Ý Chí Kim Cương – Pamela Gayle White phỏng vấn ngài Karmapa thứ 17 Trinley Thaye Dorje

Thưa Ngài, Karmapa có nghĩa là gì ạ?

Karma là một từ tiếng Phạn có nghĩa là hành vi hoặc hoạt động. Pa là một từ Tây Tạng; nó chỉ ai đó dấn thân vào và gánh vác hành động đó. Ở đây, hàm chỉ một vị Bồ Tát, nghĩa là một người có trái tim từ bi và trí tuệ lớn lao, người đảm đương và tiếp nối sự nghiệp của chư Phật.

Karmapa là người lãnh đạo tối cao của dòng truyền thừa Kagyu. Xin Ngài có thể cho tôi biết một số điều về dòng truyền thừa của mình?

Kể từ vị Karmapa đầu tiên, Karmapa Dusum Khyenpa, các vị Karmapa đã luôn luôn nắm giữ dòng mạch của dòng Karma Kagyu. Thông thường, các vị Karmapa và Shamarpa sẽ lần lượt nhận ra, công nhận sự tái sinh của vị còn lại, và sẽ thay phiên nhau là người chăm sóc chính của dòng truyền thừa. Các hóa thân khác nhau của vị Karmapa đã truyền bá tuệ giác của chư Phật, Phật Pháp, thông qua một phương pháp rất độc đáo, độc đáo không phải vì nó khác biệt với những gì Đức Phật dạy, mà ở cách trình bày độc nhất vô nhị. Những giáo pháp mà chúng tôi truyền thừa là Sáu Pháp Du Già của Naropa và Mahamudra – Đại Ấn, cùng với pháp Lamrim của dòng Kadampa.

Trọng yếu của các pháp này là gì (thưa Ngài)?

Lamrim hay Bồ đề đạo thứ đệ về cơ bản là một con đường từ tiến, một quá trình dần dần. Sự tiến triển dần dần này rất quan trọng đối với bất kỳ ai muốn đạt đến một cái đích nào đó. Để thấu suốt hoặc thành tựu một điều gì, chúng ta cần phải bước đi, từ bước đầu tiên đến bước cuối cùng. Có một con đường dần dần để tiến đến trạng thái giác ngộ của tâm, nơi một người hoàn toàn thoát khỏi sự điều khiển của hai kẻ sai xử thế giới tương đối này: phiền não, những cảm xúc gây khổ đau – hay nói đơn giản là sự mê lầm – và luật nhân quả, nghiệp hay các món nợ do nghiệp đã gây. Sự vắng mặt của mê lầm là trí sáng tỏ, sự vắng mặt của nghiệp trái là sự tự chủ tuyệt đối, chúng ta không còn chịu sự sai xử của nghiệp. Trên thực tế, chúng ta có thể tác động đến nghiệp thay vì để nghiệp dẫn dắt chúng ta.

Thế giới tương đối này cũng đã trở thành tương đối, trở thành ràng buộc theo một cách từ từ, sự sầu khổ, cơn khủng hoảng hay bất cứ vấn đề gì không tự đến với chúng ta chỉ trong một cái búng tay [Karmapa bất ngờ búng tay]. Chúng đã diễn ra như một quá trình. Một sự nhầm lẫn kéo theo một sự nhầm lẫn khác, và cứ tiếp tục chồng lấp lên, đầu tiên là một chút vô minh, sau đó là sự phán xét, và trong khi cố gắng trút bỏ mê lầm và các cảm giác khổ sở, ta lại phát sinh thêm nhiều tri kiến sai lầm, và lại phủ lên thêm nhiều lớp vô minh, tất cả dần dần trở thành một thói quen, trở thành thuộc tính tự nhiên của chúng ta. Và chúng ta nghĩ rằng chúng ta là như vậy, rằng đây là bản chất của con người. Kết quả cuối cùng là chúng ta có sự hoảng loạn- rối bời, Con đường từ tiến là con đường để đảo ngược quá trình đó.

