Cái nhìn xuyên thấu

Bây giờ chúng ta hãy đến với cái nhìn minh sát tuệ (vipashyana trong tiếng sankrit, hoặc vipassana trong tiếng phạn). Tại sao cái nhìn đúng đắn về thực tại (chánh kiến) lại quan trọng đến thế? Điều này có vẻ rất lý thuyết, song hoàn toàn không phải như vậy. Nói chung, cách thức chúng ta nhìn nhận về người khác và về thế giới ảnh hưởng đáng kể tới cách sống và cách ứng xử của chúng ta. Chúng ta không ngừng áp đặt quá mức cách nhìn phiến diện của mình về thực tại đối với mọi người, và do đó, những méo mó mà nó mang lại chính là những nguyên nhân gây nên bất bình và đau khổ, bởi lẽ rốt cục, những cách nhìn bị bóp méo ấy không tránh khỏi va chạm với thực tế. Đã bao nhiêu lần chúng ta coi mọi người nào đó hay một vật nào đó là hoàn toàn đáng yêu hoặc hoàn toàn đáng ghét? Với một sức mạnh nào chúng ta bám chặt lấy “cái tôi” và cái “của tôi” đinh ninh rằng chúng là những khái niệm vững chắc?

Bây giờ hãy tưởng tượng rằng chúng ta nhìn thế giới hiện tượng như một dòng chảy năng động của các sự kiện phụ thuộc lẫn nhau, trong đó những tính chất không ngừng thay đổi của chúng là kết quả của vô số nguyên nhân và điều kiện, và không cố hữu thuộc về các sự vật mà các nguyên nhân và điều kiện đó xác định. Như thế, những khái niệm về: “cái tôi” và “của tôi” sẽ hiện ra một cách thông thoáng hơn rất nhiều và không còn là những đối tượng để ta bám chặt vào như thế nữa.

Như vậy, vun bồi chánh kiến là một thực tập cơ bản để nhổ bật gốc rễ của khổ đau và những hiểu nhầm cơ bản (chúng là nguồn gốc của khổ).

Để phát triển chánh kiến, cần phải có tâm trí minh mẫn, tập trung và ổn định. Muốn thế, điều quan trọng là trước đó phải chuẩn bị tập luyện để an định tâm (shamatha – định). Tuy vậy, như chúng ta thấy, tâm yên thôi cũng không đủ. Định giúp chúng ta làm dịu đi chốc lát những cảm xúc gây rối loạn, nhưng không đánh bật được chúng ra khỏi tâm trí. Vì thế, cần phải dùng tới cái nhìn minh sát tuệ để nhận ra bản chất nền tảng của tâm thức, cách thức khởi lên và nối tiếp nhau ra sao của các cảm xúc, cũng như những tạo dựng của tâm củng cố thêm bản ngã của chúng ta như thế nào.

Thông qua phân tích và trải nghiệm trực tiếp, cái nhìn đúng đắn sẽ giúp chúng ta hiểu rằng các hiện tượng luôn luôn thay đổi (vô thường), phụ thuộc lẫn nhau, và do đó, không tự tồn tại độc lập được như chúng ta vẫn thường gán cho chúng tính chất này. Kết quả là cách nhìn nhận về thế giới của chúng ta sẽ đúng đắn hơn và tự do hơn. Chúng ta không còn là tù nhân của cái nhìn ích kỷ và sẽ làm chủ dễ dàng hơn những phản ứng trong tình cảm do mối quan hệ tương hỗ của mình với môi trường xung quanh gây ra.

Cái nhìn xuyên thấu có thể được thực hành theo nhiều mức độ và nhiều cách khác nhau. Ở đây, chúng tôi giới thiệu một số mặt sau:

  • Làm thế nào để có thể hiểu thực tại đúng đắn hơn;
  • Làm thế nào để vượt qua những dằn vặt do những cảm xúc gây rối loạn sinh ra, hay nói cách khác, làm thế nào để làm chủ chúng;
  • Làm thế nào để bóc trần sự bịp bợm của “cái tôi” và hiểu ảnh hưởng của nó đối với nỗi khổ đau và hạnh phúc của chúng ta;
  • Làm thế nào để nắm được bản chất nền tảng của tâm thức.

1. Hiểu thực tại hơn

Cần phải hiểu thực tại như thế nào? Theo đạo Phật, đó là bản chất chân thật của vạn vật, không bị bóp méo bởi những tạo dựng của tâm thức khiến cho ta thấy vạn vật không đúng với sự thực về chúng. Sự lệch lạc này không ngừng làm nảy sinh những mâu thuẫn xung đột với thế giới. Thật vậy, chúng ta thường nhìn thế giới bên ngoài như là một tập hợp các thực thể độc lập và gán cho chúng những thuộc tính dường như là cố hữu, như tự chúng có. Trong con mắt của chúng ta, vạn vật tỏ ra “hay” hoặc “dở”, và con người cơ bản là “xấu” hoặc “tốt”. “Cái tôi” nhìn những thứ đó khiến chúng ta cảm thấy vừa thật, lại vừa cụ thể. Sự nhầm lẫn do thiếu hiểu biết mà đạo Phật gọi là vô minh này làm nảy sinh những phản xạ yêu thích và ghét bỏ, thường dẫn tới một chuỗi khổ đau.

Theo phân tích của đạo Phật, thế giới được tạo thành từ vô lượng những nguyên nhân và điều kiện liên tục biến đổi. Giống như cầu vồng được hình thành đúng vào lúc mặt trời chiếu sáng trên một màn mưa, và biến mất ngay khi một trong những yếu tố hình thành nó không còn nữa. Các hiện tượng tồn tại theo phương thức chủ yếu là phụ thuộc lẫn nhau, và vì vậy, không tự tồn tại mãi mãi. Vì thế, thực tại tối hậu là cái mà người ta gọi là không có tự tính  của các hiện tượng hữu sinh và vô sinh. Mọi thứ đều là quan hệ, không có cái gì tự nó tồn tại và tồn tại do bản thân nó hết. Khi đã hiểu và nhập tâm khái niệm cơ bản này, chúng ta sẽ hiểu đúng về bản chất của vạn vật và con người, thay vì quan niệm sai lầm của mình về “cái tôi”. Đó là suy nghĩ đúng đắn (chánh tư duy). Hiểu biết này không phải là một tạo dựng đơn thuần của tâm thức, cũng không phải là một tập hợp các thông tin; nó là kết quả của một phương pháp cơ bản, cho phép loại trừ dần dần tình trạng mù quáng của tâm và những cảm xúc gây rối loạn sinh ra từ đó và nhờ thế, loại trừ những nguyên nhân chính khiến chúng ta bất hạnh.

Bước thiền quán tiếp theo nhằm mục đích giúp chúng ta chuyển hoá cách nhìn của mình về thực tại; nó được mô tả bằng từ ngữ hiện thời, song dựa trên cách phân tích cổ xưa của triết lý Phật giáo. Chúng ta có thể tra cứu chúng trong các tài liệu tham khảo được trích dẫn ở phần cuối cuốn sách này.

Thiền

Hãy tưởng tượng một bông hồng tươi mát đang hé nở và chúng ta ngắm nhìn nó. Bông hoa mới đẹp làm sao! Bây giờ hãy tưởng tượng rằng chúng ta là con sâu đang gặm nhấm một mẩu cánh hoa. Sao mà ngon thế! Hãy xem mình là con hổ đứng trước bông hoa: đối với nó, bông hoa hay bó rạ cũng chẳng có gì khác nhau. Bây giờ hãy đưa mình vào tâm điểm của bông hồng kia và hình dung mình dưới dạng một nguyên tử. Chúng ta chỉ còn tồn tại dưới dạng phóng năng lượng trong thế giới kính vạn hoa, bị cuốn vào cơn lốc của những hạt đi qua một không gian hầu như trống rỗng. Bông hồng này đâu rồi? Màu sắc của nó, hình dáng của nó, chất xơ của nó, hương thơm, mùi vị và vẻ đẹp của nó lúc này ở đâu? Còn về phần các hạt, nếu ta quan sát chúng kỹ hơn, có phải chúng cũng là những vật chắc thật hay không? Các nhà vật lý học bảo không hẳn là như thế. Đó là những “sự kiện” khởi lên từ chân không lượng tử, những “sóng xác suất” và rốt cuộc là từ năng lượng. Từ năng lượng ư? Liệu đó có phải là một thực thể không? Hay đúng hơn là một tiềm năng biểu hiện vừa không phải là không tồn tại, vừa không thực sự tồn tại? Vậy còn lại gì ở bông hồng?

