinpoche chọn lựa. Buổi lễ kéo dài trong vài giờ giữa những dấu hiệu tốt lành là năm loại cầu vồng và một trận mưa hoa từ không trung. Cuối cùng, tháp được cấu trúc đặc biệt để đốt lửa được bít lại.

Xá lợi

dsc08330

Lúc 4,30 giờ sáng ngày thứ ba sau lễ cúng dường lửa, dưới sự giám sát của Lạt ma Cherok trẻ tuổi, Lạt ma Lhundrup, Thubten Lhundrup, Geshe Losang Jamyang, Amtsok, Drakpa và Tenzin Zopa, tháp được mở ra và cuộc tìm kiếm xá lợi bắt đầu. Một số lượng xá lợi đáng kinh ngạc đã được tìm thấy – những dấu hiệu về sự vĩ đại của vị thánh này. “Quá nhiều xá lợi được tìm thấy khiến một công việc được cho là mất hai giờ đã kéo dài đến tám giờ,” Tenzin Zopa nói. Hàng trăm xá lợi như những viên ngọc, tóc đen, trái tim, lưỡi và một con mắt – thường thì những bộ phận như thế của một hành giả Mật thừa cao cấp không bị đốt cháy – và nhiều xá lợi khác được tìm thấy. “Lạt ma Lhundrup nói như thể toàn thân của Geshe-la là một viên ngọc quý…”

Sáu tuần sau khi xá lợi được mang ra khỏi ngọn lửa và được đặt trong những chiếc bình trên bàn thờ trong nhà của Lama Konchog tại Tu viện Kopan thì những biến đổi to lớn đã xảy ra. Tenzin Zopa nói: “Một bộ xá lợi gồm hai viên đã biến thành ba mươi bảy viên, và bộ khác biến thành hai mươi tám viên. Những miếng xương thường xuyên tạo thành các xá lợi giống như ngọc và thuộc loại vàng; và từ tro, xá lợi cũng đang hiển lộ. Trên chiếc lưỡi có một hình ảnh của Đức Tara tự xuất hiện càng lúc càng lộ rõ. Trái tim tiếp tục thu nhỏ lại và đồng thời tạo thành xá lợi đỏ. Một chiếc răng có hình dạng vỏ ốc xà cừ xoắn ngược chiều kim đồng hồ.”

Các xá lợi ngũ sắc là trạng thái thanh tịnh của 5 uẩn, trạng thái của 5 vị Phật Thiền, trạng thái của sự toàn giác. Rõ ràng là Đại thành tựu giả vĩ đại đã thành tựu sự toàn giác trong một đời. Đây là kết quả của việc ngài đã sống một cuộc đời với Ba Phương diện Chính yếu của Con Đường,(2) thực hành Bồ Đề tâm và từ bỏ mọi ô nhiễm bằng cách áp dụng pháp đối trị là tánh Không.

Khensur Losang Tsering Rinpoche, cựu tu viện trưởng Đại Học Sera Je nói với Thầy Tenzin Zopa: “Tôi biết Geshe Lama Konchog rõ hơn các ông. Chúng tôi là bạn rất thân từ khi còn ở Đại Học Sera ở Tây Tạng. Tên Ngài là Lama Konchog và Ngài thực sự là Lama Konchog. Danh hiệu được ban cho Ngài quả là có căn cứ đúng đắn. Tôi thấy Ngài thực sự là một bậc toàn trí. Ngài không chỉ là một học giả về mặt triết học, mà thực sự là một học giả trong mọi lãnh vực thuộc Kinh thừa và Mật thừa. Ngài tinh thông mọi sự mà chúng ta tưởng là mình hiểu rõ, là những điều mà nhiều học giả khác không thấu suốt, và Ngài thực sự đưa mọi sự vào thực hành. Ngài rất khiêm tốn, rất dũng cảm và giúp đỡ tôi rất nhiều. Khi tôi thực hiện Khóa Nhập thất Yamantaka Vĩ đại 3 năm tại căn phòng cũ kỹ của tôi ở Sera, Ngài là người bảo trợ cho cuộc nhập thất này và mọi lễ cúng dường lửa. Tôi rất biết ơn Ngài. Tôi có cảm tưởng và hoàn toàn tin rằng Ngài thực sự là một Lạt ma chứng ngộ cao cấp, chắc chắn là như vậy. Hãy nhìn những dấu hiệu sau khi Ngài thị tịch., như những xá lợi và các cầu vồng v.v.. Đây là những dấu hiệu mà một người bình thường không thể thành tựu, thật vô phương!!! Chỉ những bậc thánh chứng ngộ rất cao mới có thể thành tựu những dấu hiệu như thế. Từ 2500 năm trước Đức Phật đã giảng dạy điều đó chứ không chỉ mình tôi nói với ông. Thỉnh thoảng, khi tôi nghĩ tới Ngài và những yogi trong quá khứ như Milarepa, tôi tự hỏi làm thế nào các ngài có thể có đủ can đảm để làm các thực hành vĩ đại như thế. Đó thực sự là một điều đáng để tự hào. Ngày nay có nhiều người, mặc dù nghiên cứu rất giỏi và hiểu biết rất nhiều nhưng để đưa những kiến thức đó vào thực hành hàng ngày và làm cho thực hành đó hoàn toàn trở thành nguyên nhân của sự giải thoát thì quả là hết sức khó khăn. Hiện nay thật rất rất khó tìm được những bậc tôn quý như các yogi vĩ đại Milarepa và Lama Konchog. Nếu chúng ta muốn thành Phật trong đời này, ta nên thực hành như các ngài. Nhưng điều đó thực sự, thực sự là một công việc vĩ đại. Không thể tin nổi, phải không? Tôi hoan hỉ, tôi hoan hỉ. Chúng ta rất, rất may mắn được nối kết với những bậc chứng ngộ này, thậm chí chỉ được ở bên các ngài một chốc lát, có mối liên kết và những sự ban phước và đặc biệt được làm đệ tử của các ngài thì quả là hết sức may mắn."

