Tiểu sử Đức Gaton Ngawang Lekpa Rinpoche

Khi đọc tiểu sử của những Đạo sư tâm linh Phật Giáo vĩ đại, ta thấy rất nhiều vị ngay từ khi còn nhỏ đã được xác nhận là Hóa Thân của những Đạo sư Phật Giáo nổi tiếng và chứng ngộ cao cấp. Đôi khi ta có thể có cảm tưởng rằng chúng ta không thể đạt được những thành tựu của các ngài. Ta có thể nghĩ rằng những Đạo sư này, là những tái sinh của các hành giả vĩ đại, đã đạt được những đỉnh cao của thành tựu tâm linh mà chúng ta chẳng bao giờ có thể chạm tới trong đời này. Tiểu sử của Gaton Ngawang Lekpa Rinpoche vĩ đại đã gây hứng khởi cho chúng ta, nhờ đó chúng ta tin vào những khả năng và sự nhẫn nại của mình, bởi cuộc đời ngài là một tấm gương sáng cho ta thấy làm thế nào một người sinh ra trong những hoàn cảnh bình thường đã đạt được tuyệt đỉnh của sự chứng ngộ tâm linh.

 Lekpa Rinpoche là một hành giả vĩ đại và là Đạo sư của Dezhung Rinpoche III (1906-1987), một Đạo sư cao cấp của truyền thống Sakya. Ngài sinh tại làng Dzinda thuộc tỉnh Kham, Tây Tạng vào năm Mộc Tí (1864) trong một gia đình bình thường. Ngài được nuôi dạy như bất kỳ đứa trẻ trung bình nào khác, không có những thuận lợi và của cải vật chất lớn lao. Thân phụ của ngài là Kunga Trakpa và thân mẫu là Lhamo Dronma. Khi mang thai ngài, mẹ ngài mơ thấy thân bà là một tu viện. Lhamo Dronma cũng có một linh kiến về vị bảo hộ Citipati nhảy múa kế bên hang động của Ngawang Shedrup Gyatso. Vị Thầy này nói với bà rằng Lekpa Rinpoche là hóa thân của Ngor Ewam Ponpop. Lạt ma Ngawang Shedrup rất thông thạo các thực hành Vajrayogini, đã dạy Lekpa Rinpoche đọc. Citipati, vị bảo hộ vĩ đại của Lekpa Rinpoche, đã xuất hiện. Trong giai đoạn này của cuộc đời ngài, mặc dù sống gần một tu viện của phái Drikung, Rinpoche luôn luôn trốn khỏi nhà và cố gắng đi tới tu viện Tharlam (1) ở cách đó khá xa. Năm lên bảy tuổi, ngài nhận những giới nguyện cư sĩ, những nhập môn Hevajra Nguyên nhân và Con Đường và Sarasvati Trắng từ Đạo sư Ngor Khenchen Dorje Chang Kunga Tenpa’i Lodro. Khi thọ giới cư sĩ ngài được ban pháp danh Tsultrim Gyaltsen. Vào lúc này Ngor Khenchen nói rằng trong đời trước Tsultrim Gyaltsen là một tulku của tu viện Tharlam. Việc xác nhận ngài là một Hóa Thân của Ngor Ewam (2) chỉ là thứ yếu. Không lâu sau đó vị Thầy linh thánh này qua đời. Năm lên chín tuổi, Rinpoche hoàn tất các khóa nhập thất Tara Trắng và Bhutadamara Vajrapani. Năm lên mười tuổi, ngài nhận lãnh đầy đủ nhập môn và những giáo huấn của Nara Khachodma. Từ mười hai tới mười sáu tuổi ngài được Oumsey Lodro Zangpo chăm sóc và đó là một giai đoạn khó khăn trong đời ngài. Năm mười sáu tuổi ngài nhận từ Kenpo Thutop Wangchug Jamyang Tenzin Thinley toàn bộ Bốn Dòng Mahakala trong thân tướng hai tay, bên ngoài, bên trong và bí mật. Sau khi thực hiện xong một khóa nhập thất ba tháng hoàn thành 100.000.000 thần chú ngắn và 6.400.000 thần chú dài, Rinpoche thực sự nhìn thấy Mahakala. Trong khóa nhập thất, torma cúng dường phát triển thành lông đen và dày giống như lông của một con bò yak, và dưới ánh nắng mặt trời chúng phản chiếu nhiều màu sắc khác nhau như một cầu vồng. Trong bản văn lịch sử Caturmukha Mahakala, torma phát triển thành lông đen là một dấu hiệu của việc đạt được những siddhi (thành tựu). Điều này cũng được tìm thấy trong những tiểu sử của nhiều Lạt ma vĩ đại. Bốn Dòng Mahakala là từ Vajrasana, Gyadhara, Mal Lotsawa, và Kashmiri Pandita Shakyashri. Từ Khenpo Thutop Wangchug ngài cũng nhận nhập môn và những giáo huấn rất rộng lớn của Naro Kachodma, việc đọc Kinh sách (lung) đối với Tuyển tập của Morchen, Yogini, và nhập môn Citipati, v.v..

