Hành trình tâm linh là hành trình nhìn lại chính mình

Hầu hết chúng ta nghĩ rằng vô thường hay giác ngộ là những phạm trù phức tạp. Ta không thể nắm bắt, không thể với tới hay có bất cứ cơ hội nào để nhận ra tự tính giác ngộ sẵn có của mình trong đời sống này. Kể cả những người đã từ bỏ cuộc sống vật chất để lựa chọn con đường tâm linh cũng gặp phải những thách thức như vậy. Trên thực tế, những người lựa chọn con đường tâm linh thường đối diện với những trở ngại lớn hơn.

Trở ngại khi không sống được như những kỳ vọng hay khi mắc sai lầm

Khi bạn mắc sai lầm hoặc cảm thấy mình đang khiến bậc Thầy thất vọng, bạn bắt đầu nghĩ rằng giác ngộ tâm linh là điều xa vời mà có thể ta không bao giờ với tới. Một số người thậm chí nghĩ rằng, vì đằng nào cũng chẳng thể đạt giác ngộ, vậy thì hãy tạm gác giác ngộ sang một bên, hãy cứ thoải mái trôi lăn, lặn ngụp trong luân hồi, tha hồ tạo nghiệp và sống không ràng buộc. Đôi khi, vì căng thẳng stress, chúng ta đã quên đi những giây phút đầy cảm hứng đạo vị khi được quy y dưới bậc Kim cương Thượng sư tôn quý hay những thời khắc đầy hỷ lạc của hiểu biết, sẻ chia bên huynh đệ Kim cương. Tất cả những cảm nhận tốt đẹp và tích cực này bắt đầu biến mất sau một thời gian phát tâm đầy hứng khởi.

Con đường trưởng dưỡng tâm linh mà chúng ta đang cùng nhau tiến bước đầy những gập ghềnh sỏi đá, hầm hố ổ gà. Bởi vậy ta nên thận trọng nắm tay nhau, cùng nhau tiến bước với trái tim ấm áp, chân thành và thấu hiểu. Không có gì là không thể làm được, trừ phi chúng ta cho rằng điều đó là không thể!

Chúng ta cần thành thực với bản thân 

Nói đúng hơn là chúng ta cần thành thực với lương tâm của mình. Gần đây, tôi được nghe kể có những người nói rằng họ đang cống hiến toàn bộ cuộc đời cho thực hành tâm linh, bất cứ điều gì họ làm cũng đều vì lợi ích chúng sinh. Tôi thực sự muốn vỗ tay cổ vũ cho điều này, bởi đó là một nhiệm vụ không dễ dàng. Nhưng nếu nhìn vào những việc họ đang làm, đôi khi bạn thấy những việc đó gây tổn hại tới người khác. Thậm chí họ mượn cả danh nghĩa Phật pháp để làm những điều này.

Bạn thực hành tâm linh nhằm mục đích rèn luyện tâm, trưởng dưỡng nội tâm bên trong chính bạn, không phải để rèn luyện người khác và cũng không liên quan gì tới tri thức hiểu biết nhiều hay ít. Thực hành tâm linh chính là rèn luyện khả năng trải rộng tình yêu thương, để cái “tôi” bản ngã ngày một bé lại, trở nên khiêm nhường hơn cho tới khi cái “tôi” hòa nhập với vũ trụ làm một. Nếu còn nhìn thấy có sự phân biệt sâu sắc giữa “ta” và “người” và còn tiếp tục chỉ nhìn thấy lỗi lầm của người khác, thì điều đó có nghĩa bạn còn cần nỗ lực rất nhiều - bạn mới chỉ cất bước trên con đường tâm linh nhiều chông gai và một chặng đường dài vẫn còn chờ phía trước.

Hành trình tâm linh là hành trình nhìn nhận lại chính mình

Đầu tiên, bạn cần hiểu rằng bạn sẽ được hạnh phúc khi đem lại hạnh phúc cho người khác. Hiểu biết thông qua trải nghiệm chứ không chỉ trên lý thuyết suông sẽ giúp bạn phần nào nhìn nhận chiếu soi lại chính mình và giúp con đường tâm linh gập ghềnh của bạn trở nên bằng phẳng, dễ đi hơn. Mỗi ngày, khi đối xử với người khác tử tế hơn một chút, bạn dần sẽ trở thành một người tốt hơn. Đây là một phương pháp thực hành có hiệu quả về lâu dài, nhưng bạn cần kiên trì, nhất quán. Sự thực hành này cũng giúp bạn tỉnh giác trong phút giây hiện tại, và là cách khiến con đường tâm linh của bạn bớt đi chướng ngại và trở nên rộng mở.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Nguồn: Hành trình tâm linh là hành trình nhìn lại chính mình

Comments are closed.