Tiểu sử của Drikung Lamchen Gyalpo Rinpoche

Trong văn hóa Tây Tạng, những mối liên hệ gia tộc thì vô cùng quan trọng đến nỗi ngay cả những người Tây Tạng không được hay ít nhận được sự giáo dục cũng có thể truy nguyên những thân tộc của mình qua nhiều thế hệ. Với một người là tulku (tái sinh) thì việc truy tìm tài liệu làm bằng chứng thậm chí còn cẩn trọng hơn nữa. Một tulku được coi là một người tái sinh có chủ đích để có thể mang những ân phước (gia hộ) của Phật Pháp đến tất cả chúng sinh. Vì thế ta sẽ không ngạc nhiên khi có thể truy nguyên dòng dõi gia tộc của Gyalpo Rinpoche hằng nhiều thế kỷ. Bởi một sự giải thích rộng rãi như thế vượt quá nhu cầu hiểu biết của chúng ta ở đây nên ta sẽ bắt đầu tiểu sử của Gyalpo Rinpoche bằng cuộc đời của vị hóa thân tiền nhiệm của ngài là Chogtul Trinley Gyatso, thường được gọi là Lạt ma Phurga (1883-1938).

Lạt ma Phurga sống ở tỉnh Kham, Tây Tạng và nhận được sự yêu mến và tôn kính của tất cả những người quen biết ngài. Ngài nổi danh về sự hiến dâng trọn vẹn đối với Giáo Pháp. Ngài sùng mộ dòng Drikung Kargyu đến nỗi trong đời ngài, ngài đã ba lần cúng dường toàn bộ của cải thế gian của mình cho Garchen Trinley Yongkyab, hóa thân đời trước của Đức Garchen Rinpoche. Lạt ma Phurga là một y sĩ lỗi lạc hiếm có và nổi danh là có khả năng nhìn thấy những đời quá khứ, hiện tại và vị lai của một con người. Khi Lạt ma Phurga mất, cuộc tìm kiếm hóa thân của ngài bắt đầu một cách nghiêm chỉnh cùng việc đệ trình tên tuổi các ứng viên cho Đức Shiwai Lodro, Drikung Kyabgon thứ 34. Sau khi thiền định, Đức Shiwai Lodro trả lời rằng vị tulku được sinh vào gia đình mà tên của người cha có chữ Tây Tạng "da" và tên của người mẹ có chữ "yung." Khi các thị giả khẩn khoản Đức Shiwai Lodro giải thích rõ ràng hơn thì ngài ghi lại những dấu hiệu theo cung Hoàng đạo, năm sinh của cha mẹ cùng dấu hiệu hoàng đạo của vị tân tái sinh.

Để giúp xác định đúng đắn hóa thân của Lạt ma Phurga, Đức Karmapa thứ 16 cũng nhập định để có một linh kiến về vị tulku trẻ tuổi. Kết quả của việc thiền định là ngài có một linh kiến tiên tri rằng vị tulku sẽ ra đời vào năm Thổ Mùi và người mẹ có tên là Tashi Yungden. Vào lúc đó, Đức Tai Situ Pema Wangchen nhập định và báo tin cho vua của Vương quốc Drong, là thân phụ của Gyalpo Rinpoche, rằng trưởng nam của nhà vua sẽ giảng dạy Phật Pháp để phụng sự chúng sinh. Đây không phải là tin mừng cho vua Behu Trigyal bởi ông đã dự định để trưởng nam (Gyalpo Rinpoche) kế nghiệp và đảm đương trách nhiệm thế tục trong Vương quốc Drong của mình. Mặc dù Behu Trigyal không đồng ý, mọi dấu hiệu đều cho thấy Gyalpo Rinpoche là hóa thân đích thực của Lạt ma Phurga quá cố.

Sau khi cân nhắc mọi tiên tri và cùng với việc Behu Trigyal miễn cưỡng đồng ý hiến dâng con trai của ông cho tu viện, Gyalpo Rinpoche đã được xác nhận là tân hóa thân của Chogtul Trinley Gyatso, Lạt ma Phurga quá cố. Ngài được tôn phong tại Tu viện Lo Lungkar Gon ở tỉnh Kham và được ban Pháp danh là Tulku Konchog Tenzin Sharling Migyur Rinchen Dorje Namgyal.