Sự “trống rỗng” của một vật nào đó không có nghĩa là vật đó không tồn tại, mà là bản chất thực sự của nó không có. Sự trống rỗng của chiếc cầu vồng không phải là không có cầu vồng, mà là cầu vồng hoàn toàn không có tự tính, không có độc lập và không tồn tại, mặc dù nó đang tỏa sáng những màu sắc rực rỡ. Chỉ cần mặt trời rạng ngời ở đằng sau ta bị che khuất một lúc, hoặc màn mưa bỗng ngừng rơi là cầu vồng lặn mất, không để lại dấu vết nhỏ nào.

Như vậy, chúng ta hãy xem xét bản chất của vạn vật xung quanh mình. Hãy nhận ra rằng dù chúng hiện diện thật đấy, nhưng chúng không có tồn tại tối hậu. Hãy để tâm trí ta nghỉ ngơi một lát trong sự kết hợp không thể tách rời giữa những hiện tượng bề ngoài và bản chất trống rỗng bên trong, giữa hình tướng và trạng thái trống không.

Những nguồn cảm hứng

Như ảo ảnh, như sao băng, hay ngọn lửa,

Như ảo giác diệu kỳ, như bọt nước, hay giọt sương,

Như giấc chiêm bao, như tia chớp hay đám mây;

Hãy quán chiếu vạn vật được hình thành như thế

Chandrakirti

Vô lượng các hiện tượng biểu hiện,

Như những phản chiếu trên mặt hồ trong vắt,

Dù thế tự chúng không tồn tại được.

Ngay hôm nay đây, hãy có được niềm tin

Rằng tất cả chỉ là phản chiếu

Của sự trống rỗng mà thôi

Longchen Rabjam[iii]

“Chủ thể và khách thể giống như gỗ đàn hương và hương thơm của nó vậy. Luân hồi và niết bàn giống như băng và nước. Hiện tượng bề ngoài và bản chất trống rỗng giống như những đám mây và bầu trời. Những suy nghĩ và bản chất của tâm thức giống như những đợt sóng và đại dương”.

Gueshe Tchayulpa[iv]

“Vào giữa mùa đông, mặt hồ nước và dòng suối bị đóng băng và nước trở nên rắn đanh đến mức có thể chịu được sức nặng của con người, súc vật và các phương tiện xe cộ. Mùa xuân đến, mặt đất và các nguồn nước ấm lên, băng tan chảy. Nước thì mềm mại và thông suốt, còn băng lại rắn chắc và sắc nhọn. Người ta không thể nói rằng chúng là một, cũng không thể nói rằng chúng khác nhau, bởi vì băng đá chỉ là nước ở trạng thái đông cứng, còn nước chính là băng đá tan chảy.

Cách ẩn dụ này là cách nhìn nhận của chúng ta về “cái thật”. Khi chúng ta bám chấp vào thực tại của vạn vật, khi chúng ta để cho những tình cảm yêu thích hay thù hận, khoái cảm hay đau đớn, lợi nhuận hay mất mát, vinh quang hay nhục mạ, ngợi khen hay chỉ trích cuốn đi, tâm trí của chúng ta sẽ đông cứng lại. Vậy nên điều chúng ta có thể làm là khiến tảng băng những khái niệm và định kiến tan chảy, để biến chúng thành dòng nước thông suốt tự do của tất cả những điều có thể”.

Khyentse Rinpoche

“Nhận biết ra bản chất của tâm thức và hiểu biết đúng về thế giới hiện tượng là điều cơ bản trong cuộc đi kiếm tìm hạnh phúc của chúng ta. Nếu tâm trí dựa trên những cách nhìn hoàn toàn sai lệch về bản chất của vạn vật và duy trì những cái nhìn đó thì nó sẽ rất khó tự chuyển hoá để biết được trạng thái tự do. Có chánh niệm không phải nhờ vào niềm tin hay chấp nhận một giáo điều, mà là hiểu biết rõ ràng. Sự hiểu biết rõ ràng này nảy sinh từ cách phân tích sắc sảo thực tại. Chính nhờ thế mà dần dần, ta sẽ nghi ngờ niềm tin vào sự tồn tại tự có của các hiện tượng (trước đây, tri kiến sai lầm đã khiến ta đinh ninh như vậy) và nó sẽ được thay thế bằng một cách nhìn đúng đắn về vạn vật”.

Đức Dalai Lama thứ XIV[v]

2. Làm chủ các suy nghĩ và cảm xúc

Người ta thường nghe nói rằng đạo Phật nói chung và thiền nói riêng nhằm mục đích là xoá sổ cảm xúc. Tất cả đều phụ thuộc vào việc ta hiểu cảm xúc là gì. Nếu đó là những xáo động tâm thần như thù hận và ghen tỵ thì cớ sao không rũ bỏ kia chứ? Còn nếu đó là một tình cảm yêu thương tha nhân mạnh mẽ hoặc cảm thông với những người đang đau khổ thì tại sao không phát triển phẩm chất đó lên? Đó chính là mục đích của thiền.

Thiền dạy chúng ta làm chủ những cơn tức giận xấu xa, hoặc ghen tức, những sự thèm muốn không kìm hãm nổi và những lo sợ vô cớ. Thiền giải phóng chúng ta khỏi sự bức bối của những trạng thái tinh thần khiến cho cách suy nghĩ của chúng ta bị ngu muội, và là nguồn gốc của những khổ đau dằn vặt triền miên. Khi ấy, người ta gọi chúng là những “độc tố tinh thần”, bởi lẽ các trạng thái tinh thần ấy đầu độc thực sự cuộc sống của chúng ta cũng như của những người khác.

Từ “cảm xúc” có gốc là emovere trong tiếng La tinh, có nghĩa là “làm cho chuyển động”. Như vậy, cảm xúc là cái làm cho tâm thức vận động, dù là theo hướng có hại, trung tính hay có lợi. Cảm xúc quyết định tâm thức và bắt nó phải chấp nhận một quan điểm nào đó, hay một cách nhìn nhận sự vật nào đó. Cách nhìn nhận này có thể phù hợp với thực tế nếu đó là tình thương vị tha và lòng thông cảm, hoặc có thể sai lệch trong trường hợp tham lam hay thù hận. Như chúng tôi đã nhấn mạnh ở phần trên, tình thương yêu đồng loại thể hiện qua nhận thức rằng tất cả các chúng sinh đều mong muốn thoát khỏi khổ đau như chúng ta. Nền tảng của tình cảm vị tha ấy dựa trên sự thừa nhận trạng thái phụ thuộc lẫn nhau, trong đó có chúng ta. Ngược lại, thù hận bóp méo thực tại vì nó thổi phồng những khiếm khuyết và phớt lờ những phẩm chất của đối thủ. Cũng như vậy, lòng ham muốn vô độ khiến chúng ta yêu thích mọi khía cạnh của đối tượng và không đếm xỉa gì đến những nhược điểm của nó. Vì thế, cần phải công nhận rằng một số cảm xúc làm cho ta bị rối loạn và một số khác khiến ta an lạc. Nếu cảm xúc nào làm tâm ta yên hơn và khuyến khích ta làm điều tốt cho người khác thì có thể được coi là tích cực, hoặc có tính xây dựng; còn nếu nó làm ta bất an, khiến tâm trí ta rối bời và đẩy chúng ta tới chỗ làm hại những người khác thì đó là một cảm xúc tiêu cực, hay có tính chất gây rối loạn. Đó chính là điều khác nhau giữa một sự bất bình căm phẫn hay một “cơn nóng giận thánh thiện” khi phải chứng kiến một điều bất công, với thái độ tức tối do muốn làm hại ai đó.