 Năm mười tám tuổi, sau khi chứng kiến cảnh các thú vật bị làm thịt, ngài trở thành người ăn chay. Du hành tới Tu viện Ngor Ewam Choden, ngài ở đó hai năm, nhận từ Khangsar Khenpo Chetsun Ngawang Lodro Nyingpo ba nhập môn chuẩn bị Bhutadamara, Ushnishavijaya và Parnashavari. Sau đó ngài nhận lung (tụng đọc Kinh sách) Lamdre Tsoshe, Pod Ser, Pod Mar, Thartse Panchen Cho Chod, và nhập môn cùng các giáo huấn đối với Shri Caturmukha. Như tập quán tại tu viện Ngor Ewam, trong Lamdre này, Rinpoche thọ giới Tỳ Kheo và được ban Pháp danh Ngawang Lekpa. Từ lúc này cho tới cuối đời ngài triệt để giữ gìn giới luật thật hoàn hảo và không ăn sau giờ ngọ.

Sau đó, Rinpoche du hành tới Sakya, ở đó ngài nhận giáo huấn về Luật từ Rabjam Sherab Chophel, và “Ba Giới nguyện” của Sakya Pandita trước mặt Tu viện trưởng Lhakang Chenmo Champa Cho Tashi. Ngài nhận những sự ban phước từ Sakya Trizin Kunga Tashi. Trong mùa hè ngài nhận giáo lý Vajramala cùng với việc tụng đọc Kinh sách (lung).

Trở về Ngor, trước mặt Kunu Lama vĩ đại của Ngor là ngài Chogtrul Jamyang Sherab Gyatso, ngài nhận Lamdre thật chi tiết; “Ba Thị Kiến,” và “Ba Tantra” của Ngorchen Konchog Lhundrup và “Những Tia sáng Mặt trăng” của Ngorchen Kunga Zangpo, và “Tia sáng Mặt trời” của Tsarchen Losal Gyatso, Dòng Thành tựu Vương giả của Hevajra cùng những giáo huấn về Các Giai đoạn Phát triển và Thành tựu, cùng nhiều giáo lý khác; Tám Bổn Tôn Mahakala của truyền thống Ngor; việc tụng đọc Bodhicaryavatara (Bồ Tát Hạnh). Lekpa Rinpoche rất được ngưỡng mộ ở Ngor và khi tới lúc trở về Kham thì các Dharmapala (Hộ Pháp) làm cho ngài bị thương ở đầu gối khiến ngài không thể trở về.

Sau khi viếng thăm pho tượng Jowo ở Lhasa lần đầu tiên, Rinpoche trở về nhà tới tu viện Tharlam ở Kham và nhập thất Hevajra trong tám tháng. Sau đó, năm hai mươi mốt tuổi, ngài đi gặp Jamyang Khyentse Wangpo. Trên đường ngài viếng thăm Drolma Lhakang (chùa của những công chúa, con của các vị Vua Tây Tạng). Ở đó, ngài cúng dường đèn bơ thật thịnh soạn. Dùng tất cả tiền của mình, ngài cầu xin chư vị gia hộ cho ngài trong việc nghiên cứu và thành tựu giác ngộ. Lekpa Rinpoche không thể sắp xếp để được gặp Khyentse Rinpoche nhưng đã tham dự năm nhập môn do vị Thầy này ban cho và ngay lập tức bị ném ra ngoài tất cả năm lần. Với lòng sùng mộ Guru hoàn hảo, ngài coi những hành động của vị Thầy đều là những hành động giác ngộ và vượt lên những trói buộc của sự nhiễm ô sinh tử. Lekpa Rinpoche không giận dữ mà coi việc này như một sự tịnh hóa cần thiết cho nghiệp tiêu cực của ngài. Lekpa Rinpoche rất nhẫn nại và cuối cùng ngài đã nhận nhiều giáo lý từ Dzongsar Khenpo Yontan Dondrup; nhận Madhyamika (Trung Đạo) từ Minyak Khenpo Norbu Tenzin. Từ Tsering Tashi, thư ký của Khyentse Rinpoche, ngài nhận những giáo lý về văn phạm, thi ca v.v.. Ba vị Khenpo này nói với Khyentse Rinpoche về Lekpa Ngawang và sau đó khi Jamgong Kongtrul tới thỉnh cầu nhiều giáo lý thì Lekpa Rinpoche được phép tham dự - Khyentse Rinpoche ở trong ẩn thất từ năm 40 tới 73 tuổi. Lekpa Rinpoche cũng nhận 95 nhập môn và giáo huấn từ Kongtrul Rinpoche.