Là một tulku trẻ tuổi, Gyalpo Rinpoche được gia hộ để đảm đương các Phật sự của ngài trong thời đại Giáo pháp nở rộ ở Tây Tạng, bởi lẽ ngài có thể thọ nhận các trao truyền và quán đảnh từ các Đạo sư vĩ đại của mọi dòng truyền thừa của Phật giáo Tây Tạng. Một ví dụ nhỏ tiêu biểu cho những trao truyền và quán đảnh mà ngài đã nhận lãnh là các giáo lý kho tàng và quán đảnh Kagyed, Gongdu, và Kilaya. Ngài cũng thọ nhận toàn bộ giáo lý từ các Đạo sư giác ngộ như Druwang Drubpon Gejung Rinpoche, Lo Bongtrul Konchog Tenzin Drodul, Driter Osel Dorje, Chogtul Thubten Nyingpo và Ontul Choeying Rangdrol.

Việc giảng dạy trực tiếp các bản văn và giáo lý khẩu truyền được truyền từ vị Thầy xuống đệ tử từ thế hệ này sang thế hệ khác được gọi là một sự trao truyền. Trong khi nhiều hành giả Giáo pháp có thể nhận lãnh các giáo lý và quán đảnh thì chỉ có một số ít được tuyển chọn và được coi là xứng đáng để nhận những trao truyền từ các vị Thầy của họ.

Có vài loại trao truyền khác nhau: Trao truyền Nghiệp, một trao truyền dài ở đó các giáo lý được truyền từ vị Thầy tới đệ tử; Trao truyền Biểu hiện, một trao truyền giữa những vị Trì minh vương; và Khẩu Truyền, việc trì tụng một bản văn được tụng một cách hoàn hảo tạo thành một chuỗi không đứt đoạn từ thời gian hình thành bản văn.

Cũng có một sự trao truyền bổ túc được gọi là Trao truyền Terma. Các Terma là những giáo lý "kho tàng" được khám phá, được ghi chép lại và cất dấu có chủ đích vì lợi ích của các thế hệ tương lai. Khi đến lúc được sử dụng, các terma này được khám phá và tìm thấy ở những nơi chôn dấu bởi một vị terton, là một hành giả có thiện nghiệp khám phá những giáo lý ẩn dấu quý báu này. Trong thời gian nhập thất với các vị Thầy, Gyalpo Rinpoche đã thọ nhận tất cả những loại trao truyền này từ các vị Thầy của ngài, được kết hợp với những giáo lý rộng lớn và nội quán chứng nghiệm trực tiếp.

Danh sách các vị Thầy và dòng truyền thừa mà từ đó Gyalpo Rinpoche đã nhận lãnh các gia hộ này thì hết sức phong phú và đa dạng. Từ các vị Giáo thọ nổi tiếng của dòng Drikung Kagyu là Gelong Pachung Rinpoche và Druwang Kyunga Rinpoche, ngài thọ nhận các giáo lý cốt tủy về Mahamudra (Đại Ấn) cùng với trao truyền nội quán chứng nghiệm sâu xa. Hiểu rằng việc thọ nhận các giáo lý chỉ là bước đầu tiên, Gyalpo Rinpoche đã thực hành mỗi giáo lý không chút sai sót từ lúc bắt đầu cho tới giai đoạn thành tựu. Theo cách đó ngài đã có thể là một kho tàng hoàn hảo lưu giữ các gia hộ và giáo lý của Đức Phật và là một cỗ xe đích thực để giải thoát chúng sinh khỏi sự thống trị của Luân hồi sinh tử.

Từ Đức Karmapa thứ 16, Gyalpo Rinpoche thọ nhận các giáo lý Mahamudra sâu xa và thực hành Tsig-chigma của Đức Karmapa thứ 3 Rangjung Dorje. Từ Situ Pema Wangchuk Rinpoche, ngài nhận một số quán đảnh được kết hợp với các giáo lý, luận giảng và nội quán chứng nghiệm. Từ Zigar Kongtrul Rinpoche, Gyalpo Rinpoche nhận các giáo lý và quán đảnh Rinchen Terzod, được kết hợp với các luận giảng khẩu truyền và trao truyền nội quán chứng nghiệm về tất cả các Bổn Tôn Yidam.

