Đức Taklung Thangpa Tashi Pal

Tu viện Taklung Kagyu - Tây tạng 

Dòng truyền thừa Taklung Kagyu không bị gián đoạn cho đến ngày nay kể từ khi được thành lập bởi Đức Pháp chủ Taklung Thangpa Tashi Pal (1142-1210), cũng chính là người đã sáng lập Tu viện Taklung Yarthang.

Ngài là Pháp chủ vô song, đấng bao hộ của chúng sinh trong 3 cõi giới và chính là hiện thân của Thân, Khẩu, Ý cũng như phẩm tính và hành động của tất thảy chư Phật trong ba thời và mười phương. Hoàn toàn sùng mộ và tôn kính vị Thầy gốc của mình cũng như những lời dạy của Ngài, Tashi Pal được xem là một trong những môn đồ xuất sắc của Đại Pháp chủ, Pal Phagmo Drubpa, đấng bảo hộ của chúng sinh.

Với những dấu hiệu tốt lành, Tashi Pal sinh năm Thủy Tuất (năm  Hoàng gia Tây Tạng,) tức năm 1142 sau Công Nguyên, thuộc dòng dõi Taklung Gazi, một trong sáu Dòng truyền thừa Phật Giáo Tây Tạng chính yếu cổ xưa. Ngài đã trải qua tu tập tại Tu viện Pal Thang-kya, nơi mà Ngài nghiên cứu và nắm vững giáo lý Phật giáo tổng quát và chuyên sâu. Nhờ kiến ​​thức sâu rộng và uyên thâm về giáo lý Phật giáo, Ngài nổi danh là một học giả bậc thầy chứng ngộ đầy uy lực vĩ đại.

220px-Taklung_Thangpa_Tashi_Pel

Taklung Thangpa Tashi Pal (1142-1210)

Ngài dần di chuyển về phía miền Trung Tây Tạng, nơi Ngài đã gặp vị Thầy gốc định mệnh, Phagmo Drubpa. Phagmo Drubpa nói với Ngài: "Bây giờ con đã đến, con hãy khoác tấm y mới này lên và con sẽ được hoa tan vào trái tim ta. Ngoài ra, nếu ta ở Bồ Đề Đạo Tràng, con sẽ phải theo ta.” Trong sáu năm, Tashi Pal phụng sự vị Thầy của mình như thị giả riêng của Ngài và trong thời gian đó Ngài đã thọ nhận toàn bộ giáo lý Kinh điển và Mật điển, bao gồm các quán đảnh làm chín muồi dòng tâm thức, giáo lý giải thoát của Đại Thủ Ấn và giáo lý sáu pháp Du già (Yoga) của Naropa. Sau đó, Ngài đã dành nhiều năm thực hành nhập thất vô cùng nghiêm ngặt tại những nơi cô tịch, bằng cách khóa trái, niêm phong thất của mình. Kết quả là, Ngài đã đạt được thành tựu giác ngộ tối thượng.

Sau đó, Ngài đã xây dựng điện thờ tại vị trí Tu viện của Thầy Ngài, Phagmo Drubpa. Vào năm 1180, tại Taklung Thang Dorje Den một địa điểm linh thiêng  mà ngài biết được thông qua linh kiến với Đức Phật, Ngài đã lựa chọn vị trí này và thành lập một truyền thống riêng biệt mới mang tên Taklung Kagyu. Kể từ đó, tên của Ngài được biết là Taklung Thangpa và truyền thống riêng biệt của Ngài nổi tiếng là dòng thành tựu vô song, Taklung Kagyu. Giáo lý chính yếu của Taklung Kagyu là Guru Yoga và sự tận tâm thực hành sự sùng mộ và tôn kính đối với vị Thầy gốc của mình.

Đặc biệt thực hành Luận đã được nhấn mạnh rất nhiều. Như vậy, Taklung Thangpa Tashi Pal, vị Tì Kheo trì giữ các giáo lý Kim Cương thừa, nổi danh vì đạo hạnh thanh tịnh của Ngài đã làm cuộc sống của tất cả những người Ngài gặp, nghe đến Ngài, nhớ về Ngài trở nên ý nghĩa. Ngài dành nửa đầu của mỗi tháng để ban phước và dạy dỗ cho các môn đồ, và nửa sau để thực hành nhập thất nghiêm ngặt. Nói chung, đã có hơn ba ngàn sáu trăm tu sĩ thường trú tại Tu viện Taklung trong thời của Ngài và các đệ tử của Ngài đến từ nhiều địa điểm khác nhau ở Ấn Độ, Trung Quốc, Mông Cổ, và ba tỉnh của Tây Tạng. Vì vậy, các hoạt động tinh thần của Ngài đã lan truyền sâu rộng.

Nhiều học giả lừng danh và các Đạo sư chứng ngộ trì giữ và truyền bá giáo lý tâm yếu của Taklung Kagyu, đã kế tục Ngài. Không chỉ mang lại lợi lạc cho các học thuyết chung của Đức Phật Thích Ca mà còn cho cả truyền thống riêng biệt của Taklung Kagyu. Bằng cách này, trường phái Kagyu Taklung nở rộ khắp Tây Tạng và các nước láng giềng.

Sau khi đưa ra lời khuyên cuối cùng cho các môn đệ của mình, Taklung Thangpa đã thọ nhận trạng thái bất nhị của Đức Kim Cương Trì (Vajradhara) và nhập Niết bàn, thể nhập thân thể và tâm thức vào Pháp thân năm 1210 (năm Ngựa Sắt), thuộc chu kì Rabjung thứ 4. Điều này đã được hiển lộ để chúng sinh nhận ra bản chất vô thường của cuộc sống.

http://www.taklungkagyu.org/aboutus.php?id=2

Việt ngữ : Nhóm Rigpa Lotsawas

Hiệu đính : Giác nhiên

Mọi sai sót đều do người dịch và người hiệu đính. Có chút phước đức nhỏ nhoi nào xin hồi hướng cho những ai có duyên với Truyền thống Taklung Kagyu đều được lợi lạc và cầu mong nhờ công đức này truyền thống Truyền thống Taklung Kagyu sẽ nở rộ tại Việt nam

Comments are closed.