Với mục đích ban Lamdre (3), Ngor Khenpo Rinchen Dorje viếng thăm Tu viện Gigu cùng 173 vị sư. Lekpa Rinpoche giảng dạy ‘Mangtri’ và nhận Lamdre một lần nữa. Tại Tu viện Tharlam, ngài nhập thất ‘Yung Nas của Đức Avalokiteshvara (Quán Thế Âm) trong hai trăm ngày liên tiếp không gián đoạn. Trong một ít năm, do sự đòi hỏi của nhiều thỉnh cầu ‘shapten’ và những giáo lý nên việc nhập thất không thể tổ chức được. Trong thời gian này thân phụ ngài và nhiều Lạt ma gốc qua đời. Sau sự kiện này ngài ước muốn nhập thất Guruyoga Sakya Pandita Kunga Gyaltsen và đi tới chỗ ở của Khyentse Rinpoche, nhận được những giáo huấn. Lekpa Rinpoche có một giấc mơ trong đó Lama Nyika Dorje Chang mặc y màu đen ngồi giữa một mạn đà la, vây quanh là mười guru cũng mặc y đen. Nghe được điều này, để bảo vệ cho cuộc nhập thất không bị những chướng ngại, ngài Nyika Dorje Chang đã ban cho Rinpoche nhập môn Panjarnatha Mahakala.

Sau khi thân phụ ngài mất, Lekpa Rinpoche thực hiện một khóa nhập thất dài hạn từ năm 37 tới 52 tuổi, tập trung vào giáo lý “Con Đường và Quả”. Suốt thời gian này, cửa thất được đóng kín, chỉ chừa một lỗ nhỏ để đưa thực phẩm vào. Ngồi trong hộp thiền định, ngài nguyện không bao giờ nằm. Như một chuẩn bị cho các thiền định về “Con Đường và Quả”, Lekpa Rinpoche quyết định rằng trước hết ngài cần phát triển trí tuệ thích đáng. Để làm được điều này, ngài tụng 2.400.000 lời nguyện Quy y, lễ lạy Đạo sư vĩ đại Sakya Pandita (1182-1252) - hiện thân của Đức Phật Văn Thù – và tụng bài nguyện bốn dòng của Sakya Pandita 4.100.000 lần.

 “Với đôi mắt mở lớn tri giác mọi sự,
Và thành tựu một cách bi mẫn điều tốt lành của tất cả chúng sinh;
Có năng lực để thực hiện những công hạnh không thể nghĩ bàn.
Guru Manjunatha, con đảnh lễ dưới chân Ngài.”

 Trong thất, ngài cũng tụng 1.800.000 thần chú Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa) và chữa khỏi những vấn đề tiêu hóa trong khóa nhập thất. Đối với pháp Guru Yoga, một lần nữa với Sakya Pandita như một suối nguồn của sự sùng mộ, ngài đã tụng 2.500.000 lời nguyện guru yoga, cúng dường mạn đà la 1.000.000 lần. Đối với Mahakala, ngài tụng 10.000.000 thần chú ngắn và 2.200.000 thần chú dài. Đối với Đức Tara Xanh, ngài tụng 10.000.000 thần chú. Ngài cũng tụng 100.000.000 thần chú của Đức Avalokiteshvara. Ngài bỏ cả năm để thiền định về sự vô thường. Thêm vào đó, ngài cúng dường 700.000 chén nước và 1.500.000 ngọn đèn. Suốt thời gian nhập thất, ngài không cắt tóc.