Cho nên, điều quan trọng không phải là cố hết sức để huỷ diệt các cảm xúc của mình – điều này là hão huyền – nhưng là làm thế nào để các cảm xúc này giúp chúng ta yên tâm hơn và khiến chúng ta suy nghĩ, nói năng và hành động theo hướng thiện tâm đối với những người khác. Muốn thế, chúng ta phải tránh là nạn nhân lệ thuộc hoàn toàn vào các cảm xúc, phải học cách làm tan biến dần những cảm xúc tiêu cực khi chúng khởi lên và vun bồi những cảm xúc tích cực.

Cũng nên hiểu rằng các cảm xúc và suy nghĩ nối tiếp nhau dồn lại sẽ tạo nên tính khí của chúng ta, tính khí này có thể tồn tại trong chốc lát, hoặc trong một thời gian nhất định, rồi về lâu dài, tạo thành những khuynh hướng và những nét cá tính của chúng ta. Chính vì thế, nếu học cách làm chủ tối đa các cảm xúc của mình thì dần dần từ cảm xúc này qua cảm xúc khác, từ ngày này sang ngày khác, rốt cục chúng ta cũng sẽ thay đổi được lối sống của mình. Đó là tinh tuý của việc rèn luyện tâm thức và của thiền về các cảm xúc.

Trong số các phương pháp thiền nhằm chế ngự cảm xúc, chúng tôi giới thiệu hai phương pháp:

Một là áp dụng các liều thuốc đối trị,

Hai là không đồng hoá mình với những cảm xúc nhất thời nữa, mà nhận ra bản chất chân thực của chúng.

Phương pháp 1 - Áp dụng các liều thuốc đối trị

Ở đây, thuốc đối trị chỉ một tâm thái hoàn toàn đối lập với cảm xúc gây rối loạn mà ta đang muốn cưỡng lại. Cũng như một cốc nước không thể vừa nóng vừa lạnh, chúng ta không thể cùng một lúc vừa muốn làm cả điều thiện lẫn điều ác đối với cùng một người. Như vậy, đây là cách vun bồi những phương thuốc đủ mạnh để vô hiệu hoá các cảm xúc làm ta bất an.

Nhìn dưới một góc độ khác, càng phát triển lòng nhân từ thì tâm trí càng không có chỗ cho tính độc ác, cũng như càng có nhiều ánh sáng trong một căn phòng thì bóng tối càng biến mất. Trong các cách thiền được giới thiệu dưới đây, trước hết, chúng tôi sẽ lấy tham ái làm ví dụ, sau đó là tức giận.

Tham ái

Không ai phản đối rằng ước muốn là điều tự nhiên và tình cảm này có vai trò cơ bản trong cuộc sống để thực hiện các khát vọng của chúng ta. Nhưng ước muốn tự nó chỉ là một sức mạnh mù quáng, không tốt cũng không xấu. Tất cả đều tuỳ vào ảnh hưởng của nó đối với chúng ta. Ước muốn có thể gây cảm hứng cho cuộc đời ta, hay cũng có thể đầu độc nó. Ước muốn có thể thúc đẩy chúng ta hành động một cách xây dựng cho mình và cho mọi người. Song ước muốn cũng có thể biểu hiện bằng những cơn dày vò dữ dội, trở thành một cơn thèm khát trói buộc và huỷ hoại chúng ta, khiến chúng ta lệ thuộc vào chính những nguyên nhân gây ra bất hạnh. Khi ấy, ước muốn là nguồn gốc của khổ đau, và chúng ta trở thành nạn nhân của nó. Đối với loại tham ái này, chúng ta lấy tự do nội tâm làm liều thuốc đối trị.

Thiền

Khi bị ám ảnh và điên đảo vì ham muốn, hãy bắt đầu bằng việc phân tích các đặc tính cơ bản của nó và tìm ra thuốc đối trị thích hợp. Ham muốn có đặc tính là vội vàng, khẩn cấp. Hãy làm cho các suy nghĩ lắng dịu đi bằng cách quan sát hơi thở ra, vào như chúng tôi đã mô tả ở phần trên.

Ham muốn có đặc tính ràng buộc và gây nhiễu. Liều thuốc đối trị của nó là hãy tưởng tượng ra sự thoải mái và nhẹ nhõm đi liền với tự do trong tâm. Hãy dành một lát cho cảm xúc tự do đó nảy nở và tăng trưởng trong ta.

Ham muốn có xu hướng bóp méo thực tại và thèm thuồng tới cao độ đối tượng mình yêu thích. Để tái thiết lập được một cách nhìn nhận đúng đắn về vạn vật, hãy dành thì giờ để xem xét đối tượng mà mình ham thích dưới mọi góc độ của nó, và thiền một lát về những khía cạnh ít quyến rũ hơn, thậm chí không được ưa chuộng.

Cuối cùng, hãy để tâm trí chúng ta thư giãn trong sự bình yên của trạng thái ý thức trọn vẹn, thoát khỏi mọi hi vọng, sợ hãi và thưởng thức khoảnh khắc tươi mát của hiện tại, nó có tác dụng làm dịu đi ngọn lửa ham muốn.

Những nguồn cảm hứng

“Một tâm thức bình yên không đồng nghĩa với tâm vô niệm, mất hết những cảm giác và cảm xúc. Một tâm bình yên không phải là tâm vắng mặt[vi]”.

Thích Nhất Hạnh

“Hãy xử lý tham muốn theo cách sau đây. Quan sát suy nghĩ hay cảm giác khi nó xuất hiện. Tách biệt trạng thái tham muốn ra khỏi suy nghĩ đó. Ghi nhận tầm cỡ hay mức độ chính xác của tham muốn này. Sau đó, để ý xem nó kéo dài trong bao lâu và cuối cùng biến mất lúc nào. Khi đã làm xong tất cả những điều trên, bạn lại chú ý vào hơi thở[vii]”.

Bhante Henepola Gunaratna

“Thật là sướng khi được gãi lúc đang bị ngứa, nhưng còn sướng hơn khi ta hết ngứa. Được thoả mãn những ham muốn của mình thì tốt, song hạnh phúc biết bao khi không còn ham muốn nữa[viii]”.

Nagarjouna

Tức giận

Tức giận mang tính ích kỷ, là tiền đề của thù hận. Nó tuân theo ý đồ loại trừ bất cứ ai cản trở điều mà “cái tôi” đòi hỏi, bất chấp lợi ích của người khác. Nó được thể hiện bằng thái độ thù địch khi bản ngã bị đe doạ và phản công lại, bằng oán giận và căm hờn khi “cái tôi” bị tổn thương, bị khinh miệt hoặc bị lãng quên. Một cơn giận dữ đơn thuần cũng có thể được kết hợp với sự độc ác, với ý muốn cố tình làm hại ai đó.

Bị ám ảnh bởi tức giận và oán hờn, tâm thức bị đóng chặt trong ảo tưởng và tự nhủ rằng nguồn gốc của sự bất mãn hoàn toàn nằm bên ngoài nó. Sự thực là oán giận không nằm ở đâu khác mà nằm ở ngay trong tâm thức chúng ta, ngay cả khi tâm thái này do một đối tượng ở bên ngoài gây ra. Hơn nữa, nếu lấy oán để trả oán thì chúng ta chỉ nằm trong cái vòng luẩn quẩn không bao giờ dứt. Thiền sau đây không có mục đích là đè nén hận thù, mà để hướng tâm tới điều ngược lại hoàn toàn: đó là tình thương yêu và lòng cảm thông.

Thiền

Hãy quan sát một người đã hành xử độc ác với mình hoặc với người thân của mình và đã khiến mình đau khổ. Quan sát cả những người đang gây ra, hoặc đã gây ra những nỗi khổ đau lớn lao cho những người khác. Hãy hiểu rằng những độc tố trong tâm thức khiến họ đi tới chỗ hành xử như vậy có thể mất đi trong tâm họ, khi đó, họ sẽ đương nhiên không còn là kẻ thù của chúng ta và của nhân loại. Hãy mong ước hết lòng rằng sự thay đổi này sẽ xảy ra. Để được như vậy, chúng ta phải nhờ tới thiền về lòng vị tha và cầu mong như sau: “Cầu cho tất cả các chúng sinh đều được hết khổ đau và những nguyên nhân gây khổ. Mong cho hận thù, tham lam, hiếu chiến, khinh miệt, thờ ơ, keo kiệt và đố kỵ biến khỏi tâm thức của họ để được thay thế bằng lòng thương người, thiện chí, thái độ ân cần, rộng lượng và thiện cảm”.

