Tiểu sử ngắn Đức Khenchen Tsewang Gyatso Rinpoche

Đức Khenchen Tsewang Gyatso Rinpoche sinh năm 1954 tại một ngôi làng gần Lhakhang Dzong thuộc miền Nam Tây Tạng, giáp biên giới với Lhodrak, Bhutan. Từ lúc sinh Ngài ra, cha mẹ Ngài có một cảm giác mạnh mẽ rằng nên gửi Ngài đến Tu viện Nub Namkha'i Nyingpo gần nhà, nơi vị Lama đứng đầu Đức Namkha'i Nyingpo Rinpoche chính là tái sinh của một trong 25 đệ tử của Đức Liên Hoa Sinh. Dọc theo thung lũng Hi-Mã-Lạp-Sơn, có rất nhiều hang động và những địa điểm linh thiêng liên hệ gần gũi với Đức Liên Hoa Sinh và một số Terton vĩ đại, là những vị đã tái khám phá ra các giáo lý của Đức Liên Hoa Sinh để lợi ích cho những thế hệ tương lai. Trong số đó có Đạo Sư Chowang Rinpoche, Terton Ratna Lingpa và Terton Padma Lingpa.

Ngôi làng này nằm trên tuyến đường giao thương chính giữa Lhasa và Bhutan. Dân cư ở đây sống cuộc đời khá sung túc. Năm 1962, Khenpo và gia đình Ngài đã di chuyển qua những tuyến đường xuyên núi, tạo ra con đường qua Butan dẫn tới Ấn Độ.

Sau khi đến Ấn Độ, Ngài và các chị em gái được gửi tới trường học nội trú của chính phủ dành cho người Tây Tạng ở Darjeeling, Tây Bengal. Tại đây, Ngài bắt đầu chính thức tu học. Khung chương trình bao gồm các môn học cơ bản thông thường, tiếng Anh, tiếng Ấn Độ và giáo Pháp căn bản. Năm lên 10 tuổi, Ngài khoác lên mình chiếc y tu sĩ và thọ nhận các giới nguyện Sadi. Ngài tiếp tục tu học đến hết lớp 8 và hết năm này qua năm khác Ngài luôn là người đứng đầu lớp.

Năm 1969, Ngài đến và tu học tại Học viện nghiên cứu Tây Tạng Trung ương tại Sarnath, gần Varanasi.  Sau đó, Ngài tiếp tục chương trình lớp 9, nghiên cứu Phật học và giáo dục phổ quát dưới sự chỉ dạy của một vị Thầy rất kỷ luật, Đức Khenpo Palden Sherab và các vị Thầy khác. Lớp học bao gồm các môn học tiếng Phạn, tiếng Anh, nhiên cứu chuyên sâu về bản văn theo truyền thống Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng. Ngài tốt nghiệp bằng Acharya năm 1978, xếp hạng đầu tiên trong bốn trường học Phật giáo Tây Tạng, có đại diện tại Sarnath. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã vinh danh thành tích của Ngài với giải thưởng huy chương bạc. Sau khi tốt nghiệp Ngài được mời đến giảng dạy tại Tu viện Palyul Namdroling tọa lạc tại các khu định cư của người Tây Tạng ở Bylakuppe, gần Mysore ở miền nam Ấn Độ. Trong nhiều năm qua, Ngài đã tham gia đào tạo các tu sĩ trẻ và giảng dạy tại Tu viện Nyingma Ngagyur (Shedra). Năm 1983, Ngài đã được Đức Pema Norbu Rinpoche ấn phong là Khenpo. Theo truyền thống Cổ Mật (Nyingmapa), Khenpo là chính là tiến sĩ nghiên cứu Phật học.

Đức Khenchen Tsewang Gyatso Rinpoche đã thọ nhận sự trao truyền các Quán đảnh truyền thừa của phái Cổ Mật (Nyingmapa) , bao gồm quán đảnh Dudjom Tersar từ Đức Kyabje Dudjom Rinpoche; quán đảnh Longchen Nyingthig Yabshi và Nyingma Kama  từ Đức Dilgo Khyentse Rinpoche; quán đảnh  Rinchen Terdzod và Nam Chos  từ Đức Pema Norbu Rinpoche. Ngài đã tinh tấn tu tập pháp tu của dòng Đại Viên Mãn (Dzogchen) dưới sự chỉ dạy của Đức Penor Rinpoche và các vị Thầy lỗi lạc khác như Đức Khenpo Jigme Phuntsok Rinpoche và Nyoshul Khen Rinpoche. Đức Pema Norbu Rinpoche đã cho phép Ngài đến các tu viện giảng dạy, trao truyền quán đảnh và hướng dẫn trong thực hành giáo Pháp .

Đức Khenchen Tsewang Gyatso Rinpoche đã đến Mỹ, Đài Loan và cộng đồng Hoa kiều ở Singapore, Hồng Kông, và Philippin, giảng dạy Phật pháp chuyên sâu tại các quốc gia này. Phong cách giảng dạy cởi mở, thẳng thắn và cẩn thận của Ngài luôn nhận được nhận những phản hồi tốt đẹp. Gần đây Ngài đã ban Quán đảnh Gyud Sangwai Nyingpo (Guhyagarbha Tantra) nương theo các giáo lý chuyên sâu về luận giảng Odsal Nyingpo của Đức Mipham Rinpoche. Đây là lần đầu tiên, Mật điển tinh yếu của phái Cổ Mật (Nyingma) được giảng giải chi tiết đến thế tại Hoa Kỳ.

Nguồn : http://www.palyul.org/eng_biokhenpo_tsewanggyatso.htm

Việt ngữ : Nhóm Rigpa Lotsawas

Hiệu đính : Giác nhiên

Mọi sai sót đều do người dịch và người hiệu đính. Có chút phước đức nhỏ nhoi nào xin hồi hướng cho những ai có duyên với Đức Khenchen Tsewang Gyatso Rinpoche đều được Ngài dẫn dắt sớm liễu thoát sinh tử và cầu mong nhờ công đức này Ngài sớm quang lâm đến Việt nam

Comments are closed.