Trong khóa nhập thất có nhiều giấc mộng và dấu hiệu tốt lành. Từ Lạt ma Nyika ngài mơ thấy được ban cho một tượng Đức Văn Thù bằng vàng, tượng trưng cho sự thấu suốt của ngài về Lamdre và tất cả những giáo lý của dòng Sakya, và được ban cho mực Tàu để biên soạn nhiều luận giảng. Từ Ngawang Shedrup Gyatso ngài được ban hột đầu tiên của một xâu chuỗi và một con mắt là biểu tượng của việc ngài là đệ tử xuất sắc. Một hôm, khi uống bảy viên thuốc Văn Thù, ngài mơ thấy được ban một hoa sen làm bằng ‘tsampa’ màu vàng, thần chú Văn Thù được viết trên khắp hoa sen. Sau khi ăn hoa sen này thì toàn thân ngài phủ đầy thần chú Văn Thù. Một lần khác, khi đang lễ lạy Sakya Pandita, từ miệng của vị Thầy này trên bức tranh ánh sáng tỏa ra tràn ngập gian phòng. Sau sự kiện này ngài cầu nguyện thật mãnh liệt và thấy những ngón tay trong bức tranh chuyển động. Sau này ngài không chỉ nhìn thấy những ngón tay chuyển động mà còn thấy bức hình trong tranh mỉm cười, đủ để ngài nhìn thấy những chiếc răng của Sakya Pandita. Những sự kiện này xảy ra tổng cộng ba lần. Một đêm, Lekpa Rinpoche mơ thấy Lama Namza Ritrupa. Vị Lạt ma vĩ đại được cho là hiện thân của Virupa (4) và đã tụng tổng cộng 26.000.000 thần chú dài của Hevajra. Trong giấc mơ, Lekpa Rinpoche đi tới nhà của vị Thầy này và gặp ngài ở cửa. Ritrupa mời Lekpa Rinpoche vào, mời Rinpoche ngự trên một chiếc ngai cao và cúng dường đủ thứ cho Rinpoche. Sau giấc mơ này, trong đời sống hàng ngày, Lekpa Rinpoche luôn luôn có tất cả những gì ngài cần. Giấc mơ này xảy ra trong lễ cúng dường mạn đà la. Rinpoche cũng mơ thấy mình cúng dường cho một bức tranh tường của Virupa tại Ngor Ewam; Ngài Virupa biến thành người thực và bảo ngài: “Pháp của ta sẽ không tồn tại lâu ở Tây Tạng.” Ngài cũng có nhiều giấc mơ về Năm Đạo sư Siêu việt và về Đức Jamyang Khyentse Wangpo. Lekpa Rinpoche cũng có thể quán tưởng rõ ràng tất cả 157 Bổn Tôn của mạn đà la thân bên trong của Hevajra, và tất cả những vị Thầy nói rằng hầu như không ai có thể quán tưởng điều đó hết sức rõ ràng như thế.

Khóa nhập thất kết thúc sau mười lăm năm. Lekpa Rinpoche ra khỏi thất. Tóc ngài phủ tới ngực và móng tay mọc rất dài. Bởi quá nhiều năm thiếu ánh nắng mặt trời, nước da ngài ngả sang màu xanh. Tuy nhiên, sự chứng ngộ cao vút của ngài bắt đầu hấp dẫn nhiều đệ tử và ngài được thừa nhận là một Đạo sư Phật Giáo có những chứng ngộ vô song. Lekpa Rinpoche sử dụng phần đời còn lại của mình để giảng dạy nhiều đệ tử và tham gia nhiều họat động làm lợi lạc vô số chúng sinh. Ngài trông nom việc xây dựng các đền chùa, stupa (tháp), các pho tượng và là Đạo sư của nhiều đệ tử mà sau này họ trở thành những Đạo sư vĩ đại. Vào lúc này Dezhung Rinpoche lên mười tuổi. Lekpa Rinpoche ban Drup Thab Kuntus và một năm sau ban Lamdre Lobshe. Sau đó ngài du hành tới Tu viện Dezhung, ban Lamdre và trải qua vài năm ở đó. Khi trở về Tharlam ngài bắt đầu dùng tất cả tiền bạc được cúng dường cho việc tái thiết Tu viện Tharlam. Ngài xây dựng một pho tượng Đức Phật bằng vàng cao ba tầng, bên phải là Đức Sakya Pandita và bên trái là Ngorchen Kunga Zangpo, cả hai đều bằng vàng và cao hai tầng. Ngài ban Lamdre Lopshe tất cả chín lần, bốn lần trong số đó được ban liên tục trong hai mươi ngày tại Tu viện Dezhung. Jamyang Khyetse Chokyi Lodro đã thọ nhận và hộ trì dòng Lamdre của Lekpa Rinpoche cùng với nhiều Lạt ma vĩ đại khác như Dezhung Ajam, Dezhung Lungrig Nyima và Phende Shabdrung Rinpoche. Lekpa Rinpoche đã ban nhập môn và những giáo lý viên mãn Naro Kachodma hai mươi hai lần, nhập môn và những giáo lý viên mãn Mahakala ‘Drag Dzong’ mười lần, Chín Bổn Tôn Vajrabhairava của Truyền thống Rwa và những giáo lý của Rwa Tse Sems tám lần, Mười Ba Bổn Tôn Bhairava của truyền thống Tsar ba lần, Tara Trắng Cintacakra tám lần và ‘Drup Thab Kuntus’ một lần. Những giáo lý này được ban dạy hết sức cặn kẽ trong những cơ hội tốt lành.