Hãy để cho tình cảm nhân hậu vô điều kiện này tràn ngập tâm trí mình.

Những nguồn cảm hứng

“Tôi không thấy có cách nào khác: mỗi chúng ta hãy xem xét chính bản thân mình rồi nhổ bật và tiêu diệt trong mình tất cả những gì mình cho là phải tiêu diệt ở người khác. Và hãy biết rằng nếu chỉ cần chúng ta tăng thêm chút xíu oán hờn vào thế giới hận thù này thôi thì nó sẽ trở nên tàn bạo hơn nữa đối với chúng ta[ix]”.

“Tôi hết tin rằng chúng ta có thể sửa đổi bất cứ điều gì trên thế giới này trước khi tự sửa mình. Bài học duy nhất của cuộc chiến tranh này đã dạy cho chúng ta rằng phải tự tìm kiếm trong tâm mình, chứ  không phải ở bên ngoài[x]”.

Etty Hillesum

“Đã đến lúc phải chuyển hướng hận thù khỏi những cái đích quen thuộc, những người bị coi là kẻ thù của bạn, để chĩa mũi nhọn của hận thù vào chính họ. Thực vậy, chính hận thù mới là kẻ thù thực sự của bạn và chính nó là thứ mà bạn phải tiêu diệt.

Khyentse Rinpoche

“Khi nuôi lòng hận thù, chưa chắc chúng ta đã hại được đối thủ của mình. Tâm chúng ta mất đi sự bình yên, chúng ta làm việc gì cũng chệch choạc, ăn không tiêu, ngủ không yên, bạn bè xa lánh, chúng ta ném những ánh mắt giận dữ vào những ai dám cản trở mình. Chúng ta khiến cuộc sống của những người xung quanh trở nên không chịu nổi và xa lánh luôn cả những bạn bè thân thiết nhất. Và vì những người thông cảm với chúng ta ngày một thưa dần, chúng ta ngày càng cô đơn. […] Để được gì kia chứ? Ngay cả khi đã lồng lộn điên cuồng hết mức, chúng ta cũng không bao giờ diệt trừ hết kẻ thù của mình. Bạn có biết ai làm được điều đó chưa? Chừng nào ta còn chứa chất kẻ thù nội tâm là giận dữ và thù hận trong lòng thì dù hôm nay chúng ta có đập tan được những kẻ thù bên ngoài, ngày mai những kẻ thù khác lại xuất hiện[xi]”.

Đức Dalai Lama thứ XIV

Phương pháp 2 - Không đồng hoá mình với cảm xúc

Cách thứ hai để đối đầu với những cảm xúc gây rối loạn là, trong tâm trí, tách mình ra khỏi cảm xúc đang hành hạ mình. Bình thường, chúng ta thấy mình hoàn toàn chính là những cảm xúc đó. Khi cơn giận trào lên, ta với cơn giận là một. Nó thường trực trong tâm trí chúng ta và không để thừa một chỗ nào cho những tâm thái khác như bình yên nội tâm, hay sự kiên nhẫn để xem xét những lý do có thể làm dịu đi nỗi bất bình của chúng ta. Tuy nhiên, nếu lúc đó chúng ta còn giữ được một chút tỉnh táo – có thể tập luyện để phát triển khả năng này – thì chúng ta sẽ không đồng hoá mình với cơn giận.

Thật vậy, tâm thức có khả năng xem xét những gì đang xảy ra ở trong mình. Muốn làm được điều đó, chỉ cần quan sát những cảm xúc của mình như khi chúng ta nhìn một sự kiện xảy ra trước mắt ta. Vậy mà, phần tâm nhận biết được cơn giận của chúng ta chính là ý thức: nó không nổi giận.  Nói cách khác, ý thức trọn vẹn không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc mà nó đang quan sát. Hiểu tức là cho phép mình lùi lại, là nhận ra rằng cảm xúc kia không hề thật, và tạo cho nó một không gian vừa đủ để tự tan biến đi.

Làm như vậy, chúng ta tránh được hai thái cực đều có hại như nhau: chèn ép cảm xúc (nó sẽ nằm lại trong một góc tối tăm của tâm thức, như một quả bom nổ chậm), hoặc mặc cho cơn giận bung ra có thể gây tổn hại tới những người xung quanh ta và tổn hại tới chính sự bình an của tâm ta. Không đồng hoá mình với những cảm xúc là một phương thuốc đối trị cho mọi tình huống.

Trong cách thiền sau đây, chúng ta lại lấy ví dụ là cơn giận, song đối với bất kỳ một cảm xúc gây rối loạn nào khác, tiến trình thực hành đều như nhau.

Thiền

Hãy tưởng tượng rằng chúng ta đang bị tức giận đến nghẹt thở. Dường như chúng ta không có cách lựa chọn nào khác là để mặc nó cuốn mình đi. Bất lực, tâm trí chúng ta cứ quay lại hoài với đối tượng đã gây ra trạng thái giận dữ đó, hệt như sắt hút nam châm vậy. Nếu ai đó lăng mạ ta thì hình ảnh kẻ đó với những lời độc địa của hắn liên tục lởn vởn trong tâm trí ta. Và cứ mỗi lần nghĩ tới là chúng ta lại điên tiết lên: rồi cái vòng luẩn quẩn của những nghĩ ngợi và phản ứng tức tối liên tục diễn ra không dứt.

Vậy thì hãy thay đổi chiến thuật xem sao. Không nghĩ tới đối tượng của cơn giận nữa và hãy quan sát chính cơn giận. Điều đó cũng hơi giống như ta theo dõi ngọn lửa khi không cho thêm củi vào nữa. Dù lửa có mạnh đến đâu, nó cũng nhanh chóng tự tắt lụi. Cũng như vậy, nếu chúng ta chỉ cần chăm chú nhìn cơn giận, nó sẽ không thể tự kéo dài được mãi. Bất kỳ một cảm xúc nào, dù có mãnh liệt đến đâu, cũng tự yếu đi và tự nhiên tắt ngấm nếu ta ngừng nuôi dưỡng nó.

Cũng nên hiểu rằng rốt cục, cơn tức tối dù có ghê gớm nhất đi nữa cũng chỉ là một suy nghĩ, không hơn không kém. Chúng ta hãy  xem xét nó kỹ hơn. Nó lấy sức mạnh ở đâu ra để có thể thống trị chúng ta đến mức như vậy? Nó có vũ khí nào không? Phải chăng nó bốc cháy như một ngọn lửa? Nó sẽ nghiền nát chúng ta như một trái núi chăng? Chúng ta có thể định vị được cơn giận ở trong ngực, trong tim hay trong đầu không? Nếu được, liệu nó có màu sắc hay hình dạng gì không? Chúng ta khó mà có thể tìm cho cơn giận những đặc tính như vậy. Khi chiêm ngưỡng một đám mây đen lớn trong một bầu trời giông bão, đám mây có vẻ như rất dày và ta tưởng có thể ngồi lên đó được. Tuy nhiên, nếu chúng ta bay tới đám mây thì sẽ chẳng nắm bắt được gì: ở đó chỉ toàn là hơi nước! Cũng như vậy, khi chăm chú quan sát cơn giận, chúng ta sẽ không thấy gì có thể minh chứng cho ảnh hưởng tàn bạo mà cơn giận đang hành hạ chúng ta. Chúng ta càng tìm cách khoanh vùng cơn giận thì nó càng nhanh chóng biến mất dưới con mắt của chúng ta, như sương giá tan đi dưới những tia nắng mặt trời.