Từ Ripa Seljey Rinpoche của dòng Barom Kagyu, Gyalpo Rinpoche nhận các quán đảnh và giáo lý, đặc biệt là đối với phái Barom Kagyu của Phật giáo Tây Tạng. Từ các Đạo sư của ngài thuộc dòng Nyingma, trong đó có Dilgo Khyentse Rinpoche, ngài được gia hộ để nhận trao truyền tổng quát và nội quán vào tất cả các tantra (Mật điển) và sadhana Nyingmapa với sự chú trọng đặc biệt về giáo lý Dzogchen Nyingthik Yabshi. Dzogchen Nyingthik là một loạt kho tàng linh thánh xuất phát từ dòng của Dzogchen Khenpo Nyoshul Lungtok Tenpai Nyima vĩ đại. Nyoshul Rinpoche được coi là đệ tử giác ngộ xuất sắc nhất của Patrul Rinpoche vĩ đại. Người ta truyền tụng rằng khi Nyoshul Rinpoche mất vào năm 72 tuổi, ánh sáng cầu vồng uốn cong trên đầu cùng với nhiều hiện tượng khác được coi là các dấu hiệu kiết tường, biểu hiện cho sự thị tịch của một Đạo sư giác ngộ.

Từ các Đạo sư giác ngộ Poli Khenchen Dorje Chang, Nyoshul Khenpo Jampa Dorje và Khenpo Tauten Rinpoche, Gyalpo Rinpoche nhận nhiều phương diện của các quán đảnh, giáo lý và giáo huấn cốt tủy khẩu truyền trực tiếp Dzogchen. Các giáo huấn cốt tủy khẩu truyền trực tiếp là những giáo lý được truyền trực tiếp từ một Đạo sư giác ngộ tới đệ tử và được phân chia thành bốn giáo khóa là Giáo khóa Ngoài, Trong, Bí truyền và Bí truyền Sâu xa. Các nghiên cứu của Rinpoche nhắm vào giáo lý Longchen Nyingthik, được coi là Cốt tủy Sâu xa của giáo khóa Bí truyền Sâu xa.

Từ Đức Gyalwang Drukpa Thamche Kyenpa, vị cựu lãnh đạo của dòng Drukpa Kagyu, và Yogi Rigzin, Gyalpo Rinpoche nhận sự giới thiệu đầy đủ vào cốt tủy của Mahamudra (Đại Ấn) và Đại Viên mãn. Ngài cũng được ban cho các giáo lý cốt tủy Drukpa với sự nhấn mạnh đặc biệt vào Doha. Các Doha là giáo lý mật nhiệm, thường được ban truyền trong hình thức các bài kệ và bài ca. Chúng bao gồm các giáo lý sâu xa như trí tuệ của sự giác ngộ trực tiếp.

Từ Jigdral Khyentse Rinpoche, Gyalpo Rinpoche nhận các giáo lý là những câu trả lời của Gampopa cho những câu hỏi của Phagmo Drupa.

Từ Taklung Shabdrung Rinpoche và Matul Rinpoche, Gyalpo Rinpoche nhận các giáo lý Chakrasamvara Khandro Gyatso cùng những giáo khóa khác của Phái Taklung Kagyu.

Từ các Đức Sakya Dolma Phodrang, Sakya Phuntsog Phodrang, Luding Rinpoche, và Chogye Trichen, Gyalpo Rinpoche được gia hộ để nhận các quán đảnh và giáo lý đặc biệt về Hevajra, Vajravarahi và Vajra Bhairava.

Từ bổn sư Khunu Rinpoche Tenzin Gyaltsen, người được coi là mạng mạch của tất cả các hành giả Phật giáo, Gyalpo Rinpoche thọ nhận các giáo lý thuần tịnh, không bị pha trộn của cốt tủy Đại Ấn và Đại Viên mãn với sự chú trọng đặc biệt vào Trigchod và Thogal.

Gyalpo Rinpoche đã thọ nhận giáo lý của tất cả những Đạo sư uyên thâm ở trên và thực hành chúng từ giai đoạn chuẩn bị cho tới các giai đoạn phát triển và thành tựu, được ngắt quãng bởi các khóa nhập thất và làm an dịu các Bổn Tôn bao gồm cả ba khóa Nhập thất Chính yếu và các nghi lễ Làm An dịu Bổn Tôn.