Hóa Thân

FullSizeRender3

Tulku Tenzin Phuntsok Rinpoche (Geshe Lama Konchog)

Thầy Tenzin Zopa thuật lại: “Khoảng mười phút trước khi Đại Thành tựu giả ngừng thở, Kopan Khen Rinpoche Lama Lhundrup và tôi mỗi người nắm một bàn tay của ngài và cuối cùng tha thiết khẩn cầu ngài trở lại như một hóa thân để làm lợi lạc cho Phật Pháp và tất cả chúng sinh. Đại Thành tựu giả đã trả lời chúng tôi với lòng bi mẫn lớn lao, đưa ra hai biểu thị rõ ràng. Trước hết ngài nói chữ đầu tiên của tên cha mẹ là chữ AH. Kế đó, bằng cách chỉ ngón tay về phía đông bắc Kopan, một biểu thị rõ ràng về phương hướng ngài sẽ đến. Vào lúc đó Khen Rinpoche Lama Lhundrup và tôi cảm thấy hết sức an ổn và có niềm tin cùng sự hoan hỉ trong việc xác quyết hóa thân của ngài. Nhưng cả hai chúng tôi giữ kín biểu thị rõ ràng này cho tới ngày 17 tháng Mười Hai năm 2005 khi Tenzin Nyudrup được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 xác nhận là hóa thân đích thực không thể sai lầm của Đại Thành tựu giả quá cố Geshe Lama Konchog. Khi đó hóa thân được ba tuổi rưỡi.

Yogi vĩ đại Geshe Lama Konchog thị tịch ngày 15 Tháng Mười năm 2001 và Tenzin Nyudrup ra đời lúc 3 giờ sáng ngày thứ Hai 28 tháng Mười năm 2002, theo lịch Tây Tạng là ngày 22 tháng Chín, là ngày tốt lành kỷ niệm Đức Phật từ Cung Trời Đâu Suất trở về thế gian. Khi cậu bé ra đời, thân cậu to lớn nhưng không làm thân mẫu đau đớn. Những người trong gia đình nói rằng đứa trẻ sinh ra mà không khóc. Ngay sau khi cậu ra đời, một trong những Đạo sư dòng Kagyu đã dùng khoa chiêm tinh để tiên tri về sự kiện này. Việc tiên tri cho thấy thật rõ ràng rằng đứa trẻ này không phải là người bình thường, đó là một hiển lộ của một Lạt ma chứng ngộ rất cao cấp ở phương Nam và v.v..

8 giờ sáng ngày 12/1/2006 Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã làm lễ thụ phong cho hóa thân Tenzin Nyudrup ở Amarvati trong Viện Kalachakra Mandala, địa điểm linh thiêng nhất, nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ban giáo lý tantra Kalachakra lần đầu tiên trong thế giới. Hơn 800 đệ tử của Đại thành tựu giả quá cố Geshe Lama Konchog (là những người tham dự lễ nhập môn Kalachakra) từ khắp nơi trên thế giới đã tham dự buổi lễ. Ngoài ra còn có nhiều Tăng đoàn và các tu viện trưởng, cựu tu viện trưởng, và Lama Zopa Rinpoche, Khen Rinpoche Lama Lhundrup và v.v.. Hóa thân đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma làm lễ thụ phong tu sĩ và được tặng danh hiêu là Tulku Tenzin Phuntsok Rinpoche. Khi ban danh hiệu này, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Bởi ngài đã thay đổi thân tướng, tôi ước muốn tặng ngài một danh hiệu mới, phân nửa là tên tôi và phân nửa là tên trong đời trước của ngài. Tôi hết sức kỳ vọng ở ngài, cầu mong ngài tốt lành trong Pháp, tôi tặng ngài danh hiệu TENZIN PHUNTSOK” (Tulku Tenzin Phuntsok Rinpoche)./.

Chú thích: 

(1) Cho: Nghĩa đen là “cắt”. Một hệ thống thực hành dựa trên Bát Nhã Ba la mật, truyền từ Thành tựu giả Ấn Độ Phadampa Sangye và nữ Đạo sư Tây Tạng Machig Lapdron với mục đích cắt đứt bốn loại Ma và sự chấp ngã.

(2) Ba Phương diện chính yếu của Con Đường: những giáo lý cốt tủy của Lam-rim: sự Từ bỏ, Bồ Đề tâm, và tánh Không.

Thanh Liên biên dịch dựa trên các bài:
- “About Geshe Lama Konchog” by Tenzin Zopa
http://www.fpmt.org/teachers/konchog/about.asp
- “Geshe Lama Konchog - The Search for Geshe Konchog's Reincarnation”
http://www.kopan-monastery.com/teachers_konchog.html
- “An extraordinary modern-day Milarepa
The life and death of Geshe Lama Konchog” by Ven. Robina Courtin
http://www.mandalamagazine.org/2002/konchog.asp
- “Geshe Lama Konchog's Qualities
As explained by Ven. Lama Zopa Rinpoche in Singapore, May 92”
http://www.fpmt.org/teachers/konchog/konchogqual.asp
- “The Incarnation of Geshe Lama Konchog”
https://www.fpmt.org/teachers/konchog/tenzin.asp

Comments are closed.