Rốt cục, cơn giận từ đâu tới? Còn bây giờ, nó ở đâu? Nó biến đi đằng nào? Tất cả những gì khẳng định chỉ có thể là nó khởi lên từ tâm thức, trụ lại đó một lát, rồi sau đó lại tan biến vào tâm thức. Bản thân tâm thức là không thể nắm bắt được, nó không phải là một thực thể riêng biệt và không là gì khác ngoài dòng chảy các kinh nghiệm.

Nếu cứ mỗi khi xuất hiện một cảm xúc mãnh liệt mà chúng ta biết làm chủ nó một cách có trí tuệ thì không những chúng ta sẽ nắm vững nghệ thuật giải phóng các cảm xúc vào lúc chúng xuất hiện, mà còn bào mòn luôn chính cả những khuynh hướng là nguyên nhân gây ra những cảm xúc đó. Như thế, dần dần, những nét trong cá tính và cách sống của chúng ta rốt cục sẽ thay đổi.

Phương pháp này có thể tỏ ra hơi khó lúc ban đầu, nhất là khi tâm trí chúng ta còn đang loạn động, song cứ thực hành liên tục thì dần dần rồi sẽ thành quen. Khi cơn giận, hoặc bất cứ cảm xúc gây rối loạn nào chớm khởi lên trong tâm trí, chúng ta sẽ lập tức nhận diện ra nó và sẽ biết cách đương đầu với nó trước khi nó bùng lên quá mức. Điều này cũng gần giống như việc chúng ta nhận diện một kẻ móc túi vậy: ngay cả khi hắn trà trộn vào đám đông, chúng ta sẽ lập tức phát hiện ra ngay và luôn luôn cảnh giác đối với hắn, sao cho hắn không thể lấy cắp được ví của mình.

Như thế, bằng cách làm quen dần với những cơ cấu của tâm thức, và bồi dưỡng trạng thái ý thức trọn vẹn, chúng ta sẽ không còn để cho tia lửa của những cảm xúc mới nảy sinh chuyển thành đám cháy, có thể thiêu rụt hạnh phúc của chúng ta và hạnh phúc của những người khác.

Phương pháp này có thể được sử dụng để đối phó lại tất cả các cảm xúc gây rối loạn; nó là cầu nối giữa thực hành thiền định với những mối bận tâm trong sinh hoạt thường ngày. Nếu chúng ta quen nhìn nhận những suy nghĩ của mình đúng vào lúc chúng xuất hiện, và để cho chúng tự tan biến trước khi có thể choán hết tâm trí, thì chúng ta sẽ rất dễ dàng làm chủ tâm thức và quản lý được những cảm xúc mang tính xung đột ngay trong những hoạt động hàng ngày của mình.

Những nguồn cảm hứng

“Các bạn hãy nhớ rằng suy nghĩ chỉ là sản phẩm của sự kết hợp thoáng qua của rất nhiều yếu tố. Chúng không thể tự tồn tại. Do vậy, ngay khi chúng xuất hiện, hãy nhận ra bản chất của chúng là trống rỗng. Lập tức, chúng sẽ mất khả năng sản sinh ra những suy nghĩ khác và chuỗi ảo vọng sẽ bị cắt đứt. Hãy nhận ra tính trống rỗng của các suy nghĩ và để chúng tự tan biến trong bản chất sáng suốt của tâm thanh tịnh và bất biến[xii]”.

“Khi một tia nắng chiếu vào mảnh pha lê, những tia ngũ sắc phát ra, lấp lánh nhưng không có thực thể. Cũng như vậy, những suy nghĩ đủ loại: sùng kính, cảm thông, độc ác, tham muốn… là không thể nắm bắt, phi vật thể, không thể sờ thấy. Không suy nghĩ nào lại có thể tự nó tồn tại được. Nếu bạn biết nhận ra đặc tính rỗng không các suy nghĩ của mình đúng vào lúc chúng xuất hiện thì chúng sẽ tự tan biến. Hận thù và bám chấp không thể nào lay chuyển được tâm bạn và những cảm xúc gây rối loạn sẽ tự biến mất. Bạn sẽ thôi tích luỹ những hành vi tiêu cực, và nhờ đó, bạn sẽ không còn gây ra những khổ đau. Đó là trạng thái an lạc tối hậu[xiii]”.

Khyentse Rinpoche

3. Đi tìm bản ngã

Hiểu được bản chất của “bản ngã” và phương thức vận hành của nó là điều tối quan trọng nếu chúng ta mong muốn thoát khỏi khổ đau. Ý tưởng thoát ra khỏi sự chi phối của bản ngã có thể khiến chúng ta phân vân, vì nó đụng chạm tới khái niệm mà chúng ta cho là bản sắc nền tảng của mình.

Chúng ta ý thức được rằng từ khi chào đời, cơ thể của mình không ngừng thay đổi từng khoảnh khắc, còn tâm thức của mình là sân khấu diễn ra vô vàn trải nghiệm mới mẻ. Song theo bản năng, chúng ta tưởng tượng rằng, trong thâm tâm ta, có một thực thể bền vững nằm ở đâu đó, nó khiến con người chúng ta trở nên chắc thật và bất biến. Điều này dường như hiển nhiên đến mức chúng ta cho rằng không cần thiết phải xem xét kĩ lưỡng hơn nữa cảm nhận có tính bản năng này. Từ đó mà chúng ta bám chấp mãnh liệt vào những khái niệm về “cái tôi”, rồi “của tôi” – thân thể của tôi, tên của tôi, trí óc của tôi, tài sản của tôi, bạn bè của tôi, v.v. – sự bám chấp đó kéo theo ham muốn sở hữu hoặc là cảm giác ghét bỏ đối tượng kia. Cứ như thế, tính đối ngẫu không khoan nhượng giữa ta và người cứ đọng lại và lớn dần trong suy nghĩ của chúng ta. Tiến trình này đồng hoá chúng ta với một thực thể tưởng tượng. Bản ngã cũng là cảm giác thái quá về tầm quan trọng của “cái tôi” bắt nguồn từ tạo dựng kia của tâm thức. Bản ngã đưa thực thể tưởng tượng là nó vào trung tâm mọi trải nghiệm của chúng ta.

Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy dưới đây, nếu phân tích kỹ lưỡng bản chất của “cái tôi”, ta sẽ nhận ra rằng không thể nắm bắt được một thực thể riêng biệt nào tương thích với nó cả. Tóm lại, bản ngã thực ra chỉ là một khái niệm mà chúng ta đem gán cho dòng chảy liên tục của các trải nghiệm, được gọi là tâm thức của chúng ta.

Tự coi mình là “bản ngã” là hoàn toàn bất hợp lý, bởi vì điều này không đúng với thực tại. Thật vậy, chúng ta gán cho “cái tôi” những tính chất như bất biến đặc thù và độc lập, trong khi thực tại thì hoàn toàn trái ngược: nó đổi thay, đa dạng và phụ thuộc lẫn nhau. Bản ngã chia chẻ thế giới ra thành nhiều mảnh và chốt lại sự phân chia giữa “ta” và “người”, “của ta” và “không phải của ta”. Vì sinh ra tư một sự ngộ nhận cho nên bản ngã  liên tục bị thực tại đe doạ, điều này khiến ta luôn luôn cảm thấy bất an sâu sắc. Ý thức được tính chất mong manh của bản ngã, chúng ta tìm mọi cách để bảo vệ và củng cố nó, ghét bỏ tất cả những gì đe doạ nó và yêu thích những gì bồi bổ nó. Chính từ thái độ yêu hoặc ghét đó mà nảy sinh biết bao cảm xúc xung đột.

Chúng ta có thể nghĩ rằng với việc dành phần lớn thời gian để thoả mãn và củng cố “cái tôi” này, chúng ta đã chọn lựa phương thức tối ưu để tìm ra hạnh phúc. Song như thế là hoàn toàn sai lầm, bởi vì chính điều ngược lại sẽ xảy ra. Trong khi tưởng bản ngã là một thực thể độc lập, chúng ta đã mâu thuẫn với bản chất của vạn vật, thành ra không ngừng bất mãn và khổ đau. Dành mọi năng lượng của mình cho thực thể tưởng tượng này sẽ gây ra những ảnh hưởng cực kỳ độc hại tới chất lượng cuộc sống của chúng ta.