Lekpa Rinpoche cũng cảm thấy có một mối liên hệ sâu xa với Đức Avalokiteshvara. Thậm chí có lần ngài bật khóc khi đọc “Mani Kabum”, một bản văn về Đức Avalokiteshvara. Mỗi ngày ngài tụng ít nhất 5000 ‘mani’ (Thần chú Sáu Âm) “OM MANI PADME HUM” của Đức Avalokiteshvara. Ngài thường tụng chậm rãi nhưng phát âm hết sức rõ ràng. Các đệ tử của ngài đã lập nguyện tụng 5.000 Thần chú Sáu Âm mỗi ngày trong đời họ. Ngài ban cho mỗi người trong số đệ tử này một viên thuốc ‘mani’ đặc biệt. Mãi cho tới ngày Dezhung Rinpoche viên tịch - vị Thầy này cũng đã hứa nguyện – Dezhung Rinpoche vẫn tiếp tục tụng 5.000 ‘mani’ mỗi ngày.

 Trong lịch sử, năm Lạt ma vĩ đại nhất mang lại sự hứng khởi cho Lekpa Rinpoche là Sakya Pandita, Ngorchen Kunga Zangpo, Rabjam Kunga Yeshe, Gyalse Thogmed và Milarepa. Bản văn ngài ưa thích nhất là Bodhicaryavatara (Bồ Tát Hạnh).

Vào một lúc nào đó trong đời, Lekpa Rinpoche muốn lại tái sinh làm một tu sĩ Sakya để giúp cho truyền thống Sakya nở rộ trong xứ Tây Tạng. Tuy nhiên, bằng sự thấu thị, ngài thấy rằng trong thời gian không lâu Tây Tạng sẽ bị xâm chiếm và các tu viện Sakya sẽ bị phá hủy. Thấy rằng việc trở lại như một tu sĩ Sakya không có lợi lạc, Lekpa Rinpoche quyết định đi tới cõi Sukhavati, cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà. Lekpa Rinpoche đã dạy các đệ tử rằng muốn tái sinh vào cõi Tịnh Độ của Đức A Di Đà thì phải hội đủ bốn điều kiện. Trước tiên, phải có Bồ Đề tâm, động lực muốn thành Phật để giải thoát tất cả chúng sinh khỏi nỗi khổ của họ. Thứ hai, cần phải dấn mình vào việc tích tập công đức và trí tuệ. Thứ ba, phải thường xuyên ghi khắc trong tâm hình ảnh của Đức Phật A Di Đà và cõi Tịnh Độ của Ngài. Cuối cùng, cần phải liên tục cầu nguyện được tái sinh vào cõi Tịnh Độ.

Buổi sáng ngày Lekpa Rinpoche thị tịch, trước hết ngài tụng những lời cầu nguyện như thường lệ và những thực hành thiền định. Lekpa Rinpoche có nhiều viên thuốc của Khyentse Rinpoche, Kongtrul, v.v.. và của Guru Rinpoche, Đức Manjushri (Văn Thù) v.v.. Ngài trộn chung tất cả những viên thuốc này vào một chiếc bình và cầu nguyện được tái sinh trong Cõi Phật Sukhavati và thị tịch nhanh chóng. Ngài biểu lộ vẻ đau bệnh trầm trọng và di chuyển tới phòng của Dezhung Rinpoche ngay bên ngoài tu viện. Vào thời điểm đó Dezhung Rinpoche không có ở nhà. Một bức hình Đức Phật A Di Đà được đặt trước mặt ngài. Lekpa Rinpoche dùng vài viên thuốc ban phước và chăm chú nhìn bức họa Đức Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc. Ngài bảo những người ở xung quanh rằng ngài sắp thị tịch. Ngài bảo mọi người ra ngoài, ngoại trừ Khenpo Ngawang Rinchen. Nghĩ rằng ngài sắp mất, Ngawang Rinchen bắt đầu khóc, nhưng Lekpa Rinpoche bảo ông là không cần phải khóc, bởi ngài sắp tái sinh trong Cõi Cực Lạc, chứ không vào cõi địa ngục “là nơi có lý do để khóc.”