Mahamudra hay Đại Thủ Ấn là cái thấy tuyệt đối về sự giác ngộ nghĩa là gì? Về cơ bản, Mahamudra chính là đích đến, và con đường từ tiến Lamrim sẽ giúp chúng ta đạt đến điều đó một cách bình yên và bất bạo động. Không ai muốn sự mê lầm; ai cũng muốn được sáng tỏ, thấu suốt và bình an. Nhưng chân lý tuyệt đối không thể được chỉ bày hoặc truyền trao cho bạn đơn giản như thế [Karmapa làm một cử chỉ rất nhanh]. Mahamudra là một phương tiện, một quá trình độc nhất vô nhị gồm nhiều thí dụ và hình ảnh ẩn dụ, chỉ ra cho ta cách để kinh nghiệm sự sáng tỏ của tâm và làm chủ hoàn toàn đời sống của mình.

Ngoài ra, khi ta nhận ra rằng người khác cũng giống như bản thân, cũng có những mong ước và nhu cầu tương tự, nhưng không có được sự sáng tỏ đó, hoặc những phương pháp để đạt tới kinh nghiệm đó, khiến ta phát sinh nơi tâm một lòng từ bi vô điều kiện, từ bi không thể diễn bày. Đó không phải là thứ ý niệm thông thường của chúng ta về lòng từ bi; lòng từ bi có mặt một cách rất tự nhiên.

Dựa theo các văn liệu và các truyện về cuộc đời đạo sư trong kinh điển, các Đại Bồ Tát đã thành tựu có những phép thuật huyền bí, siêu phàm. Nhiều người trong số các vị Karmapa được cho là có pháp lực rất lớn, chẳng hạn như sức mạnh của toàn tri. Ngài có những pháp lực đặc biệt không? Ngài có phải là một bậc toàn tri không?

Khi một người quán chiếu về bản chất ảo hóa của thế giới hiện tượng, đến một thời điểm nào đó, người đó đạt được một sự hiểu biết chăc chắn [về bản chất đó], và khi đó rất có thể người ấy sẽ có khả năng chuyển hóa bất kỳ hoàn cảnh nào thành một hoàn cảnh thuận lợi, tốt đẹp hơn. Nhưng tôi nghĩ nó khá khác với thứ gọi là phép thuật. Với các vị Bồ tát đã chứng đắc, những gì trông giống như quyền lực siêu nhiên ấy không hẳn là pháp thuật; đó chỉ là sự thành tựu, sự thấu suốt cách thức mà hiện tượng vận hành. Có một ví dụ tương tự, thoạt đầu sẽ rất khó để hiểu bằng cách nào vài trăm người thực sự có thể bay bổng trong không gian, trên bầu trời, trong một cái ống sắt có cánh. Nhưng khi bạn đã hiểu thấu được được đó là vì công thức này, kết cấu đó, động cơ này, và hiểu thấu hết rồi, điều kì lạ đó trở nên khá bình thường.

Khi chúng ta nghe từ “đấng toàn tri,” nó nghe giống như một thứ pháp thuật; đó là cách mà chúng ta thường hiểu. Nhưng toàn tri không phải như thế; tôi nghĩ là nó rất hợp lý. Nói đơn giản, nếu bạn khéo học hỏi, khéo tích lũy kinh nghiệm, bạn có thể trở thành một vị toàn tri.

Ngài đã được công nhận là Gyalwa Karmapa thứ 17 như thế nào?
Tôi đã được công nhận bởi thầy của tôi, Shamar Rinpoche, vào lúc tôi khoảng 11 tuổi.

Có sự bất đồng về việc công nhận sự tái sinh của Ngài bởi Shamar Rinpoche. [..] Thầy muốn nói về vấn đề đó như thế nào?

Luôn luôn có những bất đồng, đó là một phần của cuộc sống. Không có cuộc sống nào không có trở ngại, không có cuộc sống nào không có rắc rối, không có cuộc sống nào không có sự bất đồng, tranh cãi. Đó là điều không thể tránh khỏi. Không thể nào nói rằng “Tôi có một cuộc đời, và tôi muốn nó được hoàn toàn yên ả.”

Là một hành giả, là một người đệ tử của Phật, chúng ta cố gắng để sử dụng bất cứ chướng ngại nào xảy đến và biến chúng thành hữu ích, thành một điều có ý nghĩa. Bằng cách đó, ta thực sự học hỏi được rất nhiều về cách để tiến lên phía trước, và ta sẽ phát triển được cái thấy sâu rộng hơn về cuộc sống.