Bản ngã chỉ có thể mang lại một niềm tin về “cái tôi” giả tạo, được dựng lên từ những gán ghép mong manh – như quyền lực, thành công, sắc đẹp và thể lực, trí tuệ sáng láng và ý kiến của mọi người – và nhất là từ tất cả những gì tạo nên hình ảnh của chúng ta. Niềm tin chân thực về bản thân thì hoàn toàn khác: đó là một phẩm chất tự nhiên, vắng bóng bản ngã. Xoá đi ảo tưởng về bản ngã tức là thắng vượt được một sự yếu đuối cơ bản. Không dựa trên bản ngã, tin tưởng ở mình đi kèm với cảm giác tự do, không bị áp đặt bởi những tình cảm bất chợt xuất hiện. Niềm tin này khiến ta vững vàng trước những lời đánh giá của mọi người, và trong tâm, chấp nhận mọi hoàn cảnh, dù chúng có thế nào đi nữa. Trạng thái tự do này thể hiện qua thái độ cởi mở với tất cả những gì diễn ra. Đó không phải là sự ghẻ lạnh kiêu căng, thờ ơ khô khốc hoặc bàng quan lãnh đạm như đôi khi người ta gán cho thái độ không bám chấp của nhà Phật; mà là tấm lòng nhân hậu và quả cảm, sẵn sàng vì tất cả mọi người.

Khi sự hãnh tiến của bản ngã không được thoả mãn bằng những chiến thắng của mình, nó tự coi là nạn nhân và được nuôi dưỡng bằng chính những lần thua thiệt đó. Nỗi thống khổ của bản ngã được duy trì bởi những cơn dày vò vô tận như vậy. Nó cũng minh chứng cho sự tồn tại và đam mê của bản ngã. Trong mọi trường hợp, khi được sùng bái cũng như lúc héo hon, bị xúc phạm hay bỏ quên, bản ngã luôn tự củng cố bằng cách chỉ nghĩ tới bản thân mình. “Bản ngã là kết quả của hoạt động tâm thức, nó tạo ra và “làm cho sống động” một thực thể tưởng tượng trong tâm thức của chúng ta[xiv]”. Nó được ví như một con bạc đã ngập sâu vào chính ván bài của mình. Một trong những chức năng của chánh kiến (vipashyana) là bóc trần sự lừa phỉnh của bản ngã.

Thực ra, chúng ta không phải là bản ngã đó, chúng ta không phải là cơn giận, chúng ta không phải là nỗi thất vọng. Mức độ trải nghiệm cơ bản nhất của chúng ta là thức thanh tịnh, tính chất đầu tiên của ý thức mà chúng tôi đã nói tới ở phần trước, nó là nền tảng của mọi kinh nghiệm, mọi cảm xúc, mọi lập luận, mọi khái niệm và mọi tạo dựng của tâm thức, kể cả bản ngã. Nhưng hãy cẩn thận, thức thanh tịnh hay “sự có mặt tỉnh thức” này không phải là một thực thể mới vi tế hơn bản ngã: nó là phẩm chất nền tảng của dòng chảy tâm thức của chúng ta.

Bản ngã không là gì khác một tạo dựng của tâm thức, tồn tại lâu dài hơn những tạo dựng khác, bởi vì nó liên tục được bồi bổ bởi những chuỗi suy nghĩ. Tuy nhiên, quan niệm ảo tưởng ấy không thể tự nó tồn tại. Cái tên “bản ngã” dai dẳng chỉ bám được vào dòng chảy tâm thức chúng ta nhờ thứ keo dính màu nhiệm là trạng thái nhầm lẫn do thiếu hiểu biết của tâm.

Muốn lột mặt nạ lừa phỉnh của “cái tôi”, cần phải tiến hành điều tra tới tận cùng. Ai đó nghi ngờ trong nhà mình có trộm thì phải lục soát kỹ từng phòng, từng góc nhà, từng nơi có thể ẩn náu, cho tới khi chắc chắn rằng thực sự không có trộm. Chỉ khi đó, anh ta mới có thể yên tâm.

Thiền

Chúng ta hãy thử xem xét cái được cho là bản sắc của “cái tôi”. Thân thể chúng ta ư? Đó chỉ là một tập hợp những xương cùng thịt. Ý thức của chúng ta ư? Chỉ là một chuỗi những suy nghĩ thoáng qua. Lịch sử của chúng ta ư? Chỉ là ký ức về những gì đã qua. Tên họ chúng ta ư? Nó chứa đựng đủ các khái niệm: họ hàng, danh tiếng và địa vị xã hội, nhưng nói cho cùng, chẳng là gì khác ngoài một tập hợp của những con chữ.

Nếu thực sự bản ngã là cái cốt lõi sâu xa của chúng ta thì cũng dễ hiểu khi chúng ta lo lắng nghĩ rằng phải rũ bỏ nó. Nhưng nếu nó chỉ là vọng tưởng thì dứt bỏ nó không có nghĩa là dứt trái tim ra khỏi thân thể mình, mà chỉ là xoá bỏ những sai lầm, ngộ nhận để nhận ra thực tại, cũng hệt như bóng tối không cưỡng lại được ánh sáng vậy. Hàng triệu năm tăm tối có thể biến đi lập tức ngay khi ánh đèn được thắp sáng lên.

Khi “cái tôi” không còn được coi là nhất nữa, tự nhiên con người sẽ cảm thấy liên quan tới người khác. Nghiền ngẫm nghĩ ngợi về nỗi đau của chính mình khiến chúng ta chán nản mệt mỏi, trong khi lo lắng trước nỗi đau của người khác chỉ làm tăng bội quyết tâm của chúng ta làm vơi nhẹ nỗi đau cho họ.

Vậy nên, điều chúng ta phải trung thực xem xét là liệu “cái tôi” có chiếm vị trí trung tâm trong cơ thể của con người như chúng ta cảm nhận hay không?

“Cái tôi” ấy nằm ở đâu? Nó không thể nằm trong thân thể tôi, bởi vì khi tôi nói “Tôi đang buồn”, chính ý thức của tôi cảm nhận nỗi buồn ấy, chứ không phải thân thể. Vậy thì nó chỉ nằm trong ý thức của tôi thôi ư? Còn lâu mới đúng như vậy. Khi tôi nói: “Ai đó xô đẩy tôi”, có phải ý thức của tôi bị xô đẩy hay không? Chắc chắn là không phải. Vậy thì có thể “cái tôi” nằm ở ngoài thân thể và ý thức. Khái niệm “cái tôi” có đơn thuần là một tập hợp của thân thể và ý thức hay không? Đến đây, chúng ta đã chuyển qua một khái niệm trừu tượng hơn. Câu đáp duy nhất cho vấn đề mắc mớ này là coi "Cái tôi” như một chỉ định của tâm thức về một tiến trình năng động, về tập hợp những mối quan hệ thay đổi trong các cảm giác của chúng ta, các hình ảnh tâm thức, các cảm xúc và các khái niệm của chúng ta. “Cái tôi” rút cục chỉ là một cái tên để chỉ một dòng chảy liên tục, cũng như đặt tên cho một dòng sông là sông Amazone hay sông Hằng vậy. Mỗi dòng sông đều có lịch sử riêng của nó, chảy trong một khung cảnh duy nhất và nước của nó có thể mang những đặc tính chữa bệnh hoặc bị ô nhiễm. Vậy nên đặt cho nó một cái tên và phân biệt nó với một con sông khác là điều chính đáng. Tuy nhiên, trong dòng sông, không có một thực thể nào là “trung tâm” hoặc là “tinh tuý” của dòng sông hết. Cũng như vậy, “cái tôi” tồn tại  theo ước lệ, chứ không hề tồn tại dưới dạng một thực thể và là trung tâm của con người chúng ta.

