Thông Điệp Hùng Hồn Của Một Yogi Tây Tạng

By Kyabje Chatral Sangye Dorjee Rinpoche

Kyabje Chatral Sangye Dorjee Rinpoche là một trong những Yogi thành tựu nhất hiện còn sống của Phật Giáo Tây Tạng. Ngài sinh vào tháng Sáu năm 1913 tại Kham, Tây Tạng. Mỗi năm ngài cứu thoát hàng triệu thú vật và là một người ăn chay nghiêm nhặt trong hơn bốn mươi năm. Giờ đây ở tuổi cửu tuần, ngài hết sức tích cực trong việc giúp đỡ con người và những thú vật với lòng bi mẫn sâu xa vô lượng. TVA (Những Tình nguyện viên Tây Tạng Bảo vệ Thú vật) có một cuộc phỏng vấn độc quyền với Rinpoche vào ngày 29 tháng Năm, 2005 tại Nepal. Khenpo Dorjee Tsering và Jamphel Rabten ghi lại lời của Rinpoche và Chonyid Zangmo dịch sang Anh ngữ.

Từ khi chúng tôi tới Ấn Độ, tôi là người đầu tiên trở thành người ăn chay. Năm đầu tiên của Nyingma Monlam (1) ở Bodh Gaya không dùng món chay. Qua năm sau tôi tới đó và phát biểu tại một hội nghị của tất cả các Lạt ma Nyingma cao cấp.

Tôi nói với các ngài rằng Bodh Gaya là một địa điểm hết sức đặc biệt, nó thật thiêng liêng đối với tất cả các Phật tử, và nếu ta nói chúng ta tụ họp ở đây để dự Nyingma Monlam nhưng ta lại ăn thịt thì đây là một điều đáng hổ thẹn và là một sỉ nhục to lớn nhất đối với Phật Giáo. Tôi nói từ giờ trở đi họ nên bỏ hẳn món thịt trong Nyingma Monlam. Ngay cả những Lạt ma và tu sĩ Tây tạng cũng ăn thịt! Thật xấu hổ biết bao nếu ngay cả các Lạt ma cũng không thể từ bỏ thịt! Trước tiên các Lạt ma nên cam kết là những người ăn chay trường. Nếu các Lạt ma trở thành người ăn chay thì quý vị có thể nói với các cư sĩ. Khi ấy quý vị cũng nên thuyết phục các tu sĩ trở thành người ăn chay. Nếu những người tu hành hiểu biết nhiều mà lại ăn thịt thì làm thế nào ta có thể trông chờ ở quần chúng ít học, là những người chỉ biết đi theo sau giống như đàn cừu, trở thành người ăn chay?

Trước đây trong phái Sakya, ngài Sachen Kunga Nyingpo đã kiêng thịt và rượu. Từ đó trở đi dần dần trong phái Nyingma có ngài Ngari Pandita Pema Wangyal, một hiện thân của Vua Trisong Detsen. Ngài là người ăn chay trọn đời. Ngoài ra còn có Lạt ma không bộ phái Zhabkar Tsogdrug Rangdrol, ngài sinh ở Amdo và là một người ăn thịt rất nhiều, nhưng khi ngài tới Lhasa và thấy nhiều súc vật bị làm thịt trong lò sát sanh, ngài đã trở thành người ăn chay trong những ngày còn lại của đời ngài. Nhiều đệ tử của ngài cũng trở thành người ăn chay. Nhiều người khác – những hành giả trong phái Sakya, Geluk, Kagyud và Nyingma – đã làm như thế và trở thành người ăn chay.

Ở Kongpo, Gotsang Natsog Rangdrol bảo các tu sĩ kiêng thịt và rượu. Bởi các tu sĩ Kongpo Tsele Gon không tuân lệnh ngài, ngài giận họ và đi tới Gotsang Phug ở Kongpo hạ, và ở đó trong ẩn thất cô tịch trong 20-30 năm. Tránh không làm những ác hạnh như ăn thịt và uống rượu, ngài đã thành tựu chứng ngộ và nổi danh là Gotsang Natsog Rangdrol, một vị Thầy có đầy đủ phẩm tính cao cấp. Tương tự như thế, Nyagla Pema Dudul kiêng thịt và rượu. Ngài đã thiền định trong ẩn thất cô tịch trong 20-30 năm, không nhờ tới thực phẩm của người khác mà tự nuôi sống bằng tinh chất của đá và đất, và đã đạt được thân cầu vồng. Ngài nổi danh là “Pema Duddul thành tựu thân cầu vồng.” Ngài sống vào thời của Nyagke Gonpo Namgyal. Câu chuyện đã xảy ra như vậy.

Khi tôi ở Bhutan, đôi khi thịt được phục vụ trong những buổi lễ lớn hay những lễ cúng dường cho người quá cố. Việc sát sinh cho người quá cố này là một chướng ngại cho sự phát triển tâm linh của người chết và là một trở ngại trên con đường dẫn tới giải thoát. Điều đó không có lợi cho người quá cố.

