Tiểu sử ngắn Đức Kyabje Dudjom Yangsi Rinpoche

 Trước khi Kyabje Dudjom Rinpoche thị tịch, Ngài nói rằng: “Ta sẽ đi Trung quốc, và ta sẽ tái sinh trong gia đình của ta.” Quả nhiên như thế, việc tiên tri về sự tái sinh của Ngài hoàn toàn xảy ra như dự dịnh. Tenzin Yeshe Dorje - Kyabje Dudjom Yangsi Rinpoche - sinh ngày 22 tháng 7 năm Hỏa Ngọ thuộc Chu kỳ Rabjung thứ 17 (nhằm ngày 9 tháng 10 năm 1990) tại Kyegudo (hạt Yuesue thuộc Tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc) trong gia đình của chính con trai của Kyabje Dudjom Rinpoche là Dola Tulku Jigmed Chokyi Nyima Rinpoche, và vợ của ông là Pema Khandro. Khi thân mẫu của Yangsi Rinpoche mang thai ba tháng, một hôm bà nhìn thấy một cầu vồng xuất hiện trên ngôi nhà của họ và bà biết đó là một dấu hiệu tốt lành. Từ lúc ấy, nhiều cầu vồng xuất hiện với họ, và thậm chí một vài cầu vồng còn xuất hiện trong phòng.

 Sau khi Yangsi Rinpoche được sinh ra, nhiều đại Lạt ma của những truyền  thống khác nhau tới thăm Ngài. Một vài vị nói rằng Ngài phải là một tulku của dòng Sakya, trong khi những vị khác nói rằng Ngài có thể là một tulku của Gelugpa. Lần đầu tiên, Yangsi Rinpoche được vị Terton vĩ đại và Dakini trí tuệ Tare Khandro (Tare Lhamo), con gái của terton vĩ đại Aphang Terton ở Golok, xác nhận là tulku (Hóa Thân) của Kyabje Dudjom Rinpoche. Tiên tri xuất hiện với nữ Terton này trong những bài thơ viết bằng chữ Dakini mà bà đã dịch sang chữ Tây Tạng. Sau đó một Lạt ma Nyingma khác tên là Ngaden Tulku viết một bài mô tả những sự kiện đã xảy ra.

Sau đó, Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche III tới thăm Yangsi Rinpoche ở Kyegudo và ban cho Ngài nhiều lễ nhập môn quan trọng. Dzongsar Rinpoche cũng ban cho Ngài danh hiệu “Pema Osel”, có nghĩa là Liên Hoa Quang (Ánh sáng Hoa Sen}. Trong lễ nhập môn và sau đó, người ta nhìn thấy ba lớp cầu vồng trên mái nhà của song thân Ngài, và chúng được coi là một dấu hiệu hết sức tốt lành.

Sau đó, một tulku từ Tu viện của Dola Rinpoche mang lá thư của Tare Khandro tới cho Kyabje Chadral Sangye Dorje Rinpoche ở Pharping, Nepal. Vị Thầy này cũng xác nhận Yangsi Rinpoche là tulku của Kyabje Dudjom Rinpoche. Yangsi Rinpoche được Kyabje Chadral Rinpoche ban tặng thêm danh hiệu "Sangye Pema Shaypa Drodul Rigdzin Thinley Drupaydey" qua một bài cầu nguyện trường thọ. Sau đó, Kyabje Chadral Rinpoche viết thêm một lá thư để tham khảo ý kiến của Kyabje Dungsay Thinley Norbu Rinpoche ở New York, và vị Thầy này cũng có ý kiến giống như Kyabje Chadral Rinpoche. Kyabje Dungsay Thinley Norbu Rinpoche cũng tới Chengdu (Thành Đô), Sichuan (Tứ Xuyên) để gặp Yangsi Rinpoche vào năm 1993.

Kể từ đó, nhiều đại Lạt ma đã xác nhận Yangsi Rinpoche là tulku của Kyabje Dudjom Rinpoche, kể cả H.H. Minling Trichen Rinpoche, H.H. Penor Rinpoche (vị Lãnh Đạo hiện thời của Phái Nyingma), H.H. Sakya Trizin Rinpoche, Shechen Rabjam Rinpoche và Kathok Situ Rinpoche, trong số những Lạt ma cao cấp khác của Phật Giáo Tây Tạng.