Làm thế nào để một dòng tu, ở đây là dòng tu của Thầy, có thể đem đến một ảnh hưởng tích cực cho thế giới ngày nay?

Thực ra, dòng tu của chúng tôi đang cố gắng để thích ứng [với thế giới ngày nay] và xem điều gì đem lại kết quả, điều gì không hiệu quả. Chúng tôi đang cố gắng mở ra nhiều học viện và đại học mở, cũng như các dự án đặt trọng tâm về môi trường, y tế, những điều tương tự. Ví dụ, chúng tôi đang trong quá trình xây dựng một học viện [ở Dordogne, Pháp] để mọi người, đặc biệt là người châu Âu và những người trẻ tuổi, có thể tiếp cận với Phật Pháp – không phải nhằm truyền bá Phật giáo, mà là đưa ra cánh cửa để mọi người tiếp cận với tri thức: thứ khoa học về tâm mình, về thân và về thế giới. Trước khi đi vào tu tập, chúng ta cần phải thu lượm kiến ​​thức.

Như truyền thống xưa nay, trường phái của chúng tôi nhấn mạnh về việc thực hành thực tu; các vị thầy Kagyupas nổi tiếng với công phu thiền định của mình. Xét về mặt cốt lõi của sự tu tập, những lợi ích của dòng truyền thừa chỉ đến khi chúng ta cố công giữ gìn nó, cố gắng để dòng truyền thừa được chân thực, thuần khiết, và nỗ lực thực hành trong đời sống của chúng ta. Bằng cách đó, khi có một cơn đại nạn xảy đến, chúng ta có thể vượt qua và trở thành một tấm gương, một thí dụ cho những người khác. Một cách tự nhiên, những người này sẽ phát sinh một mối quan tâm.

Vì vậy, mục đích cơ bản của chúng tôi là xây dựng một dòng truyền thừa tốt đẹp gồm nhiều vị hành giả và để mọi người thấy rằng tu tập thực sự hữu ích: những lời dạy của Đức Phật thực sự đem lại kết quả. Chỉ cần nhìn vào dòng truyền thừa như vậy, tôi nghĩ rằng có thể mang lại một cảm hứng tu tập nào đó, thay vì bảo người khác rằng, “Này, bạn phải tu tập đi, nếu không thế giới này sẽ đoạn diệt.”

Trong một bài viết của Thầy được đăng trên Huffington Post UK mùa hè năm ngoái, thầy đề cập đến chủ đề sự giàu có. Bài viết đó đã chỉ rõ thế giới ngày nay của Thầy hoàn toàn khác xa với thế giới của Karmapa thứ 16, vị tái sinh trước Thầy. Xin Thầy có thể nói thêm một chút về những gì đã thay đổi, những gì vẫn giống với trước đó, và thời đại đã ảnh hưởng lên hoạt động của Thầy như thế nào?

Tôi chắc chắn rằng bắt đầu từ vị Karmapa đầu tiên cho đến vị Karmapa thứ 16, vị tái sinh trước tôi, mỗi vị hóa thân đều có những thay đổi, dĩ nhiên thay đổi là để thích nghi. Nhưng thế kỷ 21 này là thời đại có những thay đổi đáng kể nhất từ trước tới nay – ngay trong 10 năm qua, đã có rất nhiều sự thay đổi. Chúng tôi cũng phải điều chỉnh để thay đổi theo. Nhưng bản thân các pháp môn, các phương pháp tu tập này, chúng có tính chất vượt thoát thời gian; chúng ta không thực sự cần phải điều chỉnh chúng. Có phải con người chúng ta trong mọi lúc luôn cố công tìm kiếm những xu hướng mới về xe hơi, quần áo, đồ ăn, thức uống hay không? Thế nhưng, những thứ kinh điển vẫn là kinh điển: chúng có tính chất vượt thời gian. Cũng như vậy, tôi nghĩ rằng các pháp môn này là phi thời gian, chúng có tính chất cổ điển. Điều đó sẽ không bao giờ thay đổi.

Các pháp môn có thể không thay đổi, nhưng các hoạt động để mở bày giáo pháp phải có sự thay đổi, có phải không thưa Thầy?