Bản ngã bao giờ cũng tính đến cái được hoặc cái mất; trong khi chính bản chất giản đơn của tâm thức lại chẳng có gì để được hoặc để mất, và cũng chẳng cần phải bớt đi hay thêm vào bất cứ cái gì cho nó. Bản ngã tự nuôi sống bằng những nghiền ngẫm về quá khứ và những hi vọng về tương lai, nhưng nó không thể chống chọi nổi với sự đơn giản của khoảnh khắc hiện tại. Hãy trụ tâm trong  trạng thái đơn giản này, trong ý thức trọn vẹn vào “bây giờ”, đó là trạng thái tự do, là trạng thái vắng lặng cuối cùng của mọi xung đột, mọi tạo dựng và phóng chiếu của tâm thức, mọi méo mó, mọi ngộ nhận và mọi chia cắt.

Vậy nên dành một chút thời gian để tâm trí được nghỉ ngơi trong trạng thái lắng dịu của nội tâm, khiến nó hiểu rõ hơn vị trí của bản ngã trong đời sống của chúng ta thông qua phân tích và trải nghiệm trực tiếp. Chừng nào cảm giác về sự quan trọng của “mình” còn thống trị con người chúng ta thì chừng đó chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy yên ổn lâu dài. Nguyên nhân của khổ đau sẽ tiếp tục đọng lại nguyên vẹn ở sâu thẳm trong ta và lấy đi của ta quyền tự do cơ bản nhất.

Bỏ đi vọng tưởng chắc chắn về bản ngã và thôi đồng hoá bản ngã với chính mình là đã dành được một trạng thái tự do thênh thang trong nội tâm. Một tâm thái tự do cho phép chúng ta tiếp xúc với mọi người trong mọi hoàn cảnh một cách tự nhiên, nhân từ, can đảm và thanh thản. Vì chẳng có gì để được hay để mất nên chúng ta tự do cống hiến trọn vẹn và đón nhận mọi thứ.

4. Thiền về bản chất của tâm thức

Tâm có thể biết gì về bản chất của nó khi tự soi xét? Điều đầu tiên tâm chú ý là dù chúng ta muốn hay không, một chuỗi ý nghĩ cứ liên tục đi qua tâm thức chúng ta, và chúng được nuôi dưỡng bằng các cảm giác, trí tưởng tượng, những hoài niệm và phóng chiếu về tương lai của chúng ta. Tuy nhiên, chẳng lẽ không có một phẩm chất “sáng suốt” của tâm thức soi rọi trải nghiệm của chúng ta, dù nội dung trải nghiệm đó là gì đi nữa hay sao? Phẩm chất đó chính là khả năng nhận biết nền tảng, nằm dưới mọi suy nghĩ; là cái nằm trong cơn giận, nhìn thấy cơn giận, nhưng không phải là cơn giận và cũng không bị lôi cuốn bởi cơn giận. Sự có mặt tỉnh thức đơn thuần này có thể được gọi là “thức thanh tịnh”, bởi lẽ người ta có thể cảm nhận được nó ngay cả khi vắng bóng các khái niệm và những tạo dựng của tâm thức.

Thực hành thiền cho thấy rằng nếu để các suy nghĩ của mình lắng xuống, chúng ta có thể trụ được một lát trong trải nghiệm về một tâm thức thanh tịnh không có khái niệm. Không bị tấm màn của vô minh che khuất, chính mặt nền tảng này của tâm thức được đạo Phật gọi là “bản chất của tâm”.

Tất nhiên, khái niệm này không phải là hiển nhiên. Người ta nhận thấy rằng các nhà tâm lý học, các chuyên gia thần kinh và các triết gia tranh luận nhiều về bản chất của ý thức, song hiểu biết về nó sẽ có thể ảnh hưởng tới trải nghiệm của cá nhân chúng ta ra sao? Rõ ràng là chúng ta phải làm việc với ý thức từ sáng đến tối, và rốt cuộc chính nó quyết định chất lượng của từng khoảnh khắc trong cuộc đời chúng ta. Nếu việc biết rõ hơn bản chất chân thật của tâm và hiểu các cơ chế vận hành của nó có ảnh hưởng sâu sắc tới chất lượng sống thì chúng ta sẽ ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc tìm hiểu tâm thức. Nếu không, chúng ta sẽ trở nên xa lạ ngay cả với chính mình do không hiểu được tâm thức của mình.

Các suy nghĩ khởi lên từ thức thanh tịnh và lại biến vào đó, hệt như những cơn sóng nổi lên từ đại dương để rồi lại tan biến trong đại dương, mà không bao giờ trở thành cái gì khác ngoài đại dương. Điều cốt yếu là ý thức được điều đó, nếu chúng ta muốn thắng vượt những nếp suy nghĩ thường ngày, những phản xạ gây đau khổ. Nhận ra bản chất nền tảng của tâm thức và biết cách trụ trong trạng thái không đối ngẫu (hay còn gọi là “không hai”) và không khái niệm là một trong những điều kiện cơ bản để tâm được bình yên và thoát khổ.

Thiền

Một suy nghĩ khởi lên, như là nó tới từ đâu đó, có thể khiến ta dễ chịu hoặc làm ta rối bời. Nó diễn ra một lát rồi biến mất, nhường chỗ cho những suy nghĩ khác. Như tiếng chuông tan ra, suy nghĩ đó biến đi đâu vậy? Chẳng ai biết. Một số suy nghĩ quay trở lại thường xuyên trong tâm trí chúng ta và chúng gây ra những trạng thái từ vui tới buồn, từ thèm muốn tới lãnh đạm, từ tức giận tới thân thiện. Như thế, các suy nghĩ có quyền lực tối thượng đối với lối sống của chúng ta. Song chẳng cái gì tạo ra quyền lực đó cho chúng. Chúng không có bất cứ một tiềm lực răn đe nào. Bởi vì chỉ là những tạo dựng của tâm thức, nên chúng không thể có khả năng làm hại chúng ta được.

Hãy để tâm quan sát chính nó! Những suy nghĩ khởi lên từ trong đó. Tâm tồn tại bằng cách này hay cách khác, bởi vì chúng ta vẫn đang trải nghiệm về nó. Ngoài việc đó ra, chúng ta có thể nói được thêm điều gì nữa? Hãy xem xét tâm trí chúng ta và những suy nghĩ khởi lên ở trong đó. Liệu có thể gán cho chúng những tính chất cụ thể hay không? Chúng có nơi trú ngụ không? Không. Có màu sắc gì không? Hình dáng gì không? Càng tìm thì chúng ta càng không thấy. Chắc chắn chúng ta nghĩ rằng tâm thức có một khả năng nhận biết, song không có một tính chất nội tại thực thụ nào khác. Chính theo nghĩa đó mà đạo Phật định nghĩa tâm thức là một dòng chảy liên tục của các trải nghiệm: nó không phải là một thực thể riêng biệt, nó “không có tự tính”. Vì không tìm thấy gì có thể làm nên một chất nào đó, chúng ta hãy trụ lại một lúc trong trạng thái “không thấy gì” đó.

Khi một suy nghĩ khởi lên, hãy để nó xuất hiện và tự tan biến; không ngăn chặn, cũng không kéo dài nó. Trong thời gian ngắn ngủi, lúc tâm trí của chúng ta không bị vướng vào những suy nghĩ phân tán, hãy chiêm ngưỡng bản chất của tâm thức! Trong khoảng trống giữa lúc các suy nghĩ quá khứ đã dừng lại và các suy nghĩ tương lai chưa khởi lên, chẳng lẽ chúng ta không nhận thấy một thức thanh tịnh sáng suốt hay sao? Hãy trụ lại một lúc trong trạng thái đơn giản tự nhiên vắng bóng các khái niệm ấy!

Cũng quen dần với bản chất của tâm thức và càng học cách để cho các suy nghĩ tự tan biến ngay khi chúng khởi lên – như thảo ra chữ viết bằng ngón tay trên mặt nước, chúng ta sẽ tiến bộ dễ dàng hơn trên con đường tự do nội tâm. Những nếp suy nghĩ sẽ không còn năng lực duy trì trạng thái nhầm lẫn hay củng cố những khuynh hướng quen thuộc của chúng. Chúng ta sẽ nhìn nhận thực tế ít méo mó hơn và chính những cơ chế gây khổ đau rốt cục cũng biến mất.