Sau khi đào thoát khỏi Tây Tạng, Gyalpo Rinpoche phục vụ Chính phủ Tây Tạng tại Hải ngoại mười một năm với tư cách là Bộ trưởng Cao cấp của Nội các và sau này là Giám đốc Quản trị của Trung tâm Thủ công Tự lực Tây Tạng ở Simla, Ấn Độ. Khi Gyalpo Rinpoche phục vụ được gần mười một năm, Đức Drikung Kyabgon Rinpoche thỉnh cầu Rinpoche kết hợp với ngài tại Jangchubling, trụ xứ của dòng Drikung Kagyu ở Dehra Dun, Ấn Độ. Bởi lòng sùng mộ không vơi cạn của ngài đối với Đức Drikung Kyabgon Rinpoche và do ước muốn phụng sự cho dòng Drikung Kagyu bằng mọi cách thức có thể, Gyalpo Rinpoche đã ngừng làm việc với Chính phủ Tây Tạng và du hành tới Dehra Dun.

Trong khi làm việc với Đức Drikung Kyabgon Rinpoche, Gyalpo Rinpoche đã phụng sự với vai trò Thư ký Riêng của ngài và Tổng Thư ký Học viện Drikung Kagyu (Jangchubling) trong thời gian xây dựng và tuyển học viên. Ngài đã thiết lập được các ngân quỹ để bắt đầu xây dựng tu viện và là một người góp phần trong mọi giai đoạn của việc xây dựng trụ xứ của truyền thống Drikung Kagyu tại hải ngoại.

Trong một nỗ lực vượt bậc để vươn tới các hành giả và tu viện của dòng Drikung Kagyu, Gyalpo Rinpoche đã viếng thăm tất cả các tu viện Drikung từ miền Đông Tây Tạng cho đến Núi Kailash. Ngài cũng phụ giúp Đức Drikung Kyabgon Rinpoche biên soạn và ghi chép lịch sử của truyền thống Drikung Kagyu. Đáp ứng nhu cầu của các dòng truyền thừa khác, Gyalpo Rinpoche đã thiết lập Trụ xứ Dorje Drag – mạng mạch của Truyền thống Nyingma - ở Simla, Ấn Độ.

Hiện nay, Gyalpo Rinpoche làm việc không mệt mỏi, không quan tâm đến sức khỏe hay tiện nghi của riêng ngài, để mang lại kết quả trong việc xây dựng lại các tu viện Drikung, thiết lập trường học cho trẻ em Du mục Tây Tạng, thành lập các bệnh viện tân tiến và những chương trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại tỉnh Kham. Rinpoche có một số trung tâm tích cực hoạt động tại Hoa Kỳ mà trụ sở chính ở Denville, New Jersey. Ngài cũng có các trung tâm Giáo pháp năng động ở Đài Loan. Bởi Phật sự của ngài rất đa dạng, ngài sử dụng hầu hết thời gian vào việc đi tới các trung tâm của ngài, chăm sóc và hướng dẫn các đệ tử tới một mức độ hiểu biết tốt hơn về giáo lý của Đức Phật, dòng Drikung Kagyu, và cách áp dụng những giáo lý đó để mỗi ngày một hoàn thiện phẩm tính của cuộc đời họ, và cuộc đời của những người xung quanh. Thật khó tìm được một Lạt ma thuần tịnh nhưng mỗi đệ tử của ngài đã nhận ra rằng họ đang có trong tay một viên ngọc quý và họ luôn luôn nguyện cầu cho Gyalpo Rinpoche được an khang và thành công trong mọi Phật sự của ngài.

Nguyên tác: "Drikung Lamchen Gyalpo Rinpoche"

http://www.gampopa.org/about-us/52-drikung-lamchen-gyalpo-rinpoche.html

Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

http://www.drikungvn.org/index.php?option=com_content&view=article&id=388%3Atiu-s-ca-drikung-lamchen-gyalpo-rinpoche&catid=90%3Atiu-s-ao-s&Itemid=558&lang=vi

Comments are closed.