Tất nhiên. Trong thế giới hiện đại, phương tiện truyền thông là một điều chúng ta không thể tránh khỏi và cần phải thích nghi. Chúng ta đã tiến đến một thời đại mà ta có thể kết nối với tất cả mọi người và những gì ta làm hay người khác làm đều có thể được biết đến. Trong một cách nào đó, điều đó mang đến một tiềm năng tích cực tuyệt vời, giống như chúng ta đã đạt đến sự trong suốt.

Tôi đã cố gắng hết sức để tìm ra cách thích ứng những pháp tu tập và giáo lý vào thế giới đương đại, để cho nếu ai đó có nhu cầu tìm học Phật pháp và các pháp môn của dòng Karma Kagyu, người đó có thể tiếp cận được.

Thầy cảm nhận thế nào về thế giới này? Lạc quan? Đầy tin tưởng? Bi quan?

Tôi chắc rằng, trong cùng một lúc trong tâm tôi, cả ba điều đó. Tất cả trong một. Có lẽ đó là cách tốt nhất để mô tả cách mà tôi cảm nhận. Có một sự sợ hãi bởi vì ngay cả với tất cả những thứ xa hoa này, người ta vẫn không có hạnh phúc. Trên thực tế, nếu người bà quá cố của tôi còn ở đây, bà sẽ nói và tôi chắc chắn sẽ đồng ý rằng, xã hội hiện đại có đủ mọi thứ mà một con người có thể cần đến. Tất cả mọi thứ. Vì vậy, bạn thấy đấy, thực sự rất khó khiểu khi thấy rằng chúng ta vẫn còn có những vấn đề rắc rối?

Tôi không thể hiểu tại sao vẫn còn nhiều bạo lực khi ta đã có tất cả mọi thứ. Ở các nước kém phát triển, ta có thể dễ chấp nhận, dễ hiểu hơn đúng không? Bởi vì họ đang cố gắng để phát triển, cố gắng bằng cách nào đó để cạnh tranh với các nước phát triển, và do đó có rất nhiều lo âu và bạo lực. Nhưng ở các quốc gia và thành phố văn minh, vẫn còn nhiều bạo lực. Vấn đề nằm ở điểm nào?

Vâng, vấn đề nằm ở điểm nào?

À, tất cả điều đó chỉ là sự giàu có bên ngoài, và lòng tham thì không có đáy, phải không nào? Đầu tiên, một mong muốn nảy sinh, và sau đó bạn phát triển thành lòng tham – bạn chỉ muốn có được nhiều thêm, nhiều, nhiều hơn nữa. Khi ta đã có một cái gì đó, ta không hài lòng; ta muốn một cái gì đó hoàn toàn khác nữa. Tất nhiên, ta cần có tài chính để sinh nhai, nhưng tiền không thể đem lại tất cả mọi thứ. Sự giàu có tiền bạc cũng có chừng mực, và khi ta chạm đến giới hạn đó (và không thể tiếp tục thỏa mãn nữa), tâm ta trở nên phiền não.

Hình như chỉ có một điều duy nhất có thể cứu rỗi chúng ta: đó là phát triển sự giàu có nội tâm. Khi đó ta có được một vòng tròn, một chu trình tuyệt hảo, mọi thứ đều trở nên tốt đẹp. Khi chúng ta đã chạm tới được sự giàu có bên trong – những phẩm chất tốt đẹp như lòng từ bi, tri túc, kiên nhẫn…, sự giàu có đó là vô tận, là không hạn cuộc trong thời gian. Đó là những phẩm chất mà chúng ta đều sẵn có. Tất cả mọi người. Toàn bộ công phu thiền định đều nhằm thẩm nhập vào sự giàu có bên trong nội tâm này, để chạm tới và sử dụng nó.

Làm thế nào để chúng ta chạm tới và sử dụng được sự giàu có bên trong của chúng ta?

Nên bắt đầu tìm kiếm ở đây [Karmapa để tay lên trước trái tim mình].

Như thế nào ạ?