Ngài tụng lời nguyện được tái sinh vào cõi Tịnh Độ. Ngồi thẳng lưng, Lekpa Rinpoche tụng một chuỗi OM MANI PADME HUM trước khi ngừng lại và đi vào thiền định. Thân ngài giật ba lần, và người ta nghe thấy một âm thanh ‘hic’ yếu ớt. Lekpa Rinpoche đã thị tịch, hoàn toàn tự chủ trong trạng thái thiền định. Việc thị tịch của ngài là một lời giảng dạy rằng với thực hành tâm linh, ta cũng có thể hoàn toàn làm chủ và kiểm soát được cái chết, và sẽ có thể ra đi một cách bình an, thoải mái, và làm chủ được sự tái sinh kế tiếp của ta.

Thân ngài được giữ gìn trong ba ngày theo phong tục Phật Giáo, và sau đó được trà tỳ. Những nghi lễ lửa của nhiều Bổn Tôn khác nhau được cử hành và một stupa được xây dựng để thờ tro cốt của ngài. Những vật dụng còn lại của ngài được ban tặng cho các tu sĩ của nhiều tu viện. Nhiều món trong số những vật phẩm tôn giáo cá nhân của ngài được để lại cho Dezhung Rinpoche Lungrig Nyima, là đệ tử đã sống cạnh Lekpa Rinpoche từ khi lên mười cho tới ba mươi tuổi.

Lekpa Rinpoche cũng để lại một lá thư cho Dezhung Rinpoche, người kế nhiệm và đệ tử thân thiết nhất của ngài. Trong lá thư này, ngài bảo Dezhung Rinpoche làm điều thiện, tránh làm điều ác, và tụng thần chú OM MANI PADME HUM của Đức Avalokiteshvara.

Lekpa Rinpoche là một trong những Đạo sư vĩ đại nhất mà Phật Giáo từng sản sinh được. Cuộc đời của ngài là một nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta, và chỉ cho ta thấy rằng chúng ta chắc chắn đạt được giác ngộ và sự thành tựu tâm linh viên mãn với điều kiện là ta quyết chí đặt mọi nỗ lực cần thiết vào việc tu hành./.


Chú thích:

- (1) Tu viện Tharlam: Lúc ban đầu tu viện Tharlam được xây dựng ở miền Đông Tây Tạng vào năm 1436 và bị phá hủy năm 1959. Dezhung Rinpoche đã xây dựng lại tu viện 500 tuổi này tại một địa điểm mới tại Kathmandu, Nepal.

- (2) Ngor Ewam: Tu viện chính của Phái Ngor ở Tỉnh Tsang, Tây Tạng. Hiện nay Ngor Ewam thứ hai được thiết lập ở Manduwala, U.P. Ấn Độ.

- (3) Lamdre: (Con Đường và Quả) – giáo lý cốt tủy của đại thành tựu giả Virupa giới thiệu một khuôn mẫu để đạt được Giác ngộ dựa trên Hevajra Tantra, giáo lý siêu việt của Phái Sakya.

- (4) Virupa: Pháp Vương của Yoga (TT: nal jor wang chug), một trong 84 đại thành tựu giả kiệt xuất nhất của Ấn Độ. Sống vào thế kỷ thứ 8 tại Ấn Độ, ngài nổi tiếng trong việc giảng dạy những giáo khóa Hevajra Tantra, Vajrayogini và Rakta Yamari.

Thanh Liên biên dịch theo các bài:
- “Ngawang Lekpa Rinpoche - Biography (1864 - 1941)”
http://mypage.direct.ca/w/wattj/jw/lekpa-1.htm
- “Gaton Ngawang Lekpa Rinpoche”
http://www.thekchencholing.org/index.php?option=com_content&task=view&id=69&Itemid=49

Comments are closed.