Tất cả những người sống trong vùng Himalaya đều là Phật tử. Một vài Lạt ma Tamang và Sherpa là người vô minh. Vì muốn ăn thịt và uống rượu, họ nói rằng điều đó là cần thiết bởi họ là tín đồ của Guru Rinpoche, Ngài đã ăn thịt và uống rượu. Nhưng Guru Rinpoche đã hóa sinh một cách kỳ diệu chứ không như các Lạt ma đó sinh ra từ những cha mẹ trong loài người. Guru Rinpoche lừng danh là Đức Phật Thứ Hai. Vị Thầy của các Kinh điển là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và vị Thầy của các tantra (Mật điển) là Guru Rinpoche toàn trí, bậc đã tiên tri thật chính xác những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Kiêng thịt là một phương tiện để thế giới được hòa bình. Tôi đã từ bỏ thịt, và tôi cũng không dùng bánh ngọt vì nó có trứng. Ăn thịt và ăn trứng thì giống như nhau. Một quả trứng sẽ nở thành một con gà. Một con gà là một chúng sinh hữu tình. Ví dụ như không có gì khác biệt trong việc giết một bào thai chưa ra đời trong bụng một phụ nữ mang thai và việc giết một đứa trẻ sau khi nó được sinh ra; việc sát sinh đều là một ác hạnh. Đây là lý do tại sao tôi không ăn trứng.

Việc làm của các bạn không vô ích – nó rất hữu ích. Thông điệp này không chỉ dành cho Phật tử; mọi người có suy nghĩ và lập luận đều có thể hiểu được thông điệp này. Đặc biệt là tất cả những khoa học gia và bác sĩ uyên bác hãy suy nghĩ về điều này: hút thuốc lá và ăn thịt có lợi lạc gì không? Như một biểu thị của điều này, người hút thuốc và người không hút thuốc, ai sống thọ hơn? Người hút thuốc và người không hút thuốc, ai có nhiều bệnh tật hơn? Các bạn sinh viên đại học có thể nghĩ về tất cả những lý lẽ và tìm hiểu chúng. Tôi chỉ nói tiếng Tây Tạng; tôi không nói các ngôn ngữ khác, nhưng tôi đã nghiên cứu những giáo lý Luật ngoại và Kim cương thừa nội của Đức Phật. Đặc biệt là tôi từng nghiên cứu các tác phẩm Dzogchen (Đại Viên mãn) của nhiều học giả và yogi. Tất cả các ngài đều nói rằng việc kiêng thịt có lợi cho sự trường thọ.

Nếu tôi nghĩ về gia đình của tôi, chẳng có ai sống quá 60 tuổi; tất cả những thân quyến của tôi đã mất. Nhưng vì tôi rời bỏ quê hương và kiêng thịt và không hút thuốc, hiện nay tôi đã 93 tuổi. Tôi vẫn có thể đi bộ, ngồi và đi đó đây bằng xe hơi hay máy bay. Trước đây ít ngày tôi đã đi Lhakhang Gon ở Helambu, ở đó người ta đang xây mới một tu viện Sherpa.

Các bạn đã yêu cầu tôi nói về những lý do khiến tôi trở thành người ăn chay, và những gì tôi nói với các bạn có thể công bố cho mọi người biết. Những điều tôi nói với các bạn hoàn toàn là sự thật, không phải là điều dối trá. Nó được dựa trên Kinh điển Phật giáo, những giáo lý của các guru, và căn cứ trên kinh nghiệm của riêng tôi, chứ không dựa trên lời lẽ của một ít người tuyên bố mình là học giả.

Đó là lý do tại sao các bạn nên công bố thông điệp này. Tôi cũng rất hoan hỉ trước công đức của các bạn. Những hành động của các bạn chắc chắn là rất tốt lành. Các bạn nên tiếp tục cuộc vận động của các bạn để giáo dục các cư sĩ, và cả những tu sĩ nữa. Các bạn nên nói điều đó cho các Lạt ma và Tulku ngự trên ngai cao và nghĩ rằng mình thật quan trọng, và cũng nói với những người ở địa vị thấp kém nhất, nói với cộng đồng tu sĩ và cả với công chúng, với những người thế tục ở địa vị cao cấp có lương tri tự mình có thể suy luận và cũng nói với những người không có lương tri. Đây là những gì tôi phải nói. Các bạn đã yêu cầu lão già nhu nhược này nói, vì thế tôi đã nói cho các bạn nghe lời khuyên tâm huyết của tôi.

Thông điệp và lý lẽ này phải được công bố; không được che dấu điều gì trong thông điệp này.

Hồi hướng:

Cầu mong mọi chúng sinh đều được hạnh phúc.
Cầu mong mọi cõi thấp mãi mãi trống không,
Bất kỳ nơi đâu có các Bồ Tát,
Cầu mong lời nguyện này được thực hiện./.

Nguyên tác: “A Powerful Message by a Powerful Yogi” by Kyabje Chatral Rinpoche http://www.semchen.org/articles/chatral-rinpoche.htm
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

Chú thích:

(1). Monlam, cũng được gọi là Lễ Hội Cầu nguyện Vĩ đại của Phật Giáo Tây Tạng, từ ngày 4 tới 11 tháng 1 theo lịch Tây Tạng. Nyingma Monlam là Lễ hội Cầu nguyện Vĩ đại do phái Nyingma tổ chức.

Comments are closed.