Khi đã có những nguồn lực nội tâm cho phép chúng ta làm chủ các cảm xúc, cảm giác bất an ở ta sẽ được thay thế bằng trạng thái tự do và tin tưởng. Chúng ta sẽ không còn chỉ chăm chăm bận tâm vì những niềm hi vọng và những nỗi lo sợ của mình, và sẽ sẵn sàng vì tất cả những người sống xung quanh ta, sẵn sàng hành động vì lợi ích của mọi người cũng như vì lợi ích của bản thân.

Những nguồn cảm hứng

“Những kỷ niệm dĩ vãng xuất hiện trong tâm thức đã vĩnh viễn chấm dứt. Những suy nghĩ liên quan tới tương lai chưa có tính hiện thực chút nào. Tâm trong hiện tại không thể nắm bắt được: nó không có hình tướng, không có màu sắc; giống như hư không, nó không có thực chất và không có thật. Vì vậy, có thể hiểu rằng tâm thức không có bất kỳ một sự tồn tại chắc thật nào”.

Atisha Dipamkara

Khi cầu vồng xuất hiện, sáng rực trên bầu trời, bạn có thể ngắm những màu sắc đẹp đẽ của nó, nhưng bạn không thể nắm bắt được nó, không thể mặc nó vào người như một thứ quần áo. Cầu vồng xuất hiện là nhờ sự hội tụ của nhiều yếu tố khác nhau, nhưng không thể cầm nắm vào bất cứ một thứ gì của nó. Đối với các suy nghĩ cũng hệt như vậy. Chúng khởi lên trong tâm thức, nhưng không thực tự có, hoặc không có tính chắc thật nội tại. Vì thế, không một lý lẽ logic nào có thể chứng tỏ được rằng các suy nghĩ không có thực chất lại có quyền lực nhiều đến thế đối với bạn, không một lý lẽ nào có thể chứng minh được rằng bạn là nô lệ của chúng.

Dòng suy nghĩ không dứt về quá khứ, hiện tại và tương lai khiến chúng ta cho rằng có một cái gì đó vốn sẵn có và thường trực. Chúng ta gọi nó là tâm trí. Nhưng thực ra, các suy nghĩ quá khứ cũng chết như những thây xác, và những suy nghĩ tương lai thì chưa tới. Như vậy, làm sao hai loại suy nghĩ không tồn tại này lại có thể là một thực thể tồn tại được? Và bằng cách nào suy nghĩ hiện tại có thể dựa vào hai thứ không tồn tại kia cơ chứ?

Tuy thế, tính rỗng không của các suy nghĩ không đơn thuần là sự trống rỗng, như người ta có thể nói về hư không. Trong đó, vẫn hiện diện một thức trực giác, một trạng thái sáng suốt có thể ví như vầng dương chiếu rọi các cảnh vật và giúp ta nhìn thấy những ngọn núi, những con đường và ghềnh thác.

Mặc dù tâm có được ý thức nội tại này, nhưng khẳng định rằng có một tâm thức thì cũng giống như dán một cái nhãn lên hiện thực về một cái gì đó không có, tức là báo hiệu sự tồn tại của một thứ mà thực chất chỉ là một cái tên gán cho một chuỗi sự kiện nối tiếp nhau mà thôi. Cũng như các hạt ngọc trai được xâu vào với nhau tạo ra món đồ trang sức gọi là “chuỗi”, song “chuỗi” này không phải là một thực thể tự nó tồn tại. Khi dây xâu đứt, còn gì là chuỗi nữa[xv]?”

Khyentse Rinpoche

“Dần dần, tôi bắt đầu nhận ra tính chất mong manh và phù du của các suy nghĩ và cảm xúc đã làm tôi rối bời trong nhiều năm, và tôi đã hiểu vì sao trong khi chỉ tập trung vào những mắc mớ nhỏ nhoi, tôi lại biến chúng thành chuyện lớn. Chỉ nhờ việc ngồi quan sát những suy nghĩ và cảm xúc của mình đến và đi với tần số ra sao và phi lý như thế nào, tôi đã trực tiếp nhìn thấy chúng không chắc thật như vẻ ngoài của chúng. Thế rồi, một khi đã bắt đầu rũ bỏ mọi ám ảnh do chúng đưa lại, tôi dần dần nhận ra gương mặt thật của “tác giả” ở phía sau những suy nghĩ và cảm xúc: đó là tâm thức thênh thang vô biên, rộng mở vô cùng; nó chính là bản chất của ý thức.

Mọi ý định dùng từ ngữ để mô tả trải nghiệm trực tiếp về bản chất của tâm thức đều vô nghĩa. Tất cả những gì người ta có thể nói về nó là: đó là một trải nghiệm vô cùng êm dịu và hầu như bất động, một khi đã có sự ổn định nhờ hành thiền nhiều. Đó là kinh nghiệm về hạnh phúc tối hậu, nó thấm đẫm vào mọi trạng thái thể chất và tinh thần, ngay cả những trạng thái lúc bình thường bị coi là khó chịu. Cái cảm giác an lạc, không phụ thuộc vào tính thất thường của các cảm xúc nội tâm hay ngoại cảnh ấy là một trong những cách rõ ràng nhất để hiểu cái mà đạo Phật gọi là hạnh phúc”.

Yongey Mingyour Rinpoche

“Bản chất của tâm thức được ví như đại dương, hay bầu trời. Những chuyển động không ngừng của các cơn sóng ở trên bề mặt đại dương không cho chúng ta thấy được những tầng sâu của nó. Nếu lặn xuống, không còn sóng nữa thì đó là yên tĩnh mênh mông của đáy biển… Bản chất của đại dương là bất động.

Hãy nhìn lên bầu trời! Đôi khi chúng ta thấy nó trong và sáng. Có những lúc, nó lại bị các đám mây che phủ, khiến cho sự nhìn nhận của chúng ta cũng thay đổi theo. Tuy thế, các đám mây không thể thay đổi được bản chất của bầu trời. […] Tâm thức chẳng là gì khác ngoài bản chất hoàn toàn tự do… Hãy trụ trong bản chất đơn giản của tâm, nó siêu việt mọi khái niệm”.

Pema Wangyal Rinpoche

Matthieu Ricard

Nguyên tác: Nghệ thuật Thiền định

Việt dịch: Lê Việt Liên 

Hiệu đính: Nguyễn Quang Chiến 

[i] “Pain”, BBC World Service Radio, trong phần “Tư liệu”, do Andrew North thực hiện, tháng 2.2008.

[ii] Banthe Henepola Gunaratna, sách đã dẫn.

[iii] Longchen Rabjam (1308-1363), một trong những vị thầy thông thái nhất của Phật giáo Tây Tạng; trích trong Gsung thor bu, tr.351-352, do Ricard chuyển ngữ.

[iv] Trích trong “Những lời dạy của các vị thầy thuộc tông phái Kadampas”, “Mkha’gdams kyi skyes bu dam pa mams kyi gsung bgros thor bu ba mams, tr.89, do M. Ricard chuyển ngữ.

[v] Đức Dalai Lama, những bài giảng tại Schvenedingen, Đức, 1998, do M.Ricard chuyển ngữ.

[vi] Thích Nhất Hạnh, Cái nhìn tuệ giác, do Philipe Kerforme chuyển ngữ từ cuốn The sun in my heart (Mặt trời trong trái tim tôi), 1988, tủ sách Spiritualites Vivantes, NXB Albin Michel, 1995.

[vii] Bhante Henepola Gunaratna, sách đã dẫn.

[viii] Nagarjouna, Suhrlleka, “Thư gửi một người bạn”, dịch từ tiếng Tây Tạng.

[ix] Etty Hillesum, Một cuộc đời bị đảo lộn, sách đã dẫn, tr.218.

[x] Etty Hillesum, như trên, tr.104.

[xi] Dalai Lama, Những lời khuyên chân thành, NXB Presses de la Renaissance, tr.130-131.

[xii] Dilgo Khyentse Rinpoche, Kho báu của trái tim những người giác ngộ, tủ sách Point Sagesse, NXB Le Seuil, 1997.

[xiii] Như trên.

[xiv] Han F. De Wit, Hoa sen và hoa hồng, do C. Francken, Huy

Comments are closed.