Trước tiên hãy thử tìm xem những ai đã tìm thấy sự bình an nội tâm. Tôi có một gợi ý: bạn có thể tìm thấy được sự bình an nội tâm thông qua đạo Phật. Tôi nghĩ rằng đây là lý do tại sao Đức Phật đã giảng dạy giáo pháp và chính chúng tôi cũng cố gắng diễn bày ý nghĩa của chánh pháp trên toàn thế giới. Cụ thể hơn, tôi nghĩ rằng giáo pháp là rất cần thiết cho thế giới ngày nay, nơi đang có nhiều hình thức khủng hoảng khác nhau. Chúng ta chủ yếu chỉ nói về khủng hoảng kinh tế, một vấn đề có phần lớn nguyên nhân từ sự thiếu hiểu biết nội tâm, thiếu bình an nội tâm, thiếu sự giàu có nội tâm. Tất cả dạng giàu có, bên trong nội tâm và bên ngoài thế giới, đều từ tâm mà ra, không có tâm, không có điều gì khác nữa. Đó là lý do tại sao chúng tôi nhắm đến điều cốt lõi, đến tình trạng bên trong.

Nếu bạn nhìn sâu, bạn sẽ thấy rằng con đường để đạt được sự giàu có bên trong bắt đầu với một tâm an tĩnh. Nếu tâm bạn được an, mọi thứ xung quanh bạn cũng an. Chúng ta đã hy sinh quá nhiều thời gian cho nhiều thứ không cần thiết, chí ít hãy dành một chút thời gian dành cho việc nuôi dưỡng tâm bình an. Thời gian và năng lượng là vô giá, nhưng hàng tỷ người đã hy sinh chúng cho rất nhiều điều không cần thiết. Thay vào đó, nếu ta đầu tư chừng năm hay mười phút mỗi ngày để làm lắng dịu tâm trí thông qua thiền định, tôi có thể đoan chắc rằng một điều đó sẽ đem lại một kết quả tốt đẹp.

Thầy đã đi du hóa khắp thế giới và gặp gỡ nhiều người từ mọi xứ sở. Thầy có lời khuyền nào chung cho mọi người không?

Vâng, trong 10 năm du hóa vừa qua, tôi đã học được rất nhiều từ những người mà tôi gặp gỡ; giúp tôi hiểu được sự khác biệt, sự đa dạng giữa tâm tính con người và giữa các nền văn hóa. Một mặt tôi thấy được sự đa dạng rất lớn, mặt khác tôi lại thấy chúng ta đều giống nhau. Khi có khổ đau, với ai, đó cũng là khổ đau. Khi có hạnh phúc, với ai, đó cũng là hạnh phúc. Có bấy nhiêu thôi. Trong thực tế, không hề có rào cản.

Mọi người đều có khả năng sống hạnh phúc; chúng ta được sinh ra với khả năng đó. Để phát huy tiềm năng đó, đơn giản chỉ cần có một cuộc sống thiện lành, cần có sự kiên nhẫn để chuyển hóa những trở ngại, có từ tâm và ít ham muốn. Trong tiếng Tây Tạng nó được gọi là Do choung chok she: có ít ham muốn và biết hạnh phúc với những gì mình có**.

Thầy có một người hùng nào để noi theo không?

Tất nhiên. Tất cả chúng ta đều có những vị anh hùng để noi theo.

Thầy có thể nói cho chúng tôi biết người hùng của thầy là ai không?

[Dừng lại trong giây lát.] Người hùng của tôi trước giờ vẫn luôn là ngài Milarepa. Một nhà thơ khoác chiếc áo vải, hoặc không mặc gì cả. Thân sắc xanh lá cây. Và là một người có được mọi thứ trên đời.

Pamela Gayle White đã dành sáu năm tu tập tại Pháp dưới sự hướng dẫn của đạo sư quá cố người Tây Tạng Gendun Rinpoche. Cô phiên dịch từ tiếng Tây Tạng và giảng dạy thiền và triết học Phật giáo ở trung tâm Bồ Đề Đạo ở châu Mỹ và châu Âu.

Ý Chí Kim Cương
Pamela Gayle White phỏng vấn ngài Karmapa thứ 17 Trinley Thaye Dorje
Phần dịch trích từ bản tiếng anh:http://www.tricycle.com/interview/diamond-resolve
Chuyển ngữ: Sangya Kungal Chopel

http://thu-vien-karma-kagyu.org/tai-lieu-tu-hoc/tu-tap-phap/y-chi-kim-cuong-pamela-gayle-white-phong-van-ngai-karmapa-thu-17-trinley-thaye-dorje/

Comments are closed.