Một sự kiện tốt lành nhất đã xảy ra vào ngày 25 tháng Mười Một năm 1994 tại Kathmandu, Nepal. Chính vào ngày Lha Bab Duchen (ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ thiên giới trở về sau khi ban giáo lý cho thân mẫu của Ngài), Yangsi Rinpoche, tulku của Kyabje Dudjom Rinpoche II đã được đăng quang. Một hội chúng 12.000 người đã tham dự buổi lễ tại Godavari, thánh địa của Vajrayogini. Chính Kyabje Chadral Rinpoche đã chủ tọa buổi lễ đăng quang kéo dài tám giờ, cùng với H.H. Penor Rinpoche, Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche, Shechen Rabjam Rinpoche, Kathok Situ Rinpoche và nhiều Lạt ma Nyingma hiện tại khác. Kyabje Dudjom Yangsi Rinpoche ngồi yên lặng như một pho tượng suốt buổi lễ. Kyabje Chadral Rinpoche nói với Dola Rinpoche, thân phụ của Yangsi Rinpoche rằng thật là kinh ngạc và thậm chí thật phi thường khi một đứa trẻ 4 tuổi lại có thể ngồi như thế trong khi chính Chadral Rinpoche thì không thể làm được. Thực vậy, bất kỳ ai nhìn thấy Yangsi Rinpoche cũng sẽ không thể không tin rằng Ngài là một hiện thân linh thánh, tự thân sự hiện diện của Ngài đã có một năng lực để giải thoát chúng sinh. Chính vị tiền nhiệm của Ngài là Dudjom Lingpa đã tiên tri rằng “chỉ nhờ nhìn thấy, nhận biết, xúc chạm, và kinh nghiệm với Ngài mà hàng tỉ người sẽ được giải thoát, và họ sẽ được tái sinh vào Vương quốc Shambhala.” (2)

Các Đạo sư của Yangsi Rinpoche gồm có Bhakha Tulku, Urgyen Chemchok Rinpoche và Khenpo Nyima Dorje ở Tu viện Kathok. Ngài cũng được nhận nhiều lễ nhập môn và giáo lý quan trọng từ những Đạo sư vĩ đại như Kathok Moktsa, Gonjo Tulku Urgyen Chemchok, Dungsay Thinley Norbu Rinpoche, Dzongsar Jamyang Khysentse Rinpoche, và từ Chadral Rinpoche, Lạt ma gốc (Bổn Sư) của Ngài.

http://www.vairotsana.org/history/dudjomrinpoche.htm
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

Chú thích:

(1) Kublai Khan (Kubla Khan 1216-1294): vị sáng lập triều đại Mông Cổ và là người chinh phục Trung Hoa; cháu của Thành Cát Tu Hãn.

(2) Theo truyền thống của Phật Giáo Tây Tạng, khái niệm Shambhala có ba ý nghĩa. Theo ý nghĩa bên ngoài của nó, Shambhala là một vị trí địa lý, một địa điểm tràn đầy nguồn mạch cảm hứng tâm linh, nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy Tantra (Mật điển) Kalachakra (Tantra Bánh Xe Thời gian). Theo ý nghĩa nội tại, Shambhala là Pháp hay Luân xa Tim, nằm ở vị trí trái tim của tất cả chúng sinh. Nó là biểu tượng của tâm, làm viên mãn bộ ba gồm thân, ngữ và tâm. Theo ý nghĩa bí mật của nó, Shambhala là Tathagatagarbha (Như Lai tạng, Phật Tánh), là cốt tủy của mọi sự. Nó siêu vượt sự hiện hữu và không-hiện hữu, và là nền tảng của sinh tử và Níêt bàn. Theo Tantra Kalachakra, trong Thời đại Tối ám này, Lala-Desum (Ba Chúa tể của chủ nghĩa Duy Vật, cụ thể là Chúa tể của Thân, Chúa tể của Ngữ và Chúa tể của Tâm) sẽ bành trướng năng lực và sự cám dỗ của họ, nô lệ hóa tâm thức con người bằng chủ nghĩa duy vật tâm lý và tâm linh. Cuối cùng, khi Shambhala được thừa nhận, nói cách khác, khi chúng sinh bắt đầu thấu hiểu chính mình và khi Phật Tánh chói ngời, Vua của Shambhala là Rigden Dorje Nonpo sẽ tiến hành cuộc chiến tranh chống lại và điều phục Lala-Desum, khiến cho những kế hoạch của Ba Chúa tể của Chủ nghĩa Duy Vật trở nên không còn thích hợp và những giáo lý của Tantra Kalachakra sẽ được chứng ngộ.

 

Comments are closed.